“Niềm vui” của Bộ Ngoại giao Việt Nam

Hộ chiếu Việt Nam (ảnh: Thanh Niên)

Khi dư luận tiếp tục nguyền rủa những kẻ ác nhân và những trò lố của vở bi hài kịch trong phiên toà xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” thì Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo “tin vui về hộ chiếu Việt Nam”, cho biết tấm hộ chiếu Việt Nam bây giờ có thể tới 55 vùng lãnh thổ trên thế giới mà không phải xin visa. Xếp hạng chỉ số hộ chiếu Hanley Passport Index của Việt Nam tăng thêm được 10 bậc so với năm 2022 và hiện ở thứ hạng 82/199.

Có vẻ như Bộ Ngoại giao Việt Nam muốn nhân cơ hội này tạo “sự kiện” cho đỡ “muối mặt” vì là cơ quan tai tiếng nhất trong vụ án đang bị xét xử. Trong vụ “Chuyến bay giải cứu”, Bộ Ngoại giao nhiệt tình “góp mặt” với một thứ trưởng, một cục trưởng, một cục phó và nhiều đại sứ quán liên quan. Đó là chưa nói đến cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Theo bà phát ngôn viên Phạm Thu Hằng của Bộ này, “Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới đây, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đề nghị xem xét việc đơn giản thủ tục cung cấp thị thực hoặc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam vào các nước đối tác. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương, đi lại, tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước”.

Nghe thì cứ tưởng Bộ Ngoại giao đã rất nỗ lực để “tạo điều kiện thuận lợi cho công dân” trong việc đi lại giao thương dễ dàng giữa các nước hơn. Thế nhưng, kỳ thực ra trong suốt 10 năm qua, xếp hạng Hanley Passport Index của tấm hộ chiếu Việt Nam loay hoay quanh quẩn ở từ vị trí 82 xuống 90. Hiện tại, hộ chiếu Việt Nam vẫn là một trong những tấm hộ chiếu ít quyền lực nhất thế giới, thấp hơn cả Campuchia, thua xa Thái Lan hoặc Malaysia và chỉ hơn Lào, Myamar mà thôi.

Passport Index là chỉ số giúp cho biết việc đi lại tự do của công dân sở hữu tấm hộ chiếu của quốc gia đó có thể đi tới bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần xin thị thực từ trước, trong 199 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các bạn có thể truy cập website để biết hộ chiếu Việt Nam có thể đi được những đâu mà không phải xin visa hoặc được chấp thuận làm visa tại sân bay, visa điện tử. Theo bảng xếp hạng của website này thì hộ chiếu Việt Nam đang đứng thứ 75/199, cùng với các quốc gia mà có lẽ chẳng mấy người biết vị trí ở đâu trên quả địa cầu.

Hiện thời, hộ chiếu Việt Nam có thể đi được 69 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm 24 quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực và 45 nơi sẽ cấp thị thực tại sân bay trong tổng số 199 quốc gia trên thế giới.

Các điểm đến miễn thị thực cho hộ chiếu Việt Nam:

Quần đảo Cook, Micronesia, Niue, Barbados, Haiti, Saint Vincent & Grenadines, Singapore, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Chile, Ecuador, Panama, Dominica…

Các điểm đến cấp visa on arrival: Quần đảo Marshall, quần đảo Palau, Samoa, Tuvalu, Iran, Kuwait, St Lucia, Maldives, Nepal, Tajikistan, Đông Timor, Bolivia, quần đảo Cape Verde, quần đảo Comoro, Guinea-Bissau, Kenya, Madagascar, Malawi, Mauritania, Mauritius, Mozambique, Namibia, Rwanda, Senegal, Seychelles, Sierra Leone, Somalia, Tanzania, Togo, Uganda, Zambia.

Các điểm đến chấp nhận ETA (Electronic Travel Authorization): Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka. Ngoài ra, Algeria, Afghanistan, Mông Cổ, Nicaragua, Romania và Cuba là những nước cấp thị thực cho người Việt có hộ chiếu còn hạn và không thu lệ phí.

Thông tin mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tới, cũng như nội dung mà truyền thông trong nước đưa tin như tờ baochinhphu.vn là đề cập đến chỉ số Henley Passport Power (HPP). Đây có thể coi như chỉ số “thương hiệu quốc gia”, không chỉ phản ảnh sức mạnh mềm mà còn mang nhiều ý nghĩa khác cho thấy “địa vị” và uy tín quốc gia được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế.

Không hẳn một cường quốc kinh tế thì có HPP cao hơn một quốc đảo nhỏ. Passport Index của đại cường kinh tế Trung Quốc chỉ đứng ở vị trí 61 và chỉ có 84 quốc gia, vùng lãnh thổ miễn thị thực cho hộ chiếu Trung Quốc. Trong khi đó, có những quốc gia nhỏ với nền kinh tế khiêm tốn lại có Passport Index cao hơn, như Moldova, Bahrain, Macao, Mauritius… Ở Châu Á thì Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất khu vực, vượt xa Trung Quốc đại lục.

Quay trở lại với hộ chiếu Việt Nam hiện tại. Dường như đây là câu chuyện buồn nhiều hơn vui. Đã có thời người Việt cầm hộ chiếu Việt Nam Cộng Hòa có thể ngửng cao đầu đi ra thế giới và được nhiều nước, kể cả Âu-Mỹ, đón chào. Sau “giải phóng”, Việt Nam trở thành quốc gia cộng sản bị cô lập thời gian dài. Phải mất hơn hai thập niên sau 1975, Việt Nam mới tìm lại được con đường “tái hội nhập” với thế giới; tuy nhiên, “vị thế quốc gia” của Việt Nam cộng sản, qua Passport Index, vẫn tiếp tục rất “khiêm tốn”, sau hơn nửa thế kỷ!

Trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực cho Việt Nam, phần lớn là các quốc gia trong ASEAN, nơi vốn có hiệp định miễn thị thực trong khu vực từ lâu. Ngoài vài quốc đảo, một số quốc gia Trung Á và một số nước cùng chia sẻ ít nhiều hệ tư tưởng cộng sản như Cuba, Tajikistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Chile thì những nước miễn thị thực cho Việt Nam chỉ là những quốc gia châu Phi nghèo đói và nội chiến liên miên – nơi mà có lẽ không mấy ai trong chúng ta nghĩ rằng tới đó nghỉ mát hoặc tìm kiếm cơ hội làm ăn…

Người Việt hôm nay đi nước ngoài bằng tấm hộ chiếu phổ thông “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thật ra chẳng hãnh diện gì và chẳng có gì để hãnh diện. Những “thương hiệu” nổi bật của Việt Nam “trên trường thế giới” là giáo dục tồi tệ, tham nhũng tràn lan, nhân quyền bị chà đạp, tự do báo chí đứng hạng bét, hành chính công nhũng nhiễu; và là một quốc gia mà Bộ Ngoại giao luôn khép nép bày tỏ “cực lực phản đối” hơn là có chính sách cụ thể mạnh mẽ trước những diễn đàn đối đầu Trung Quốc…

Thế thì cầm hộ chiếu Việt Nam có gì mà vui? Ở một quốc gia có những công dân, như trường hợp gần đây xảy ra với ông Nguyễn Quang A hoặc luật sư Võ An Đôn, bị làm khó không được phép xuất cảnh, thì việc cầm cái hộ chiếu Việt Nam vui nỗi gì? Xem ra niềm vui của Bộ Ngoại giao Việt Nam rất đáng thương. Một chuyện nhỏ như con thỏ mà cũng “vui” thì Bộ Ngoại giao Việt Nam không chỉ quá thiếu thốn niềm vui mà còn quá ít điều để họ có thể thật sự hãnh diện cho đất nước mà họ là bộ mặt đại diện.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: