Tình trạng hiếm muộn phổ biến của các cặp vợ chồng trẻ Việt Nam hiện nay đã nảy sinh nhu cầu tìm người bán trứng, bán tinh trùng và mang thai hộ.
Trong khi nữ giới rao bán trứng và mang thai hộ công khai trên mạng thì đàn ông bán tinh trùng thường giao dịch kín đáo hơn, chỉ thông qua… người môi giới (“cò).
Tìm hiểu của Lao Động và Tuổi Trẻ ngày 24-25 Tháng Năm 2023 cho thấy chợ mua bán “con giống người” này công khai và nhộn nhịp trên mạng.
Chẳng hạn một dòng rao bán trứng của một cô gái gen Z, tên T.M.T.: “Hoàn cảnh khó khăn, em sinh năm 2006, cao 1m6, nặng 48kg muốn hiến trứng hoặc mang thai hộ để có tiền chạy bệnh điều trị cho mẹ. Ai giúp được em liên hệ số điện thoại 0961xxxx”.
Hoặc dòng rao sẵn sàng mang thai hộ (chữ viết tắt trên mạng là “mth”) của một bà mẹ trẻ có hai đứa con: “Do hoàn cảnh khó khăn, e nhận mth khu vực Hà Nội cho gđ hiếm muộn về con cái, e đã sinh hai con 1 bé trai và 1 bé gái đều sinh thường, e sinh năm 1998, cao 1m68, nặng 56kg, gặp mặt trực tiếp để chao đổi ạ. E ko đi nước ngoài ạ”.
Hầu hết những người phụ nữ nhận bán trứng hoặc mang thai hộ thường trình bày mình có hoàn cảnh khó khăn, có sức khoẻ sinh sản tốt và cam kết đầy đủ giấy tờ. Khi họ rao như vậy, nếu ưng ý thì “cò” sẽ liên hệ ngay để gặp trực tiếp và thương lượng. Giá hiến trứng một lần là 20 triệu đồng ($851) và giá mang thai hộ là 300 triệu đồng ($12,774), có thưởng thêm nếu em bé sanh ra khỏe mạnh và xinh đẹp.
Chân dung “cò” đa số là phụ nữ, có mối quen biết với các phòng khám và bệnh viện sản khoa, kết nối được với các gia đình hiếm muộn, họ sẽ ứng tiền trước và lo chỗ ăn ở cho người đồng ý bán trứng hoặc mang thai hộ cho đến khi mọi việc xong xuôi.
Không chỉ người cần bán mới “rao hàng” trên mạng, mà cả “cò” cũng rao tìm người mua, chẳng hạn như “cò” P.T.T.N.: “Em đang sẵn các bạn nữ hiến trứng, cao, xinh đầy đủ giấy tờ ở Hà Nội, gia đình hiếm muộn cần alo em”.
Khi thâm nhập thực tế, Tuổi Trẻ cho biết giá mua trứng của các gia đình hiếm muộn từ 27 – 30 triệu đồng, nhưng người bán trứng chỉ nhận được 18 triệu đồng vì phải qua “cò”.
Người bán trứng phải cung cấp hàng loạt các thông tin như: năm sinh, chiều cao, cân nặng, hình chụp toàn thân, căn cước công dân. Họ sẽ nhận được nhiều hơn nếu có thêm bằng cấp, có nhan sắc và nhóm máu đúng theo nhu cầu người mua.
Bộ Y tế quy định người hiến trứng vì mục đích nhân đạo chỉ được cho một lần tại cơ sở y tế được Bộ cho phép, nhưng “cò” vẫn có cách sử dụng người bán trứng lần 2-4. Tất nhiên, càng bán nhiều lần thì số tiền nhận được càng giảm.
Quy trình bán trứng sẽ theo các bước: đếm trứng qua siêu âm vào ngày đầu chu kỳ kinh nguyệt, nếu số trứng đạt sẽ xét nghiệm AMH (đánh giá tình trạng dự trữ buồng trứng) ở bệnh viện, chích thuốc kích thích trứng khoảng 12 ngày, sau cùng là chọc trứng và nhận tiền.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mỗi “cò” một tháng có thể kiếm 30 triệu – 60 triệu đồng từ việc môi giới “hiến” trứng. Để có được 30 triệu đồng, “cò” phải môi giới được 10 người “hiến trứng” cho 10 gia đình hiếm muộn.
Tổng số tiền mà “cò” nhận được từ các gia đình hiếm muộn sau khi trừ chi phí (ăn ở, bệnh viện, tiền môi giới, trong đó có tiền bồi dưỡng cho các bác sĩ trong đường dây) thì mới trả cho người “hiến”.
Còn giá mua tinh trùng thì sao? Một mẫu tinh trùng của người Việt Nam là 60 triệu đồng ($2,554), bao gồm tiền làm “hồ sơ” và chi phí trả cho người “hiến”, chưa tính viện phí.
Một mẫu tinh trùng của người ngoại quốc, lúc đầu “cò” rao là 110 triệu đồng ($4,683) sau lên đến $6,000, tiền hồ sơ 60 triệu đồng ($2,554) tính riêng!
Nguồn tinh trùng được một “cò” nữ rao với phóng viên Tuổi Trẻ (trong vai phụ nữ độc thân muốn làm mẹ đơn thân) là hàng “chuẩn”, cao từ 1,7m trở lên, có bằng đại học, ngoại hình ưa nhìn, sức khỏe tốt, có kết quả xét nghiệm máu, kiểm tra tinh dịch đồ… Khách được xem ảnh để lựa chọn người “hiến”, sau đó được gặp trực tiếp một lần để xem giấy tờ, bằng cấp…
Nếu khách ưng thì phải đặt cọc 10 triệu đồng ($425) để “cò” làm giấy đăng ký kết hôn giả giữa khách và một người đàn ông mà “cò” quen biết. Cả hai người sẽ đóng vai cặp vợ chồng hiếm muộn đến bệnh viện làm thủ tục thụ tinh ống nghiệm.
Khi khách chích mũi kích trứng đầu tiên phải cọc tiếp cho “cò” 20 triệu đồng ($851). Ngày chọc hút trứng và lấy tinh trùng để làm phôi tại bệnh viện, người “hiến” được chọn sẽ có mặt tại nhà vệ sinh quán cà phê gần bệnh viện để tự lấy mẫu. Thân nhân của khách có thể đi theo người “hiến” để kiểm chứng. Mẫu tinh trùng của người “hiến” sau đó sẽ được tráo với mẫu tinh trùng của người chồng giả để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Khi có kết quả phôi, “cò” sẽ nhận số tiền còn lại. Người “chồng” trên giấy tờ giả sẽ làm giấy ủy quyền phôi để khách toàn quyền sử dụng phôi. Còn người “hiến” tinh trùng sẽ không được biết thông tin của khách – tức người mua, để tránh rắc rối về sau.
Để giấy đăng ký kết hôn giả trót lọt, “cò” cần phải “chạy” tiền cho người của phòng công chứng và nhân viên hành chính bệnh viện.
Một “cò” nam khác giới thiệu dịch vụ “chui” IUI (thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung) cho người muốn làm mẹ đơn thân với giá trọn gói 35 triệu đồng ($1,490), gồm “hồ sơ” là giấy đăng ký kết hôn giả và chi phí thụ tinh nhân tạo tại phòng khám. Nếu khách chưa có người hiến tinh trùng, “cò” này sẵn sàng cung cấp với giá “bồi dưỡng” từ 15 – 20 triệu đồng ($638 – $851).
Dịch vụ mang thai hộ có giá cao nhất, gia đình nào có nhu cầu thì phải trả cho “cò” trọn gói trên 1 tỷ đồng (trên $42,580) nếu là trứng của người vợ hoặc của thân nhân. Nếu người vợ không có trứng, dùng trứng của người mang thai hộ thì giá trọn gói là 900 triệu đồng ($38,322). Giá trên đã gồm các khoản phí tại bệnh viện.
Khi đến ngày sanh nở, người mang thai hộ sẽ dùng giấy tờ thật của mình đến bệnh viện, riêng giấy chứng sanh thì “cò” sẽ “chạy” để ra tên vị khách nữ đã thuê người mang thai hộ.
Trong ba dịch vụ “hiến” trứng, “hiến” tinh trùng và mang thai hộ thì dịch vụ mang thai hộ có bộ hồ sơ phức tạp nhất, “cò” chuyên nghiệp mới làm được.
Vì sao thị trường lại nở rộ dịch vụ mua bán “con giống người” này? Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, mua bán trứng người, tinh trùng hoặc mang thai hộ thương mại là hành vi bị pháp luật cấm, nhưng rất khó để ngăn chặn, vì các quy định của pháp luật chưa đủ mạnh.
Theo ông Nghĩa, luật pháp Việt Nam mới chỉ cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm người trong họ hàng mang thai hộ theo mục đích nhân đạo. Trong trường hợp họ không tìm ra người họ hàng nào đồng ý mang thai hộ thì họ chỉ còn cách tìm đến thị trường “ngầm” cung cấp các dịch vụ này.
Mặt khác, biện pháp chế tài xử lý các hành vi mua bán trứng, tinh trùng, mang thai hộ trái luật còn đang rất nhẹ. Nếu bị phát giác, các đối tượng này chỉ bị xử phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng ($212-$425) hoặc cùng lắm là thu lại khoản lợi bất chính do việc này mang lại. Chính vì thế, nhiều người bất chấp bán và mua “con giống người” thông qua “cò”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7.7%. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%; do nữ giới chiếm 40%; 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Theo nghiên cứu của GS. Trần Quán Anh, chuyên viên về nam học, trong những cặp vợ chồng vô sinh, nguyên nhân do nam giới chiếm xấp xỉ 50%. Còn theo nghiên cứu của GS. Nguyễn Khắc Liêu, bệnh viện Phụ sản Trung ương, nguyên nhân vô sinh trực tiếp do người chồng là 66.6%.