Giá xăng thời gian qua tăng liên tục ở Việt Nam đã lập tức kéo giá các loại hàng hóa khác tăng cao. Đến ngày 11 Tháng Bảy, giá bán lẻ xăng trong nước giảm mạnh, mức giảm tương đương 10% nhưng giá thực phẩm thiết yếu vẫn không thay đổi. Đến ngày 14 Tháng Bảy thì giá xăng đã giảm được bốn ngày nhưng giá một bát phở bò vẫn ở mức 40,000 đồng (khoảng $1.7), một bó rau muống vẫn 10,000 đồng (khoảng $0.43)…
Giải thích cho hiện tượng xăng giảm nhưng hàng tiêu dùng không giảm, theo ông Nguyễn Bích Lâm, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tác động của việc này chưa đủ sâu khi trong thực tế giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao, đồng thời chưa rõ xu hướng về giá sắp tới có giữ ổn định hay lại tiếp tục tăng “nóng”. Thêm nữa, khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay, nhưng khi giá giảm lại luôn có độ trễ vì cần có thời gian để doanh nghiệp và hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, tiền lương.
Hiện tượng này cũng khá giống với trường hợp tăng giá hàng tiêu dùng vào dịp cận Tết Nguyên đán. Giá cả hàng hóa tăng cao nhưng sau Tết thì hàng hóa cần một thời gian mới giảm về bình thường. Thật ra, có một điều lạ là hàng tiêu dùng gần như hiếm khi về đúng mức giá cũ mà nó vẫn neo ở mức cao sơn so với giá trước Tết khi chưa tăng. Năm nào cũng thế, cứ lặp đi lặp lại.
Cũng theo ông Lâm, giá xăng dầu đã giảm mạnh sau kỳ điều chỉnh ngày 11 Tháng Bảy nhưng vẫn đứng ở mức khá cao. Vì vậy, nhà cầm quyền cần xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Để miễn giảm thuế xăng dầu thì người dân phải đợi đến năm tháng nữa, đến khi kỳ họp Quốc hội tiếp theo nhóm họp, thì mới quyết được. Vì vậy, người dân vẫn phải gồng gánh giá cả neo cao trong thời gian nữa vì sự chậm chạp của chính sách.