Vì sao công an bất ngờ bắt Facebooker Nguyễn Lân Thắng?

Nhiều bình luận về vụ bắt giữ anh Nguyễn Lân Thắng

Sáng ngày 5 Tháng Bảy, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt phát tin, nói anh Nguyễn Lân Thắng, một trong những nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội bị công an bắt, với điều 117, thường được gọi tắt là tuyên truyền chống chế độ.

Hầu hết các báo chỉ lấy lại nội dung thông cáo của công an Hà Nội, cho biết công an Hà Nội đã bắt tạm giam Nguyễn Lân Thắng (SN 1975, hiện trú tại 32/221 ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn. Nếu bị kết tội, anh Thắng có thể phải đối diện với mức án từ năm năm đến mười hai năm tù.

Chị Lê Bích Vượng, vợ của anh Nguyễn Lân Thắng cho biết vào buổi sáng, khi anh Thắng đi ra đường thì công an bất ngờ ập đến bắt giữ anh mang đi. Sau đó, một toán công an nữa, khoảng gần mười người đến nhà để khám xét và lấy đi nhiều tài liệu, máy tính, sách vở của anh Thắng. Theo quan sát của chị Vượng thì công an lưu ý lấy đi rất nhiều các phù hiệu No-U, biểu tượng một nhóm bóng đá tập hợp các anh chị em chống đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Hà Nội.

Trong buổi chiều cùng ngày, chị Vượng được phép đến đồn công an để gửi những món đồ thiết yếu cho anh Thắng. Được trao đổi ngắn ngủi ở đó, anh Thắng chuyển cho chị một thông điệp rằng anh sẽ không bao giờ trao mật khẩu cho bất kỳ ai muốn mở điện thoại hay máy tính của anh. Điều đó có nghĩa rằng cuộc điều tra đối với anh Nguyễn Lân Thắng sẽ còn kéo dài rất lâu, dựa trên chu kỳ bốn tháng.

Giới quan sát thời sự đã vô cùng ngạc nhiên về cuộc bắt giữ bất ngờ này, vì trong suốt một thời gian dài từ năm 2020 đến nay, anh Thắng gần như chỉ đưa lại những bản tin của nhà nước và chỉ ra những điểm sai sót, hoặc những vấn đề cần được tranh luận, chứ không hề có những ngôn luận nào trực tiếp chống chế độ.

Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng từ Hà Nội, về việc bắt giữ anh Nguyễn Lân Thắng, được coi tương tự như việc bắt giữ ông Nguyễn Quang Lập vào năm 2014.

Nguồn tin nói ông Lập vào lúc đó, nhận được một tài liệu rất quan trọng từ hệ thống trung ương vào trước cuộc bầu cử nội bộ mang tính quyết định đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Theo nhận định thì lúc đó, ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn tước tất cả những quyền lực của ông Dũng để chỉnh đốn lại Đảng. Hồ sơ ông Lập nhận được tiết lộ rất nhiều chi tiết bí mật cung đình của các quan chức cộng sản. Mặc dù không dám đăng bộ hồ sơ đó nhưng ông Lập cũng đã bị công an bất ngờ ập đến để khám xét và mang đi tất cả những thứ được coi là đang bị lộ. Cái giá cho sự bình yên của ông Lập, là phải đóng trang blog đã có hơn 20 triệu người theo dõi, và từ đó không được viết bình luận chính trị nữa.

Các trang dư luận viên nhiều lần đưa chuyện liên hệ giữa Nguyên Lân Thắng và nguồn truyền thông tự do từ Đức.

Tương tự như vậy, anh Nguyễn Lân Thắng được cho rằng đã nhận được nhiều tài liệu từ phía giới truyền thông tự do của người Việt ở Đức, vốn đang gây ồn ào về những tiết lộ về Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính. Dù chưa kiểm chứng được điều này, nhưng với công an Việt Nam, việc bắt giữ trước, ra tay trước, được coi là biện pháp tốt nhất để bảo vệ, khóa bớt tất cả những nguồn tin bất lợi cho các lãnh đạo Hà Nội. Với giới tranh đấu cho tự do ngôn luận tại Việt Nam, những bản án vẫn luôn nằm lơ lửng trên đầu, bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị bắt khi nhà cầm quyền cảm thấy cần thiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: