Một nữ du khách Việt 65 tuổi quê Pleiku, tỉnh Gia Lai đã thiệt mạng ở tháp Trầm Hương, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó, bà đứng chụp hình gần ngay chỗ vòm cổng tháp Trầm Hương, nơi có các bậc cấp lên xuống nối với quảng trường Hai Tháng Tư và bị trượt chân, té ngửa xuống sân quảng trường lúc 15 giờ chiều 15 Tháng Tư, chết tại chỗ. Bà đến Nha Trang du lịch cùng gia đình.
Chỗ bà trượt té có độ cao 5 bậc thang mới được xây dựng thêm, sau khi tháp được sửa chữa hồi Tháng Chín 2022 và hoàn thành đầu năm 2023 với kinh phí 11 tỷ đồng ($468,284). Tháp này nằm trên đường Trần Phú, phố chính của Nha Trang, ở giữa quảng trường Hai Tháng Tư, được nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa gọi là “biểu tượng của tỉnh Khánh Hòa”.
Tuy nhiên, dân Nha Trang lại cho rằng công trình này chả đáng là biểu tượng của thành phố, không hiểu xây để làm gì vì vừa xấu vừa che chắn tầm nhìn ra biển.
Nhiều bạn đọc là dân Nha Trang đã bình luận dưới bài viết của Vnexpress thông tin việc sửa chữa hồi Tháng Tư 2022 như sau: Người Nha Trang chưa từng xem cái tháp này là biểu tượng. Xấu quá (Hoàng CL); Tháp xấu đau, đề tài tranh cãi một thời. Nó chẳng biểu tượng cho cái gì cả (thahuong100563); Tôi là người dân ở ngay trung tâm đây. Thật sự cái tháp Trầm Hương và bảo tàng Khánh Hòa mỗi dịp lễ, Tết các vị căng băng rôn quảng cáo đủ kiểu nhưng bên trong không có cái gì để xem, cửa đóng then cài, buồn cho văn hóa, nghệ thuật của Khánh Hòa (Khang); Nhìn như tháp xá lợi vậy (Chu nguyen Jason); Có ai thấy đẹp không? Tôi thì không (blknemesis98); Tôi là dân Nha Trang, nhưng tôi thấy xấu hổ vì cái tháp này, đừng gọi nó là biểu tượng của Nha Trang. Nên đập bỏ hẳn luôn cho đẹp. Đừng để tốn tiền vô lý sau mười mấy năm, về lại tốn tiền tiếp (Nguyen Tan Phong); Tháp Trầm hương không xứng tầm với Nha Trang nói riêng, Khánh hòa nói chung hiện tại và tương lai. Các nhà kiến trúc sư, lãnh đạo tỉnh nên xây mới là tốt nhất (ttytkv08); Tôi là người dân Nha Trang và ở đây họ gọi cái tên thân thương hơn là cái Nhang. Hy vọng là xây mới hơn là sửa chữa (Vương Nguyên); Tôi đã ở Nha Trang 20 năm, từ khi xây dựng tháp này đến nay, chưa từng ghé thăm lần nào, một phần vì nó chẳng ấn tượng gì. Ngạc nhiên khi người ta đặt cho nó cái danh hiệu “biểu tượng” của Nha Trang (ngocson08101980); Bờ biển khúc này đã hẹp lại xây thêm tháp che lấp cảnh quan xinh đẹp của biển, thật không hợp chút nào. Nếu được, nên đập bỏ đi để bãi biển và quảng trường 2 tháng 4 thông thoáng hơn, đẹp hơn (duyle.ntct); Nên đập bỏ cho thoáng vì che hết tầm nhìn ra biển. Quá xấu, nhìn không thẩm mỹ. Không nên cải tạo lại, tốn kém (Lan); Ủng hộ phá bỏ, cục mịch, không ra sao cả, lại rất tốn diện tích và chắn tầm nhìn (dangson148); Tôi làm hướng dẫn viên, du khách trong và ngoài nước mỗi lần đi ngang qua hay hỏi tôi, cái búp măng gì vậy? Kakakaa (Bảo).
Dân Nha Trang không thích và phản đối ngay từ đầu “cái biểu tượng” này nhưng tỉnh vẫn quyết định làm, có lẽ vì thế mà lịch sử của tháp Trầm Hương không hề suôn sẻ.
Khởi đầu, nơi này vốn là đài liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa được xây dựng sau năm 1975. Tháng Mười Một 2004, tỉnh Khánh Hòa quyết định dùng ngân sách nhà nước (gần 11 tỷ đồng, thời đó trị giá khoảng $700,000) xây dựng “công trình nghệ thuật, biểu tượng Hoa Biển”, thay thế cho tượng đài liệt sĩ bị dời đi chỗ khác. Ngay từ lúc đó, dự án này đã nhận sự phản đối của người dân. Sau khi khởi công, đang xây dựng Hoa Biển đến tầng thứ 4 (theo thiết kế đến 9 tầng, cao 36m, tức 118 feet), chủ dự án lại đề nghị tỉnh tăng vốn cho công trình lên đến hơn 18.3 tỷ đồng ($1,1 triệu) nhưng không được chấp thuận. Sau đó, theo kết luận của Tỉnh ủy Khánh Hòa (Tháng Giêng 2006) là công trình có nhiều sai phạm trong xây dựng, Ủy ban tỉnh… “đá” công trình đang xây dang dở cho công ty Vinpearl tiếp tục sửa chữa, đổi lại bên trong các tầng tháp, hai công ty Vinpearl và An Viên sẽ được trưng bày sản phẩm và có hình ảnh quảng cáo.
Thời đó, công trình được đề nghị đổi tên thành “Lộc Biển” nhưng cuối cùng tên tháp Trầm Hương được chọn. Gần cuối năm 2009, sau khi tháp Trầm Hương hoàn thành, tỉnh làm tấm bia ghi tên hơn 12,000 liệt sĩ hy sinh tại Khánh Hòa để thờ cúng tại tầng trên cùng, thứ 4. Các tầng còn lại giao cho công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý, khai thác như tổ chức triển lãm, phục vụ kinh doanh các sản phẩm yến sào, mỹ nghệ, bán vé máy bay…
Sau 14 năm xây dựng, viện cớ nhiều hạng mục đã hư hỏng, tháp Trầm Hương lại được Ủy ban tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện sửa chữa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ đồng ($468,284), do công ty Yến Sào Khánh Hòa tài trợ và làm chủ đầu tư.
Tháng Mười Một 2022, biện hộ cho việc duy tu, sửa chữa cái tháp này trước sự phản đối của dư luận, Sở Văn hóa và Thể Thao của tỉnh cho rằng “đây sẽ là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và là điểm đến về văn hóa tâm linh, nơi giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của con người, vùng đất Khánh Hòa và các sản vật đặc trưng của tỉnh như yến sào, trầm hương”.
Sở phác họa: Tầng trệt là nơi giới thiệu về lịch sử đảng bộ tỉnh và giới thiệu đặc trưng về văn hóa, con người tỉnh Khánh Hòa như lễ hội cầu ngư, festival biển Nha Trang, tháp Bà Ponagar; ba tầng tiếp theo sẽ giới thiệu sản phẩm yến sào và trầm hương, không mua bán; tầng 4 là nơi thờ các liệt sĩ đã hy sinh; tầng 5 bỏ không, cấm du khách lên xuống? Bên ngoài tháp Trầm Hương sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa.
Sau khi hoàn thành đầu năm 2023, một trong các hạng mục mới của khu tháp Trầm Hương là lối ra vào có các vòm cổng màu trắng, cách điệu theo hình ảnh tháp Bà Ponagar, giữa lối đi có nhiều phiến đá, còn bên dưới có 5 bậc thang.
Về việc nữ du khách thiệt mạng khi té ngửa xuống sân quảng trường từ các phiến đá mới được làm thêm dưới mái vòm trắng, truyền thông trong nước không dám có nhận định. Tuy nhiên, đọc bình luận của bạn đọc có thể hé lộ đôi điều. Bạn đọc Coc của báo Tuổi Trẻ bình luận (chiếm số lượt yêu thích nhiều nhất, 86): “Bậc tam cấp ngoài trời không nên làm bằng đá granite trơn trợt khi có nước, nên làm bằng đá chẻ, đá nhám, gạch nhám”. Bình, một bạn đọc khác cũng đã đến đây và nhận xét: “Bậc thang hơi cao đối với người lớn tuổi nên tôi đi một lần thấy mỏi, đau chân và lần sau chỉ đi đường bên lề và nhìn lên không dám đi nữa”.
Thật là một công trình vô bổ, ngốn tiền ngân sách để chia chác. Và từ giờ trở đi, có thể nói tháp Trầm Hương đúng là “cái Nhang” như tên mà người dân Nha Trang đặt, vì đã có người chết tại đây.