Mai hơn tôi một tuổi, là con gái lớn của ông bà Quản. Mai có 3 người em, Tuấn người em trai lớn, thua tôi một tuổi, còn lại là 2 cô em gái còn ở tuổi chập choạng biết đi. Ông bà Quản là dân gốc Hà nội, hình như tên Quản không phải là tên trong giấy tờ mà là tên gọi từ chức vụ thượng sĩ của ông trong quân đội ? (thời đó, hạ sĩ được gọi là ông Cai, trung sĩ là ông Đội, thượng sĩ là ông Quản sau đó là ông Quan một, Quan hai…).
Ông Quản điều khiển một tiểu đội lính lo việc canh gác bảo vệ cho ông quan Năm và gia đình. Với chức vị đó gia đình ông được sống trong một căn nhà khá khang trang, gần mặt đường lộ dọc theo cạnh của khu vườn thuộc căn biệt tự của chủ nhân. Còn gia đình người hầu cận hay lính gác như gia đình tôi thì chia nhau, chen chúc sống trong dẫy nhà ở phía sau.
Tất cả trẻ con của cư dân hầu cận và lính gác sống trong khu nhà đó không có đứa bé nào đi học, vì còn nhỏ chưa đến tuổi hay vì cha mẹ nghèo không có khả năng chi trả tiền học phí. Duy nhất Mai và Tuấn người em trai được đi học tại một nhà thờ công giáo nào đó trong khu vực. Gia đình Mai theo đạo Công giáo rất thuần thành, được mọi người coi là thành phần có ăn học. Có lẽ vì cách biệt thân phận cho nên Mai cũng như mọi người trong gia đình ông bà Quản sống có phần nào tách biệt với mọi người. Tuy vậy, thỉnh thoảng Mai và Tuấn, sau giờ đến trường học, về nhà cũng tham gia vào những cuộc chơi đùa với lũ trẻ con chúng tôi.
Với bốn năm trời sống tại Hà Nội trước ngày di cư vào Nam, tôi không có nhiều kỷ niệm với Mai như với Hiền. Nhưng ít hay nhiều, ở cái tuổi ấu thơ, ham vui, dễ hòa nhập trong những trò chơi trẻ con, tôi cũng giữ lại trong ký ức mình một vài dấu tích khó quên với Mai.
Nhiều lần đi học về, khi gặp lũ trẻ nghèo, hèn chúng tôi, Mai thường mang những truyện trong Kinh Thánh, học từ các sơ trong trường học kể cho chúng tôi nghe. Nhiều đứa trẻ khác, nhất là Hiền thường có thái độ không tin, không chú ý, đôi khi còn nói những câu chế giễu đức tin của Mai nữa. Tôi thì ngược lại, rất thích và chăm chú nghe… Có lẽ cũng vì tính thích nghe truyện thần thoại nên tôi đã nghe Mai kể một cách say xưa, làm cho Mai gần gũi và muốn kể cho tôi nghe nhiều hơn. Thỉnh thoảng Mai còn cho tôi những cái bánh, cục kẹo… dậy tôi làm dấu thánh giá và học những bài kinh công giáo. Đến nay dù, thời gian đã qua hơn 65 năm, tôi vẫn còn nhớ khá tốt một vài câu kinh mà tôi đã thuộc nằm lòng nhờ cô bạn tuổi ấu thơ chỉ dạy trong thời gian tôi lưu lạc, khốn khổ lại Hà Nội:
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen!”
Hay:
“Lậy Chúa con, con xin kính mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự vì Chúa là đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng. Lại vì Chúa mà con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen!”
Một kỷ niệm khác với Mai, cũng làm tôi nhớ mãi. Sự việc xảy ra trước ngày di cư vào Nam khoảng một vài tuần lễ. Ngày hôm đó, tôi, Mai, Hiền và nhiều đứa trẻ khác trong khu nhà, chúng tôi đang ồn ào với chơi trò chơi “ bịt mắt bắt dê “. Lần đó tôi là kẻ bịt mắt, tất cả lũ trẻ khác là những con dê, chúng la hét cho tôi biết vị trí của chúng để rượt bắt mong tóm được một con dê thay thế mình! Không biết ngẫu nhiên làm sao ( Chắc là vì cách cảm thần giao hay vì sắc suất trong toán học ?) tôi đã chụp được Mai, con dê, mà tôi rất muốn bắt được nó !! Bởi vì nó đã từng cho tôi những chiếc bánh, chiếc kẹo và dậy tôi thuộc những bài kinh Công giáo.
Đúng lúc chụp được Mai, có lẽ quá mừng rỡ, chạy quá đà hay vì Mai có phần to lớn hơn tôi ( vì hơn tuổi tác và lại là con nhà giàu đầy đủ dinh dưỡng chăng ?) hay vì vướng víu tay chân mà cả hai cùng bị ngã chồng lên nhau trên bãi cỏ! Có lẽ sự việc cũng chẳng có gì rắc rối vì đó là chuyện rất thường trong trò chơi khá kích động này. Nhưng ngay lúc đó Hiền (thằng bạn ranh ma, nhanh miệng ) thích thú la to:
-Thằng Tê đã bắt được con dê vợ nó rồi…. ha ha…!
Tiếng la của thằng Hiền đã làm lũ trẻ vỗ tay cười ầm lên. Mai lấy tay xô mạnh tôi ra, vùng vã đứng dậy, giận dữ chỉ tay sát vào mặt tôi, hét lớn:
-Thằng mất dậy, tao không thèm chơi với chúng mày nữa !
Nói xong, Mai đưa tay phủi bụi trên quần áo, không thèm nói hay nhìn lại phía sau, cô bé đi thẳng vào nhà. Tôi ngơ ngác nhìn theo với một chút ngỡ ngàng, nhưng hình như tôi cũng chẳng giận hờn, buồn phiền hay tiếc rẻ gì cả (vì tôi lúc đó chỉ là thằng bé 8 tuổi đầu! biết gì đâu những giận hờn vớ vẩn của con gái!). Đúng như vậy sau cuộc chơi không vui đó, Mai rất hiếm ra ngoài sân và không gia nhập với bất cứ cuộc chơi nào của lũ trẻ chúng tôi nữa, cho đến ngày gia đình tôi, gia đình Hiền và vài gia đình khác luộm thuộm di cư vào Nam.
*
Ngày di cư, tôi không gặp hay nghe ai nói gì về việc di cư của gia đình của Mai, nhưng khi chúng tôi vào Saigon, lúc tạm trú tại căn biệt thự tại đường Lê văn Duyệt, tôi có thoáng thấy ông Quản, bố của Mai đứng nói chuyện với vài ba người khác trong khuôn viên căn biệt thự. Có lẽ ông đến để thăm hỏi gia đình ông quan Năm. Sau đó gia đình tôi và vài gia đình tôi tớ khác lên Đà Lạt làm rẫy cho chủ nhân. Khoảng một năm sau, chúng tôi về lại Saigon, sinh sống tại xóm Tre, hẻm 116 đường Tô Hiến Thành. Đó là lúc tôi thực sự cắp sách đến trường, khởi đầu thời gian đi học của tôi. Nhờ biết đọc biết viết, làm được 4 phép tính ( nhờ ông nội tôi chỉ dạy tại nhà ), tuổi đã lớn nên tôi được đi thẳng vào lớp tư ( lớp 2 ngày nay ) trường tiểu học Chí Hoà.
Thời gian và cố gắng học hành đã đẩy tôi lên trung học, trường Chu Văn An. Nhưng đầu năm lớp đệ lục ( lớp 8 ) bố tôi bị đổi lên sư đoàn 22 tại Kontum, mẹ tôi bị bệnh lê thê, gia đình tôi rơi vào khó khăn cùng cực. Tôi phải làm những việc lặt vặt cho hàng xóm, bán báo kiếm tiền giúp gia đình. Có thể nói 2 năm, đệ lục và đệ ngũ, thời gian bố tôi ở Kontum, việc học của tôi coi như ở mức thê thảm, luôn luôn xếp hạng sát gần mức độn sổ!
Hàng ngày, buổi trưa sau khi đi học về, tôi ăn vội bữa cơm èo ọt dinh dưỡng “có gì ăn nấy” rồi làm bài tập hay chuẩn bị những bài học cho ngày hôm sau (hết việc hay không chỉ là chuyện thứ yếu) Khoảng sau 3 giờ chiều, đạp vội xe lên Saigon, đến khu trung tâm phát hành báo (tôi không nhớ tên con đường ngày xưa nhưng nay là đường Lý Tự Trọng, chạy song song với đường Lê Thánh Tôn, sau chợ Saigon ). Lấy báo xong rồi vội vàng đạp xe đến Ngã Sáu Sài Gòn (công trường Phù Đổng Thiên Vương ) hay xuống Ngã Sáu Lê văn Duyệt ( giao tụ với đường Yên Đổ, Hiền Vương…) để mời chào khách mua báo vào lúc giờ 5 giờ chiều, giờ tan sở. Sau đó khoảng 6 giờ, mới đạp xe đi rao bán, đồng thời bỏ báo tháng hay đổi báo mới cho những người mướn báo.( Tôi có viết một số truyện ngắn, tuỳ bút liên quan đến thời gian bán báo dạo, kiếm sống, giúp đỡ gia đình này. Khoảng thời gian cực nhọc nhưng lại cho tôi rất rất nhiều ký ức buồn đau nhưng cũng rất đẹp của tuổi thơ ấu trong đời tôi!)
Một hôm, vào giờ tan sở, tôi đang cầm xấp báo vẫy vẫy, rao bán cho người đi làm về tại Ngã Sáu Lê văn Duyệt. Thình lình mấy tiếng gọi cái tên xưa cũ, nhà quê của tôi:
-Tê! Tê đó phải không?
Ngạc nhiên tôi quay lại, Mai đang đứng cùng với một người bạn gái trên lề đường. Cả hai sang trọng trong tà áo trắng đang mỉm cười nhìn tôi. Mai đã lớn hơn tôi tưởng ! Dáng dấp của một cô nữ sinh khôn lớn hiện ra lồ lộ, không còn tí dấu tích gì của Mai, người bạn ấu thơ xa xưa của tôi nữa. Nhìn vẻ sang giàu của Mai, tôi thoáng có chút mặc cảm thua kém khi nghĩ đến gia cảnh nghèo túng và thân phận của tên bán báo của mình. Cũng ngay lúc đó, nhìn dáng dấp “ trưởng thành” của Mai, tôi chợt nhớ ra là mình đã bước vào tuổi 15 thì Mai đã sang 16 rồi! Ở tuổi đó, người con gái vẫn chưa được gọi là người lớn nhưng chắc chắn không phải là đứa trẻ ngây ngô chưa biết gì nữa! Với cảm gíac không vui, tôi quay sang nhìn Mai và nói vài câu chào hỏi vu vơ.
Hình như nhìn thấy sự ngượng ngập, thiếu thân thiện của tôi, Mai quay nhìn người bạn nói gì đó, rồi với giọng nói nhè nhẹ có chút ngần ngừ, Mai hỏi tôi về nhà cửa, gia đình bố mẹ tôi và cả việc học hành của tôi nữa. Dù không muốn, nhưng tôi vẫn trả lời tất cả những gì Mai muốn biết. Mai cũng cho tôi biết đang là học sinh trường công giáo Régina Pacis trên đường Tú Xương. Gia đình Mai vẫn bình thường, đang có một cơ sở bán quần áo trẻ con trên đường Nguyễn Thông và rất mong có dịp mời bố mẹ tôi đến chơi.
Ngay lúc đó, có một người khách dừng xe sát gần tôi, ông ta muốn mua báo đã làm gián đoạn câu chuyện của chúng tôi. Có lẽ nhìn thấy, tôi vội vã khi đưa báo, nhận tiền từ người khách, Mai và cô bạn nói vài câu từ giã tôi rồi quay đi. Nhưng chỉ được vài bước Mai đưa tay kéo người bạn đứng lại rồi quay lại phía sau nói rất rõ ràng:
-Tê, bán cho tôi một tờ “Saigon mới.”
Tôi nhíu mắt nhìn Mai, như muốn kiểm chứng việc mua báo của Mai có phải là đùa giỡn hay không? Nhưng nhìn thấy tờ giấy bạc 5 đồng trên tay Mai, tôi chẳng có gì để ngần ngại, rút trong tập báo của mình đưa cho Mai tờ Sài Gòn Mới đồng thời nhận lấy tờ bạc 5 đồng cho vào túi áo, rồi tôi rút ra 3 đồng, dư đưa lại cho Mai. Nhưng hai cô gái đã lui ra xa, Mai đưa tay vẫy vẫy ra vẻ chối từ 3 đồng còn dư, rồi nói với lại phía sau:
-Thôi, thế là đủ rồi, tôi tặng Tê mua kẹo đó!
Chẳng để cho tôi trả lời hay cám ơn, hai cô gái cầm tay nhau vội vàng bước nhanh hướng đến khúc quẹo của con đường Yên Đổ. Đứng nhìn theo, hình ảnh những chiếc bánh, chiếc kẹo ngày xưa mà Mai vẫn cho tôi khi chúng tôi còn là những đứa trẻ con tại Hà nội. Những món quà nho nhỏ đó đã cho tôi những cảm khoái với mùi vị ngọt bùi. Ngày đó với tôi nó thật sự là một niềm vui to lớn! Với một chút thẫn thờ, tôi đưa mắt nhìn theo hai tà áo trắng vừa biến mất sau góc quanh của con đường. Lắc đầu nhè nhẹ cùng với tiếng thở dài, tự nhiên tôi nói thầm như chỉ để cho chính tôi nghe: “Lại một món quà ân tình! Biết làm sao ta trả được đây!?”
Tôi chỉ gặp Mai lần đó, lúc tôi còn là một thằng bé bán dạo, rồi bẵng đi một thời gian khoảng 6 năm, khi tôi đã lên đại học được vài năm. Một lần thằng em của tôi bị chó cắn, gia đình lo lắng với “bệnh dại.” Bố mẹ thì bận rộn vì đi làm và buôn bán nên mỗi ngày tôi phải dẫn em tôi lên viện Pasteur để chích phòng ngừa. Một hôm, sau khi chích xong, trên đường về nhà, anh em chúng tôi đang đi bộ trên con đường Yên Đổ. Thình lình, một cô gái mặc áo dài xanh với chiếc xe Velo Solex ép sát vào lề đường ngay trước mặt chúng tôi. Cô ta quay lại nhìn, với vẻ mừng rỡ, nói khá to:
-Đúng rồi, Tê phải không?
Chẳng cần tôi trả lời , cô ta nói tiếp:
-Tê đi đâu vậy. Bố mẹ tôi luôn luôn nhắc đến hai bác và Tê đó!
Đúng là Mai! Thời gian dĩ nhiên cũng làm tôi lớn khôn, đã là một sinh viên, quần áo chỉnh tề, vẫn còn dấu tích của người thanh niên chưa đi làm việc. Nhưng Mai thì thay đổi hoàn toàn, một người phụ nữ, đúng nghĩa, một phụ nữ khá xinh đẹp đã ra đời…Không còn vướng víu một tí gì của một cô nữ sinh ngây ngô nữa.
Thế là chúng tôi lại hàn huyên, có lẽ lần gặp mặt này tôi nói chuyện với Mai vững trãi, tự tin hơn. Lý do rất dễ hiểu là tôi đã ra dáng một thanh niên với tí chút tự hào là một sinh viên đại học, tôi không còn là một đứa bé bán báo của 6 năm về trước nữa. Mai cho tôi biết đã 2 lần không qua được văn bằng tú tài bán phần nên ông Quản đã nhờ quen biết xin cho Mai một chân thư ký trong một công ty buôn bán mỹ phẩm tại Sài Gòn. Mai cũng cho biết thêm, Tuấn, em trai của Mai cũng chẳng khá hơn, cuộc thi tú tài bán phần vừa qua cũng chẳng đến đâu và đang loay hoay với vấn đề hoãn dịch . Cứ thế, chúng tôi vừa đi, vừa nói với nhau đủ chuyện. Đến lúc chia tay, với vẻ hơi buồn Mai nói với tôi:
-Tê học giỏi thật! Hoàn cảnh gia đình nghèo túng mà được như vậy, đúng là đáng nể thật. Trong khi gia đình Mai đầy đủ tất cả nhưng chẳng có đứa nào có được cái tú tài phần nhất. Cứ thi là đã thấy trượt. Chán thật!
Đưa mắt nhìn theo chiếc Velo Solex với tà áo dài xanh rẽ vào con đường Nguyễn Thông, tôi nói nho nhỏ như chỉ muốn cho chính mình tôi nghe:
-Tôi phải cố học hành, vì đó là con đường duy nhất để cho những người vô thần, vô thế, hoàn cảnh nghèo khó như tôi vươn lên khỏi nghịch cảnh mà thôi, Mai ạ.
Đúng như vậy, cố gắng của bản thân và sự hy sinh tột cùng của bố mẹ, cuộc sống của gia đình tôi càng lúc càng vững trãi, nhất là từ khi tôi tốt nghiệp đại học rồi xuống Cần Thơ làm việc.
Một lần vào khoảng giữa năm 1973 từ Cần thơ tôi cùng với một người lao công và tài xế mang chiếc xe jeep về Sài Gòn công tác. Chúng tôi ghé vào trạm xăng của chính phủ ( hình như trên đường Hiền Vương hay Yên Đổ ?) để đổ xăng dùng cho việc công tác vào ngày mai. Trong khi tài xế và ông lao công đang lo việc đổ xăng, tôi xuống xe đứng bên lề đường nhìn người, nhìn xe qua lại. Thình lình một chiếc xe Vespa, do một thiếu uý cầm lái, chở theo một thiếu phụ mang bầu ngồi phía sau. Chiếc xe chậm chạp dừng lại trước mặt tôi. Người phụ nữ chậm chạp bước khỏi xe với khuôn mặt vui mừng, rạng rỡ tiến gần phía tôi. Không một tí lạ lùng, tôi nhận ra Mai ngay, dù đã hơn 4 năm qua, sau lần gặp nhau trên đường Yên Đổ khi tôi dẫn thằng em đi chích ngừa bệnh chó dại.
Mai cho biết đã nghỉ làm việc và đã lập gia đình hơn 2 năm về trước. Chồng của Mai, anh Đức là thiếu uý đang làm việc tại nha quân cụ tại Gò Vấp. Vợ chồng Mai tỏ ra rất ngạc nhiên và vui vẻ khi biết tôi đang làm việc tại Cần thơ, cũng là quê nhà của Đức. Hai vợ chồng nằng nặc mời tôi về nhà để cho sự quen biết giữa tôi và họ thân thiết hơn, Mai cũng cho biết ông bà Quản đã nhiều lần muốn liên hệ với bố mẹ tôi.
Không làm sao hơn, cuối cùng tôi phải nói người tài xế chạy xe theo họ đến nhà ông bà Quản. Một căn nhà đúc 3 tầng khang trang còn khá mới trên đường Nguyễn Thông, tầng trệt dành cho việc buôn bán quần áo trẻ em khá bề thế. Đây cũng là nơi mà vợ chồng Mai và toàn thể gia đình ông bà Quản cư trú. Ông Quản đã giải ngũ, ở nhà trông coi cửa hàng với vợ.
Trong bốn người con, Mai được coi là khá nhất, học hành không tốt nhưng đã có gia đình và chồng cũng có chút chức vị trong quân đội. Tuấn, em trai của Mai, là con trai duy nhất của gia đình, học hành chẳng đến đâu, ăn chơi giỏi hơn làm việc! Ông bà Quản cũng rầu rĩ nhưng cũng đã lo cho con trai vào làm lính kiểng, không phải ra tác chiến, hiện đang làm việc tại Tổng tham mưu. Hai cô con gái, em của Mai, bỏ học đã lâu, theo bạn bè , đi đi, về về … vẫn sống dựa vào cha mẹ.
Trong cuộc nói chuyện với ông bà Quản và vợ chồng Mai, Mỗi khi nhắc đến những thành tựu, yên vui của gia đình tôi, ông bà Quản cũng như hầu hết bạn bè, họ hàng của bố mẹ tôi, mọi người đều dùng chữ “Phúc Đức” hay “ May mắn “ để giải thích sự thăng tiến của chúng tôi. Tôi đã phải nghe đi, nghe lại nhiều lần nhận xét đó của mọi người. Nhiều khi tôi nhớ lại những đắng cay, khổ cực trong quá khứ của bố mẹ tôi và của chính cá nhân tôi… mà mỉm cười trong bụng!
Họ không bao giờ quay nhìn lại quá khứ, những năm tháng khốn khổ, nhục nhã kéo dài hàng nhiều chục năm trời của bố mẹ tôi! Họ cũng không bao giờ thông hiểu được cái cảm giác buồn đau của một thằng bé 14, 15 tuổi hàng ngày đạp xe đến trường hay đi bỏ báo… qua những con đường, phố xá đầy rẫy những quán ăn. Bụng trống không, đói cồn cào… Nó chỉ dám cúi đầu đi qua, nhưng lại cố mở rộng lồng ngực, mong hít được nhiều những mùi vị thơm tho, hấp dẫn từ những chiếc bàn chất đầy thức ăn đang bốc khói bay ra!
Họ cũng chưa bao giờ cảm nhận được cái lạnh lẽo từ da thịt ( và cả từ con tim ) của thằng bé bán báo dưới trời mưa tầm tã, bụng đói cào … khi phải nhìn qua khung cửa sổ của một căn phòng dưới ánh đèn ấm cúng. Những đứa trẻ cũng trạc tuổi của nó đang cười vui ngồi quanh chiếc bàn ăn, trên đó chất đầy những món ăn thơm tho đang bốc khói của một gia đình hạnh phúc!
Đúng như vậy, tôi đã nghe bao nhiêu người nói về chữ PHÚC ĐỨC và MAY MẮN mà ông trời đã dành cho gia đình tôi! Tôi im lặng chấp nhận cho họ vui nhưng trong lòng tôi lại mỉm cười vì có cảm giác mình đang xem một bản TẤU HÀI mà những người nghệ sĩ chính lại là họ.
Cuộc gặp gỡ đó đã khởi đầu cho sự thân tình của gia đình tôi và gia đình ông bà Quản. Bố mẹ tôi và ông bà Quản thỉnh thoảng đến tận nhà thăm nhau, nói chuyện vu vơ, nhưng chưa một lần nào vào đúng lúc tôi về Saigon nên cũng không gặp được nhau. Có một lần, vợ chồng Mai về thăm quê nội tại Cần Thơ, họ có đến nhà trọ tìm tôi, nhưng không gặp,vì tôi đang đi công tác, không có nhà!
Rồi thời gian vẫn trôi qua đều đặn, tôi chuẩn bị đi Nhật bản tu nghiệp, Trước khi đi tôi có ý định đến gặp và chào từ giã gia đình Mai, nhưng bận rộn và căng thẳng với những giấy tờ hành chánh cho chuyến đi, nên cuối cùng ý muốn cũng không thành. Sau này nghĩ lại tôi rất ân hận vì đã mất một dịp được gặp lại người bạn tuổi ấu thơ của mình thêm một lần nữa để rồi mãi mãi chia ly!
Tháng 4 năm 1975 xảy đến! Gia đình tôi ở VN cũng như tất cả mọi người khác phải lăn lưng vào kiếm sống cho hợp với những đổi thay của thời thế. Tôi hoàn toàn không nghe bố mẹ, các em tôi gửi thư nhắc gì đến gia đình Mai và ông bà Quản. Sau đó tôi bỏ Nhật bản sang định cư tại Thụy sĩ. Trong một dịp đón tiếp một người bạn học ngày xưa từ Texas, Hoa kỳ sang chơi. Qua lần nói chuyện, tôi mới biết anh ta quen biết khá thân với gia đình bà Quản từ ngày còn ở Việt Nam, hiện nay anh ta và bà Quản cùng sống gần nhau tại Texas.
Tôi đã lịm người đau xót khi anh ta cho biết một tin rất buồn. Sau khoảng hơn 2 năm đi cải tạo trở về, Đức không thể hòa nhập với cuộc sống quá khắt khe, nghèo đói nên đã cùng với Mai và đứa con trai 6 tuổi đầu lòng cùng với 2 cô em gái của Mai vượt biên bằng đường biển. Chuyến đi đau thương đó không bao giờ đến đích, đúng là một bi kịch của thời thế!
Không lâu sau đó, ông Quản không chịu được nỗi đau, sinh bệnh và mất trong hoàn cảnh nghèo túng, buồn tẻ. Cuộc sống của gia đình bà Quản tại Việt Nam càng lúc càng lún sâu vào khó khăn. Tuấn, em trai còn lại duy nhất của Mai sau 2 lần tìm cách vượt biên nhưng thất bại! Tốn kém, nghèo túng càng lúc càng chồng chất lên vai bà Quản. Nhưng cuối cùng may mắn đã đến với Tuấn trong lần vượt biên thứ 3, Tuấn đã thành công đến được Mỹ, vài ba năm sau bà Quản và đứa cháu gái, con út của Mai được sang Mỹ đoàn tụ với Tuấn. Hiện nay họ đang sống cùng với gia đình Tuấn, nhưng cũng gặp khá nhiều khó khăn về kinh tế.
Tôi đã vài lần trực tiếp điện thoại sang Mỹ hỏi thăm bà Quản, nhưng lần nào cũng nghe được những tiếng than khóc của bà khi nhắc lại quá khứ quá đau buồn của gia đình. Không lâu sau đó, cũng từ người bạn học, anh ta cho biết bà Quản sau một lần ốm nặng, phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, nhưng cũng không qua khỏi ! Tôi vội vàng điện thoại đến Tuấn chia buồn nhưng có lẽ quá chán nản vì hoàn cảnh của gia đình nên Tuấn chỉ nói với tôi vài câu cám ơn và cắt máy! Sau đó tôi viết thư thăm hỏi nhưng không bao giờ có hồi âm. Tất cả có lẽ đã vào quên lãng. Tình thân và kỷ niệm gắn bó tuổi ấu thơ của tôi, Mai và gia đình đã thực sự trôi vào quá khứ !
Mai đã yên nghỉ! Tôi vẫn còn hiện hữu trong tư thế của một ông lão ngoài 70 nhưng vẫn phải sống, vẫn phải làm việc, tính toán, lo âu … Nhưng đôi khi, những lúc ngồi một mình trong cái không gian vắng lặng, cô đơn của Thuỵ sĩ hay những lần về Việt Nam, hoà nhập vào dòng người ồn ào với hàng ngàn, hàng vạn chiếc xe gắn máy đua nhau xả khói. Cả những lúc trầm lặng ngồi trên những chuyến xe bus mà chính tôi cũng không biết nó sẽ mang tôi đi đâu, về đâu! Bởi vì tôi chỉ muốn ngồi nhìn lại những con đường xưa cũ, chứa đầy dấu tích kỷ niệm của thành phố Sài gòn những nơi nó chạy qua. Đúng như vậy, tôi mong tìm lại một vài dấu tích xa xưa nào đó còn sót lại tại Sài Gòn hay bất cứ nơi nào mà ngày xưa tôi đã có lần đi qua, mong tạo ra một kích thích cho tôi thêm một lần nữa được trở về với những hoài niệm mà tôi mãi mãi không quên.
Rất nhiều lần, mỗi khi có dịp đi qua những ngôi giáo đường, lại làm tôi nhớ đến Mai. Nhớ đến những năm tháng tôi còn là thằng bé nhem nhuốc ở Hà Nội. Ngày đó Mai đã cho tôi những món quà rất đơn sơ, mẩu bánh ngọt hay miếng kẹo… Mai dậy cho tôi những bài kinh Công Giáo, kể cho tôi nghe những câu truyện thần thoại trong Kinh Thánh. Tất cả vẫn còn trong trí nhớ của tôi, dù thời gian đã lùi rất xa vào dĩ vãng với biết bao nhiêu gió bão cuộc đời, nhưng tôi vẫn còn thuộc nằm lòng những bài kinh đó, cũng như còn nguyên mùi vị ngọt ngào của những chiếc bánh, chiếc kẹo… mà Mai đã cho tôi. Bao lần có dịp đi qua những ngôi thánh đường, nhớ đến Mai, tôi lại nhẩm đọc vài câu kinh như một lời chào vĩnh biệt, tưởng nhớ cho người bạn bất hạnh bé nhỏ tuổi ấu thơ của tôi.
(Zuerich, 2024)
Hà Nội, hai người bạn thuở ấu thơ: Hiền, người bạn thứ nhất