Sự thật đằng sau $500 triệu mà tỉnh Nghệ An nhận mỗi năm

Thanh niên tại các huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu) của Nghệ An đăng ký thi tuyển đi lao động tại Nam Hàn theo chương trình EPS tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh – Ảnh: Báo Nghệ An

Mỗi năm, tỉnh nghèo Nghệ An thu được nguồn ngoại hối $500 triệu từ người lao động xứ này đi làm việc ở ngoại quốc.

Dân Trí ngày 29 Tháng Ba 2023 cho biết Nghệ An là tỉnh đứng đầu Việt Nam về số lao động đang làm việc ở ngoại quốc, trên 75,000 người. Các quốc gia thuê lao động xứ này bao gồm Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Đông Âu như Rumani, Hungari…

Năm 2022, địa phương này có 24,560 người đi làm việc ở ngoại quốc theo hợp đồng, đạt 181.25% kế hoạch, tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Chỉ tính 11 huyện miền núi, số lao động làm việc ở ngoại quốc đạt 7,643 người, chiếm 1/3. Số lao động có tay nghề chiếm khoảng 60%, đa số chọn nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điện tử, điện lạnh, hộ lý… Ngoài ra, có khoảng 6% lao động có trình độ cao đẳng trở lên cũng đi làm việc ở ngoại quốc như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và y tá…

Bên cạnh diện chính thức có hợp đồng, Nghệ An vẫn có những người chọn đi lao động bất hợp pháp bằng hình thức du lịch, thăm thân nhân, thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… Cuối năm 2019, có 21/39 người chết ngộp trong xe container đi từ Pháp sang Anh gây chấn động thế giới là dân Nghệ An (theo Lao Động ngày 8 Tháng Mười Một 2019).

Còn hiện tại, Nghệ An đang có thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên bị Chính phủ Nam Hàn tạm dừng tiếp nhận lao động. Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn từ 70 người trở lên hoặc tỷ lệ lao động hết hạn không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

“Vì sao Nam Hàn dừng tiếp nhận lao động đối với ba địa phương của Nghệ An?”, đó là câu hỏi của Báo Nghệ An ngày 17 Tháng Ba 2023. Tờ báo này cho biết đầu Tháng Ba 2023, Nam Hàn thông báo tạm dừng tiếp nhận lao động đợt 1 năm 2023 của Chương trình hợp tác EPS (EPS hay còn gọi là Employment Permit System – Hệ thống giấy phép làm việc, chỉ sử dụng cho người ngoại quốc làm việc ở Nam Hàn, nếu đi theo chương trình này thì người lao động ngoại quốc được hưởng chính sách như người lao động bản xứ – Nam Hàn) đối với thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên. Trong bối cảnh Nam Hàn cần nhân lực nhưng vẫn ngừng tiếp nhận lao động, hẳn là có lý do.

Theo báo cáo của Sở Lao động tỉnh này, trong hai năm 2018 – 2019, trung bình 100 người sang Nam Hàn lao động có 57 người bỏ trốn sau khi kết thúc hợp đồng, khiến Nam Hàn thông báo dừng tiếp nhận lao động của 11/21 huyện, thị của tỉnh. Sau một thời gian tạm dừng, Nam Hàn đã tiếp nhận lao động trở lại.

Nhưng từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, số người lao động ở huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò không về nước sau khi hết hạn hợp đồng gia tăng. Số liệu của Ủy ban huyện Hưng Nguyên, từ năm 2013 đến nay có hơn 1,000 lao động của địa phương sang lao động tại Nam Hàn nhưng có 136 lao động hết hạn hợp đồng vẫn chưa thấy về.

Tỷ lệ lao động Nghệ An đi làm việc ở ngoại quốc có thời hạn theo hợp đồng đã qua đào tạo chiếm 60% – Ảnh: Trường cao đẳng Việt – Hàn

Tính đến đầu Tháng Ba 2023,  toàn tỉnh có 1,770 lao động bất hợp pháp tại Nam Hàn, trong đó 372 người không về nước từ 2020-2021 và 1,524 người hết hạn hợp đồng phải về nước 2020-2021.

Trong 5 địa phương thì Nghi Lộc đứng đầu với 295 người bỏ trốn chưa về, Nam Đàn có 207 người, TP. Vinh có 194 người, thị xã Cửa Lò có 192 người và Hưng Nguyên có 136 lao động. Chính vì vậy, cánh cửa Nam Hàn thu hẹp, mỗi năm chỉ tiếp nhận 1,200- 1,300 người lao động Nghệ An, trong khi nhu cầu đăng ký lao động tại quốc gia này của người Nghệ An gấp nhiều lần.

Báo Nghệ An ngày 22 Tháng Ba 2023 đặt vấn đề “Vì sao khó thuyết phục lao động bất hợp pháp ở Nam Hàn về nước?” đã  lý giải qua câu chuyện của ba thanh niên đã từng đi lao động ngoại quốc nay trở về quê. Một người lao động tên Nguyễn Văn Hiếu (thị trấn Hưng Nguyên) mới về nước sau 4 năm 10 tháng lao động ở Nam Hàn bộc lộ ông tiếc nuối vì về nước sớm hơn dự định. Ông so sánh: “Những người đi cùng với tôi có ai về đâu, bởi như tôi thì chỉ dư được chút đỉnh, tầm 500 triệu đồng ($21,294) là nhiều, chưa cất được căn nhà”.

Hiếu nói rằng ai về nước đúng hạn cũng sẽ bị cha mẹ la mắng, vợ cằn nhằn, vì có khi nhà đã cắm sổ đỏ để vay tiền, nhưng về lại chỉ dư được vài trăm triệu đồng. Hiếu còn nói ông từng kỳ vọng khi về nước sẽ được nhận vào các công ty ở Khu công nghiệp VSIP, nhưng tại đây họ chỉ tuyển dụng ông như một lao động phổ thông bình thường với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng ($170-$212), nên ông ân hận khi trở về.

Ông Trần Mạnh Phúc, một lao động từng làm việc ở Nam Hàn từ năm 2011, mới về nước từ Tháng Giêng 2023, kể ông đã từng cư trú và lao động bất hợp pháp trong thời gian dài tại xứ sở kim chi. Chỗ ông làm hầu như như mọi người đều là lao động cư trú bất hợp pháp, chỉ những ai bị bắt mới phải về.

Tuy ở lại quá hạn mang tiếng là trốn tránh, nhưng Phúc lại thấy chỗ ông ở thoải mái, không sợ bị bắt nếu không vi phạm an toàn giao thông, không gây gổ đánh nhau. Hơn nữa, các ông chủ Nam Hàn lại ưu ái tuyển dụng lao động có tay nghề sau khi hết hạn hợp đồng chính thức. Xui cho Phúc là ông bị tai nạn trong lúc sử dụng máy cưa khiến một ngón tay út gần như bị đứt lìa, may mà ông chủ thương tình, chịu phần lớn chi phí nằm bệnh viện, nếu không Phúc có thể phải chi trả tới 300 triệu đồng ($12,776), chưa kể chi phí ăn ở trong những ngày phải điều trị.

Người thứ ba mà Báo Nghệ An phỏng vấn là ông Nguyễn Văn Thắng ở thị xã Cửa Lò. Ông Thắng phải về nước vì bị tai nạn lao động khi đang vận chuyển khối bê tông thép từ trên cao. Ông bảo phải về vì về mới được thanh toán tiền bảo hiểm, mặt khác nếu ở lại cũng không công ty nào nhận ông làm việc nữa.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng An toàn lao động và Việc làm, Sở lao động Nghệ An kết luận: Giải quyết được việc làm tại địa phương là yếu tố mấu chốt để thu hút lao động đang làm việc ở ngoại quốc trở về nước sau khi hết hợp đồng.

Điều ông Hùng nói là đúng nhưng bao năm qua Nghệ An chỉ có những gia đình có con đi lao động ngoại quốc là khá lên, còn môi trường làm việc tại địa phương vẫn dậm chân tại chỗ, làm sao thu hút lao động từng ra ngoại quốc trở về? Người lao động Nghệ An quyết chí ra đi vì thiếu việc làm tại địa phương, khi trở về đã có thói quen làm việc và sinh sống trong môi trường tốt hơn, nhưng lại không tìm ra công việc với đồng lương tương xứng, họ có sự so sánh và nuối tiếc là đương nhiên.

Giải pháp trốn ở lại lao động bất hợp pháp ở xứ người chắc chắn là chọn lựa nguy hiểm, điều đáng buồn là với xã hội hiện tại, chọn lựa nguy hiểm này của người Việt sẽ không thể chấm dứt trong tương lai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: