Phận đời ngư dân như sóng biển lênh đênh…

Tàu đánh cá của ngư dân Việt. (Hình: Biên Phòng VN)

Trước sự bố ráp ngày một khốc liệt của nhà cầm CSVN, những người hoạt động tự do dân chủ-nhân quyền đa phần phải chọn giải pháp tạm lưu lạc khắp nơi để lánh nạn. Với tôi, Sài Gòn luôn là mảnh đất tôi chọn hễ khi bị cơ quan an ninh tại quê nhà gây áp lực, căng thẳng.

Vào một chiều Tháng Tám năm 2024, sau khoảng một giờ lang thang trên những con đường thuộc khu Bàu Cát, Quận Tân Bình, tôi tấp vào quán nhậu vỉa hè, tính uống một lon bia Sài Gòn giải mát rồi về lại phòng trọ. Bất ngờ tôi gặp lại anh Hòa (tên nhân vật được thay đổi vì lý do an ninh), một ngư dân quê quán ở xã Nghĩa An-TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, ngồi một mình nơi chiếc bàn được chủ đặt sát vách tường của trung tâm thể thao.

Đây là lần thứ hai tôi và anh Hòa gặp nhau, ở hai nơi khác nhau. Ban đầu tôi ngờ ngợ chưa nhớ ra bản thân có quen anh hay không, sau hồi anh nhắc lại là vào Tháng Tám 2019, tôi có về làng chài xã Nghĩa An làm phóng sự cuộc sống của bà con nơi đây, lúc ấy anh Hòa là người giới thiệu nhân vật cho tôi phỏng vấn.

Câu chuyện được anh Hòa khơi gợi, tôi mới sực nhớ ra. Kéo ghế ngồi chung bàn với anh, tôi hỏi:

-Sao anh lại vào đây?  Vào đây có việc gì hả?

Anh đáp:

-Anh vào Sài Gòn kiếm việc làm gần hai năm nay rồi.

Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp:

-Ủa anh bỏ nghề đi biển rồi hả? Em nhớ hồi ấy, đúng là bà con cùng nghề gặp rất nhiều khó khăn nhưng riêng anh thì em thấy ổn, vì ngoài nghề chính đi biển anh còn có việc làm thêm ở xã bên, thu nhập ngày ba bữa không khó nên không đến nỗi gánh nặng cho vợ con.

Anh Hòa than thở:

-Dịch xong (đại dịch COVID-19), không có việc gì để làm, nợ dí quá nên anh chạy vào đây làm phụ hồ, ngày 400 ngàn và chủ bao ăn ở vì đi theo công trình.

Tôi thở nhẹ bởi trong hoàn cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay, có việc làm để kiếm cái ăn qua ngày như anh Hòa cũng là một may mắn.

Làng chài Nghĩa An quê anh khá nổi tiếng, không chỉ nơi đây có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu bậc nhất Việt Nam, mà còn mệnh danh là “làng chài tỷ phú” nhưng vì một quyết định thiếu kỹ lưỡng nên phút chốc trở thành nơi tiêu điều, tràn ngập “bão nợ” và đói khổ…

Thời gian 2014 trở về trước, toàn xã có gần 20,000 người sinh sống mà có đến gần 1,000 chiếc tàu đánh bắt, ngư trường trải dài từ vịnh Bắc Bộ xuống đến Trường Sa. Thời điểm ấy, công việc đánh bắt có lãi, trung bình mỗi chuyến đi về bà con thu nhập từ trăm triệu đồng cho đến mấy trăm triệu đồng, tích lũy cả năm cũng được tiền tỷ. Cuộc sống khấm khá, bà con xây nhà mua đất, sắm xe cộ, tích trữ vàng bạc… thời hoàng kim được mệnh danh là “làng chài tỷ phú.”

Bước sang năm 2014, hưởng ứng lời kêu gọi đánh bắt xa của Chính Phủ CSVN về một số chính sách phát triển thủy sản, bà con xã Nghĩa An ngoài việc bỏ tiền túi thì đi vay thêm tiền ngân hàng để đóng tàu lớn, nâng cấp máy móc từ công suất khoảng mấy trăm CV lên hơn 1,300CV một cách ồ ạt, nhiều gia đình còn đóng hơn một cặp tàu giã cào (khoảng mấy tỷ đồng). Bước ngoặt từ đây…

Vài chuyến đầu ra khơi với con tàu mới, thu nhập về kha khá, bà con phấn khởi nên càng mạnh tay hơn nữa trong việc vay tiền ngân hàng để gia tăng trang bị cho tàu thuyền. Và rồi cuối năm 2015, những chuyến “đi có về không” bắt đầu xuất hiện, rồi sau đó thường xuyên hơn. Nguyên nhân là việc gia tăng lượng đánh bắt dẫn đến nguồn hải sản sớm cạn kiệt, đồng thời việc đánh bắt xa bờ phải cạnh tranh gay gắt lẫn nguy hiểm với tàu nước bạn như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia… còn đánh bắt gần bờ thì bị lực lượng kiểm ngư bắt phạt.

Liên tục thua lỗ dẫn đến việc ngư dân chán biển, nhiều chủ tàu cho tàu neo đậu tại bờ hàng tháng trời không tu bổ nên chóng hư hỏng. Khó khăn chồng chất khó khăn, cả ngàn hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, ngân hàng siết nợ, nhiều trường hợp phải vay nợ xã hội đen để cầm cự việc đánh bắt hòng chờ những chuyến ra khơi may mắn sẽ trả được nợ nhưng không thành.  Xã “tỷ phú” Nghĩa An phút chốc trở thành nơi tiêu điều, chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già ở lại, rất nhiều thanh niên số chạy trốn nợ, số phải tha phương cầu thực.

Trở lại câu chuyện giữa tôi và anh Hòa tại Sài Gòn, anh tâm sự thêm, hồi gặp tôi ở xã Nghĩa An vào năm 2019, lúc ấy cuộc sống tuy khó khăn nhưng anh vẫn kiếm được tiền trả lãi nợ ngân hàng. Sau dịch COVID-19, cuộc sống càng khó khăn hơn, việc làm thêm cũng không có, nên anh phải vay thêm nợ xã hội đen để trang trải gia đình, ngày nào chậm trả nợ thì chủ nợ tới nhà hoạch họe, đe dọa chịu không thấu nên anh phải bỏ lại vợ và ba đứa con ở quê, trốn vào Sài Gòn.

Tôi hỏi anh, vậy chắc giờ cuộc sống anh cũng đã tạm ổn? Anh lắc đầu, kinh tế đang suy thoái, người dân các nơi đổ về Sài Gòn kiếm việc làm khá nhiều nên công việc phụ hồ của anh giờ cũng không ổn định. Hiện anh nghỉ làm phụ hồ, thông qua giới thiệu từ người bạn (bạn phụ hồ, trước đây có thời gian đi biển) nên anh được giới thiệu công việc đi biển, ở Bạc Liêu.

Nghe anh Hòa nói được mối lái nghề đi biển, tôi mừng, vì dù sao đây cũng là nghề chính từ bao đời nay của gia đình anh và cũng của bản thân anh. Tuy nhiên, do thời gian gần đây, báo đài phản ánh rất nhiều trường hợp các chủ tàu bạo hành dã man các bạn tàu trên biển, nên tôi có chút lo lắng.

Tôi kể cho anh nghe vụ hai ngư dân Trương Văn Trung và Lê Văn Bình là bạn tàu (ngư dân làm thuê, thuyền viên) trên chiếc tàu mang biển số BT 97993 do ông Nguyễn Công Toàn ở Cà Mau làm chủ tàu. Vào Tháng  Giêng 2022, do ông Trung và ông Bình không làm được việc nên bị ông Toàn để cho những bạn tàu khác đánh đập, hành hạ với những hình thức dùng cuốc, xẻng đánh vào đầu, đánh gãy xương sườn, dùng kìm bẽ răng, bấm vào bộ phận sinh dục… như thời trung cổ, thương tích giám định là 48%.

Và thêm một câu chuyện xảy ra vào hồi Tháng Bảy 2024, chị Mỹ Minh sinh sống ở Sài Gòn tìm đến cơ quan chức năng để nhờ giải cứu người cháu là anh L., 22 tuổi, ở Bình Phước, xuống Kiên Giang đi biển, bị bạn thuyền đánh đập nhiều lần do làm việc không quen. Chủ tàu đòi tiền chuộc 40 triệu đồng mới cho anh L. về nhà. Lợi dụng lúc bạn tàu và chủ tàu không chú ý, anh L. đã dùng điện thoại gọi về nhà cầu cứu.

Tôi khuyên anh Hòa suy nghĩ kỹ trước khi xuống Bạc Liêu theo tàu đi biển. Anh bình thản nói như trấn an lại tôi rằng, bị đánh đập thường là những người không làm được việc, còn anh sống bằng nghề đi biển từ nhỏ, nên chắc không bị vấn đề gì, vả lại có đi biển mới may ra kiếm đủ tiền trả nợ, chứ bám ở đất Sài Gòn phụ hồ hoài thì với đồng lương đó chỉ đủ nuôi bản thân, biết bao giờ mới trả được nợ để về lại với vợ con.

Nguồn hải sản tại các ngư trường của Việt Nam giảm rất nhiều, ngư dân không còn mặn mà với biển nên nhiều nơi khan hiếm nguồn lao động đi biển. Việc anh Hòa quyết định xuống Bạc Liêu để trở lại nghề biển hẳn không đến nỗi bi đát. Tôi cũng tin rằng, anh sẽ không rơi vào trường hợp bị bạn tàu đánh đập, hành hạ. Cuộc nói chuyện giữa tôi và anh kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ và kết thúc khi có người bạn của anh đến.

Chào mọi người để ra về, chuyện của anh Hòa khiến cho tôi có gì đó chạnh lòng, trên mảnh đất hình chữ “S” Việt Nam thân thương này, người dân nói chung và ngư dân nói riêng sao lại khổ cực đến vậy? Không sống được với nghề đã đành, mà còn phải tha phương cầu thực khắp nơi để nuôi hy vọng cho ngày mai được tốt đẹp hơn.

Đúng là, phận đời ngư dân như sóng biển lênh đênh…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: