Đó là bình luận của đa số bạn đọc Việt trước thông tin từ ngày 15 Tháng Năm tới đây, ai vào tham quan phố cổ Hội An sẽ phải mua vé.
Giá vé quy định là 80,000 đồng ($3.41) với du khách trong nước và 120,000 đồng ($5.11) với du khách quốc tế.
Trên tuyến đường du lịch miền Trung Việt Nam, phố cổ Hội An là nơi du khách quốc tế chọn lựa dừng chân nhiều ngày hơn những điểm đến khác. Vài năm gần đây, với sự phát triển của TP.Đà Nẵng, nhiều người Việt khi ra Đà Nẵng du lịch cũng thích ghé qua Hội An – phố cổ gần Đà Nẵng. Tiêu biểu là năm 2019 trước dịch Covid-19, Hội An đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế đạt 4.6 triệu lượt, còn du khách nội địa đạt trên 3 triệu lượt. Năm 2022, Hội An chỉ đón hơn 1.5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ có 614,000 lượt, còn khách nội địa 922,000 lượt. Trước và trong tết Quý Mão vừa qua, du khách quay trở lại Hội An nhiều hơn, với 40,000 lượt du khách một ngày.
Chắc mẩm về sức hút du khách của Hội An, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Nam vịn vào cớ lấy tiền bán vé tham quan Hội An phục vụ cho việc trùng tu di sản và tổ chức các sự kiện du lịch ở phố cổ, họ ra thông báo từ 15 Tháng Năm tới đây, bất kỳ du khách nội địa hay quốc tế vào Hội An cũng phải mua vé. Để tránh việc thất thoát tiền bán vé, do sợ du khách nội địa “giả dạng” dân bản xứ, nhà cầm quyền sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm hai lối đi, một lối đi dành cho dân bản xứ và một lối đi dành cho du khách, rõ là “mua dây buộc vào người”, tạo thêm rắc rối cho việc đi lại của dân bản xứ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3 Tháng Tư, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An phân bì: “Cùng di sản như nhau nhưng lâu nay vé tham quan Hội An vẫn được cho là thấp hơn rất nhiều so với các điểm đến khác. Thậm chí một số ý kiến còn đánh giá rằng Hội An là nơi du lịch giá rẻ, chúng tôi không muốn mang “thương hiệu” buồn này”. Còn ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng mức phí tham quan khu vực di sản hiện chưa tương xứng, ông Thủy so sánh: “Hạ Long, Huế, thậm chí ở các nước Đông Nam Á thì mức phí tham quan cao gấp nhiều lần. Đa phần khách quốc tế họ ủng hộ và sẵn lòng đóng góp cho di sản. Đây cũng là quan điểm được UNESCO ủng hộ, đánh giá cao” (?)
Theo trang Du Lịch Hội An, trước kia du khách đến Hội An có thể chọn lựa: Muốn tham quan bảy cụm di tích thuộc di sản văn hóa của phố cổ Hội An như nhà cổ, nhà thờ, bảo tàng, hội quán, lăng mộ thương nhân Nhật Bản… thì phải mua vé (giá $3.41 với khách Việt và $5.11 với khách quốc tế); còn nếu không mua vé thì chỉ được đến những điểm khác như cầu Hội An bắc qua sông Hoài, chợ Hội An, sông Hoài, phố đèn lồng, các con hẻm, chợ đêm…
Chính vì được chọn lựa, nên nhiều tour dẫn khách tham quan phố cổ đã bỏ qua việc mua vé tham quan bảy cụm di tích, và theo Ủy ban TP.Hội An, như vậy là không công bằng. Trao đổi với VietnamNet ngày 3 Tháng Tư, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban TP.Hội An, lý giải khi quyết định công nhận phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới thì toàn thể cảnh quan khu phố cổ là di sản chứ không phải chỉ riêng một di tích nào. Do đó tất cả du khách khi đến tham quan khu phố cổ Hội An cần có trách nhiệm mua vé. Trường hợp người dân và du khách ở lại Hội An lâu ngày thì sẽ có phương án để nhận diện riêng, có lối đi riêng. Còn những người vào khu phố cổ để buôn bán, làm việc… sẽ không thu phí, nhưng chủ các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm đó là nhân viên, nếu không đúng thì sẽ bị phạt.
Ngày 4 Tháng Tư 2023, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch Ủy ban TP.Hội An, nói rõ hơn: Xu thế áp dụng thu phí, “lấy di tích nuôi lại di tích” là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn. Ông Lanh phàn nàn: “Lâu nay có hiện tượng nhiều hãng lữ hành bán tour cho khách có tính phí tham quan các di sản Hội An trong tổng chi phí nhưng khi khách tới thì lại thả khách “đi lang thang” mà không chịu xuất tiền đã thu mua vé cho họ, khiến họ bị thiệt thòi”.
Từ trước đến nay, Hội An đang áp dụng phí tham quan đối với khách đi vào khu vực 1, thuộc quần thể “đỏ” bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1,107 di tích cổ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15,000 lượt du khách ra vào phố cổ, nhưng chỉ có 40% số đó mua vé tham quan khu vực 1, chủ yếu là khách quốc tế. Số tiền bán vé tham quan khu vực 1 lâu nay chỉ bán được cho du khách quốc tế, không đủ để trùng tu, tu bổ di tích nên nay nhà cầm quyền Hội An quyết định thu đều, khách Việt hay quốc tế cũng đều phải đóng góp.
Thanh Niên ngày 4 Tháng Tư 2023 đặt vấn đề “Thu phí tham quan Hội An, coi chừng thu 1 mà mất tới 3”, dẫn lời chuyên viên du lịch là TS. Lương Hoài Nam cho rằng, câu chuyện thu phí vào cổng của Hội An cũng như nhiều điểm đến khác ở Việt Nam hiện nay cần phải được xem xét lại. Đầu tiên là thẩm quyền thu phí. Theo ông Nam, có hai loại không gian cần xác định rõ là không gian công cộng hay không gian thuộc sở hữu. Nếu không gian thuộc sở hữu thì chủ thể sở hữu có quyền thu phí. Ngược lại, nếu là không gian công cộng thì thuộc về toàn dân, không có quyền thu phí. Hiện nay, không chỉ Hội An mà có tình trạng nhiều không gian công cộng như các công viên, làng cổ phía Bắc dựng cổng thu phí du khách, điều này là không đúng. Yếu tố thứ hai cần cân nhắc là lợi – hại của việc thu phí. Hội An bán vé vào cổng, một mặt mang lại nguồn ngân sách cho thành phố nhưng mặt khác làm tăng chi phí của khách du lịch. Trong bối cảnh cả du lịch và nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tăng chi phí của người dân, du khách đều đi ngược lại với chủ trương chung.
“Việc này cũng tương tự như câu chuyện Visa, thu được 1 đồng nhưng có khi mất tới 3 đồng”, TS.Lương Hoài Nam cảnh báo.
Đồng tình, ông Phan Đình Huê, Giám đốc công ty du lịch Vietcircle khẳng định, việc Hội An khoanh vùng cả thành phố để thu vé tham quan của du khách là không hợp lý, vì Hội An là một thành phố cổ, không chỉ là nơi tham quan mà còn có các dịch vụ như ăn uống, mua sắm hàng hóa, hoặc đơn giản chỉ là rảo bước trên đường ngắm cảnh. Với những nhu cầu như vậy thì việc thu phí là không đúng.
Ông Phan Đình Huê đánh giá: Tư duy của nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam chỉ chăm chăm thu vé vào cổng mà quên mất tính toán cơ cấu kinh tế của điểm đó chiếm bao nhiêu phần trăm từ bán vé, bao nhiêu từ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ. Cần nghiên cứu và cân nhắc kinh tế Hội An sẽ hưởng lợi gì hay mất gì từ việc thu tiền vé này, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Truyền thông trong nước không nói rõ là khi thu tiền vé tham quan đồng đều cho cả du khách Việt lẫn quốc tế khi ra vào phố cổ từ ngày 15 Tháng Năm 2023 thì có bao gồm vé tham quan khu vực 1 (bao gồm 7 cụm di tích) hay “phí chồng phí”?
Với khách quốc tế thì việc bán vé này có thể không thành vấn đề (vì xưa nay nếu đi tour thì họ đã bị thu số tiền tham quan này rồi), nhưng cộng đồng Việt thì hầu hết phản đối, cho rằng du lịch Việt tận thu, bán vé tham quan di sản của đất nước cho cả người nhà, còn thua cách làm của Campuchia là toàn bộ các di tích Angkor đều chỉ bán vé cho khách quốc tế.
Một bạn đọc của Tuổi Trẻ tên Da Nang đã bình luận: “Cái này nói cho nhanh là “tham bát bỏ mâm”. Lần đầu tiên tôi nghe đến việc đi vào một thành phố (dù nhỏ) người ta phải mua vé. Thật ra, ở Việt Nam thì Hội An là có một không hai nhưng nhìn sang các nước khu vực thì Hội An còn nhỏ bé lắm. Người ta tham quan khu phố cổ là thăm cái hồn phố cổ chứ kiến trúc thì so với Trung Quốc, Campuchia….. chẳng là gì cả. Người ta đi vào phố cổ, ngồi uống ly cafe, tách trà, ăn nhẹ vài món… nhìn người qua kẻ lại, trên bến dưới thuyền… cho vui rồi về, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu mà phải mua vé”.
Tuy nhiên, việc thu phí tham quan đồng đều của Hội An so ra đã chậm chạp hơn nhiều nơi khác và cũng chưa kỳ quặc bằng việc thu phí của Ban quản lý miếu Bà Chúa Xứ (miếu Bà) ở khu du lịch núi Sam (Châu Đốc, tỉnh An Giang) hoặc thu phí vào khu di tích núi Yên Tử (Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Vô lý nhất là việc thu tiền vé vào miếu Bà, khi Ban quản lý khu du lịch quốc gia Núi Sam dựng ba trạm thu phí cách miếu Bà khoảng 1 km (0.6 miles), ép mọi người đi ngang phải đóng tiền phí tham quan, kể cả người không có nhu cầu vào miếu. Truyền thông trong nước đã phản ảnh phàn nàn của nhiều người dân khi họ có việc phải đi ngang khu vực này.
Việc đặt trạm thu phí ở xa miếu còn ảnh hưởng hàng trăm gia đình sống quanh đó. Vnexpress ngày 22 Tháng Hai 2023 dẫn lời ông Tưởng Minh Vương, kinh doanh nhà trọ gần miếu Bà, cho biết mỗi khi gia đình có đám tiệc hay người thân đến thăm đều phải nộp tiền mua vé tham quan miếu, hoặc ông phải trực tiếp ra trạm thu phí “bảo lãnh”, trong khi đâu phải lúc nào ông cũng ra trạm “bảo lãnh” được? Theo ông Vương, thu phí ở đâu thì đặt trạm ở đó, đằng này chặn hết đường ra – vô để thu làm phiền người dân.
Một lãnh đạo Ban quản lý khu du lịch quốc gia Núi Sam biện minh nơi đây có 4 di tích cấp quốc gia nằm khá gần nhau, trong khi việc thu phí ngay tại cổng chùa, lăng, miếu sẽ “phản cảm” nên phải dời ra xa! Biết là “phản cảm” mà vẫn thu, thiệt là “tham bát bỏ mâm”, và tệ hơn là thu phí của tất cả mọi người đi ngang qua, kiểu “thà giết lầm hơn bỏ sót” của cộng sản!
Vnexpress cũng dẫn lời TS. Ngô Quang Láng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang, miếu Bà là điểm hành hương tâm linh, cần tạo điều kiện cho người dân đến cúng kiếng, tránh tận thu, vì nhiều năm qua ở đây chưa có công trình đầu tư tương xứng. Ông Láng cũng lên án việc lập trạm thu phí tham quan tất cả những người đi ngang qua miếu Bà là kiểu “gạn chài bắt cá”!
Số liệu từ Ủy ban TP.Châu Đốc cho biết mỗi năm riêng tiền công đức do người dân đóng góp tại miếu Bà khoảng 120-150 tỷ đồng ($5,113,452 – $6,391,815), còn tiền bán vé tham quan cũng thu được 50 tỷ đồng ($2,130,605). Châu Đốc để lại 30% tiền công đức cho Ban quản trị lăng miếu Núi Sam, còn lại nộp ngân sách nhà nước. Thiệt “vặt lông vịt” không khó chút nào!
Nếu phản đối việc thu phí của Hội An bằng cách không đến phố cổ này du lịch, người Việt cũng nên ứng xử tương tự với núi Yên Tử, với miếu Bà! Chỉ khi nào các khu di tích bán vé này ế chỏng chơ, không thu được đồng nào thì mới mong có sự thay đổi, còn không thì…. ngu gì mà quan chức Việt không nghĩ cách “vặt lông vịt” tiếp?