Người Việt xem livestream bán hàng 37 triệu giờ/năm

Các công ty giao hàng tận dụng lòng lề đường vắng để phân chia hàng hóa cho khách hàng – Ảnh: Tuổi Trẻ

Kết quả nghiên cứu của một sàn thương mại điện tử vừa công bố cho biết năm 2022, người Việt dành 37 triệu giờ để xem trang này livestream bán hàng.

Báo cáo dự đoán nền kinh tế số Việt Nam năm 2023 do Shopee (một trong ba sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam) công bố hôm 14 Tháng Hai 2023 cho biết người Việt có ba xu hướng tiêu dùng chính: Tăng cường sử dụng và thông thạo dịch vụ số; Người tiêu dùng ở các tỉnh thành nhỏ gia tăng mua hàng qua mạng; Người trẻ mua hàng qua mạng chiếm đa số.

Với xu hướng 1, không chỉ tăng cường sử dụng và thông thạo dịch vụ số, người Việt cũng chủ động hơn khi mua sắm trực tuyến, thể hiện qua việc tích cực chia sẻ các phản hồi cũng như đánh giá về sản phẩm đã mua (có đến hơn 268 triệu đánh giá về sản phẩm và nhà bán hàng trên nền tảng này), giúp người khác tham khảo và cân nhắc.

Xu hướng 2 là ngoài các đô thị Sài Gòn, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng có số lượng đặt hàng cao nhất trên nền tảng này, người dùng ở khu vực ngoại thành, nông thôn ở các tỉnh thành nhỏ ngày càng quen thuộc với việc đặt hàng trực tuyến và đã làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng người dùng lần đầu tiên sử dụng ShopeePay vào năm 2022 đã tăng 1.5 lần so với năm 2021. Bên cạnh việc mua sắm, người dùng tại các tỉnh thành nhỏ cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng nền tảng số cho các nhu cầu khác như gọi đồ ăn, thức uống trực tuyến. Chẳng hạn như khu vực Hội An (tỉnh Quảng Nam), số lượng người dùng ShopeeFood năm 2022 đã tăng gấp đôi so với năm trước.

Người Việt xem livestream bán hàng 37 triệu giờ/năm

Xu hướng 3 là người trẻ trong độ tuổi từ 18 – 34 chiếm đa số, với số lượng đơn hàng nhiều hơn 1.5 lần so với lượng đơn hàng trung bình trong năm 2022. Giới trẻ Việt quan tâm chủ yếu đến các ngành hàng: Sức khỏe và sắc đẹp, thời trang, điện tử và đồ gia dụng. Trong đó các sản phẩm chăm sóc da, thời trang nữ, điện thoại thông minh và phụ kiện được đặt mua nhiều nhất.

Shopee cũng dự báo trong năm 2023, xu hướng tiêu dùng số của người Việt Nam sẽ càng được mở rộng hơn, vì theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Hãng tin này còn nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có thể cán mốc $39 tỷ vào năm 2025.

Bên cạnh con số lạc quan của Shopee về số người tham gia xem livestream bán hàng trên nền tảng này, mặt trái của hành vi mua sắm nhanh này là tỷ lệ hàng trả về hoặc đơn hàng bị hủy khá cao.

Theo khảo sát của Người Lao Động ngày 27 Tháng Giêng 2023, đầu năm 2023, tài khoản Norin Phạm trên TikTok đã lập kỷ lục livestream bán hàng liên tục trong 24 tiếng đồng hồ, với những con số ấn tượng: Hơn 5.1 triệu lượt người xem, hơn 75,000 đơn hàng được chốt với hơn 76,000 sản phẩm được bán ra. Hay như một thương hiệu nổi tiếng về nông sản Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã livestream bán hàng quà tết trong 2 tiếng đồng hồ, doanh thu 1 tỷ đồng ($41,981).

Tại sự kiện của ngành marketing cuối năm 2022, đại diện TikTok Việt Nam – nền tảng thu hút người dùng Việt xem livestream bán hàng – cho biết ý tưởng của của TikTok là bán hàng cho những người không có nhu cầu. Ý tưởng này dựa vào con số người dùng trên TikTok ở Việt Nam mỗi ngày dành ra 50 triệu giờ xem video, chưa kể xem livestream.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), livestream bán hàng đang tăng trưởng nóng nhưng đi kèm là tỷ lệ hàng bị trả lại khoảng 30%, nhất là hình thức thanh toán phổ biến là COD (nhận hàng mới trả tiền). Ông Tấn cho rằng mỗi đơn bị hoàn lỗ từ 30,000 – 50,000 đồng ($1.26-$2.10) do chi phí vận chuyển hai chiều, chi phí đóng gói, chưa kể hàng hóa bị hư hỏng và đây là “ác mộng” của người bán vì nếu không khéo quản lý thì sẽ bị lỗ.

Người Lao Động cũng dẫn câu chuyện của một người chồng (ông xã của một hoa hậu doanh nhân) đã “tố” tật xấu của vợ là nghiện mua sắm online, nguyên văn: “Cô ấy mua sắm đủ thứ, nhiều nhất là quần áo. Đi làm thì thôi chứ về nhà là coi livestream rồi “chốt đơn, chốt đơn”. Shipper đến giao hàng mà chóng mặt. Rồi sau đó cô ấy lại livestream thanh lý đồ đã mua. Rất nhiều món đồ mua 1- 2 triệu đồng ($42-$85) còn nguyên đai nguyên kiện khi thanh lý chỉ 80,000 – 90,000 đồng ($3.3-$3.7). Vợ ơi! Anh mong em bớt mua đồ online lại!”.

Chung quanh nhà tôi, có một bà hàng xóm cũng nghiện mua quần áo online, sau đó về mở ra không thích lại đem đi rao bán tùm lum với giá phân nửa, vì ở Việt Nam nếu muốn hủy đơn hàng thì khi hàng giao đến từ chối không nhận, chứ đã nhận rồi thì chỉ có nước đem bán rẻ hoặc làm quà biếu, không có kiểu mặc chán (với nguyên tem) rồi sau đó vài tháng đem đến shop trả lại giống như ở Hoa Kỳ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: