Việt Nam sẽ trấn áp thông tin “xấu” trong 3 giờ đồng hồ

Đó là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố tại phiên chất vấn của Quốc hội hôm 4 Tháng Mười Một. Nhấn mạnh về điều này, ông Hùng nói trên các trang mạng, có ý chỉ về Facebook và YouTube là nơi những tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng.

Tuy nhiên, ông Hùng không nói rõ là “tin giả” có liên quan gì đến những thông tin rò rỉ và phát tán ra ngoài khiến dân chúng lo lắng hay không. Cụ thể như tin Nhà nước sẽ đóng băng các cơ sở tài chính có liên quan đến Vạn Thịnh Phát – một công ty đang bị điều tra nhiều sai phạm – đã lan truyền vài ngày trước đó trên mạng, công an lùng bắt và nói là thông tin giả gây hoang mang, nhưng hôm nay thì có gần 800 cơ sở, công ty, hệ thống tài chính đã bị tuyên bố đóng băng, khiến hàng dài người dân bị kẹt tiền của trong các hệ thống này, đang bao vây các cơ sở nói trên.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, đặc biệt có những thông tin nếu quan trọng thì gấp rút cần hạ trong 3 giờ.

Ông Hùng cũng kêu gọi tăng mức phạt về sai phạm thông tin. “So với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10”, ông Hùng nói và cho biết việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn; thời gian tới sẽ đề xuất Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Những vụ phạt mới nhất về đưa tin trên mạng, là sáu người ở tỉnh Phú Yên, khi ủng hộ một gia đình đòi công bằng về cái cái chết bất minh của người thân trong đồn công an thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hoà, Phú Yên vào ngày 18 Tháng Mười. Công an từ chối minh bạch về cái chết, nhưng cho lực lượng truy tìm và phạt những người dân này với mức phạt cao nhất là 7.5 triệu đồng, thấp nhất là 5 triệu đồng.

Theo ông Hùng, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng.

Bên cạnh đó, báo cáo của công an cho hay một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác”, tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,128,150,000 đồng. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok… ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%).

Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê… Mới nhất là trang fanpage Trại Cháu Bác Hồ. Ngoài ra, công an cũng đã yêu cầu gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; YouTube đã ngăn chặn sáu kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1,500 video clip)…

Việt Nam, thị trường mạng xã hội trị giá $1 tỷ của Facebook, đã thắt chặt các quy tắc Internet trong vài năm qua, với đỉnh điểm là Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và hướng dẫn quốc gia về hành vi ứng xử trên mạng xã hội được ban hành vào Tháng Sáu năm ngoái.

Những người hay lên tiếng giờ đây lo ngại rằng các quy định pháp luật này có thể giúp chính quyền có thêm quyền lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến, bóp nghẹt tiếng nói ngày thường của người dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: