Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Đầu tư hơn 3,400 tỷ mới biết ‘dự án không khả thi’

Nhà máy Bột giấy Phương Nam “đắp chiếu”, rao bán 4 lần nhưng không ai mua, giờ xin bán thanh lý – Ảnh: VietnamNet

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) thực hiện năm 2003. Năm 2014 ngưng dự án, và đến nay Bộ Công Thương đề xuất bán thanh lý tài sản vì dự án thua lỗ, không thể khắc phục được.

Đây là dự án khó xử lý nhất trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam hiện không khả thi do không còn vùng nguyên liệu. Trước đây, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá bốn lần, nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia, thế nên Bộ đề nghị chính phủ “áp dụng cơ chế đặc thù” để xóa sổ nhà máy này.

Nếu được áp dụng “cơ chế đặc thù” này, thì không ai bị khép tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cả, dù họ đã “đốt” hơn 3,410 tỷ đồng tiền thuế của người dân.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát thưc tế dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, ngày 26 Tháng Ba, 2023 – Ảnh: SGGP

Hiện nay nhiều chủ nợ đang tiến hành khởi kiện chủ đầu tư là Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), dù họ biết lấy lại tiền là điều cực kỳ khó. Tính đến năm 2020, tổng số nợ đã vượt hơn 4,000 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt, thì tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Bộ Công thương cho biết thêm chi tiết về dự án này như sau:

– Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư vào tháng 10-2003 với số vốn hơn 1,487 tỷ đồng, quy mô 100,000 tấn bột giấy/năm.

– Tháng 11-2007, TRACODI điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2,287 tỷ đồng.

– Tháng 6-2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển giao chủ đầu tư dự án từ TRACODI sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) do chủ đầu tư gặp khó khăn. Tổng số vốn TRACODI đã thực hiện đầu tư vào dự án là trên 2,000 tỷ đồng.

– Tháng 6-2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải, nhưng không thành công. VINAPACO tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3,410 tỷ đồng và tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không vận hành được. Nhà máy “đắp chiếu” từ đó cho tới nay.

12 dự án thua lỗ của ngành công thương

Tính đến nay, 12 dự án của ngành công thương nợ hơn 63,300 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 26,300 tỷ đồng. Các dự án thua lỗ của ngành công thương gồm:

  1. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng.
  2. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai.
  3. Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình.
  4. Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc.
  5. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên;
  6. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất.
  7. Dự án nhà máy thép Việt Trung.
  8. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
  9. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất.
  10. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
  11. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
  12. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: