Do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, một số lô hàng ớt đỏ khô của Việt Nam bị Hàn Quốc trả về.
Tiền Phong ngày 28 Tháng Sáu dẫn nguồn tin từ văn phòng SPS (văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp) cho biết, phía Hàn Quốc vừa thông báo một số lô hàng ớt đỏ khô của công ty Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) trong các mẫu ớt dao động từ 0.02 – 0.04 mg/kg, vượt quá cho phép của Hàn Quốc là 0.01 mg/kg.
Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô từ công ty Long Thành, đang được các công ty Hàn Quốc là công ty Geosan, công ty Yangil (Seoul) và công ty Bokine (Daejeon) phân phối.
Khi có thông báo từ phía Hàn Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp) đề nghị công ty Long Thành (tỉnh Hải Dương) điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, đồng thời rà soát hồ sơ, quy trình sản xuất và xuất cảng của công ty, thực hiện các hành động khắc phục, ngăn chặn tái diễn.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Chi cục Kiểm dịch Thực vật tỉnh Hải Dương thực hiện giám sát hoạt động trong chuỗi quản lý của công ty Long Thành, sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm hoặc tạm dừng nhập cảng sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam.
Tuổi Trẻ ngày 27 Tháng Sáu cũng khẳng định Hàn Quốc không cấm nhập cảng ớt đỏ khô từ Việt Nam mà chỉ thu hồi sản phẩm vi phạm và cho biết ớt khô là nông sản Việt có giá trị xuất cảng lớn sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, Việt Nam xuất cảng 4,900 tấn ớt, kim ngạch đạt khoảng $11.9 triệu.
Trước đó, hồi Tháng Mười 2021, công ty Vinamex Group đã tự kiểm tra chất lượng lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ Hoàng xuất cảng sang Bỉ và nhận ra lô hàng có mức dư lượng thuốc trừ sâu tricyclazole là 0.017 mg/kg, vượt quá ngưỡng quy định của EU trong khi mức dư lượng tối đa cho phép chỉ là 0.01 mg/kg. Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi, đề nghị khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền.
Hồi Tháng Bảy 2022, cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy đã cấm lưu hành lô hàng gạo nhập từ Việt Nam do có dư lượng thuốc trừ sâu gốc hexaconazole và tricyclazole vượt quá định mức cho phép.
Tuy vậy, ở Việt Nam, tricyclazole là hoạt chất được Bộ Nông nghiệp cho phép sử dụng, với ít nhất 70 tên thương phẩm đang được kinh doanh, lưu hành!
Cũng trong Tháng Bảy 2022, các nước châu Âu là Đức, Ba Lan, Malta cũng gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền và bánh phở nhập cảng từ Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của công ty Á Châu (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của công ty Vifon (quận Tân Phú, Sài Gòn) và đã trả lại lô hàng. Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia và xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép, nên đã giám sát và thu hồi sản phẩm.