Vũng Áng là nơi có nhà máy thép Formosa và hiện khu này có cụm cảng với hai khu bến chính. Đó là khu bến cảng tổng hợp Vũng Áng và khu bến cảng cho vận chuyển than phục vụ tổ hợp nhiệt điện Vũng Áng. Ngoài ra, khu bến Sơn Dương nằm ở phía Nam vịnh Vũng Áng, phía Tây đảo Sơn Dương, hiện cũng được Formosa đầu tư xây dựng cảng riêng để phục vụ cho doanh nghiệp này.
Mới đây Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Chitchareune của Lào bày tỏ việc muốn đầu tư cảng cạn ICD tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô và kho bãi logistics khoảng 200 ha, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh của Lào. Chính quyền Lào đưa ra kế hoạch dự trù này, nhân chuyến thăm công du Lào của phái đoàn tỉnh Hà Tĩnh do ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, dẫn đầu. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Chitchareune hoạt động chính trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng; đầu tư kinh doanh xăng dầu PetroLao; kinh doanh trung tâm thương mại, khách sạn… tại Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar.
Không biết đằng sau vụ này có “yếu tố Trung Quốc” hay không. Năm 2021, Trung Quốc đã cho khánh thành tuyến tàu cao tốc nối thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào. Lào là quốc gia nhỏ bé chỉ có khoảng 7 triệu dân đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đầu tư hạ tầng của Trung Quốc vào nước Lào là cửa ngõ để Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vào Đông Nam Á.
Nếu cảng ICD Vũng Áng được xây dựng thì Trung Quốc sẽ kết nối được tuyến logistics từ Vân Nam đến Lào ra biển trên Biển Đông thông qua cảng IDC ở Vũng Áng.