Trào lưu “khóa tu mùa hè” cho thiếu nhi: Bát nháo chốn sân chùa

Chùa Cự Đà là một trong những ngôi chùa cổ ở Hà Nội, nay thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam – do nhà cầm quyền Việt Nam lập ra – quản lý – Ảnh: Tuổi Trẻ

Một ngôi chùa ở Hà Nội đã buộc phải dừng tổ chức khóa tu mùa hè cho giới trẻ, sau khi một đứa trẻ 11 tuổi tham gia khóa tu bị bạn đánh chấn thương tay.

Hôm 17 Tháng Sáu 2023, ông Bùi Văn Sáng, chủ tịch Ủy ban huyện Thanh Oai, Hà Nội đã xác nhận với truyền thông trong nước là đã yêu cầu chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) dừng tổ chức các khóa tu mùa hè sau khi một phụ huynh phản ảnh trên mạng xã hội việc con trai bị bạn đánh và điều kiện sinh hoạt không vệ sinh khi tham gia khóa tu.

Nhà cầm quyền huyện này cũng yêu cầu chùa Cự Đà phải hoàn trả học phí cho gia đình đứa trẻ bị bạn đánh trong khóa tu và hoàn trả học phí cho các em tham gia khóa tu kế tiếp.

Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn cử tổ công tác của huyện và xã xuống kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện sinh hoạt của nhà chùa và đề nghị Ban trị sự giáo hội Phật giáo của huyện kiểm tra và báo cáo. Ông Sáng còn lưu ý phụ huynh không đem con đi gửi các khóa tu mùa hè theo phong trào mà cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Bài đăng của bà Nguyễn Giang Như, mẹ cậu bé bị đánh, trên mạng xã hội Facebook – Ảnh chụp màn hình

Trước đó, ngày 16 Tháng Sáu, khi đón con trai 11 tuổi tham gia khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà về nhà, bà Nguyễn Giang Như (ngụ thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đã đăng lên Facebook chuyện con trai bị bạn đánh ở khóa tu của chùa Cự Đà, bị chấn thương tay. Thông tin này của bà Như đã nhận được hơn 11,000 bình luận và gần 7,000 lượt chia sẻ.

Bà Như cho hay, con trai bà tham gia khóa tu năm ngày (từ 12-16 Tháng Sáu) ở chùa và đã đóng một triệu đồng chi phí ăn uống, đồng phục và dụng cụ học tập. Thế nhưng, khi đón con về, bà thấy con mặc nguyên chiếc áo từ hôm đến, mặt mũi nhem nhuốc, người hôi hám, chân tay nhiều vết muỗi đốt.

Nội dung bài viết của bà Như: “Hỏi ra mới biết là ở chùa đông lắm, tắm sau là hết nước nên con không tắm được. Khu vệ sinh tạm thường xuyên tắc bồn cầu bẩn lắm, con không dám đi vệ sinh. Ngủ thì ngủ dưới nền đất trải chiếu, mấy hôm mưa gió ẩm thấp nhiều muỗi không ngủ được.

Đến chiều cùng ngày, tôi phát hiện tay trái của con sưng to chỗ khuỷu tay và tay cứ còng còng, tôi hỏi thì con mới nói thật là con ở chùa bị bạn dùng ghế gỗ ngồi đập mạnh vào đầu và tay, nhưng các anh chị phụ trách bảo con không được nói bị đánh mà là bị ngã, nếu không nghe lời thì bị phạt quỳ hai tiếng”.

Xót con, ngay lập tức gia đình bà Như đã đưa cậu bé đến bệnh viện đa khoa Thiên Đức chụp X-quang và bác sĩ kết luận không gãy xương nhưng phần mềm bị chấn thương.

Cậu bé 11 tuổi lúc được mẹ đón về còn mặc nguyên cái áo của ngày đầu tiên đến khóa tu vì không có nước tắm, người hôi hám và bị muỗi đốt chi chít, bà mẹ kể – Ảnh: VnExpress

Bà Như chia sẻ với VnExpress: “Tôi không nghĩ con bị đánh đau như thế, vì nếu có chuyện ban tổ chức đã phải thông báo cho tôi”.

Còn đại diện chùa Cự Đà cho hay hôm 15 Tháng Sáu, trong giờ giải lao, con bà Như và một bạn khác đã cãi lộn dẫn đến đánh nhau. Nhà chùa và ban tổ chức đã đưa con đi bệnh viện Hà Đông kiểm tra, bác sĩ kết luận vết thương không ảnh hưởng đến xương. Khi hỏi nguyện vọng thì cậu bé nói muốn ở lại đến hết khóa tu (?)

Vị đại diện này nhận sơ suất không báo cho gia đình vì nghĩ đứa bé không bị sao. Còn về phản ảnh của bà Như là khu vệ sinh bẩn và thiếu nước tắm, vị này cho biết vừa rồi địa phương bị cắt điện luân phiên, nhà máy không bơm nước nên thiếu nước cho các con tắm (!)

Vị đại diện này cũng nói thêm đây là năm thứ hai chùa Cự Đà tổ chức khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên từ 9 – 16 tuổi, chia thành 9-10 đợt học trong năm ngày, mỗi đợt 350-400 người, có đăng ký với nhà cầm quyền địa phương. Chương trình học bao gồm nghe sư thầy giảng kinh, tập thể dục, vui chơi và luyện tập cách sống tự lập theo khuôn khổ của nhà chùa.

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ sáng 17 Tháng Sáu, cơ sở vật chất tại chùa Cự Đà khá sơ sài, không có nơi riêng biệt để tổ chức sinh hoạt cho trẻ mà tận dụng nhà ngang tại chùa làm nơi ở cho trẻ, thế nhưng lại nhận số lượng trẻ tham gia khóa tu quá lớn! Một số tình nguyện viên tham gia hỗ trợ khóa tu cho hay đã có lần phải ngủ ghế đá, sân khấu để nhường chỗ cho các em.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Thu, trưởng ban tổ chức khóa tu mùa hè, cho biết nhà chùa đã từng tổ chức rất nhiều khóa tu mùa hè. Các cháu đến tham gia khóa tu đang trong độ tuổi hiếu động, thực sự không thể tránh khỏi việc các cháu xô xát với nhau, và khi xô nhau một cái thì ngã, “như vậy gọi là ngã!” – bà Thu biện bạch.

Theo bà Như, khóa tu con bà tham gia có gần 600 tu sinh từ 9-16 tuổi, cả nam và nữ, nhưng bà Thu phủ nhận, “không có chuyện khóa tu 500-600 trẻ. Một khóa tu nhà chùa tổ chức chỉ giới hạn 300-400 trẻ để đảm bảo việc chăm sóc, giảng dạy cho trẻ”.

Bà Như còn tiết lộ: trong bản cam kết gửi trẻ cho khóa tu, ban tổ chức cũng nêu rõ điều khoản nếu không may trẻ có xây xát, chấn thương trong quá trình tu tập cũng mong gia đình thông cảm, không làm khó ban tổ chức và gia đình nào cũng phải ký vào bản cam kết này.

Ban tổ chức còn dặn các con mang theo 6-8 bộ quần áo để thay (kết thúc khóa tu thì mang về nhà giặt), quy định gia đình không được liên lạc hay gọi điện thoại để các con khỏi nhớ nhà. Phí tham gia khóa tu gọi là “cúng dường” – tùy tâm, “không bắt buộc”, nhưng ít nhất một triệu đồng/em, nếu phụ huynh nào đóng 500,000 đồng thì phải trình bày hoàn cảnh khó khăn (!)

Nội quy đọc thì hay nhưng điều kiện sinh hoạt tồi tệ, thế mà nhà chùa dám nhận mỗi khóa tu cả 500 em và để mặc các em ở bẩn và đánh nhau – Ảnh: Tuổi Trẻ

Lúc đăng ký khóa tu, bà Thu còn nói với phụ huynh: “con sẽ được tu tập, học đạo hiếu với cha mẹ, học điều đúng sai, để con hiểu chuyện, thương cha mẹ hơn” (?) thế nhưng vì con trai bị bạn đánh phải đi bệnh viện mà ban tổ chức giấu đi, không cho gia đình biết, nên bà Như bất bình mới đăng bài viết lên mạng xã hội để cảnh báo.

Bà viết: “Tôi mong muốn cảnh báo các phụ huynh khác vì khóa tu số 3 đã lên tới gần 500 phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Tôi muốn phụ huynh biết và cân nhắc việc có cho con tiếp tục tham gia hay không. Phụ huynh phải suy nghĩ thật kỹ, đừng vì suy nghĩ của người lớn mà áp đặt lên trẻ con. Bây giờ cứ nhắc đến chuyện khóa tu vừa qua là con tôi lại khóc vì tủi thân”.

Việc các chùa mở khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên, xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay, bắt đầu từ chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Sài Gòn) và ngày càng lan rộng ra nhiều chùa ở phía Bắc như Ba Vàng, Yên Tử (Quảng Ninh),  Tam Chúc (Hà Nam), Chí Linh (Nghệ An), Huyền Không (Huế), Thiền viện Trúc Lâm (Vĩnh Phúc), Chùa Bằng – Đình Quán – Phật Quang – Hòa Phúc – Cự Đà (Hà Nội)…

Tất nhiên, chương trình các khóa tu mùa hè nghe thì hay nhưng thực chất mỗi chùa tổ chức thế nào thì cũng “tùy tâm các sư thầy”, hiện tại mỗi nơi đang làm một kiểu, ngay cả nơi quản lý các sư quốc doanh là Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không đề ra được hình mẫu chung cho việc này.

Chẳng hạn như ở chùa Cự Đà, kiểu đóng tiền tham gia nói là “tùy tâm” mà lại quy định thấp nhất một triệu đồng/em, em nào đóng 500,000 đồng phải trình bày hoàn cảnh khó khăn thì hiểu… các sư thầy (quốc doanh) đang tìm cách kiếm tiền chứ dạy tu tâm dưỡng tánh cho giới trẻ kiểu gì?

Lại thêm việc trẻ bị đánh mà sư thầy lại cấm trẻ nói thật với gia đình thì… có phải sư thầy (quốc doanh) đang nêu gương dối trá cho trẻ hay không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: