Hiếm khi tôi dám mở xem các video bạo lực, dù xảy ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu có tình cờ xem thấy, tôi cũng tắt đi, vì chỉ cần đọc mô tả trong các bài báo cũng đủ kinh sợ.
Thế mà, trưa nay đọc tin về sinh viên đại học (ĐH) FPT Hà Nội đánh bạn – lần đầu tiên có video bạo lực học đường ở trường ĐH, nên tôi đã cố tìm xem video này. Khi xem xong, tôi bần thần và không khỏi ám ảnh khi thử đặt mình vào vai trò phụ huynh của em sinh viên bị đánh.
Video trích từ camera của ĐH FPT Hà Nội trên trang Facebook Hiếu Lam Giang với những cảnh quay chậm, cho thấy trưa 18 Tháng Năm 2023, một nhóm sinh viên đang đi xuống cầu thang, thì có bốn thanh niên dừng lại ở quãng nghỉ, chờ một ai đó.
Khi một thanh niên mặc áo đen bước xuống bậc cuối của cầu thang thì thanh niên áo trắng đấm vào mặt thanh niên áo đen, em này không chống trả mà chỉ ôm đầu né tránh. Thế mà thanh niên áo trắng không buông tha, tay phải thanh niên này cầm một vật trắng sắc nhọn cứ thế đâm vào gáy thanh niên áo đen, như trút hằn thù lâu ngày.
Tại sao em áo đen không thể chạy? Vì có ba thanh niên đứng dàn hàng ngang bên cạnh thanh niên áo trắng như cản lối, có đoạn một thanh niên trong nhóm còn giữ tay em áo đen cho tên áo trắng đâm vào gáy. Nhưng than ôi, trên các bậc cầu thang có ít nhất 5 – 6 em sinh viên chỉ đứng lặng nhìn mà không có hành động nào can ngăn!
Cảnh quay chậm nhìn thấy rõ hành động của tên áo đen rất tàn bạo và không một chút nương tay với bạn cùng trường. Video kèm tiếng bình luận của hai thanh niên: “Cả một hội, không phải mình nó đâu; – Nó cầm chìa khóa, một đầu nhọn sắc trong tay kìa; – Không ai dám can ngăn; – Rất rõ ràng, chạy không chạy nổi; – Thằng kia giữ tay cho thằng này đánh, chúng nó cùng hội; – Nó chọc thẳng vào gáy kìa; – Bạn đó không dám làm gì, chỉ đỡ thôi; – Sợ, toàn đâm vào gáy không à; – Xót xa, ở nhà bố mẹ nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, ra ngoài xã hội nó đánh như này”.
“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” là đây. Chuyện đánh nhau xảy ra khi vừa tan lớp học, giữa ban ngày, ngay trong trường ĐH FPT Campus Hoà Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), trước sự chứng kiến của nhiều sinh viên (đứng trên các bậc cầu thang nhìn lên/hoặc nhìn xuống quãng nghỉ) thế mà chả có em nào dám lên tiếng can ngăn hay cùng xông vào cứu giúp bạn thanh niên bị đâm?!
Các em chứng kiến là những người vô cảm, thờ ơ, nghĩ chuyện không liên can đến mình? Hoặc vì các em quá sợ hãi, sợ bị vạ lây nếu lên tiếng hoặc xông vào?
Facebooker Bạch Hoàn viết:
“Giáo dục nhà trường như thế nào mà để xảy ra bạo lực đến đổ máu ngay trong khuôn viên trường học? Giáo dục gia đình tồi tệ đến mức nào mà để con cái ra ngoài tự cho mình cái quyền xâm phạm cơ thể, đe doạ sức khoẻ, sinh mệnh người khác?
Và, điều đáng buồn nhất là có vô số bạn học chứng kiến cảnh bạo lực tàn bạo hơn cả đòn thù, nhưng lại chỉ đứng nhìn. Chỉ thế thôi. Tất cả đều không can ngăn, không tìm cách bảo vệ nạn nhân, không tìm cách dừng lại những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và phẩm giá con người. Tất cả đều sợ hãi? Tất cả thờ ơ, vô cảm?
Đó là điều đáng sợ, đáng âu lo và xấu hổ. Xấu hổ cho cả giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội. Chúng ta, những người đã nhiều tuổi, sống nhiều năm nhiều tháng, có trách nhiệm về sự vô cảm của những đứa trẻ chưa trưởng thành.
Bạo lực sinh ra từ giáo dục đòn roi, từ lối sống lệch lạc, từ nhận thức sai lầm.
Vô cảm với bạo lực có thể sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực. Bạo lực rồi lại sinh ra bạo lực, trấn áp bằng bạo lực, đáp trả bằng bạo lực… Tất cả vòng luẩn quẩn này sẽ khiến những đứa trẻ nắm giữ tương lai đi vào con đường u tối, không lối thoát, vật vã và đau đớn.
Xử lý một trường hợp bạo lực này được không? Sẽ được thôi. Đơn giản. Bộ Giáo dục rồi sẽ lên tiếng gì đó. Trường FPT sẽ xin lỗi vài câu. Có lẽ thế.
Nhưng, còn cả một thực trạng thì sao? Ai sẽ hành động? Ai sẽ thay đổi? Con đường nào cho những đứa trẻ của chúng ta?”.
Ai sẽ hành động? Ai sẽ thay đổi? Những câu hỏi trôi tuột vào hư không vì sẽ chẳng có ai cả. Và đó là tương lai của những đứa trẻ Việt Nam: Không có ký ức về tình bạn trong nhà trường hoặc chỉ là ký ức tồi tệ vì bị bạn bắt nạt. Để rồi ra đời, bọn trẻ hoặc sẽ luôn thủ thế, dè chừng và nghi ngờ mọi mối quan hệ; hoặc sẽ là kẻ ma cô, sát thủ, máu lạnh, sẵn sàng đâm chém người khác khi va chạm!
Một xã hội tương lai chỉ bao gồm hai loại người như vậy thì có lẽ làm bạn với robot khả dĩ an toàn hơn chăng? Thật quá ảm đạm.
Đọc dòng cầu cứu của mẹ nạn nhân trên trang Hiếu Lam Giang mà quá thương: “Tôi tên là Nguyễn Thị Chinh, sinh sống và làm việc tại: Khối 8 – Phù Lỗ- Sóc Sơn – Hà Nội. Con trai tôi là: Lại Thành Công, sinh ngày 14/10/2004 hiện đang là sinh viên năm nhất của trường đại học FPT.
Vào hồi 12h ngày 18/5/2023, sau khi tan học, cháu đã bị một nhóm đối tượng hành hung một cách tàn bạo ngày tại trường (người trực tiếp đánh đập được biết là một nam sinh tên: Hoàng Minh Quân, sinh năm 2001 và cũng là một sinh viên của trường FPT – các báo lại đưa tên tắt T.Q. theo thông báo của trường ĐH FPT).
Dù cho cháu không hề có một hành động phản kháng hay chống cự nhưng đối tượng vẫn dùng vật sắc nhọn đánh liên tục vào gáy cháu, điểm vô cùng nguy hiểm đến khi cháu rách đầu mới chịu thôi. Và ngay sau đó đã được bạn bè đưa đi cấp cứu trong tình trạng mất rất nhiều máu.
Hiện tại tình trạng của cháu đã có tiến triển nhưng qua khám nghiệm, bác sĩ vẫn chưa chẩn đoán được mức nghiêm trọng của vấn đề vì cháu luôn trong tình trạng cảm thấy đau đầu và không thể đi lại một cách bình thường mà luôn cần có bố mẹ và người thân theo kèm”.
Facebooker Bạch Hoàn cũng trích lại đoạn văn cầu cứu trên Facebook của người mẹ (tài khoản Chinh Nguyên): “… Một lời khẩn cầu xin cộng đồng mạng tiếp tục chia sẻ rộng rãi để cơ quan điều tra sẽ vào cuộc nhanh nhất có thể”.
Tại sao người mẹ lại khẩn cầu khi sự việc con trai bà bị đánh có người chứng kiến và có camera của trường ghi lại?
Vì có thể người đánh con bà là công tử “con ông cháu cha” từng bắt nạt nhiều bạn trong trường mà không hề bị xử lý chăng? Được tập đoàn FPT đầu tư, trường ĐH FPT là nơi quy tụ những sinh viên con nhà khá giả, vì học phí một học kỳ luôn thuộc hàng Top các trường ĐH.
Trên Fanpage “Đại Học FPT Hà Nội”, dưới “Thông báo Về việc sinh viên xảy ra xô xát trong trường”, một bạn bình luận cho biết vụ đánh nhau trong trường ĐH FPT này không phải đầu tiên, mà đã xảy ra từ những năm trước, nhưng thời đó không có camera nên không giải quyết, còn nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng không đủ quyền lực nên không dám lên tiếng.
Như vậy, mẹ của em Lại Thành Công lo lắng là phải.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin ngày 22 Tháng Năm, người mẹ Nguyễn Thị Chinh kể: Nguyên nhân của sự việc bắt đầu khi M.Q chê ngoại hình của T.C. trên mạng xã hội (T.C. có bím tóc dài sau ót). T.C. cũng trả lời bài viết đó là: “Có vấn đề gì nhỉ?”. Sau đó, bạn M.Q nhắn tin khiêu khích và đến khoảng hơn 12 giờ ngày 18 Tháng Năm thì hành hung T.C.
Nói về mái tóc của con trai, bà Chinh cho biết mái tóc của con mình được nuôi từ nhỏ vì một số lý do cá nhân chứ không phải muốn gây sự chú ý. Hồi T.C. còn học tiểu học và trung học, bà từng phải đến trường nói rõ lý do và xin phép thầy cô.
Bà Chinh còn cho biết thêm, M.Q đã được công an triệu tập nhưng đã được thả vì “chưa đủ chứng cứ” (?) hiện nay vẫn phải chờ thêm xác nhận thương tật của T.C.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Chinh buồn rầu cho biết: “Sau khi tôi đăng tải sự việc, rất nhiều em sinh viên nhắn tin nói cũng đã bị bạn kia đánh nhưng không dám tố cáo, vì vậy gia đình rất mong muốn nhà trường, pháp luật vào cuộc, đảm bảo an toàn khi các con đi học”.
Hóa ra, cái gọi là “mâu thuẫn” mà truyền thông trong nước hay sử dụng với bất kỳ vụ bạo lực nào, trong trường hợp này chỉ vì M.Q. ngứa mắt với mái tóc dài thắt bính sau ót của T.C. nên cố dùng vật sắc nhọn đâm vào sau gáy của đàn em (M.Q. sinh năm 2001, không rõ là sinh viên năm mấy, trong khi Lại Thành Công sinh năm 2004, là sinh viên năm nhất)!
Không tưởng tượng nổi là chỉ vì “ngứa mắt” hay “nhìn đểu” là người này có quyền hành hung người kia, nhưng đó lại là lý do của các vụ bạo lực học đường ở Việt Nam, từ tiểu học đến đại học. Tưởng chừng học sinh tiểu học và trung học còn nhỏ dại thì thiếu kiềm chế, ai dè là sinh viên, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, lại cũng sẵn sàng ra tay tàn bạo với bạn chỉ vì “ngứa mắt”!
Trong hàng trăm bình luận của bạn đọc Dân Việt dưới bài viết, có hai bình luận đáng chú ý: “Ngày xưa cũng đánh nhau, nhưng giờ không dám xem lại những clip này, ám ảnh thật sự”; “Ngày nay, cho con đi học về đến nhà mới yên tâm, bao giờ mới chấm dứt được tệ nạn này?”.
Bạo lực học đường từ tiểu học đến trung học, và giờ lan đến cả đại học, nhà trường Việt Nam bây giờ không còn là chỗ an toàn và vun đắp những kỷ niệm đẹp thuở học trò làm hành trang đường đời cho giới trẻ nữa, than ôi!