Nhiều thanh niên Việt bị phạt số tiền lớn vì trốn nghĩa vụ quân sự

Tiễn con đi nghĩa vụ quân sự, buồn hơn vui. Tham gia quân đội thời bình mà sao phụ huynh lại tìm cách tránh né cho con? – Ảnh: Vnexpress

Mùa nhập ngũ năm nay, nhiều thanh niên Việt Nam bị phạt số tiền lớn vì trốn nghĩa vụ quân sự.

VietnamPlus ngày 23 Tháng Hai 2023 đưa tin UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa ra quyết định xử phạt hai thanh niên 97 triệu đồng ($4,076). Đó là Phạm Khắc Huy (19 tuổi, ngụ thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bị phạt 35 triệu đồng ($1,470), Nguyễn Lê Hoàng Nam (23 tuổi, ngụ phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi) bị phạt 62.5 triệu đồng ($2,626), với lý do cả hai vắng mặt trong lễ giao nhận quân của địa phương.

Cũng trong ngày 23 Tháng Hai, Vnexpress đưa tin sáu thanh niên ở huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã bị phạt tổng cộng 374 triệu đồng ($15,717), mức phạt mỗi người 62.5 triệu đồng ($2,626), vì những người này đã “trúng tuyển” nghĩa vụ quân sự, được trao tận tay lệnh gọi nhập ngũ và quân trang, song vắng mặt vào ngày giao quân 6 Tháng Hai.

VietnamNet ngày 14 Tháng Hai 2023 gọi thẳng thừng hai thanh niên ở huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh vắng mặt trong lễ giao nhận quân của địa phương là “ trốn nghĩa vụ quân sự”. Mỗi người bị phạt 62,5 triệu đồng ($2,626).

Tất cả số thanh niên kể trên đều đã tham gia khám sức khỏe tại địa phương, được chứng nhận đủ sức khỏe và “trúng tuyển” nhưng sau đó đều đi khỏi địa phương trước ngày trình diện nhập ngũ. Ngoài số tiền phải nộp, số thanh niên kể trên vẫn phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Thời hạn thi hành lệnh phạt từ nay đến kỳ giao nhận quân của địa phương vào đầu năm 2024.

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 của Việt Nam, độ tuổi gọi thanh niên  nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 25. Công dân đang học cao đẳng, đại học được tạm hoãn thì độ tuổi nhập ngũ kéo dài đến hết 27.

Điều 7 Nghị định 37/2022 quy định công dân không có mặt đúng thời gian và địa điểm  ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng ($1,260-$1,681); có hành vi gian dối nhằm trốn nhập ngũ sau khi khám tuyển sức khỏe bị phạt 40-50 triệu đồng ($1,681-$2,101); không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ hai trường hợp nêu trên bị phạt 50-75 triệu đồng ($2,101-$3,151). Biện pháp khắc phục hậu quả với cả ba trường hợp là “buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự” vào năm tiếp theo.

Theo luật Việt Nam, có 12 trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự – Ảnh chụp màn hình

Ngày 4 Tháng Giêng 2023, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) còn xử phạt 29 thanh niên vì hành vi “không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe… mà không có lý do chính đáng”, mỗi người bị phạt nộp 11 triệu đồng ($462).

Đọc tin xử phạt (tiền) thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, có thể thấy “phong trào trốn nghĩa vụ quân sự” ở Việt Nam đang lan rộng ở nhiều tỉnh/thành xa xôi, chứ không chỉ ở thành thị. Tại sao việc thanh niên từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ quân sự 2 năm theo luật Việt Nam lại khiến người ta tìm mọi cách lảng tránh?

Đối với các tỉnh/thành nghèo trên, số tiền phải nộp phạt vì trốn nghĩa vụ quân sự hoặc trốn khám sức khỏe là rất lớn, nên chắc chắn phải có lý do nào đó để số thanh niên đó đột ngột biến mất khỏi quê nhà trước ngày nhập ngũ. Với số nhà khá giả, thường họ sẽ tìm cách trốn khác là cho con đi du học, đi lao động ngoại quốc; số khác thì lo lót tiền cho cán bộ tại địa phương để họ không đưa tên con mình vào danh sách. Số ít khác, đường cùng thì đành phạm pháp để “cứu con”.

Chẳng hạn hồi cuối Tháng Chín 2019, vợ chồng ông Nguyễn Đức An (ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông) bị khởi tố vì đã thuê người làm giấy tờ giả mạo bệnh viện xác nhận con trai ông bà bị tai nạn giao thông để xin hoãn nghĩa vụ quân sự. Trước đó, vợ chồng ông An đã lo lót cho một cán bộ xã 12 triệu đồng ($504) để cán bộ này không ghi tên con trai của ông bà vào danh sách khám sức khỏe trước khi nhập ngũ.

Khi việc lo lót không có kết quả, ông bà An thuê người làm giả giấy tờ con trai đang bị tai nạn giao thông bị gãy xương đòn, dập xương bánh chè đang nằm tại bệnh viện Bưu điện TP.HCM.

Một lần đi xe ôm công nghệ mới đây, ông tài xế trên 50 tuổi nói với tôi là phải làm kiếm tiền để lo cho thằng con trai lớn vào đại học. Rồi ông than: Mà nó không thích học mới khổ chứ, nó bảo tôi thích đi làm kiếm tiền hơn. – Vậy sao ông bắt nó đi học làm gì, uổng tiền không? – 18 tuổi đi làm để bị bắt đi nghĩa vụ sao? Thà lo cho nó vào đại học, trường tư cũng được, coi như được tạm hoãn vài năm, về sau tính tiếp.

Con người bạn là sinh viên năm cuối ĐH nói với tôi: Đứa nào lông bông, không đi học, không đi làm mới bị đi nghĩa vụ. Còn mới ra trường, đang đi làm mà bị bắt đi nghĩa vụ là xui lắm, do không biết đường lo lót.

Theo luật Việt Nam, có 12 trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự – Ảnh chụp màn hình

“Không biết đường” nghĩa là phụ huynh giao tiền nhầm người, sau đó con mình vẫn có giấy mời đi khám sức khỏe. Lúc nhận được giấy này là coi như hết trốn, muốn “gỡ” thì tiền lo lót phải cao hơn mà vẫn không có gì chắc chắn vì chỉ nhận được lời hứa. Còn khi con cái lỡ trúng tuyển thì phụ huynh phải tìm người lo lót để con được đóng quân gần nhà, trong thời gian 2 năm có người “bảo kê” chỉ làm việc nhẹ, không lo bị bắt nạt.

Cháu còn bảo với tôi giờ thanh niên có hình xăm trên người, bị tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị)..… vẫn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự như thường (nhiều năm trước được miễn). Vì thế, nhà cầm quyền thành phố đang cần nguồn kinh phí từ 9- 10 tỷ đồng ($378,230 – $420,256) mỗi năm để phẫu thuật chữa tật khúc xạ miễn phí cho 300 – 400 thanh niên nhập ngũ.

Theo Thanh Niên ngày 2 Tháng Hai 2023, trong phiên họp của UBND TPHCM, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết bệnh viện Mắt thành phố sẵn sàng giảm 30% chi phí phẫu thuật tật khúc xạ cho thanh niên tham gia quân đội và công an, nhưng phải có nguồn tài trợ 70% còn lại, nghĩa là cần 9 – 10 tỷ đồng ($378,230 – $420,256) .

Năm 2023, Sài Gòn được giao chỉ tiêu gọi 4,739 công dân nam tham gia quân đội và công an, gồm 3,800 thanh niên tham gia quân đội và 939 thanh niên tham gia công an, bên cạnh đó Quân khu 7 giao thành phố phải tuyển chọn ba công dân nữ tham gia quân đội. Truyền thông trong nước không nói rõ tại sao Quân khu 7 cần ba công dân nữ tham gia quân đội để làm gì.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: