Những ngày cuối tháng Mười Hai năm 2024, phòng cảnh sát kinh tế- Công An tỉnh Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất-kinh doanh giá ở tỉnh này đã dùng hóa chất độc hại có tên “6- Benzylaminopurine” để ngâm ủ giá.
Các chuyên gia y tế xác định đây là loại hóa được là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể người sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dị tật hoặc có thể gây tử vong. Nhưng trong suốt năm 2024, 6 cơ sở này đã bán ra thị trường, đưa vào hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh gần 3,000 tấn giá để người tiêu dùng, chủ yếu ở đây là người dân Đắk Lắk, tiêu thụ.
Khi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện chủ của một trong 6 cơ sở nói, dù biết đây là hóa chất không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng do thị trường cạnh tranh nên mới dùng. Họ còn cho rằng, giá sạch thì ngoài thị trường cũng có, ai cần cứ mua. Nghe thì sốc, nhưng suy đi nghĩ lại thấy cũng đúng, và phản ánh thật về một thị trường Việt Nam “sinh động, phong phú” có đầy đủ các mặt hàng thực phẩm, trong đó có cả những loại độc hại mà nếu “không phát hiện thì không ai biết.”
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam, từ lâu đã trở thành câu “chuyện thường ngày ở huyện,” theo như lời nói của bà cựu Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Thị Minh là “rau tắm trong thuốc sâu,” “sờ đâu cũng thấy vi phạm.”
Vào năm 2019, tôi có dịp về thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây được gọi là thôn “thần chết,” “làng ung thư,” có quá nhiều người trong thôn đang mắc bệnh và qua đời bởi bệnh ung thư. Là thôn thuần nông, người dân cho rằng do bà con nhà nông ở đây khi trồng trọt sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, lâu ngày nhiễm độc vào nguồn nước nên khi sử dụng là mắc bệnh.
Theo Tổng Cục Hải Quan Việt Nam cho biết, trong năm 2024, ngành này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 18,000 vụ việc hàng hóa vi phạm, tổng trị giá vi phạm ước tính hơn 31,350 tỷ VNĐ, tăng 12.5% về số vụ và tăng 151.3% về trị giá hàng hoá vi phạm so với năm 2023.
Các chuyên gia của Cục An Toàn Thực Phẩm Việt Nam, các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, bẩn và độc hại là do trộn với hàn the, Formaldehyde để tạo độ gòn dai, lâu hư cho thịt heo, chả giò, nem,… nuôi heo bằng thức ăn tăng trọng; Phun thuốc tăng trưởng qua liều vào rau, củ, quả,… Sản xuất rượu từ cồn công nghiệp, nhiều Methanol và Aldehyde; sản xuất sữa cho thêm Melamine; sản xuất mì ăn liền cho chất E.102 gây ung thư; sản xuất nước mắm cho E105 gây ung thư vú; dùng chất tẩy trắng để làm mứt; chế biến cá thịt thối, cá thịt ươn đem bán; sản xuất tương ớt cho thêm Rholamin B; làm nở và tăng trọng lượng cơm bằng cách ngâm gạo với dung dịch bột nở độc hại; sản xuất snack dùng phẩm màu cấm và Cyclamate.
Người dùng tuy vẫn biết thực phẩm gì nên tránh, nhưng vẫn khó tránh, và đôi khi nhắm mắt mà ăn, vì những loại này thường rẻ tiền, tromg khi thực phẩm “rẻ mà tốt,” “ít tiền màan toàn,” là chuyện quá xa vời. Đa số hững chất độc hại ít gây ngộ độc ngay tức thì, mà tích tụ trong cơ thể rồi gây ung thư hoặc bệnh tật khó chữa.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, có hàng trăm ngàn người chết vì bị ung thư, trong đó có nhiều bệnh nhân còn rất trẻ. Cứ tình trạng này, vài mươi năm nữa, người Việt Nam sẽ đối mặt với vô vàn bệnh tật nói chung chứ không riêng gì mỗi bệnh ung thư.
Trở lại câu chuyện 3,000 tấn giá ngâm ủ hóa chất độc hại ở Đắk Lắk, dù biết dùng hóa chất 6- Benzylaminopurine” để ngâm ủ giá là không tốt cho sức khỏe, nhưng các cơ sở sản xuất này vẫn làm, vì có người mua, ai sợ thì mua giá sạch mà ăn, nghĩa là người sản xuất có thể làm ra những sản phẩm, thực phẩm sạch, an toàn.
6 cơ sở sản xuất giá độc hại bị phát hiện từ hơn nửa tháng qua, nhưng chẳng thấy ai giải quyết. Các bộ, ngành, cơ quan hữu trách “đá bóng” qua lại, vì sợ trách nhiệm. Thái độ đùn đẩy, lúng túng và bất lực của nhiều cơ quan ban-ngành chức năng CSVN… là yếu tố chính khiến tình trạng thực phẩm độc hại tràn lan, đầu độc người dân sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị đón tết Nguyên Đán, tại các chợ, đại lý phân phối, cơ sở kinh doanh-sản xuất thực phẩm xuất hiện tràn ngập các mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, thuốc lá, rượu bia, trái cây… không rõ xuất xứ. Không rõ người sản xuất, nơi nào làm ra sản phẩm, thì hàng giả, hàng độc hại lẫn lộn, ai mà biết được! Chỉ khi bị kiểm tra phát hiện thì mới biết đó là “hàng độc,” nhưng biết rồi, cũng thế mà thôi!