Tấm danh thiếp của người Việt

Theo số liệu công bố ngày 1 Tháng Tư 2021, dân số Sài Gòn có khoảng 8.99 triệu người. Tuy nhiên, nếu tính cả người cư trú không đăng ký hộ khẩu thì dân số thực tế của thành phố này vào năm 2018 đã gần 14 triệu người. Có nghĩa hiện nay (năm 2021), dân số thực tế tại Sài Gòn hẳn là lớn hơn con số 14 triệu so với ba năm trước đó.

Nếu căn cứ vào con số gần chín triệu người “có hộ khẩu” năm 2021 và 14 triệu “dân số thực tế” của năm 2018 thì có thể suy ra và ước lượng số người không có hộ khẩu tại Sài Gòn hiện thời là khoảng năm triệu. Ngày 12 Tháng Mười 2021, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố con số 1.3 triệu người đã rời bỏ các thành phố lớn để trở về quê trong chín tháng đầu năm 2021. Đáng lưu ý, con số thống kê trên chưa bao gồm lượng người rời đi sau khi Sài Gòn mở cửa hôm 1 Tháng Mười 2021.

Chưa có con số chính thống (hay chính xác), nhưng truyền thông “lề đảng” đưa tin có khoảng hơn 90 ngàn người đã phải rời bỏ Sài Gòn để về quê sau khi thành phố được nới lỏng hôm 1 Tháng Mười 2021. Nhiều người cho rằng con số thực tế có thể còn lớn hơn. Những người “bỏ phố về quê” là ai? Đương nhiên, họ nằm trong số năm triệu người dân nhập cư, vãng lai. Hay nói cách khác, họ là dân lao động nghèo, lực lượng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố “đầu tàu kinh tế” trong cả nước nhưng lại được thụ hưởng rất ít thành quả lao động do chính mình làm ra. Và hơn hết, lại bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất bởi đại dịch, bởi lệnh “giãn cách xã hội” với đủ thứ quy định ngặt nghèo.

Vậy tại sao những con người khốn khổ này phải rời bỏ thành thị để về lại quê hương, nơi mà trước đó họ đã dứt áo ra đi vì miếng cơm manh áo, vì hai chữ “mưu sinh”? Lý do, hẳn là ai cũng biết. Hình ảnh hàng ngàn dân nghèo lũ lượt rời bỏ thành phố, bồng bế, dắt díu nhau, mang theo lỉnh kỉnh những túi bọc, quần áo, đi xe gắn máy, thậm chí đi bộ trên suốt hành trình dài hàng trăm hay cả ngàn cây số để về quê trốn chạy cái đói, là một trong những diễn biến thời sự hiện thực nhất về đất nước Việt Nam những ngày qua.

Nhưng, trong lúc cơn đại dịch vẫn đang hoành hành và khi thành phố vừa được nới lỏng ít hôm sau bốn tháng ròng bị kìm kẹp, một số lãnh đạo của chế độ hiện hành đã lần lượt đưa ra những phát ngôn khiến dân chúng cay đắng và phẫn nộ.

Ngày 12 Tháng Mười 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp thứ IV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã phát ngôn (được báo chí dẫn lời) rằng: “Hiện tiền trong dân còn khá nhiều”. Cùng ngày, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành Hồ, ông Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thực tế Tp HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp “nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp”.

Ông Nên giải thích việc “lùa” người dân vào các khu cách ly tập trung như sau: “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm Covid-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì” (Hết trích).

Chiều ngày 18 Tháng Mười, tại kỳ họp HĐND TPHCM, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã khẳng định dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần năm tháng qua nhưng “đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch”. Trước phản ứng gay gắt của công luận, chưa đầy 24 giờ sau, ông Tấn được truyền thông nhà nước “giải cứu” bằng một “cuộc trao đổi sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X” để chữa cháy ”. Ông Lê Minh Tấn giải thích: “Họ nói không trúng đâu, tôi không nói chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc. Có thể, ở đây có thể các bạn đã hiểu sai ý tôi. Ở đây tôi đang đề cập đến Nghị quyết 68 của Chính phủ có nêu “không để ai thiếu đói, thiếu mặc”. (Hết trích).

Không biết vụ “giải cứu truyền thông” này có tác dụng đến đâu, nhưng xem ra lòng tin của dân chúng đối với lời giải thích của ông Tấn cũng tỉ lệ thuận với “sự tin tưởng” dành cho các gói cứu trợ ngàn tỉ, mà chính phủ và giới chức thành phố đưa ra trong mấy tháng vừa qua.

Không tính những người phải bỏ dở hành trình về quê nếu không may gặp rủi ro giữa đường thì đến hôm nay, sau hơn nửa tháng, hàng trăm ngàn người dân lao động nghèo có lẽ đã về đến nhà. Nhưng hình ảnh của các đoàn “di dân” chắc hẳn sẽ còn ám ảnh người Việt nhiều năm về sau nữa. Chỉ có những kẻ vô cảm, mang hình hài của con người nhưng trái tim thuộc về một giống loài khác mới dửng dưng, vô cảm trước thảm cảnh đồng bào mình gánh chịu. Ngoài con virus corona bé nhỏ mắt thường không trông thấy, những gì diễn ra tại Sài Gòn suốt mấy tháng qua có lẽ đã đủ để người dân nhận diện được gương mặt và tên gọi của kẻ thủ ác khác gây ra thảm cảnh bi đát này. Ngày mai và có lẽ nhiều đời sau, những câu chuyện của hôm nay dẫu chẳng cần một Viện Bảo tàng để trưng bày, thì nó vẫn ăn sâu vào tâm trí, cội rễ, lòng dạ người Việt như một nỗi đau đớn, tủi hờn, như một chứng tích sâu đậm của lịch sử không thể quên lãng, không được phép xóa nhòa.

Những hình ảnh chúng dân trùng trùng điệp điệp, lũ lượt rời bỏ thị thành để trở về quê hương hôm nay, là tấm danh thiếp chung của người Việt giới thiệu với cộng đồng nhân loại không chỉ thân phận thường dân, mà còn có giá trị quảng bá gương mặt của thế lực cầm quyền một cách chân thực, rõ ràng nhất. Tấm danh thiếp sơn son thếp vàng nhưng ẩn sau nó là máu, nước mắt và sự khổ đau tận cùng của người dân Việt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: