Phủ nhận triều đại nhà Nguyễn nhưng lại quan tâm đến cổ vật của vua triều Nguyễn

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (trái) và ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn tại văn phòng hãng Millon – Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp

Hôm 13 Tháng Hai 2023, truyền thông trong nước đưa tin một người Việt đã hoàn tất hợp đồng mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ nhà đấu giá Pháp với giá 6.1 triệu Euro. 

Sau những bài viết đầy tính sĩ diện như “Đàm phán thành công hồi hương ấn vàng của vua Minh Mạng”; “Cục Di sản: ‘Huy động mọi nguồn lực hồi hương ấn vàng”; “Tìm cách “hồi hương” ấn vàng của vua Minh Mạng”… thì cuối cùng người mua là một tư nhân. Đó là ông Nguyễn Thế Hồng, một thương gia, Chủ tịch Hội sưu tầm-nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc, chủ nhân bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Theo Lao Động, ông Hồng đã “chủ động tìm hiểu và thương lượng để mua lại chiếc ấn vàng” từ nhà đấu giá Millon của Pháp.

Trong bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng của ông Hồng có nhiều cổ vật đồng, gốm, sứ, trong đó có chiếc thạp đồng Văn hóa Đông Sơn niên đại cách nay 2,200 – 2,300 năm (thế kỷ III – II trước Công nguyên), được công nhận là bảo vật quốc gia hồi Tháng Giêng 2023. 

Rõ là một tư nhân mua, nhưng bài viết trên báo Vnexpress viết: “ông Nguyễn Thế Hồng chi kinh phí để đàm phán và hồi hương ấn vàng, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam”; còn báo Lao Động ghi: “Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã hỗ trợ trong suốt quá trình ông Hồng thương lượng và mua thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” để đưa bảo vật hồi hương”. Cả hai báo đều không cho biết khi về nước (dự tính Tháng Tư 2023) thì bảo vật đó sẽ được trưng bày ở đâu, công chúng được tham quan miễn phí hay phải trả phí?

Ấn Hoàng đế chi bảo – Ảnh: Millon

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” (báu vật của hoàng đế) là một con dấu dưới thời vua Minh Mạng (ra đời 15 Tháng Ba 1823) có quai hình rồng cuốn hai tầng, kích thước 13.8×13.7cm (5.4 inches x 5.3 inches), cao 10.4cm (0.43 feet), làm bằng vàng 10 tuổi, nặng hơn 10kg (22pounds), sử dụng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như dịp lễ khánh tiết, sắc thư trong và ngoài nước, ban ân, xá tội…

Trong 143 năm lịch sử của nhà Nguyễn, có hơn 100 chiếc ấn được chế tác và sử dụng, tượng trưng cho quyền lực tối cao của vương triều Nguyễn. Ấn làm từ vàng, bạc gọi là kim bảo. Ấn làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ. Kim bảo và ngọc tỷ được coi là trọng khí của quốc gia, là vật bảo chứng cho ý chí, mệnh lệnh của các hoàng đế. Hiện nay, bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (tọa lạc ở Hà Nội) đang lưu giữ 85 hiện vật trong bộ sưu tập này. Việc mua ấn “Hoàng đế chi bảo” giúp bổ sung vào bộ sưu tập, hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn của bảo tàng.

Nhiều năm trước, có năm cổ vật nguồn gốc Việt Nam hồi hương, đó là : Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo (Nhật Bản) về Bắc Ninh năm 1978, do cá nhân, tổ chức quyên góp mua; xe kéo của hoàng thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi Tháng Tư 2022, do cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở ngoại quốc và hiến tặng mang về nước; 18 cổ vật nhận từ chính phủ Đức năm 2018 và một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi Tháng Tám 2022, do các chính phủ này thu hồi từ các cuộc buôn bán trái phép.

Ban đầu, nhà đấu giá Millon dự định ngày 31 Tháng Mười 2022 sẽ đấu giá chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng với giá khởi điểm 2- 3 triệu Euro ($2,1 triệu – $3,2 triệu). 

Con dấu dưới ấn – Ảnh: Millon

Bộ Văn hóa thể thao du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, kể cả Bộ Công an, đề nghị chính phủ Pháp can thiệp, ngừng việc đấu giá, lên kế hoạch hồi hương ấn thông qua con đường ngoại giao văn hóa. Tuy nhiên, bảo vật trong tay nhà đấu giá tư nhân thì không thể hồi hương theo con đường ngoại giao văn hóa mà phải “thuận mua vừa bán” là lẽ đương nhiên. 

Khi thấy nhà Millon rao phiên đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”,  Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ văn hóa thể thao du lịch) đề nghị các cơ quan, tổ chức trong nước quyên góp để mua ấn vàng, mang về nước hiến tặng cho bảo tàng, với chỉ thị: “Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, ‘chảy máu’ ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc” (!)

Dạy lịch sử cho học sinh toàn kể xấu vua Gia Long, phủ nhận công lao của triều Nguyễn với công cuộc khẩn hoang miền Nam, ca tụng nhà Tây Sơn và triều đại Quang Trung;  trong đời thực còn xóa bỏ tên các con đường, trường học mang tên các vị vua và cận thần nhà Nguyễn nhưng lại quan tâm đến cổ vật của họ đang lưu lạc để nhằm “khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc”, không biết Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam chỉ sĩ diện hay còn vì cái gì nữa?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: