Thủ lĩnh vùng biên

Phóng sự đặc biệt của SGN
Nhóm thủ lĩnh khu vực biên giới Việt-Trung (ảnh tác giả)
Thời Sự
Thời Sự
Thủ lĩnh vùng biên
Loading
/

Tạm gọi là “thủ lĩnh” bởi vì với người dân vùng biên giới Việt Trung, họ là những tay anh chị, còn với tôi, họ chỉ đáng tuổi con cháu và không có gì đáng e ngại. Đó là một nhóm bạn trẻ tỷ phú lứa tuổi 9X giàu, giỏi và dữ dằn. Họ thuộc giới “làm luật” ở các cửa khẩu.

Dù độ tuổi khoảng đôi mươi nhưng các thủ lĩnh vùng biên đã có gia sản hàng trăm tỷ đồng với 4-5 xe container chạy Bắc-Nam. Mỗi người đều có xe hơi riêng, không phải một mà 2-3 chiếc, toàn những “con xe” đời mới, sang trọng, đắt tiền nhất. Do một cơ duyên, tôi gặp gỡ quen biết và đi cùng bọn họ trong ba ngày ở Lạng Sơn, vùng biên giới Việt-Trung.

Thủ lĩnh

Trong nhóm bạn trẻ ấy, Học Xoăn là thủ lĩnh. Gương mặt thư sinh trắng trẻo, đẹp trai, cách ăn nói nhã nhặn lễ phép thật đối nghịch với thân hình xâm trổ vằn vện. Tất cả đều xâm mình, kể cả các bạn nữ. Nữ xâm ít hơn nhưng nam thì xâm nửa thân hoặc trọn cả thân mình luôn. Đi cùng chúng tôi thì họ luôn mặc áo khoác tay dài che kín cổ, nhưng những hình xâm vẫn lộ ra ở bàn tay, cổ áo.

Các bạn nói năng lễ phép hiền lành, cởi mở và thân tình. Cô bé Ly không ngần ngại tâm sự với chúng tôi về chuyện tình yêu của em, rằng em đang có thai nên phải cưới gấp trong vài tháng nữa, rằng em đang giận hờn người yêu không quan tâm thăm hỏi em hàng ngày… Còn vợ chồng T thì làm ăn bên Trung Quốc, lâu lâu mới về nhà ở Nam Định thăm con đang gửi bà ngoại chăm sóc. T nói rằng mỗi lần phải rời xa con, em khóc tu tu trên xe suốt dọc đường sang bên kia biên giới…

Các em kể thật nhiều về cuộc sống gia đình, về những dự định tương lai của vợ chồng các em, như tôi là người thân thiết lắm vậy. Các thủ lĩnh đãi bọn tôi những bữa ăn trị giá hàng chục triệu với rượu rót xối xả, không thiếu món ngon đặc sản nào của Lạng Sơn, từ cá hồi Mẫu Sơn, cá tầm Sapa, rượu Mẫu Sơn, đến gà đồi… Họ lái xe sang chở chúng tôi lên tận đỉnh Mẫu Sơn cao hơn 1,500m, vượt qua con đường đèo dốc đứng một bên là núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm. Họ không để chúng tôi ở nhà nghỉ bình dân, mà “book” phòng cho khách ở khách sạn năm sao. Trong suốt mấy ngày ở Lạng Sơn, nhóm thủ lĩnh ấy tiếp đãi  chúng tôi chu đáo, nồng hậu thân tình, hiền lành đến nỗi tôi không thể hình dung được khi họ “làm luật” là như thế nào nữa.

Khu vực biên giới Việt-Trung – nơi việc “làm luật” được giang hồ “phối hợp” với lính biên phòng Việt Nam (ảnh tác giả)

Làm luật

Nhưng tôi cũng biết rằng, dân làm luật vùng biên là ghê gớm lắm. “Rắn lắm đấy” là lời của họ khi nói về nhau. Làm luật là gì?

Tất cả mọi hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu qua biên giới đều phải nộp tiền cho “công ty dịch vụ” của họ. Nếu không, các xe container chở hàng của Việt Nam không thể qua được cửa khẩu, không xuống hàng được thì trái cây chỉ có ung thối trên xe mà thôi. Qua bên kia biên giới giao hàng xong trở về, nếu chủ hàng không “làm luật” với giá 5-7 triệu/xe thì sẽ không có hàng mang về Việt Nam, chỉ có thể đi xe không mà về, thậm chí người cũng không giữ toàn mạng. Họ “làm luật” cả hai bên biên giới.

Hải quan ư? Công an xuất nhập cảnh ư? Chỉ là một “khâu” trong cái “qui trình làm luật” của họ. Dù có đầy đủ giấy tờ hải quan cũng không thể thông quan được, không qua biên giới được nếu không chịu “làm luật”. Có lẽ không có bất cứ người nào làm ăn ở biên giới mà dám từ chối nộp tiền cho họ. Khi thuận thảo nộp tiền đầy đủ, họ đối xử như anh em thân tình, có phần lễ độ, nhưng nếu không chịu “làm luật” thì sẽ biết “thế nào là lễ độ”. Họ sẽ xả bạn ra nhiều khúc bằng mã tấu, chém không nương tay.

Vượt biên giới

Các thủ lĩnh vùng biên mời chúng tôi sang Trung Quốc chơi một ngày. Theo qui định của công an xuất nhập cảnh, người ngoài tỉnh phải ba ngày sau mới lấy được giấy thông hành, nhưng các thủ lĩnh lo hết, làm thủ tục tại công an xuất nhập cảnh chưa đến nửa tiếng là có giấy thông hành ngay. Thế là lên đường…

Tại cửa khẩu Tân Thanh, bọn tôi đứng xếp hàng chờ, tay cầm giấy thông hành, chờ mãi, tay công an trực ngồi đó ung dung, không thèm nhìn đến dãy người mỏi chân đứng ngay trước mặt. Một lúc sau, viên công an cửa khẩu nói thẳng: “Mỗi người 50”. Rất nhanh, Học Xoăn bước tới đưa 250,000 đồng (khoảng hơn $10), thế là gom năm cái giấy thông hành lại đóng dấu một lượt, rồi đi ngay. Họ thuê cho chúng tôi những chiếc xe Honda ôm chở người qua biên giới, đi đường tắt vòng vèo qua những con đường đất chứ không theo đường lộ chính, chả hiểu vì sao.

Vừa bước qua cửa khẩu Pò Chài phía bên Trung Quốc là điện thoại mất sóng ngay tức thì. Nhóm lạc nhau mà không gọi điện thoại liên lạc được. Duyên – người dẫn đường cũng chính là vợ của Học Xoăn – dẫn cả bọn vượt rào, chui qua một tấm vách tôn lọt vào khu tập kết hoa quả Trung Quốc, là nơi để đóng hàng về Việt Nam. Họ gọi đó là “bãi hoa quả”, một bãi đất rộng thênh thang với vài trăm xe container đang đậu chờ lên hàng.

Hàng lạnh qua, hàng nóng về

Tôi đứng cạnh một xe tải đang chất trái cây, hóa chất bảo quản mùi táo bốc lên nồng nặc. Mỗi thùng trái cây có một túi hóa chất, người tiêu dùng không bao giờ nhìn thấy bởi chủ vựa sẽ tiêu hủy nó ngay khi nhận được hàng. Trái cây Trung Quốc để hàng mấy tháng trời vẫn tươi ngon, điều đó người Việt ai cũng biết.

Tất cả trái cây Việt Nam đưa sang Trung Quốc thì tuyệt đối không được ướp tẩm hóa chất, mà phải đi bằng xe container lạnh – gọi là hàng lạnh. Nếu phát hiện hóa chất bảo quản, Trung Quốc sẽ trả hàng và cắt hợp đồng ngay. Trong khi đó, trái cây ở “bãi hoa quả” chờ đưa sang Việt Nam thì tẩm đầy hóa chất, không cần đi xe lạnh mà chỉ chở bằng xe tải thường – gọi là hàng nóng.

Thật bất công, thật tàn ác! Các bạn thủ lĩnh cho biết, hóa chất bảo quản rất độc hại và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Hàng ngày phải tiếp xúc với mùi của hóa chất nên họ rất sợ bị vô sinh và sinh con quái thai. Yêu nhau phải mang thai rồi mới cưới cho chắc ăn, để biết chắc chắn không bị vô sinh, họ bảo vậy. Cưới xong rồi vội vàng đẻ vài đứa thật nhanh, khi họ còn trẻ chưa bị ảnh hưởng bệnh tật bởi hóa chất.

Thủ lĩnh Học Xoăn đi đâu chưa đến. Bọn nhà báo tụi tôi ngồi trong bãi xe giữa ánh mắt gườm gườm của dân làm luật biên giới và đám cửu vạn xung quanh. Chúng đang nghi ngại. Ớn lạnh xương sống. Chỉ đến khi thủ lĩnh Học Xoăn xuất hiện, ngồi vào với nhóm tụi tôi thì những tia mắt ấy mới dịu xuống, nhìn lảng đi chỗ khác. Vậy đủ hiểu Học là tay anh chị “có số má” ở đây như thế nào. Nghe nói trước kia Học từ Quảng Ninh lên Lạng Sơn làm phụ việc cho anh rể, anh rể Học là ông trùm của giới làm luật vùng biên. Được hai năm thì anh rể bị chém chết, Học thay thế, đúng “truyền thống nối ngôi” của giới giang hồ.

Sang thành phố Bằng Tường, Trung Quốc

Chúng tôi hoàn toàn tin cậy phó thác sự an nguy số mạng mình vào tay các thủ lĩnh vùng biên, không một phút nào lo lắng. Đúng là điếc không sợ súng. Cho đến khi Duyên nói rằng, bọn Trung Quốc chúng nó muốn đánh người Việt lúc nào là đánh, hành hạ sai bảo người Việt bất cứ lúc nào chúng cần người làm việc cho chúng, mà nếu mình có kêu cứu thì cảnh sát Trung Quốc cũng lờ đi không can thiệp. Hèn gì mà Học Xoăn phải huy động toàn bộ nhóm “làm luật” thân cận gồm tám người cùng đưa bọn tôi sang Bằng Tường, thay vì chỉ một người dẫn đường là đủ. Các thủ lĩnh trẻ bỏ hẳn một ngày làm việc kiếm cơm, đi cùng chúng tôi như một cuộc đi chơi vui vẻ, nhưng thực ra các bạn ấy rất coi trọng sự an nguy của đám nhà báo già đầu mà khờ khạo này.

Ba ngày với các thủ lĩnh vùng biên giới tràn đầy niềm vui và những trải nghiệm mới mẻ, trải nghiệm về cuộc sống xa hoa sang trọng, đi cùng với công việc làm ăn đầy áp lực thử thách khắc nghiệt, trải nghiệm về những con người vui vẻ, dễ thương, chân tình nhưng đằng sau đó có thể là một bộ mặt khác hẳn. Một lái xe đường dài cho tôi biết, giới làm luật ấy có thể nói cười với chúng ta vui vẻ vậy, nhưng ngay sau đó vài phút sẵn sàng… xiên bạn thẳng cánh nếu họ bất bình, tức giận điều gì đó.

Trải nghiệm cuối cùng của chúng tôi là sự kinh tởm trước một bộ máy công quyền Việt Nam vùng biên giới, với lực lượng hùng hậu, quân phục cấp hàm xênh xang nhưng hoàn toàn bị khuất phục bởi thế giới ngầm, bởi một nhóm thanh niên tuổi mới đôi mươi; và bởi rất rất nhiều tiền bẩn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: