Tô Lâm ép hai phó thủ tướng ký văn bản trái pháp luật vừa để tăng ngân sách cho Bộ Công An, vừa loại bỏ đối thủ, vừa có điều kiện “phông bạt” với dân.
Nghị định 168 và 176 là cái bẫy của Tô Lâm
Hai phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc vừa phạm lỗi rất lớn là ký thông qua hai nghị định trái luật thay cho Phạm Minh Chính. Có tổng cộng 20 nghị định được Chính Phủ Việt Nam ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 2025. Trong đó, hai nghị định được thực thi cấp tốc đều là do hai ông này ký.
Nghị định 168 (về tăng mức phạt vi phạm giao thông, do ông Hà ký), chỉ có 5 ngày để thực thi sau khi ban hành. Còn nghị định 176 về sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm có việc thưởng 10% tiền phạt cho người báo cáo vi phạm) do ông Phớc ký, chỉ có 2 ngày sau là được thực thi.
Thời hạn này đã vi phạm điều 151 trong “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015” (BHVBQPPL 2015). Theo luật này, thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật là tối thiểu 45 ngày kể từ ngày được thông qua hoặc ký ban hành. Một số trường hợp được cho hiệu lực ngay lập tức; nếu vì lý do khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ… Hai nghị định 168 và 172 là về giao thông không thuộc các trường hợp khẩn cấp, việc ban hành và thực thi cấp tốc rõ ràng là hành vi phạm pháp.
Sau khi gặp phản ứng dữ dội từ dư luận, ngày 11 tháng Giêng, tờ báo Đại Biểu Nhân Dân (do Quốc Hội quản lý) có bài viết tựa đề “Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật.” Trong đó nhắc trực tiếp tới luật BHVBQPPL 2015 và dẫn lại lời của ông Tô Lâm: “Không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.” Bài báo này cũng nhấn mạnh rằng cần quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu… để xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân đề xuất, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.
Như vậy, việc những người ký ban hành hai nghị định 168 và 176 có thể sẽ phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu.” Dĩ nhiên, không phải vô tình mà bài báo này nhắc lời ông Tô Lâm, mà đó còn là lời cảnh báo, và là căn cứ để xử những người ký ban hành nghị định.
Xoá sạch tàn dư phe Nghệ – Tĩnh
Nói hai ông Hồ Đức Phớc và Trần Hồng Hà bị ông Tô Lâm gài bẫy là vì hai nghị định này đã được Tô Lâm chuẩn bị suốt nhiều năm nay, từ lúc ông Lâm còn là bộ trưởng Bộ Công An, nhưng thời ông Trọng thì nghị định này không được thông qua. Bây giờ ông Lâm lên đầu đảng, Chính Phủ buộc phải ban hành theo ý tổng bí thư. Nhưng vì sao ông Phạm Minh Chính là thủ tướng đứng đầu chính phủ, mà không dám ký hai nghị định này, lại để cho hai cấp dưới ký? Vì sao lại là hai cái tên Hồ Đức Phớc và Trần Hồng Hà – tàn dư của phe Nghệ – Tĩnh?
Phe Nghệ An – Hà Tĩnh trước đây vốn được biết đến là thân tín của ông Trọng và là thế lực có thể cạnh tranh nhất với phe công an của ông Lâm. Ông Trọng từng muốn đưa ông Vương Đình Huệ lên kế nhiệm ghế tổng bí thư, ông Đinh Tiến Dũng thay ông Huệ làm chủ tịch Quốc Hội, và đưa ông Phan Đình Trạc thay chức bộ trưởng Bộ Công An của ông Tô Lâm.
Kết cục thì tới nay, ông Huệ, ông Dũng bị ông Lâm cho về vườn. Trong Bộ Chính Trị, phe này chỉ còn hai người đương nhiệm là ông Phan Đình Trạc (Nghệ An) và ông Trần Cẩm Tú (Hà Tĩnh), nhưng hai người này sẽ về hưu vào năm sau.
Còn nhiệm kỳ tới (2026-2031), ông Trần Hồng Hà (Hà Tĩnh) và Hồ Đức Phớc (Nghệ An) là hai người thuộc nhóm Nghệ – Tĩnh có triển vọng sáng nhất sẽ tranh ghế vào Bộ Chính Trị. Hai người này đủ các điều kiện để trở thành uỷ viên Bộ Chính Trị, như từng là bộ trưởng, từng là bí thư tỉnh, cùng có 2 nhiệm kỳ liên tiếp là uỷ viên Trung Ương đảng, và cùng sinh năm 1963, năm sau vẫn còn đủ tuổi làm thêm một nhiệm kỳ.
Hai tàn dư này chính là cái gai trong mắt mà ông Tô Lâm muốn nhổ nhất để mở đường đưa người của phe công an vô Bộ Chính Trị. Bây giờ các thân tín của tổng bí thư có rất đông người nhăm nhe ngồi vào ghế uỷ viên Bộ Chính Trị như Trần Lưu Quang, Hoàng Xuân Chiến, Vũ Hồng Văn, Lê Duy Ngọc, Tô Ân Xô,… Chỉ còn một năm để chạy đua vào những vị trí chủ chốt, để tránh đêm dài lắm mộng, ông Lâm cần phải tìm cách loại dần các đối thủ.
Nói đi cũng phải nói lại, với kinh nghiệm lọc lõi của mình, hai ông Hồ Đức Phớc và Trần Hồng Hà thừa biết việc ký vào hai nghị định kia chính là cái bẫy của ông Lâm, nhưng trước sức ép của Bộ Công An, hai ông đã vô thế không thể không ký. Bộ Công An nắm mọi bằng chứng, nếu không ký hai nghị định trên thì rõ ràng là muốn đối đầu với công an, tương lai của hai phó thủ tướng chỉ có thể là nhà tù, và phải tốn nhiều tài sản để chạy án.
Còn với hai chữ ký này, coi như hai ông này đã cam kết với ông Lâm là sẽ không tranh chấp ghế với phe công an nữa. Ký sai thì cao lắm là từ chức, bị kỷ luật cảnh cáo rồi thôi, chẳng phải đi tù mà còn được bảo toàn tài sản tham nhũng.
Như vậy, nghị định 168 và 176 đã giúp ông Tô Lâm đạt được 3 cái lợi. Một là tăng mức phạt, tăng nguồn thu cho công an. Hai là ép được hai đối thủ tiềm năng phải “buông súng đầu hàng.” Ba là tạo ra uy tín cho ông Tô Lâm. Giờ thì ông Lâm chỉ yêu cầu chỉnh sửa, hạ mức phạt xuống, hoặc bãi bỏ nghị định; mọi tội lỗi đổ lên đầu hai ông Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc, rồi cho báo chí, tuyên giáo nhảy vào ca ngợi sự sáng suốt, quyết liệt, vì nước vì dân… của tổng bí thư.