Đầu năm học đã thu mỗi em học sinh 200,000 đồng ($8.5) tiền cơ sở vật chất, đến cuối năm, một trường tiểu học ở Thanh Hóa lại vận động phụ huynh đóng tiếp 600,000 đồng ($25).
Số tiền trên được nhà trường cho hay là dùng để sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất, “chuẩn bị sự kiện đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2”.
Do phụ huynh phản ứng, thanh tra Sở giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã phải làm việc với ban giám hiệu trường này, đó là trường tiểu học Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa.
Ông Trần Văn Thức, giám đốc Sở giáo dục, xác nhận thông tin với VnExpress và cho biết chủ trương của trường Hoằng Thanh chưa được phòng Giáo dục huyện Hoằng Hóa phê duyệt, phụ huynh chưa đồng thuận, nên trường phải dừng thu và trả tiền lại cho số phụ huynh đã đóng.
Số là hồi giữa Tháng Tư, phụ huynh trường Hoằng Thanh nhận được thông báo của trường vận động mỗi học sinh đóng 600,000 đồng để sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất, mục đích là để trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
Công trình dự kiến tu sửa bao gồm lan can an toàn tầng 2-3; mái che nhà vệ sinh; bảng biểu cho 17 phòng chức năng và mái che khu bán trú. Tổng dự toán thu của hơn 1,000 học sinh khoảng 600 triệu đồng ($25,578).
Khi phụ huynh phản ứng thì nhà trường chia làm hai đợt đóng góp, đợt một đóng ngay 300,000 đồng ($12.7), số còn lại sẽ đóng vào đầu năm học mới.
Phụ huynh tiếp tục phản đối vì đầu năm họ đã phải đóng 200,000 đồng tiền cơ sở vật chất/học sinh, giờ đóng tiếp 600,000 đồng nữa, vị chi 800,000 đồng tiền cơ sở vật chất/học sinh ($34) cho một niên học, quá cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Nhà nào có hai đứa con học ở trường này thì số tiền đóng gấp đôi, một khoản chi quá sức của họ.
Bà Trần Thị Lan, hiệu trưởng trường tiểu học Hoằng Thanh, nói trường mới xây dựng kế hoạch, chưa được phòng Giáo dục phê duyệt nên chưa thu. Tuy nhiên, có 16 phụ huynh đã nộp tiền nên trường sẽ trả lại.
Các trường học công lập từ Nam chí Bắc ở Việt Nam hiện nay thường lạm dụng cái gọi “vận động xã hội hóa” để đẻ ra nhiều khoản thu đầu năm học như tiền cơ sở vật chất, tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền trang thiết bị cho lớp học….làm phụ huynh nghèo khốn khổ khi cho con đi học. Chỉ cần chậm đóng thì con của họ sẽ bị thầy cô đối xử phân biệt.
Hồi Tháng Hai 2023, trường trung học phổ thông Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (Sài Gòn) cũng phải trả lại 715 triệu đồng ($30,480) cho ban đại diện phụ huynh học sinh do vận động xã hội hóa sai quy định, sau khi thanh tra Sở kiểm tra và ra lệnh trả lại.
Theo quy định của Bộ giáo dục, các trường học được vận động, tiếp nhận tài trợ để cải tạo, sửa chữa xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục. Song, việc này phải được lấy ý kiến, được cấp quản lý phê duyệt và thực hiện trên tinh thần tự nguyện, minh bạch, không cào bằng hay quy định mức đóng góp tối thiểu.
Còn từ Tháng Mười 2022, Sở giáo dục thành phố (Sài Gòn) đã ra văn bản yêu cầu các trường chấn chỉnh công tác quản lý thu đầu năm học, nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa ban đại diện phụ huynh học sinh để thu các khoản ngoài quy định.
Thế nhưng, ai có con đi học trường công lập cũng ngậm ngùi với các khoản thu “lách luật” của nhà trường, bởi không hề có giáo dục miễn phí và y tế miễn phí ở đất nước này.