Một người đàn ông vì mâu thuẫn cá nhân cùng lúc tước đoạt hơn chục mạng người, hay một phụ nữ vô cớ bị một thanh niên hai lần hành hung giữa đêm khuya chỉ vì… không bán dao, và nhiều vụ việc khác gây phẫn nộ dư luận. Những hành động tàn ác đó xảy ra nhan nhản ở xã hội Việt Nam hôm nay.
Những ngày giữa tháng Mười Hai năm 2024, mạng xã hội tại Việt Nam dồn dập các video gây phẫn nộ dư luận, ghi lại những hành động tàn ác giữa người Việt với người Việt, diễn ra với tần suất gia tăng và ở mọi lúc mọi nơi.
Vào ngày 19 tháng Mười Hai năm 2024, Công An TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Cao Văn Hùng, 51 tuổi, cư dân xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, với cáo buộc tội “giết người” và “hủy hoại tài sản.”
Báo chí trong nước đưa tin, một ngày trước, tại một căn nhà kinh doanh quán cà phê-hát với nhau, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, do có mâu thuẫn cá nhân với người của quán cà phê, Hùng dùng xăng đốt quán. Quán cháy rụi, 11 người chết, một số khác bị thương, và tài sản thiệt hại nghiêm trọng.
Lý do can tâm đốt quán, theo lời khai của Hùng với Công An, Hùng đến quán cà phê này uống chai bia và mua một gói thuốc lá. Số tiền phải trả là 50,000 đồng, nhưng vì quên mang ví tiền, nên Hùng hẹn sẽ về lấy rồi quay lại trả sau, nhưng người của quán (tên Ngọc) xông vào đánh Hùng một cách thô bạo. Bị đánh đau, Hùng tức giận xách xô đi mua 150,000 đồng xăng, rồi đón taxi quay lại quán cà phê, tạt xăng vào tầng 1 nơi có nhiều xe máy, rồi châm lửa.
Một vụ khác xảy ra ở Sài Gòn. Ngày 16 tháng Mười Hai, chị N.T.M.C., 39 tuổi, quê ở Ninh Thuận, một phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ và cũng là chủ tiệm tạp hóa trên đường Kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, đến trình báo, chị bị một thanh niên hành hung thô bạo, chỉ vì chị không chịu bán dao, mặc dù chị M.C. không bán dao thật, mà chỉ bán thuốc lá.
Qua đoạn video do camera của tiệm tạp hóa ghi lại, tiếng chị M.C. kêu khóc thất thanh nhưng do đường vắng người, không ai đến cứu. Công An quận Tân Phú xác định hung thủ hành hung chị M.C. là Lý Văn Thường N., 28 tuổi, quê ở Bến Tre, cư trú tại Quận 6.
Báo chí cũng đưa tin một vụ khác nữa xảy ra vào ngày 9 tháng Mười Hai, mạng xã hội trong nước tràn ngập đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông đánh dã man một người phụ nữ, dù chính mình gây lỗi trước khi cố tình vượt lên, đụng vào xe người phụ nữ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, với kết quả chẩn đoán, bị đa chấn thương, sưng vùng gò má phải, bầm niêm mạc miệng vùng môi… Gã đàn ông bị bắt tạm giam.
Trên đây chỉ là ba vụ điển hình trong số nhiều vụ việc khác gây phẫn nộ, nhưng với lý do rất… tào lao, cho thấy xã hội Việt Nam hiện thời quá bất an.
Bạo lực và cái ác nhan nhãn, hiện hữu ai cũng thấy và nói nhiều nhưng dường như không thuyên giảm, trái lại đang cho thấy những hành động tàn ác giữa người Việt với người Việt gia tăng. Một chút mâu thuẫn nhỏ nhặt hoặc có điều gì chưa hiểu ý thì người Việt cũng dễ dàng biến thành sự hoài nghi, rồi dẫn đến tội ác, ít chọn cư xử hòa nhã, êm ấm. Tình thương và niềm tin trở nên khan hiếm trong tâm hồn con người Việt khiến phần nhiều hành vi ứng xử là thô bạo, vô cảm.
Niềm tin ở đây còn phải kể đến niềm tin giữa người dân và chính quyền Việt Nam, niềm tin vào pháp luật, niềm tin vào một xã hội có an toàn, có an lành hay không đang bị giảm sút và giảm sút thậm tệ.
Nạn mua quan bán chức, phe nhóm lợi ích tranh quyền đoạt lợi trong bộ máy Nhà nước lẫn doanh nghiệp, thể hiện một thực trạng xã hội dẫn lối con người Việt Nam coi trọng vật chất hơn mọi giá trị. Từ đó, người Việt bị đánh mất niềm tin vào giá trị cuộc sống, sống kích động theo lối mạnh ăn hiếp yếu đặt trước yếu tố “đúng-sai” vượt lên trên cả sự phân xử của pháp luật và chính quyền.
Thế giới ngày một phát triển, Việt Nam cũng vậy, đời sống vật chất của người dân cũng được cải thiện, nhưng đạo đức, lối sống lại tệ hại. Khi kinh tế phát triển mà đạo đức xuống cấp thì tình người sẽ vơi dần. Đặc biệt tại Việt Nam, sợi dây liên kết gia đình-nhà trường-xã hội hình thành nhân cách con người lại đang chứa đựng quá nhiều mặt yếu kém, tiêu cực vô tình tiếp sức cho cái ác nảy sinh nhiều hơn cái thiện, cái ác của phần “con” trỗi dậy lấn át cái thiện của phần “người,” dẫn đến một bộ phận không nhỏ người Việt sống lệch lạc nhân cách, vô giáo dục, vô văn hóa, thực dụng và ích kỷ, thờ ơ và vô cảm.
Một xã hội Việt Nam đang khiếm khuyết về giáo dục và pháp luật thì làm sao con người có thể sống yên ổn. Từ thực tế đã chứng minh, những vụ thảm án hay những vụ việc gây rúng động dư luận ở Việt Nam ngày càng tiếp diễn, mức độ và hậu quả gia tăng, không hề giảm.
Cách hành xử nhân văn giữa con người với con người là nét đẹp truyền thống mà từ ngàn xưa cha ông để lại, nói chung đã không được thế hệ con cháu người Việt ngày nay gìn giữ và phát huy. Có nhiều nguyên nhân để lý giải nhưng suy cho cùng, dù có thế nào đây cũng là nỗi đau của con người và cả xã hội Việt Nam ngày nay.