Một người mẹ trẻ ở Sapa vì ép hai con đi bán hàng rong đã bị xử phạt.
Lao Động ngày 24 Tháng Ba 2023 đưa tin Ủy ban thị xã Sapa vừa xử phạt bà Lù Thị Máy (28 tuổi, ngụ thôn San 2, xã Hoàng Liên, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai) 22 triệu đồng ($935) vì tội thường xuyên ép hai con nhỏ là cháu Thào Thị P. (10 tuổi) và Thào Minh B (3 tuổi) đi bán hàng rong.
Quyết định xử phạt này dựa theo điểm c Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 130 ngày 30 Tháng Mười Hai 2021 của nhà cầm quyền, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Trước đó, 21 giờ 14 ngày 11 Tháng Ba, tổ công tác số 4 phường Sa Pa thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hàng rong chèo kéo, đeo bám du khách tại đường Thạch Sơn thì nhìn thấy hai bé Thào Thị P và Thào Minh B (ngụ tại thôn San 2, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa) đang cầm các móc khóa đi bán. Hai bé đi một mình, không có người giám hộ nên đã bị tổ công tác đưa về Trung tâm chính trị thị xã Sa Pa để bảo đảm an toàn cho các cháu. Sau đó tổ công tác đã mời mẹ các bé là bà Lù Thị Máy đến làm việc.
Do nhà nghèo, từ năm 2020 đến nay, bà Lù Thị Máy ép hai con đi bán hàng rong trên các tuyến đường thuộc trung tâm thị xã Sa Pa vào các ngày cuối tuần để kiếm tiền. Theo Ủy ban thị xã Sapa, hành vi này bị luật pháp cấm, vì sẽ đem đến nhiều rủi ro, không an toàn cho các em.
Tuy nhiên, Sapa đâu chỉ có một trường hợp mẹ bắt con đi bán hàng rong cho du khách như bà Lù Thị Máy, đâu chỉ có hai em bé Thào Thị P và Thào Minh B lang thang trên đường mời chào du khách mua những món quà lưu niệm với giá từ 20,000 đồng – 50,000 đồng ($0.85 – $2.13)?
Thanh Niên ngày 24 Tháng Giêng 2023 đã phản ảnh khá rõ nét tình trạng trẻ em đeo bám du khách để bán những món hàng thủ công lưu niệm giữa trời giá rét. Sau Tết Nguyên đán là mùa du lịch ở Sapa, quanh các điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa như nhà thờ Đá, bản Tả Van, Tả Phìn, cứ thấy bóng dáng du khách là đội ngũ bán hàng rong bủa vây. Trong khi trẻ em bán đồ thủ công mỹ nghệ thì người già cố mời chào bán túi vải, khăn dệt thổ cẩm… Du khách nào muốn chụp hình các em thì bị vây đến xin tiền hoặc mời mua đồ lưu niệm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Thào A Sinh, Phó bí thư thường trực Thị ủy Sa Pa, cho biết địa phương sẽ rà soát các đội quân bán hàng rong hoặc xin ăn để phân loại thành các nhóm, có hướng xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, địa phương sẽ “tuyên truyền” bằng hai thứ tiếng (tiếng Việt và H’mong – sắc dân chiếm hơn 50% ở thị xã này) để người lớn không cho con em đeo bám du khách xin tiền hoặc bán hàng.
Đề cập đến vấn nạn trẻ em đi bán hàng rong ở Sapa, Phụ Nữ Việt Nam ngày 10 Tháng Mười 2022 cho biết Sapa có khoảng 23 em học sinh vẫn bán hàng rong phụ giúp cha mẹ mình. Thị xã này cũng tổ chức diễn đàn “tuyên truyền” các em phải tự bảo vệ mình, không đi bán hàng rong trong trường học, còn ngành giáo dục nghiêm cấm các học sinh đi bán kiếm thêm tiền. Hàng ngày, tổ công tác liên ngành của thị xã Sapa vẫn treo bảng hoặc phát loa khuyên du khách không mua hàng hoặc cho tiền trẻ em bán hàng rong.
Bà Dương Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lao Chải, trả lời báo này, đã kể các em học sinh ở trường thường bán hàng rong vào hai ngày cuối tuần, khi trở lại đi học vào thứ hai thì mệt mỏi, không chú tâm học.
Tuy nhiên, mỗi bé đi bán hàng rong đều có hoàn cảnh riêng nghèo khổ. Chẳng hạn như em Giàng Thị Dung, học sinh trường Tiểu học Lao Chải, chia sẻ, gia đình em khó khăn, mẹ em mất từ khi em ba tháng. Cha em lấy vợ mới, đẻ thêm năm em nữa và bảo Dung đi học cũng được hoặc không đi cũng chẳng sao. Vì thích đi học nên Dung vẫn đến trường và cuối tuần đi bán hàng rong lấy tiền phụ thêm cho cha.
Tin Tức Online ngày 11 Tháng Giêng 2021 làm hẳn một video về tình trạng này. Giữa trời đêm giá rét, nhiệt độ từ 0 độ C – 3 độ C (32 độ F – 37.4 độ F), hàng chục đứa trẻ từ 5 – 9 tuổi mặt mày lấm lem, môi run cầm cập, phải lang thang quanh khu nhà thờ Đá Sapa để chào mời du khách. Có bé gái 9 tuổi phải địu theo em 5 tháng tuổi phía sau lưng, một tay cầm dù che mưa cho hai chị em, một tay cầm mấy cái móc khóa để mời du khách. Ngày cuối tuần, các bé bị cha mẹ bắt đi bán từ lúc 8 giờ sáng. Hỏi mẹ đâu thì có bé nói “Mẹ ở chợ”, có bé nói “Mẹ ở nhà”. Hỏi “Thích ở nhà hay đi bán”, đứa trẻ nào cũng trả lời “Thích ở nhà”.
Thông tin với Tin Tức Online, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch thị xã Sapa, cho rằng: “Việc các cháu nhỏ đi bán hàng tồn tại từ lâu do bố mẹ chứ bản thân các cháu có biết gì đâu. Mấy năm nay chúng tôi cũng đã tuyên truyền rất nhiều. Chúng tôi kêu gọi du khách không mua hàng của các cháu là để bảo vệ quyền trẻ em”. Ông Quốc còn nói thêm bất kỳ ai phát hiện trẻ em đi bán hàng rong có thể báo ngay cho đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài 111 sẽ kết nối với địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có các biện pháp ngăn chặn.
Năm nào vào mùa cao điểm du lịch, các báo cũng cảnh báo vấn đề này với vẻ xót thương nhưng hình ảnh các bé chạy theo du khách trong trời giá rét ban đêm, không có người lớn bên cạnh, với rất nhiều nguy hiểm chực chờ, vẫn diễn ra. Nhà cầm quyền địa phương có phạt tiền bà Lù Thị Máy hoặc nhiều bà mẹ hơn nữa thì các bà mẹ này chắc cũng khất lần chứ tiền đâu mà nộp? Khi đói thì đầu gối phải bò, rồi bà Máy cũng sẽ tìm cách cho các con bán tiếp. Tại sao nhà cầm quyền Sapa không tìm biện pháp khác là giải quyết việc làm cho những gia đình nghèo phải đẩy trẻ em đi bán rong?
Việc làm căn cơ nhất là Ủy ban thị xã Sapa nên tổ chức những điểm bán đồ lưu niệm trên các tuyến phố chính của Sapa và cho những người nghèo bày gian hàng của họ miễn phí. Như vậy, cả gia đình họ có thể cùng buôn bán hợp pháp và kiếm được miếng ăn hàng ngày, trẻ em sẽ không trở thành “mồi nhử” lòng từ tâm của du khách.