Niên khóa 2022-2023, Việt Nam có 9,300 giáo viên bỏ việc

Giáo viên tiểu học ở Việt Nam hiện đang thiếu, tuyển không đủ, đã vậy còn bỏ việc – Ảnh Báo Đầu Tư

Niên khóa 2022-2023, Việt Nam có hơn 19,300 giáo viên nghỉ hưu và bỏ việc, trong số này, 9,300 giáo viên bỏ việc.

Báo Đầu Tư ngày 23 Tháng Bảy dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục cho biết. Đặc biệt, thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non, chiếm trên 40%.

Chính vì giáo viên nghỉ việc nhiều, hiện Việt Nam đang thiếu 118,253 giáo viên. Chưa kể, tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Giáo viên thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy các môn học mới ở tiểu học như Tiếng Anh, Tin Học, Âm Nhạc, Mỹ Thuật.

Còn cấp học thiếu nhiều giáo viên nhất bậc mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) và cấp tiểu học.

Cấp mầm non ước tính cần tăng thêm 5,500 giáo viên, vì số trẻ em đến trường mầm non niên khóa 2022-2023 tăng thêm 132,245 em.

Cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học hai buổi/ngày niên khóa 2022 – 2023 tăng 4.6% so với năm học trước (tương đương tăng 10,811 lớp học 2 buổi/ngày), cần tăng thêm 3,000 giáo viên. Cấp trung học phổ thông tăng 669 lớp so với niên khóa trước, cần tăng thêm khoảng 1,500 giáo viên.

Tính đến hết niên khóa 2022-2023, tổng số giáo viên các cấp là 1,234,124 người, tăng gần 72,000 người so với niên khóa trước. Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế cho lao động ngành giáo dục được giao bổ sung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung 65,980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 là 27,850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, đầu Tháng Năm 2023, theo Bộ Giáo dục, các địa phương mới tuyển được hơn một nửa số này.

Thế mà nghịch lý thay, theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế ngành giáo dục. Vì thế, dù được giao biên chế, nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, vì “nhỡ tuyển rồi phải giảm biên chế thì trừ vào ai?”.

Như thế, vấn đề ở đây là, tuyển dụng và tinh giản biên chế, việc nào cần được ưu tiên thực hiện trước? Điều này, liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục chưa thống nhất được.

Giáo viên bỏ việc không chỉ vì đồng lương thấp mà còn vì bị áp lực về thành tích, bảng điểm, sổ sách, báo cáo… làm cho họ mệt mỏi – Ảnh: VnExpress

VnExpress ngày 14 Tháng Bảy 2023 cho biết 14 tỉnh, thành ở miền Trung được giao tuyển hơn 6,500 giáo viên mới, nhưng sau một năm chỉ tuyển được gần 70%, tức 4,530 giáo viên. Trong đó, mầm non và tiểu học đông nhất với hơn 3,300 giáo viên, còn lại là giáo viên trung học.

Ngoài ra, cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu. Như ở tỉnh Quảng Trị, ở cấp 2, các môn Ngữ Văn, Toán, Khoa Học Tự Nhiên thừa giáo viên; các môn Nghệ Thuật, Lịch Sử, Địa Lý, Thể Chất, Ngoại Ngữ, Giáo Dục Công Dân, Tin học… lại thiếu nhiều.

Do đó, các trường thường bố trí giáo viên Văn dạy thêm Giáo Dục Công Dân, giáo viên nhóm Toán dạy thêm môn Công Nghệ, Tin Học.

Đối với cấp 3, nhóm các môn bắt buộc đều thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên cấp 3 (trung học phổ thông) còn thiếu ở tỉnh này là hơn 300 người.

Giải thích việc không tuyển dụng đủ giáo viên, các tỉnh cho rằng chính sách sử dụng, đãi ngộ nhà giáo còn một số bất cập, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ.

Ngày 14 Tháng Mười Một 2022, Tuổi Trẻ đặt vấn đề giáo viên nghỉ việc nhiều, ngoài lý do tiền lương thấp, các quy định trong ngành khiến giáo viên mất nhiều thời gian làm sổ sách, báo cáo, áp lực thành tích, bảng điểm… thì còn có lý do giá trị của người thầy hiện nay không còn như xưa, nghề giáo bị xã hội và học sinh xem thường.

Độc giả Tuổi Trẻ cho rằng hãy nhìn đạo đức của giới trẻ ngày càng xuống cấp (thực dụng, đòi hỏi giáo viên phải nổi tiếng, vừa dạy hay, vừa phải đẹp, đứng lớp phải mặc đẹp) và sự đối xử của phụ huynh đối với giáo viên (phụ huynh đánh thầy, phụ huynh dùng đồng tiền và quyền chức để ép buộc thầy cô phải cho điểm con cao), nhưng các cấp lãnh đạo ngành giáo dục… chưa đủ uy tín bảo vệ người thầy nên giáo viên nghỉ việc nhiều là đương nhiên.

Tôn sư trọng đạo hay “Tiên học lễ, hậu học văn” giờ chỉ là khẩu hiệu của ngành giáo dục Việt Nam – Ảnh: Tuổi Trẻ

VOV ngày 10 Tháng Mười Một 2022 cũng phỏng vấn một chuyên viên giáo dục là thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương. Ông cho biết trước kia từng là một giảng viên của một trường đại học top đầu Việt Nam nhưng hiện đã bỏ việc để chuyển sang làm biên tập viên, viết sách, bán sách và truyền cảm hứng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ông Vương thừa nhận, việc từ bỏ vị trí giảng viên đại học công lập một phần vì thu nhập không tương xứng, nhưng điều quan trọng nhất là ông đã tìm được việc làm mới phát huy được trình độ, kiến thức và mang lại cho bản thân nhiều niềm vui hơn.

Quan sát công việc giáo viên hiện nay, anh Vương nhận thấy, giáo viên đang phải làm nhiều công việc không hợp lý, trong đó có cả việc đi bán một số dịch vụ trong trường học để thu tiền hoặc áp lực sổ sách, thi đua quá lớn…

Khi giáo viên phải làm những công việc không chính đáng, không thoải mái, thì sẽ bào mòn động lực làm việc của họ. Ông bộc bạch: “Nghề giáo bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Người thầy chỉ có thể dạy tốt khi họ cảm thấy hạnh phúc, một sự bình an trong tâm hồn. Còn nếu mất đi cảm giác hạnh phúc khi lên lớp thì người thầy sẽ ngày càng cảm thấy mỏi mệt”.

Rõ là cách quản lý của ngành giáo dục Việt Nam với áp lực về thành tích, bảng điểm, sổ sách… đã làm nhiều người thầy mệt mỏi đến mức rời bỏ nghề ngay khi có thể.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: