Ngày 19 Tháng Sáu, báo chí nhà nước Cộng sản đưa tin ông Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa sau thời gian lâm bệnh hiểm nghèo đã qua đời ở tuổi 56. Cái chết của ông Hoa cũng như cái chết của bao quan chức khác, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, cộng đồng mạng lại xôn xao về con người này. Người ta không phải xôn xao về cái chết của ông mà người ta xôn xao về hậu quả mà ông này để lại.
Ông Lê Ngọc Hoa từng làm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Viết tắt là Cienco 4) từ Tháng Mười Hai 2010 đến Tháng Mười Một 2014. Công ty này là chủ đầu tư của hai trạm BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đầy tai tiếng trong nhiều năm qua.
Cụ thể như sau: Cienco 4 đầu tư tuyến tránh đi vào Vinh dài 25.8km. Để vào được thành phố Vinh thì có hai đường đi – một là cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2. Có rất nhiều phương tiện qua hai cầu Bến Thủy chỉ để vào Thành phố Vinh mà không có nhu cầu đi vào tuyến tránh Vinh. Lẽ ra Cienco 4 đặt một trạm thu phí ngay tuyến tránh Vinh để thu phí những người sử dụng dịch vụ của họ. Nhưng không! Cienco 4 đặt hai trạm thu phí tại hai cầu Bến Thủy để buộc mọi phương tiện phải đóng phí dù có sử dụng dịch vụ của họ hay không. Tức đặt trạm kiểu “lùa hốt sạch” không để ai thoát, tựa như BOT Cai Lậy-Tiền Giang. Đấy là cách chặn tiền móc túi người dân trắng trợn. Chưa hết, Cienco 4 còn áp giá cước rất cao.
Hai trạm BOT này gây bất bình trong giới tài xế nhiều năm. Cùng với BOT Cai Lậy, Bắc Thăng Long-Nội Bài vv…, nó được liệt kê vào loại BOT bẩn. Đã từng có rất nhiều tài xế bất tuân với BOT này, tuy nhiên chính quyền tìm mọi cách loại bỏ sự phản kháng. Năm 2019, tài xế Nguyễn Quang Tuy bị tuyên phạt hai năm tù giam về tội phản đối hai trạm BOT bẩn tại cầu Bến Thủy. Nhà cầm quyền cho rằng anh là một trong những kẻ cầm đầu xách động cánh tài xế “nổi loạn”. Phiên tòa này được xem là phiên tòa cưỡng bức bị can để kết án cho bằng được bản án bỏ túi. Theo đánh giá của những người có tham gia bào chữa thì phiên tòa vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng như thẩm phán bất chấp lý lẽ, dựng nhân chứng giả, cốt để tuyên đúng án bỏ túi. Nói chung, phiên tòa có hình dáng quyền lực chính trị can thiệp rất rõ.
Cái sai của Cienco 4 được cho là có bàn tay của ông Lê Ngọc Hoa. Dù cho ông Lê Ngọc Hoa không còn là Tổng giám đốc Cienco 4 từ Tháng Mười Một 2014, nhưng quyền lực của ông vẫn còn vì ông và gia đình ông có cổ phần trong công ty này, đồng thời ông cũng đang nắm quyền lực ở một cơ quan nhà nước cấp tỉnh.
Theo báo Người Lao Động thì ngày 14 Tháng Mười Một 2014, ông Lê Ngọc Hoa được HĐND tỉnh Nghệ An bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Căn cứ báo cáo tài chính của CIENCO 4 vào thời điểm ngày 20 Tháng Giêng 2017, ông Lê Ngọc Hoa đang nắm giữ 176,000 cổ phiếu (0.18%). Số cổ phiếu của bà Trương Thị Tâm (Phó Chủ tịch HĐQT, vợ ông Lê Ngọc Hoa) là 2,129,000 cổ phiếu, chiếm 2.13%. Công ty CP Tập đoàn VPA (bà Trương Thị Tâm là Chủ tịch HĐQT) nắm 25,195,244 cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 25.2%. Như vậy gia đình ông Hoa sở hữu tổng cộng 27.51%.
Theo luật pháp Việt Nam thì cán bộ, công chức và viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng có thể tham gia góp vốn, mua cổ phần, góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp trong công ty cổ phần. Họ được quyền góp vốn nhưng không được tham gia vào Hội đồng quản trị. Đó là lý do mà ông Lê Ngọc Hoa trúng cử vào Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phải thôi chức tại Cienco 4 nhưng vẫn giữ cổ phần.
Thực tế ở Viêt Nam, quyền lực chính trị chi phối quyền lực doanh nghiệp nên quy định này của pháp luật Việt Nam là một kẽ hở. Ông Lê Ngọc Hoa vẫn có thể can thiệp vào Cienco 4 bằng lệnh miệng và BOT bẩn ở cầu Bến Thủy hoạt động theo ý của ông ta. Năm 2016, khi là Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Ngọc Hoa từng thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khi ông này kiến nghị di chuyển vị trí hai trạm thu phí đầu cầu Bến Thủy 1, cầu Bến Thủy 2 với câu nói nổi tiếng “Hà Tĩnh vớ vẩn”. Và ông Hoa đã thắng.
Ngày 17 Tháng Sáu vừa qua, tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị bàn biện pháp chống tham nhũng. Để quan chức không dám, không có khả năng và không có mong muốn tham nhũng, ông Tập quy định rằng “Quan chức làm việc tiếp hoặc rút lui nếu vợ chồng, con cái làm ăn bên ngoài”. Ông Lê Ngọc Hoa, nếu là ở trường hợp bên Trung Quốc, thì hoặc cho gia đình rút lui khỏi danh sách cổ đông Cienco 4 hoặc ông phải bị cách chức Phó Chủ tịch tỉnh.
Trên bảng xếp hạng về tham nhũng năm 2021, Trung Quốc đứng vị trí 66, còn Việt Nam đứng vị trí 87. Về sự minh bạch, cả Việt Nam và Trung Quốc đều kém, nhưng về tham nhũng thì Trung Quốc thường xử nặng tay hơn cộng sản Việt Nam. Điều gì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng học tập và làm theo Trung Quốc nhưng trừng trị thẳng tay tham nhũng thì Việt Nam thua Trung Quốc xa. Tập Cận Bình thẳng tay tử hình quan tham nhũng nhưng Nguyễn Phú Trọng thì chỉ… đốt lò. Lò của Trọng có nóng nhưng chẳng thanh củi nào thật sự cháy thành tro cả. Điều gì khiến Trọng còn chưa dám nặng tay? Do bản chất con người Trọng hay do Trọng thật ra cũng chẳng hề mạnh như được tưởng và đằng sau Trọng còn nhiều thế lực đe dọa chính cả Trọng?