Ngày 26 Tháng Sáu, Công an tỉnh Bình Dương cùng với Công an thị xã Bến Cát bắt giữ ông Phạm Bá Thuỵ (SN 1982, ngụ thị xã Bến Cát) về tội vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Từ Tháng Chín 2020, ông Thuỵ nhiều lần cho bà P.N.T (SN 1985, ngụ phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) vay tiền với lãi suất ngày từ 6-24%, tương ứng hơn 2,000% đến hơn 8,000% mỗi năm. Ông Thụy thu tiền lãi theo chu kỳ lấy lãi là năm ngày, 10 ngày hoặc một tháng.
Ban đầu bà T. chỉ vay của ông Thuỵ 90 triệu đồng, tương đương $390. Tuy nhiên do không trả lãi kịp nên ông Thuỵ đã cộng dồn thành tiền vay. Cứ như thế “lãi mẹ đẻ lãi con”. Đến nay, chỉ mới sau 10 tháng, bà T. nợ ông Thuỵ số tiền hơn 10 tỉ đồng, tương đương $435,000. Riêng số tiền lãi, đến nay ông Thụy đã thu của bà T. gần 4 tỉ đồng, tương đương $174,000.
Khám xét nơi ở của ông Thụy, công an thu giữ hai lượng vàng, tương đương $5,900 và số tiền 1.75 tỉ đồng, tương đương $76,000 (trong đó có 500 triệu đồng – $22,000, mới thu lãi của bà T.) cùng nhiều giấy tờ liên quan việc cho vay lãi nặng.
Cho vay nặng lãi là tệ nạn rất phổ biến ở Việt Nam. Người lao động nghèo không được nhà cầm quyền quan tâm, vì thế người nghèo gần như không có cơ hội tiếp cận với các gói vay của nhân hàng thương mại. Chương trình “Xóa đói giảm nghèo” được nhà cầm quyền đề ra từ năm 1986 khi mà Đảng Cộng sản mở cửa kinh tế.
Khi người dân nghèo không được quan tâm từ nhà cầm quyền thì họ là đối tượng của thành phần cho vay nặng lãi. Nhà cầm quyền bắt những người hành nghề cho vay chỉ là phần ngọn, còn phần gốc là làm sao cho dân nghèo được tiếp cận gói vay của ngân hàng thì vẫn chưa giải quyết triệt để.
Ngày 31 Tháng Tám 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 525-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ Người nghèo để giúp người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận… Trên danh nghĩa là thế, tuy nhiên chuyện người nghèo bị đẩy ra khỏi những gói vay trợ giúp là thực tế không thể phủ nhận.