Tàu khai thác cát đi đến đâu, đồng ruộng mất đến đó

20 tàu hút cát trái phép trên sông Văn Úc, Hải Phòng. Ảnh Người Lao Động

Đây là hiện trạng báo động ở một số tỉnh/thành, đặc biệt miền Trung và các tỉnh miền Tây.

Tuổi Trẻ ngày 17 Tháng Ba 2023 đã kêu cứu dùm nông dân ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông). Những thửa ruộng của họ nằm dọc sông Krông Nô đang biến thành sông vì các tàu hút cát hoạt động hết công suất đã ngoạm vào bờ hàng trăm mét.

Mặc dù họ đã khiếu nại nhưng nơi cấp giấy phép – nhà cầm quyền địa phương, lại cho rằng họ chỉ có vai trò “trọng tài” trong tranh chấp giữa công ty khai thác cát và nông dân bị thiệt hại.

Ruộng đồng của người dân trải dài 6km (3.7 miles) dọc bờ sông Krông Nô, thuộc địa phận xã Nam Kar, huyện Lăk (Đăk Lăk) và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có tới năm doanh nghiệp khai thác cát, với hơn 10 chiếc tàu hút cát đang hoạt động, trong đó một số tàu tiến vào gần bờ sông phía khu vực sạt lở. Khảo sát thực tế, Tuổi Trẻ cho biết tàu hút cát số hiệu ĐNô 0010 của công ty Văn Hồng hết hạn đăng kiểm từ ngày 22 Tháng Mười 2022 vẫn ngang nhiên hút cát.

Theo người dân, việc khai thác cát quá mức ở đoạn sông ngắn, cùng với hoạt động bất ngờ của thủy điện Chư Pông Krông (tỉnh Đăk Lăk đã lấy 5.41ha – 13.3 acres – đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka để làm thủy điện này) vào cuối năm 2022 khiến nhiều đoạn sông sạt lở nghiêm trọng.

Ông Y Chim Niê, một nông dân sở hữu ruộng ở bờ sông than thở rằng mỗi năm sông lại lấn vào bờ mấy chục mét, ông thắc mắc: “Tôi nghe xã nói, theo quy định tàu hút cát phải cách bờ 20m (787 inches), nhưng đất sạt đến đâu tàu cũng lấn theo đến đó. Ruộng cứ sạt mãi, thành sông, thành cát cho họ hút hết”.

Khi ông khiếu nại, công ty khai thác cát lại đến thỏa thuận bồi thường đất bị sạt lở để ông rút đơn. Mới đây có hai công ty bồi thường 115 triệu đồng/sào ($4,874/5,381 square feet) cho những gia đình có ruộng bị sạt lở đất. Vì đã nhận tiền, một số gia đình nông dân lo lắng các công ty cho rằng vì đã bồi thường nên sẽ tiếp tục lấn sâu vào bờ để lấy cát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chung Huy, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, có 30 gia đình tại xã Quảng Phú khiếu nại về việc đất bị sạt lở. Sau đó, có 2/5 công ty khai thác cát (đoạn sông qua xã Quảng Phú) làm sạt lở bờ sông đã bồi thường cho dân, các công ty còn lại vẫn lặng thinh.

Ông Huy cũng nói thêm theo luật, các doanh nghiệp được khai thác cát cách bờ 20m (787 inches), nhưng không quy định việc phải xác định bờ thời điểm ban đầu cấp phép hay lúc tàu đang hút? Điều này dẫn đến việc sạt lở càng trầm trọng, vì sông sạt đến đâu, tàu cát đi theo hút cát đến đó.

Điều lạ lùng là khi phóng viên xin văn bản kết luận về tình trạng sạt lở bờ sông do các công ty cát gây ra thì ông chánh văn phòng Ủy ban tỉnh Đăk Nông cho rằng vì văn bản đóng dấu mật, không thể cung cấp? Lý do vì sao văn bản này đóng dấu mộc thì ông chánh văn phòng không nói.

Trước đó, ngày 16 Tháng Hai 2023, Tuổi Trẻ phản ảnh ruộng đồng của người dân ven sông Vu Gia (địa phận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) biến mất theo từng năm khi nhà cầm quyền cấp phép cho công ty khai thác cát.

Dải phù sa ở sông Vu Gia vốn là vùng sản xuất hoa màu lớn nhất của nông dân huyện Đại Lộc, thế mà giờ ruộng đồng ở đây đang hoang hóa dần. Nông dân Trần Ngọc Hòa, xã Đại Hồng, kể ông có 5,000m2 (53,819 square feet) đất ruộng dọc triền sông, là nguồn sống của cả gia đình nhưng chỉ mấy năm qua đã bị sạt lở mất gần một nửa.

Ông buồn bã nói: “Đất của tôi nằm sát mỏ cát của công ty Trường Lợi, họ khai thác quá khủng khiếp nên đất bị sụt xuống sông. Đất trồng hoa màu lân cận mỏ cát này cũng mất 10 – 20m (394 inches – 787 inches) ăn sâu vào đất liền mỗi năm. Bà con rất phẫn nộ nhưng mọi kiến nghị đều không có kết quả”.

Sạt lở trầm trọng bờ sông Vu Gia. Ảnh Thanh Niên

Hiện trạng tàu thuyền, máy nạo hút lẫn xe cơ giới khai thác cát hoạt động ầm ỹ bên dòng sông Vu Gia, làm biến đổi dòng chảy, tạo nên hàng chục điểm hở hàm ếch, đã làm hai ngôi làng trong xã Đại Hồng biến mất, người dân phải di tản đi nơi khác.

Chỉ riêng Đại Lộc có tới hàng chục mỏ cát, người dân ở các ngôi làng dọc sông liên tục kêu cứu vì sông nuốt làng, nuốt đất sản xuất. Một nông dân ở thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng kể mỏ cát chỉ “trùm mền” khi có thanh tra, kiểm tra, xong rồi lại tiếp tục xúc cát như trước.

Ông Võ Ngọc Tốt, trưởng phòng tài nguyên-môi trường huyện Đại Lộc, cho biết tính tới Tháng Hai 2023 chỉ còn 2 mỏ cát quy mô lớn hoạt động, thuộc công ty Pha Lê (xã Đại Sơn) và công ty Trường Lợi (xã Đại Hồng) và sắp tới sẽ cấp phép thêm cho công ty Hoàng Cử. Như thế đã là hạn chế tối đa các mỏ cát trên sông Vu Gia, ông Tốt biện minh (!)

Tương tự miền Trung, nông dân các tỉnh miền Tây cũng khốn khổ vì nạn khai thác cát làm sạt lở bờ sông, cuốn theo đất vườn, đất ruộng, thậm chí cả nhà cửa. Đêm 5 Tháng Mười Hai rạng sáng 6 Tháng Mười Hai 2022, bờ sông Cổ Chiên, đoạn qua xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) sạt lở dài 500m (19,685 inches), tiến sâu vào đất liền 400m (15,748 inches) đã cuốn 12 căn nhà, một nhà xưởng, một xe cuốc đang xây dựng đê bao, hai ao nuôi cá chốt và khoảng 10 ha (24.7 acres) đất xuống dòng sông. Tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng ($1.48 triệu).

Vụ sạt lở kinh hoàng này đã làm 16 gia đình với 58 người dân bỗng chốc thành vô gia cư, nhưng nhà cầm quyền chỉ cho chỗ ở tạm, trao lương thực cùng 2 triệu đồng ($84.7) cho mỗi nhà.

Không thể lấp liếm được nữa, ngày 11 Tháng Hai 2023, Sở Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã gửi báo cáo đến Ủy ban tỉnh Vĩnh Long xin dừng khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao, để đánh giá lại việc khai thác cát trên toàn bộ sông Tiền và sông Cổ Chiên, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long.

Khi nghiên cứu nguyên nhân thì kết quả cho thấy, chính hoạt động của con người đã làm biến đổi địa hình lòng sông, hạ thấp lòng dẫn mạnh nhất, gây sạt lở bờ Cổ Chiên.

Bình thường, mỗi ngày ở giữa sông Cổ Chiên luôn có hai xáng cạp khai thác cát do nhà cầm quyền cấp phép. Vào thời điểm xảy ra sạt lở, người dân ghi hình có xáng cạp đang múc cát đã nhanh chóng rời đi!

Cấp giấy phép bán tài nguyên (cát, khoáng sản, đất đai, cây rừng và sản vật từ rừng) là nhanh nhất để có tiền, có nguồn ngân sách cho địa phương và cũng là cách nhanh nhất để hủy diệt tương lai của giống nòi, nhưng các quan nào có quan tâm!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: