Sài Gòn thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường không đủ để vận hành bộ máy

Tuyến đường Lê Lai (quận 1) thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường – Ảnh:Lao Động

Dù tăng phí đậu xe hơi dưới lòng đường lên gấp 4, tổng số tiền mà Sài Gòn thu về không đủ để vận hành bộ máy, thế mới kỳ quặc!

Từ Tháng Tám 2018, Sài Gòn tăng phí đậu xe hơi dưới lòng đường từ 5,000 đồng/lượt lên ít nhất 20,000 – 25,000 đồng/giờ và lũy tiến cho các giờ tiếp theo. Tuy nhiên, số tiền thu được mỗi năm lại thấp hơn trước đây, Lao Động ngày 7 Tháng Mười 2023 cho biết.

Hiện các tuyến đường cho đậu xe hơi có thu phí giảm từ 23 xuống còn 20 tuyến. Trong đó, quận 1 có 12 tuyến, quận 5 có ba tuyến, quận 10 có năm tuyến, với tổng số 879 vị trí cho xe đậu.

Ngành giao thông thành phố tính toán với số vị trí cho đậu xe hơi này sẽ thu được khoảng 6.7 tỷ đồng mỗi tháng (khoảng 80 tỷ đồng mỗi năm, tương đương $3,276,800/năm).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, số tiền thu được trong hơn bốn năm từ Tháng Tám 2018 đến hết Tháng Hai 2023 chỉ hơn 13.3 tỷ đồng ($544,768), chỉ bằng hơn 4% so với dự tính (80 tỷ đồng x 4, tương đương $13,107,200).

Đường An Dương Vương (quận 5) – một trong 20 tuyến đang tổ chức thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường tại Sài Gòn – Ảnh: Lao Động

Từ Tháng Tám 2018 – 2019, việc thu phí xe hơi đậu dưới lòng đường do các quận tự thực hiện. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao nên đầu năm 2020, công ty Dịch vụ công ích (DVCI) Thanh niên xung phong được UBND TP.HCM giao tổ chức thu.

Tuy nhiên, sau khi đổi đơn vị tổ chức thu phí, số tiền thu được vẫn không đủ bù chi. Trong năm 2021, theo báo cáo của công ty DVCI Thanh niên xung phong, 20 tuyến đường tổ chức thu phí đậu xe hơi theo giờ thu được hơn 2 tỷ đồng, nhưng chi phí bỏ ra cho nhân công, thuê phần mềm thu phí mất hơn 10 tỷ đồng, lỗ 8 tỷ đồng!

Đến giữa Tháng Tám 2022, công ty DVCI Thanh niên xung phong kiến nghị tạm ngưng thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường, UBND TP.HCM giao Sở GTVT, Công an thành phố, UBND quận 1, 5, 10 và công ty DVCI Thanh niên xung phong phối hợp quản lý.

Năm 2022, số tiền thu được tăng lên gần 5.8 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Lý giải nguồn thu thấp, Sở GTVT TP.HCM đưa ra rất nhiều lý do: trong đó đổ lỗi phần lớn người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa tự giác chấp hành quy định về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe, ngoài ra có vi phạm phổ biến là đóng phí một giờ đầu nhưng đậu xe trong thời gian dài (?)

Phần lỗi nhỏ còn lại mới là công tác phối hợp, xử lý vi phạm giữa đơn vị thực hiện thu phí và lực lượng chức năng thuộc UBND các quận, Công an TP.HCM vẫn chưa chặt chẽ và triệt để; tiến độ nâng cấp các giải pháp công nghệ và các tiện ích như kết nối liên thông các điểm đậu xe, lắp đặt camera giám sát, cảm biến… còn chậm (?)

Có sẵn đường phố, lại có số lượng xe hơi nhiều nhất nước, thế mà chỉ việc thu phí đậu xe hơi dưới lòng đường mà Sài Gòn làm không xong, bị lỗ tiền vận hành – Ảnh: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Một bài viết trên báo Lao Động ngày 21 Tháng Sáu 2022 mỉa mai: Sài Gòn có số lượng xe hơi lớn nhất nước, đường phố có sẵn, chỉ tổ chức thu phí đậu xe, nhưng vẫn lỗ là quá khó hiểu, làm “kinh tế” kiểu này thì thà đừng làm gì sẽ có lợi hơn!

Bài báo nhấn mạnh: “Người ta tổ chức một bộ máy để kiếm tiền, nhưng người ta không quản được bộ máy đó, thì chỉ có mất tiền!”.

Và so sánh: Trong khi công ty DVCI Thanh niên xung phong lỗ 8 tỷ đồng trong năm 2021, thì các đường phố vẫn tồn tại những nhóm thu phí đậu xe tự phát “ăn nên làm ra”. Tiêu biểu là các nhà hàng, quán ăn, quán phở luôn có một “sếp” cai quản đám đàn em đi thu tiền đậu xe. Các nhóm thu phí này xem lòng lề đường như tài sản riêng, thấy xe hơi trờ tới tìm chỗ đậu là ghi số lấy tiền trông xe.

Chủ xe còn mừng là vào ăn uống có người trông dùm xe, vì nếu không ai trông thì có thể xe hơi của họ sẽ bị một “vết thương” hoặc bị mất một bộ phận gì đó.

Các nhóm thu phí trông xe hơi tự phát này ở các nhà hàng, quán ăn… hoạt động công khai, chẳng cán bộ nào làm gì được!

Vấn đề của Sài Gòn là giao sai người đi thu tiền, thay vì giao cho công ty DVCI Thanh Niên Xung Phong, Sở GTVT hay UBND quận thì cứ thử giao cho tư nhân đấu thầu, có khi khác!

Từ việc Sài Gòn quản lý thu tiền xe hơi đậu trên lòng đường kém cỏi, Lao Động nhắc đến việc Sài Gòn sẽ bắt đầu thu phí kinh doanh ở lòng đường, vỉa hè từ ngày 1 Tháng Giêng 2024… và ngầm không tin tưởng Sài Gòn sẽ thu được gần 800 tỷ đồng/năm ($32,768,000/năm) như dự định.

95% độc giả của VnExpress không tán đồng việc thu phí cho phép kinh doanh ở vỉa hè và lòng đường- Ảnh chụp màn hình

Một ý kiến độc giả trên trang VnExpress ngày 8 Tháng Mười 2023 cảnh báo nếu Sài Gòn nhất quyết thu phí ở lòng đường, vỉa hè thì sẽ có tám hệ lụy xảy ra:

Thứ nhất, giả dụ nếu Sài Gòn thu được số tiền như dự định và nói sẽ chỉnh trang đô thị, nhưng nếu trừ đi phí quản lý, phí vệ sinh, phí trật tự… số tiền còn lại sẽ được bao nhiêu, có đủ đề đầu tư hạ tầng đô thị? Bài học về quản lý thu phí giữ xe hơi ở lòng đường lỗ nặng vẫn còn đó nhưng đến nay đã ai đứng ra chịu trách nhiệm chưa?

Thứ hai, vỉa hè ngoài việc để người dân đi bộ, còn là một phần cảnh quan, bộ mặt của thành phố… nhằm thu hút du khách, cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố, nếu biến vỉa hè thành cái chợ khổng lồ thì chỉ thêm nhếch nhác bẩn thỉu, hãy nhìn lại cách quản lý của Singapore.

Thứ ba, không phải cứ có nhiều người bán ngoài vỉa hè thì sức mua sẽ tăng, ngược lại, khi sức mua ngoài vỉa hè tăng thì sức mua ở những chợ hợp pháp và các cửa hàng hay siêu thị sẽ giảm, Sài Gòn có thể sẽ mất một phần thuế có thể còn nhiều hơn số tiền thu được từ việc cho thuê vỉa hè.

Thứ tư, hãy tính toán Sài Gòn sẽ phải xây thêm bao nhiêu nhà vệ sinh, bao nhiêu khu vực chứa rác từ chợ vỉa hè cho đủ? Cứ thử đến cổng các bệnh viện công của thành phố sẽ thấy những người buôn bán vỉa hè trước bệnh viện buôn bán nhếch nhác lộn xộn thế nào.

Thứ năm, những người có đủ điều kiện hay được thuê vỉa hè có thể không chỉ là người nghèo, khi phát sinh một bộ phận trung gian – có điều kiện để thuê theo giá nhà nước rồi “bán lại chỗ” với giá cao hơn.

Thứ sáu, người đi bộ sẽ phải đi xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông khi lòng đường vốn dĩ đã hẹp, dễ bị tai nạn. Khi đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, người thuê vỉa hè hay chính quyền cho thuê vỉa hè?

Thứ bảy, mâu thuẫn giữa người có nhà mặt tiền và người thuê vỉa hè sẽ ngày một gia tăng khi người dân có nhà khó ra vào, mất vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn… Điều này chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tiêu cực.

Thứ tám, các nước phát triển thường chỉ cho thuê lòng đường hay vỉa hè trong một khu vực nhất định, chủ yếu phục vụ cho du khách và cũng chỉ mở một thời điểm nhất định trong ngày, không cho thuê đại trà quanh năm suốt tháng như Sài Gòn.

Dưới bài viết này, VnExpress mở cuộc thăm dò độc giả với câu hỏi: “Theo bạn, có nên cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán?” thì kết quả có đến 95% độc giả trả lời “KHÔNG NÊN”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: