Chuyện xui xẻo xảy ra với ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, ngụ Bình Dương), về việc ông bị công an ở đây bắt, đánh đập ép khai là có liên quan về vụ gọi là “tham gia cướp của” nơi ông sống. Khỏi nói ai cũng biết, công an Việt Nam vốn nổi tiếng với khẩu hiệu trung kiên của họ “Không có tội thì đánh cho nhận tội. Có tội thì đánh cho chừa tội”.
Năm 1983 công an huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) bắt giam oan ông Dũng cùng với bảy thành viên khác trong gia đình, để điều tra về tội ‘cướp tài sản riêng của công dân’. Sau hơn ba năm tạm giam để điều tra, bị đòn ép cung hàng ngày, cuối cùng cơ quan công an điều tra cũng không thu thập được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người trong gia đình ông Dũng. Vì vậy nên đến ngày 11 Tháng Năm 1983, cơ quan này buộc phải trả tự do cho cả tám người.
Nhưng từ khi được gọi là trả tự do, ông Dũng và người thân mãi vẫn không nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can… trong hồ sơ chính quyền địa phương, ông Dũng vẫ là thành phần đang theo dõi để điều tra. Ông và bảy người nhà của ông phải mang trong mình nỗi oan khuất là bị can trong vụ án cướp tài sản suốt 40 năm, đã vậy rất khó khăn đi xin việc để tự nuôi sống mình, cũng như nghèo khó, dị nghị… bao vây non nửa thế kỷ như vậy..
Phải đến Tháng Mười 2019, sau khi có một báo chí đăng tải loạt bài điều tra về việc 40 năm mang thân phận oan khuất và được đồn đãi khắp nơi, ông Dũng và bảy thành viên trong gia đình mới được chính quyền miễn cưỡng cho giấy minh oan, và được Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi.
Đến ngày 12 Tháng Ba 2020, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra quyết định bồi thường oan sai cho những người trong gia đình ông Dũng với các mức bồi thường khác nhau.
Riêng ông Dũng không chấp nhận số tiền bồi thường 1.059 tỷ đồng cho hơn 40 năm khổ nhọc của ông, nên ngày 25 Tháng Ba 2020 đã làm đơn khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu bồi thường oan sai với số tiền 10.9 tỷ đồng.
Theo lời kể của người bên ngoài, có người của Tòa án đã đến “bỏ nhỏ”, thương lượng với ông Nguyễn Văn Dũng rằng đòi nhiều quá, sẽ khiến cơ quan địa phương coi là thành phần “khó ưa” và ắt sẽ chịu nhiều chuyện khó dễ về sau. Ông Dũng được khuyên là phải hạ mức đòi bồi thường xuống. Sau khi suy nghĩ đắn đo, ông Dũng đồng rút lại yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản, sức khỏe và một số danh mục, xuống còn 3.6 tỷ đồng. Ấy vậy, khi ra tòa, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh vẫn lạnh lùng không chấp thuận mức bồi thường này và khẳng định chỉ chấp nhận bồi thường oan sai cho ông Dũng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Tính sơ bộ, ông Nguyễn Văn Dũng đã chịu hơn 1,000 ngày bị đánh đập, giam hãm… và mất hơn 12,000 ngày trong đời mình bị sỉ nhục, nghi kỵ và khốn khó vì một cuộc điều tra sai lầm. Trước tòa, ông Dũng cho biết, trong thời gian bị bắt tạm giam, ruộng vườn của ông bị người khác xâm chiếm nên không còn đất đai để canh tác; nhà cửa, ghe xuồng cũng bị mất hết. Sau này dù được trả tự do nhưng không được minh oan nên ông bị người ở quê nghi ngờ liên quan đến vụ cướp khiến ông phải bỏ quê Tây Ninh sang Bình Dương (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) để làm thợ hồ, phụ hồ cho đến năm 58 tuổi thì sức khỏe giảm sút, bị bệnh nặng nên phải nghỉ làm.
Ông Dũng cũng công khai nói trình bày trước tòa, rằng trong quá trình bị bắt giam ông đã bị công an đánh đập, ép cung, bị đánh đến ho ra máu, di chứng đau tức lồng ngực… đến nay những vẫn không khỏi. Đã nhiều lần ông đến bệnh viện để khám, điều trị nhưng do viện phí quá cao, không có tiền chữa trị nên cứ để bệnh đau triền miên như vậy cho đến nay.
Nghe nói cuộc “trả giá” bằng sinh mạng người, từ sai lầm của chính Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ được đưa ra xét xử lại trong thời gian tới. Đây là một trong vô số những cuộc phán xét vội vã và tàn bạo vẫn diễn ra ở Việt Nam, mà nạn nhân có thể không có cơ hội để lên tiếng hoặc đã mãi mãi lặng im. Lịch sử oan sai của tòa án Việt Nam đã ghi dấu nhiều vụ lừng danh như của Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… Hiện có một người, dù được cả xã hội chứng minh là vô can, là tù nhân Hồ Duy Hải, vẫn còn đang bị giam, treo trên cái chết từ năm 2008.