Một chàng trai người Nhật đã trồng các loại rau thơm Việt và cùng vợ mở cửa hàng bán tại TP.Osaka, Nhật Bản.
Có vợ người Việt là cô Nguyễn Trang Dung (29 tuổi, quê Nghệ An), Utsumi Shoki, vốn là một đầu bếp, có cơ hội thưởng thức các món ăn Việt Nam. Khi nhận ra nhiều người Việt ở Nhật vất vả đi tìm mua các loại rau thơm Việt, anh đã quyết định trồng và mở cửa hàng bán.
Cửa hàng của đôi vợ chồng trẻ có tên Sho-Kyu Tiệm Vây Cá, tọa lạc tại Taishi, Osaka, Japan, với lời rao “Tại đây có bán hương vị Việt Nam”. Bên cạnh các loại rau thơm (đủ loại) và rau củ Việt (rau muống, rau bí, cà pháo, lá lốt, đu đủ xanh, lá chuối) trồng trong vườn nhà của Shoki; còn có trái cây, hành củ nhập từ Việt Nam và vài món ăn của hai vợ chồng chế biến như gà quay, vịt quay, chè các loại… trông rất ngon lành, hấp dẫn nên bán rất nhanh.
Thỉnh thoảng, cửa hàng Sho-Kyu Tiệm Vây Cá lại có khuyến mãi: khi khách hàng mua đạt khoảng JPY 3,000 thì sẽ được tặng rau thơm. Do đặc thù là cả hai vợ chồng đều bận rộn với việc làm vườn, đóng gói và giao hàng cho nhiều nơi, cửa hàng của họ mở cửa lúc 15 giờ, lúc 17 giờ, nhưng cũng có ngày mở từ 9 giờ – 20 giờ, và đều thông báo trên page Sho-Kyu Tiệm Vây Cá từ hôm trước cho khách hàng – bao gồm 40% khách Việt, 40% khách Nhật và 20% khách quốc gia khác.
Thanh Niên ngày 20 Tháng Bảy 2023 kể câu chuyện về đôi vợ chồng, cho biết khi đang là du học sinh ở Nhật Bản, Trang Dung rất thích món ăn Nhật nên đến một nhà hàng Nhật để thưởng thức. Ở đó, Trang Dung quen với chàng đầu bếp Utsumi Shoki.
Dung kể với Thanh Niên: “Người ta thường nói, cách nhanh nhất đến trái tim một người phụ nữ là đi qua đường “bao tử” và tôi nghĩ anh đã thành công bằng cách đó. Từ khi yêu đến khi kết hôn, hầu như tôi chưa bao giờ phải vào bếp. Tôi đã luôn thấy may mắn và hạnh phúc vì điều đó”.
Còn người chồng là Utsumi lại thấy thú vị khi người Việt luôn có rau thơm ăn kèm các món chính như vịt quay, thịt luộc, chả giò… Với sự giúp đỡ của vợ và gia đình bên vợ, Utsumi đã khám phá được hầu hết các loại rau thơm Việt Nam và biết kết hợp món nào ăn kèm với loại rau thơm nào.
Chàng rể người Nhật tỏ ra rành rẽ: “Mọi người đến mua mắm tôm làm bún đậu không thế thiếu rau kinh giới, nấu bún bò không thể không có húng quế… Rau thơm đã trở thành một phần không thể thiếu ở tiệm của tôi”.
Từ ngày lấy vợ Việt, Utsumi rất thích ăn bánh mì kẹp cùng rau ngò, biết thưởng thức trứng vịt lộn với rau răm và mỗi lần ăn bún bò đều không thể thiếu rau húng quế, sự kết hợp hương vị mà anh cho rằng giống như “cặp trời sinh”. Vốn là một đầu bếp, Utsumi nhận xét những món ăn này sẽ không còn ngon khi thiếu đi rau thơm ăn kèm.
Khi nhìn ra nhu cầu của người Việt trên đất Nhật là khó tìm thấy nơi bán trứng gà ta, vịt hay gà nuôi thả vườn và các loại rau củ quen thuộc của Việt Nam trong đó có rau thơm, Utsumi đã lên kế hoạch trồng các loại rau gia vị và rau củ quen thuộc với người Việt trong mảnh vườn hơn 2ha.
Trong vườn, anh còn dành chỗ nuôi gà, lấy trứng tươi và đào một cái ao nuôi cả vịt nữa. Vào mùa đông của Nhật, để các loại rau thơm không bị chết, anh làm thêm hệ thống nhà sưởi.
Trồng các giống rau thơm Việt một thời gian, sau vài lần thất bại, Utsumi tự rút kinh nghiệm: “Một năm đầu khi gieo hạt ngò, lúc nào loại rau thơm này cũng ra hoa lúc còn nhỏ nên không có được thành phẩm ưng ý. Đối với người Việt trồng rau ngò không khó nhưng đối với tôi đó là một thử thách.
Nhiều người nghĩ rằng rau thuộc vùng nhiệt đới có thể trồng trong thời tiết nắng nóng nhưng tìm hiểu kỹ loại rau này phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 15 – 20oC. Đây là bài học đáng nhớ để tôi hiểu ra, việc trồng rau không đơn giản gieo hạt mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác”.
Mỗi ngày, Utsumi dậy hái rau từ sáng sớm, đóng gói và phân phối cho nhiều nơi, trong đó có cửa hàng của gia đình. Mọi việc anh làm đều có sự đồng hành của người vợ trẻ và gia đình bên vợ. Anh cảm kích nói: “Gia đình vợ đã đồng hành cùng tôi từ lúc tôi chưa hiểu gì về thực phẩm Việt Nam. Tôi rất biết ơn họ vì không có mọi người tôi không thể thành công được như ngày hôm nay”.
Tuy vậy, Dung chưa bao giờ làm vườn, trồng rau, hay chăn nuôi, nên Utsumi phải tự nghiên cứu việc trồng rau, ấp trứng vịt lộn, nuôi vịt… và Trang Dung phải thừa nhận: “Chồng tôi tìm hiểu và chỉ lại cho tôi, riết tôi thấy anh am hiểu kỹ nhiều điều về Việt Nam hơn cả tôi. Tôi chỉ bán hàng, còn anh chịu trách nhiệm nghiên cứu, sản xuất”.
Nói về việc bán rau thơm ở Nhật, Trang Dung bộc lộ: “Ở Nhật việc bán rau không chỉ bán thực phẩm mà còn bán văn hoá. Văn hóa ở đây là phải biết giải thích, chia sẻ cách sử dụng, cách phối hợp những loại rau gia vị vào những món ăn Việt như thế nào cho những khách hàng chưa biết gì về món ăn Việt Nam. Làm công việc này chúng tôi thấy vui và tự hào vì được dịp quảng bá món ăn Việt”.
Trước đó, VnExpress ngày 15 Tháng Sáu 2023 cũng kể về Utsumi, chàng rể người Nhật đã tìm ra bí quyết trồng được 15 loại rau thơm Việt Nam trên đất Nhật.
Câu chuyện khởi nghiệp trồng rau thơm Việt Nam của Utsumi bắt đầu hơn ba năm trước, khi từ nhà hàng sushi của người cha ở vùng Tondabayashi, Osaka, đầu bếp Utsumi Shoki lại nhìn thấy từng tốp thực tập sinh Việt Nam đạp xe vượt quãng đường hàng chục cây số để đến các tiệm tạp hóa Việt Nam tìm mua các loại rau gia vị, rau thơm trồng ở đó.
Khi nhận ra vai trò không thể thiếu của rau thơm trên mâm cơm của người Việt, Utsumi bắt đầu nhập gia vị, rau thơm từ các nước Đông Nam Á để bán cho các thực tập sinh Việt Nam ở Nhật. Sau một thời gian, Utsumi bàn cùng bạn gái là Nguyễn Trang Dung về việc trồng rau thơm và anh đã quyết định mượn của ông ngoại một khoảng vườn và xin cấp phép để trồng rau thơm.
Vốn có sẵn trang trại, ông ngoại Utsumi bắt đầu truyền đạt cho anh những kinh nghiệm tích lũy trong hơn 60 năm canh tác nông nghiệp, nhưng Utsumi lúc khởi đầu cũng chật vật kiểm soát nhiệt độ phù hợp của húng quế, tốc độ phát triển của ngò gai, trong đó thách thức lớn nhất của anh là rau ngò. Cả một năm trời, các luống ngò của Utsumi luôn trổ hoa khi chưa kịp lớn.
Không nản chí, Utsumi và bạn gái Nguyễn Trang Dung, khi đó là du học sinh, tiếp tục đi khắp nơi tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên viên nông nghiệp Nhật Bản và họ được biết rau ngò chỉ phát triển tốt trong điều kiện 15-20 độ C.
Thành công với rau ngò, Utsumi tiếp tục “chinh phục” thêm 14 giống rau thơm khác nhau và chào bán rau thơm tại các nhà hàng Việt Nam ở Osaka, nơi mà hầu hết có chủ người Nhật, với yêu cầu rất khắt khe.
Khi những bó rau thơm của Dung-Utsumi nhanh chóng phổ biến trong các nhà hàng Đông Nam Á ở Osaka, hai người đã kết hôn và thành lập cửa hàng Tiệm Vây Cá.
Từ 10-15 đơn hàng/tuần, giờ thì sản phẩm rau thơm của hai vợ chồng Dung-Utsumi đã được phân phối tại khoảng 17 tỉnh thành của Nhật, trong đó có cả các nhà thuộc Hokkaido, tỉnh cực bắc Nhật Bản, kể cả tỉnh Okinawa ở cực nam, đạt doanh thu JPY 30 triệu (khoảng 5 tỷ đồng) trong năm 2022.
Tờ Mainichi của Nhật Bản hồi Tháng Năm 2023 đã viết về câu chuyện khởi nghiệp của hai vợ chồng, gọi rau thơm của nhà Utsumi là “làn gió mới lạ mang theo hương thơm ‘thảo mộc’ Đông Nam Á”.
Điều tự hào nhất của Tiệm Vây Cá là 40% khách mua rau là cộng đồng dân địa phương. “Người Nhật cũng có nhu cầu lớn với rau thơm. Chúng tôi muốn họ biết đến rau Việt và món Việt nhiều hơn nữa”, Dung hào hứng kể.
Không dừng lại ở việc bày bán tại cửa hàng của gia đình, Dung – Utsumi còn mong muốn rau thơm họ trồng có mặt tại các siêu thị ở Osaka. Giấc mơ đưa những loại rau thơm Việt Nam trở thành đặc sản của Osaka nằm trong tầm tay của đôi vợ chồng trẻ.