Trong phiên họp Quốc hội ngày 27 Tháng Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an lại đề xuất thêm sáu vị trí cấp tướng. Trong đó có một thượng tướng cho vị trí sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Cùng lúc, Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề xuất “nghiên cứu bổ sung một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng đối với sĩ quan CAND biệt phái khi được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội”.
Có lẽ chẳng bộ máy quân đội hoặc công an quốc gia nào nhung nhúc cấp tướng như Việt Nam. Tướng được “đẻ” ra nhưng virus sinh sôi trong môi trường ao tù nước đọng. Trong bài viết gần đây trên Facebook cá nhân, tiến sĩ toán Nguyễn Ngọc Chu nhắc lại, trước 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ có 36 tướng, trong đó có hai đại tướng. Bây giờ, với quân số không quá nửa triệu người (448,500 quân thường trực) mà tính đến ngày 16 Tháng Năm 2018, quân đội có 415 tướng (trong đó có ba đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng). Phần công an, trước năm 1976, bộ máy công an cộng sản Việt Nam chỉ có ba tướng, nhưng đều thuộc lực lượng công an vũ trang, tức Bộ đội Biên phòng Việt Nam hiện nay.
Vấn đề ở chỗ tướng tá nhung nhúc thì an ninh quốc gia Việt Nam có vững mạnh hơn không? Đặc biệt khi vấn đề an ninh quốc gia thuộc sự kiểm soát của Bộ Chính trị chứ không hẳn thuộc quân đội. Không “thằng tướng” nào dám nhúc nhích ở những vấn đề liên quan an ninh quốc gia nếu chủ tịch quân ủy trung ương, tức tổng bí thư, chưa có “ý kiến chỉ đạo”. Trong khi đó, tướng tá Việt Nam càng nhiều thì càng xảy ra tình trạng “loạn tướng quân” – mạnh ai cát cứ lãnh địa và “mạnh thằng nào, thằng nấy ăn” khi tranh nhau bòn rút ngân khố và tham nhũng các hợp đồng vũ khí lẫn hợp đồng quốc phòng nói chung. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, hai thiếu tướng nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang đã bị khởi tố.
Một cách chính xác, những tên tướng bị truy tố, tính đến thời điểm này, gồm có ba sĩ quan nguyên là thứ trưởng: Nguyễn Văn Hiến (cựu đô đốc, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Bùi Văn Thành (cựu trung tướng); và Trần Việt Tân (cựu thượng tướng) đều là cựu thứ trưởng Bộ Công an.
Ngoài ra, còn có 10 sĩ quan cấp tướng khác bị xử lý hình sự: Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an); Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); Phan Hữu Tuấn (cựu trung tướng, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo)…
Mới đây nhất, vụ tham ô 50 tỷ đồng của đám sĩ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được phanh phui như sau:
Đầu tiên, cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu (cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm hai file ghi âm, tiết lộ quá trình tham nhũng của chính bản thân, đồng thời “lôi đầu” ra thêm một đống đồng bọn.
Những bị can liên quan gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính).
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn được xem là kẻ giữ vai trò chủ mưu. Theo cáo trạng, năm 2019, sau khi có quyết nghị phân bổ 150 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển để mua sắm trang bị vật tư, Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Cục trưởng Nguyễn Văn Hưng rút 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.
Để tạo điều kiện cho Hưng rút 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Phó trưởng phòng Tài chính Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của bốn vùng cảnh sát biển, nhằm phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật. Vì thế, nguồn ngân sách được giao cho đơn vị này tăng lên 179 tỷ đồng.
Thế là Đại tá Hưng giao nhiệm vụ cho các trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật rút lại tiền. Viện Kiểm sát xác định rằng sáu phòng trực thuộc cục này đã rút lại từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng. Tổng số tiền bị rút là 50 tỷ đồng, sau đó được Nguyễn Văn Hưng chuyển cho Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Sau khi nhận 50 tỷ đồng từ Hưng, Sơn giữ 10 tỷ, còn lại chia cho bốn thủ trưởng khác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển là Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết và Bùi Trung Dũng – mỗi “thằng” 10 tỷ. Việc giao, nhận tiền của các cá nhân được thực hiện ngay tại phòng làm việc của Hưng và Sơn. Dù được chia 10 tỷ đồng nhưng vài tháng sau, Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo hai file ghi âm tố cáo!
Đó là tóm lược những gì báo chí trong nước miêu tả sự việc – tất nhiên không phải do điều tra độc lập của báo chí mà chỉ là những thông tin được cơ quan điều tra cung cấp. Do đó, không ai biết chính xác đằng sau sự việc còn những khuất tất gì. Chẳng ai có thể biết tại sao Phạm Kim Hậu bỗng dưng “quay xe” và bất ngờ bị “cắn rứt lương tâm” để tỏ ra hối cải vì hành vi tham nhũng.
Người dân càng không thể biết chính xác số tiền tham nhũng là bao nhiêu nhưng có lẽ 50 tỉ đồng là số tiền quá nhỏ (khoảng $2.1 triệu), chẳng bõ bèn gì và chẳng đáng để mà “ăn”. Với bọn tham nhũng cỡ cấp tướng, “ăn” vài triệu đôla cũng chỉ là ăn vặt, chỉ bọn cò con nhãi nhép tép riêu mới thèm, còn chúng chẳng buồn ngó mắt đến. Cấp tướng cỡ như chúng phải ăn từ vài chục triệu đôla trở lên mới đáng, mới có thể bù lại cả triệu đôla tiền “mua lon”.
Trong vụ Phạm Kim Hậu, báo chí cho biết đương sự không chỉ tố giác mà còn hối cải khi nộp lại một phần số tiền tham nhũng. Mà theo Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, người phạm tội tham ô tài sản nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bị truy tố, xét xử.
Người phạm tội có thể được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng, đặc biệt là miễn hình phạt (dù vẫn bị truy tố, xét xử) nếu có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự năm 2015; và chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt.
***
Hồi năm 2017, bị cáo Châu Thị Thu Nga từng khai rằng đương sự đã chi $1.5 triệu (USD) để chạy ghế “đại biểu Quốc hội”. Thế thì “chạy lon” cấp tướng là bao nhiêu? Cách đây không lâu, Tháng Chín 2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ”, và truy tố Bùi Trung Kiên, cựu cán bộ Phòng 6 thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan sự việc còn có Lê Thanh An, cựu cán bộ Phòng 5 thuộc C03.
Theo cáo trạng, năm 2021, Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị C03 điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu. Thế là Quân phải “chạy”. Đương sự tìm gặp và nhiều lần đưa hàng triệu đôla cho Bùi Trung Kiên, Lê Thanh An… với mục đích nhờ hối lộ cho những người có thẩm quyền để giúp mình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ Tháng Ba đến đầu Tháng Tư 2021, Quân đưa cho Bùi Trung Kiên tổng số tiền $2.2 triệu (USD) để nhờ “chạy án”!
Sự việc cho thấy chính bọn viên chức “chống tham nhũng” còn tham nhũng thì “cuộc chiến đốt lò” còn có ý nghĩa gì! Và với “chính sách nhân đạo” “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại” – như trường hợp (cựu) Thiếu tướng Phạm Kim Hậu – thì làm sao cái lò đốt cũi đủ nóng để “răn đe”?
Trở lại với câu hỏi tại sao Việt Nam phong tướng nhiều để làm gì, câu trả lời dường như thật đơn giản: Không bày ra trò phong tướng thì thị trường “bán lon” làm sao có thể tồn tại và bọn chóp bu quân đội lẫn công an lấy gì mà ăn!