Sài Gòn, những con hẻm bị thương

Điểm cuối cùng kết thúc ngày hôm nay của Vòng Tay Việt đến là một con hẻm ở khu phố 4, Tây Thạnh, quận Tân Phú. Lúc này cả đoàn đã thấm mệt vì đi trao quà cho tám điểm phong tỏa khắp Sài Gòn ở các quận Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, bệnh viện Trưng Vương từ 7g sáng đến 4g30 chiều, buổi trưa nghỉ nửa tiếng ăn cơm. Nhưng về đến nơi, chỉ muốn ngồi thụp xuống để chống lại cái cảm giác của những sự nôn nao, nỗi buồn trào lên tới mắt, tới đầu bởi những gì mình thực sự thấu thị.

Ai đó nói, Sài Gòn cố lên, điều này không còn phù hợp nữa. Bởi Sài Gòn không thể cố nữa, chỉ có thể là chấp nhận tới đâu hay tới đó thôi.

Tất cả những nơi chúng tôi đến đều có chung một bi kịch: Dịch bệnh, các khu phong tỏa, giàu nghèo gì cũng chung một số phận, bị chăng dây chằng chịt, không được tụ tập, nhà nào ở nhà đó. Người ta ló đầu ra ngoài nhìn khi thấy có người lạ. Nhà nào có vẻ nghèo khó thì ra tận hẳn khỏi cửa để ngóng những phần quà được hỗ trợ. Ở một điểm quận Phú nhuận, anh chị em ở phường rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đến một hẻm phong tỏa để trao quà. Có cụ già được đại diện ra nhận quà. Sau khi chụp hình xong, nói cụ vô nhà, cụ nhất định không chịu vô. Một cô trong đoàn nói: “Để cháu bưng vô nhà cho cụ, đừng lo nghen, cụ cứ đi vô nhà đi”, vậy mà cụ vẫn dùng dằng, bước những bước thật chậm ngoái nhìn xem gói quà có được mang theo không.

Bây giờ thì càng thấm: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tôi ước các bạn trẻ đang chăn êm nệm ấm hay thậm chí là con mình (đang được giấu trong nhà) có thể nhìn thấy những hình ảnh này. Tôi nói với mọi người đi nhanh để cho bà con được nhận quà sớm, chớ ở đây chào hỏi miết…, các cụ đi mãi sẽ không về được tới nhà.

Hẻm 3… Tân Thạnh là một khu khá đặc biệt, đầu hẻm có khoảng 3-4 căn cao tầng khang trang, trồng cây, với rau trước cửa khá bắt mắt, nhưng bước vô độ chừng 20m là một khu nhà cửa cấp bốn sâu dài cả trăm mét chưa hết hẻm. Ở đó những cánh cửa chắp vá bằng những cánh cửa tôn ghép lại. Chúng tôi không vào bên trong được vì ở đây giăng dây. Dân phòng và nhân viên bảo vệ ngồi khá đông. Chú bảo vệ già nói:

Dân ở đây chắc nghèo nhứt quận này, toàn là lượm ve chai, đu xe rác với bán vé số. Bị phong tỏa mấy tuần rồi, tưởng xong, lại có ca, lại phong tỏa. Khi có dịch “côvi” cũng bị nhiều ca nhiễm, khi có dịch sốt xuất huyết cũng cả xóm bị. Đầu dịch còn có nhiều nơi đưa cơm miễn phí tới. Tuần vừa rồi nhiều chỗ nhiễm nên bữa có bữa không. May mà có nhiều người cho gạo, cho khoai cũng đỡ” – chú chỉ mấy bao gạo với khoai đang để ở chốt canh. Nhìn vào trong, thấy dân tình đang túa ra từ nhà vì nghe nói có người đến cho thực phẩm. Mấy anh dân phòng bắc loa kêu dân vô nhà trở lại, để mấy anh sẽ phát tận nhà chớ không được ra ngoài. Bây giờ mới thấm thía vì sao người ta nói “chiến tranh, dịch bệnh” là hai thứ khiến cho con người “sống dở chết dở”, tù túng, khốn khó.

Con hẻm nghèo bị dính bệnh nhiều nhất, cũng toàn là người nghèo nhất lưu trú ở Tân Phú. Ảnh: Ngân Hà.

Nhưng có một điều rất lạ mà tôi không thể nào quên khi rời con hẻm này, chính là những cái cây. Trước nhà của hộ dân ở đây, ai cũng để mấy chậu cây, có cả những loại cây dây leo bám vào tường, mà bức tường ấy đã được dựng một cái thang bỏ đi; hoặc người ta làm dàn dây bằng kẽm thắt ô vuông cho dàn cây leo. Thậm chí trên cái tường lớn của một ngôi nhà đầu hẻm rất dài người ta còn bắt dàn dây kẽm để trồng những cây dây leo phủ xuống.

Tôi không nói nó đẹp, nhưng mà nhìn thấy thương lắm, như cách mà người ta chống chọi với sự khốn cùng, có khi chính là mỗi ngày nhìn vào sức sống của những dây leo mà họ đã bắt giàn cho chúng bằng đủ loại phế thải bỏ đi, vì có lẽ chắc họ thấy như đang tự vươn mình ra ánh sáng để tồn tại vậy.

Ghi chép ngày 8, Tháng Bảy, trước giờ Sài Gòn phong thành bởi dịch bệnh lúc 0g ngày 9, Tháng Bảy, 2021

Chương trình Vòng Tay Việt lần II tính từ ngày Sài Gòn “phong thành” đầu Tháng Bảy đến nay đã trao 10,000 phần quà cho các hộ dân ở khu phong tỏa, các bệnh viện, gia đình công nhân ở khu nhà trọ… khắp các quận huyện thành phố. Vòng Tay Việt là chương trình quyên góp hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu, gia đình công nhân ở các khu nhà trọ, hộ dân trong khu bị phong tỏa. Mỗi phần quà đều có nhu yếu phẩm tối cần thiết gồm: Gạo, mắm, muối, khô cá, xì dầu, hạt nêm, mì gói, bún gạo, miến… cùng với nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: