Sài Gòn cầu nguyện trong rùng rợn âu lo

Sài Gòn cầu nguyện trong rùng rợn âu lo (ảnh: Việt Nam Quốc Tự, Minh Hòa)

Bị nhốt trong nhà suốt hơn hai tháng trời vì đại dịch, nhiều khi cũng cảm thấy bí bách. Ông bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bảo “đi ra ngoài không được thì đi vô trong“. Ý ông bác sĩ này là hãy nhìn lại mình để hiểu mình thêm, lắng đọng tâm thức để thiền quán, để sống chậm lại và từ đó sẽ tìm ra nhiều điều thú vị…

Tôi phục ông, tôi cũng phục nhiều người đã nhân thời gian rảnh rỗi mà chiêm nghiệm, mà suy ngẫm, mà sống khác, tìm niềm vui trong những công việc. Tôi lại không làm được vậy, suốt ngày cứ loay hoay với những tin tức, những mảnh đời, những số phận trong thời đại dịch. Cũng có tuổi rồi, không vẫy vùng, hoạt động như người trẻ nữa. Thôi thì tìm nơi đóng góp một chút trong khả năng hiện có của mình, như là sự sẻ chia cho lòng bớt áy náy thôi. Phê phán cũng nhiều rồi, trách móc cũng lắm rồi, cũng chỉ để bớt ẩn ức trong lòng mình thôi. Có khi cũng nên để cho lòng lắng lại.

Tôi cũng suy nghĩ nhiều về thân phận con người, về lẽ sinh tử và vô thường của cuộc đời. Nhưng suy nghĩ của tôi thực tế hơn, gắn liền với thực tại và những biến chuyển dồn dập ngoài kia. Thời gian đầu, tôi theo dõi hàng giờ những con số người nhiễm bệnh, những địa điểm bị cách ly-phong tỏa như người chơi chứng khoán theo dõi những màu xanh đỏ nhảy múa cạnh những số liệu.

Những con số bất an. Khi số người dính dịch lên đến năm, sáu ngàn một ngày, tôi không lưu tâm nữa mà chỉ để ý đến số người tử vong, và thấy kinh hoàng, sợ hãi. Số lượng người chết càng ngày càng tăng chứng tỏ đại dịch vẫn hành hoành đe dọa đời sống mỗi người. Và kèm theo những số liệu khô khan là những bi kịch, bi kịch của từng cá nhân và tang thương của mỗi gia đình.

Nhiều nhà có ba, bốn người ra đi từ ông bà, cha mẹ cho đến con cháu. Nhiều người quen, bạn bè mới đấy giờ đã là nắm tro tàn. Chưa bao giờ thành phố này bi thương đến vậy kể cả những ngày chiến tranh leo thang trong cuộc chiến Nam Bắc cách đây gần nửa thế kỷ. Và ngay trong những ngày đói kém sau 1975, thành phố cũng không xơ xác như bây giờ dù giờ đây Sài Gòn lắm cao ốc và cũng lắm tỷ phú.

Nhiều đêm không ngủ được, tôi có cảm giác đâu đó những tiếng thét, tiếng la của những con người đang không thở được, đang cận kề với cái chết. Tiếng thét như âm thanh của im lặng nhưng xoáy sâu vào tim cộng với tiếng hú còi của những chiếc xe cấp cứu chạy hết tốc độ trong đêm vắng khiến cho đêm Sài Gòn bất an và bi thiết.

Khuya Sài Gòn vắng đến rợn người, những con đường vàng vọt dưới bóng đèn không bóng người đi, tiếng dế cũng không còn gáy, tiếng những con mèo hoang thường ngày đi lang thang trên những mái nhà cũng vắng bóng. Nhưng tôi hiểu rằng ở một nơi chốn khác, giống một thế giới khác có biết bao nhiêu người đang đau đớn, đang vật vã và cũng có bao người đang cố gắng làm hết sức mình để giành giật sự sống cho người bệnh. Đó là đêm ở bệnh viện, là nơi có tử thần chực chờ ở mỗi giường bệnh để cướp đi sinh mạng của họ. Trước nỗi đau của con người, tôi bất lực. Chỉ biết nguyện cầu nhưng chẳng biết cầu xin với ai.

Có lẽ trong nỗi đau lớn lao này, Phật, Chúa cũng đành cúi đầu. Bởi suy cho cùng những nỗi thống khổ của con người cũng đều do con người tạo dựng. Gieo khổ đau thì gặt lấy đau khổ, gieo tai ương thì gặt lấy tai ương. Tất cả đều do con người gieo rắc và đưa đến kết quả như thế này. Người lãnh đạo và quản trị xã hội trong những thời kỳ khủng hoảng phải tìm ngay giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để đối phó. Khi thế giới vướng đại dịch, nhiều người lãnh đạo kể cả những nước giàu có và tiến bộ cũng lúng túng và bế tắc trong thời kỳ đầu.

Hãy nhìn lại thành phố Vũ Hán của những ngày tháng đầu tiên của dịch bệnh, người ta hình dung ra địa ngục ở trần gian. Những hình ảnh những chiếc xe bắt người, những ngôi nhà bị niêm phong, những xác người nằm chết bên đường, những ống khói của lò thiêu. Khủng khiếp! Nhưng rồi ai cũng nghĩ đó chỉ là xứ người ta, chắc chẳng bao giờ đến mình. Đến khi cả thế giới bùng dịch, hàng triệu người đã chết thì nhân loại mới thức tỉnh. Và cuối cùng người ta cũng tìm thấy giải pháp hợp lý để chống dịch và sống chung với dịch. Bởi con virus khốn kiếp này từ đây sẽ sống mãi bên cạnh con người.

Rảnh rỗi, tôi lang thang trên mạng và phát hiện nhiều điều thú vị. Những ngày đầu phong toả, nhiều ngõ ngách, nhiều con phố bị giăng dây, dựng hàng rào, các cửa hàng đóng cửa, chợ bị bỏ hoang. Nhiều chuyến xe chở hàng không vào được phố. Những chính sách sai lầm đã khiến Sài Gòn khủng hoảng vì thiếu thực phẩm.

Kiểu phát phiếu đi chợ và xếp hàng dài ở siêu thị để được mua hàng không còn hiệu quả. Và trong cái khó ló cái khôn. Những chợ mọc lên đầy không gian mạng. Chợ mang tên từng quận và ở đó người ta có thể tìm thấy bất cứ thứ gì cần thiết cho cuộc sống bình thường. Không khí mua bán rộn rịp hơn, hàng hóa phong phú hơn. Chỉ có điều vấn đề là có tiền để mua sắm không thôi.

Giãn cách quá lâu, nhiều gia đình không kế sinh nhai đã lâm vào kiệt quệ. Gói hỗ trợ của chính phủ không thấm vào đâu nhưng không phải ai cũng được hưởng. Dịch có thể chưa đến nhưng cái đói đã cận kề. Ở tận hang cùng ngõ hẻm, ở các dãy nhà trọ, ở các vùng dân cư lao động, ở các gầm cầu, vỉa hè, góc phố đã thấy cái đói hiện diện. Rất nhiều tổ chức, nhiều nhà hảo tâm đã giúp họ qua mấy bữa nhưng tương lai mai mốt thì sao?

Mù mịt chẳng lối ra. Nên chăng nhà nước tìm ra một chính sách, một biện pháp khác với cách ly, phong tỏa để đời sống dễ thở hơn là ngồi nhìn ra dây giăng và hàng rào kẽm. Thành phố hiện giờ có hơn 800 điểm cách ly như thế. 800 khu dân cư ngồi nhìn thời gian trôi đi với những héo mòn. Nhìn những đốm đỏ chi chít trên bản đồ thành phố, hình dung thành phố này như đang bị bao vây không lối thoát. Bi quan ư? Có lẽ cứ kéo dài thế này sẽ sinh tâm lý bi quan.

Và tâm lý bi quan này càng nặng nề hơn khi từ hôm qua đến nay người dân thấy xuất hiện vaccine Sinopharm của Trung Quốc trong các điểm chích. Vẫn biết nhà nước có thông báo là người dân có quyền chọn lựa tiêm hay không tiêm. Nhưng không tiêm thì lo sẽ bị nhiễm dịch. Chọn cách nào đây?

Theo tin nhà nước, Việt Nam đã phê duyệt sáu loại vaccine gồm AstraZeneca, Gam-Covid-Vac (Sputnik V), Vero Cell (Sinopharm), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (do Bỉ và Hà Lan sản xuất). Đây đều là các loại vaccine đã được WHO cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Trước đây, dân Sài Gòn được chích Moderna cho người già và Astra Zeneca cho người trẻ. Giờ thấy Sinopharm, người ta lo, vì dân không tin vaccine Tàu. Có người bảo thà chích vaccine Việt Nam chứ không chích thuốc Tàu. Mỗi người có quyền chọn lựa chích hay không; hoặc chọn thuốc để chích. Đó là quyền của mỗi người. Bởi chuyện chích ngừa và thuốc chích gắn liền với sinh mạng của mỗi người. Không ai có quyền quyết định sinh mạng người khác.

Cho nên khi bị thiếu hụt vaccine, nhà nước phải có kế hoạch như thế nào để có thể đạt chỉ tiêu 70% người dân được tiêm chủng. Chưa được chích cũng lo mà chích loại thuốc còn nghi ngờ thì lại càng bất an hơn. Đã có địa phương như quận Phú Nhuận theo báo cáo là đã chích ngừa được gần 90% dân số, đó là điều mừng cho quận này. Nhưng cũng còn nhiều quận tỷ lệ còn thấp quá, nếu không giải quyết cho dân an tâm về vaccine, chuyện ngăn chặn dịch là điều khó thực hiện.

Có những điều bình thường trong cuộc sống bình thường như thở, như vào quán uống ly cà phê sáng, ghé quán ăn tô phở, bát bún. Bắt tay với người bạn, hôn người yêu, ôm người thân thương, gần gũi với bạn bè. Tất cả bây giờ là điều xa xỉ và cấm kỵ. Người mang bệnh chỉ cần hơi thở, nếu được thở có nghĩa là còn được sống. Khi phổi chưa đóng băng, máu chưa bị đông, hơi thở còn ở trên mũi, miệng tức là còn hi vọng. Giờ mới thấy hạnh phúc chẳng có chi cao xa, hạnh phúc chỉ là làm được những điều bình thường, rất bình thường. Và ngay lúc này đây, tôi nghĩ cũng sẽ có nhiều người như tôi, tiếc nhớ vô cùng những ngày tháng cũ, những giây phút rất đỗi bình thường của cuộc sống.

Chắc hẳn rằng sau mùa dịch, người ta sẽ quý những cảm xúc và hành động bình thường đó nhiều hơn. Dịch đã cướp của con người nhiều thứ, từ sinh mạng cho đến tự do được sống, được gần gũi, yêu thương. Nó vẫn là bóng ma đang đè lên mỗi số phận con người.

Theo thông báo của Bộ Y tế từ 18 giờ 30 ngày 11 Tháng Tám đến 6 giờ sáng nay, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4,642 ca nhiễm mới, trong đó ba ca nhập cảnh và 4,639 ca ghi nhận trong nước tại 24 tỉnh, thành. Riêng Sài Gòn có 2,318 bệnh nhân; không tìm thấy con số tử vong. Vẫn chưa thấy gì khả quan, các tỉnh lân cận như Bình Dương thì có 911 ca, Đồng Nai 425 ca, Long An 354 ca. Những con số bất an.

Còn đó nỗi buồn biết đến bao giờ?

12 Tháng Tám 2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ ba mươi lăm

(Tựa bài của SGN)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: