H.C.
Trước khi hối hả cứu người, các nhân viên y tế Mỹ đã cập nhật bản di chúc và lập kế hoạch tang lễ. Cuộc khủng hoảng coronavirus đã buộc những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch cúm Vũ Hán phải đối mặt với cái chết của chính mình!
Lần đầu tiên Andrea Austin, 35 tuổi, phải suy ngẫm về cái chết là khi bà ngồi trên chiếc phi cơ vận tải quân đội C-130 bay sang Iraq. Dù người nữ bác sĩ chuyên khoa cấp cứu đã lập di chúc và giấy ủy quyền trước đợt công tác kéo dài bảy tháng ở một đội phẫu thuật tiền phương, chuyến đi vào vùng chiến sự mới làm bà thật sự thấm thía nỗi hiểm nguy của công việc. Bây giờ, ba năm sau, Austin lại một lần nữa cân nhắc những kịch bản tồi tệ nhất khi điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Đại học Nam California (USC) và quận hạt Los Angeles, nơi cuộc khủng hoảng coronavirus tăng với tốc độ chóng mặt.
Austin đã viết ra ai là người bác sĩ bạn bè mà bà tin cậy trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bà viết rõ là bà muốn được hỏa táng. Bà đã lập danh sách nhạc cho tang lễ của mình, mở đầu bằng bản “Somewhere Over the Rainbow” của nhạc sĩ người Hawaii Israel Kamakawiwo ‘ole’. Bà lưu tất cả chi tiết trên Google Drive và chia sẻ các tài liệu này với chồng và em trai.
“Nỗi lo lắng về cái chết của tôi bây giờ còn tệ hơn hồi ở Iraq,” bà Austin tâm sự.
***
Khi hàng triệu người Mỹ phải ở nhà để hạn chế tiếp xúc với virus thì các nhân viên y tế phải ra tuyến đầu chống lại một đại dịch chết chóc vẫn chưa thấy đỉnh điểm. Các bác sĩ và y tá khắp thế giới đã đưa lên mạng hình ảnh những gương mặt bầm tím vì đeo mặt nạ bảo hộ suốt ngày đêm, bơ phờ vì mất ngủ và lo lắng. Và các bác sĩ, y tá ngày càng bị ám ảnh bởi thực tế chính họ cũng có thể chết. Họ thường tiếp xúc với những con virus vô hình nhưng ác độc hoành hành càng lúc càng dữ dội khi số bệnh nhân tràn ngập các phòng cấp cứu, phòng săn sóc đặc biệt tăng lên từng giờ. Tới thứ Sáu 27-03, số bệnh nhân dịch Covid-19 của Mỹ đã gần 93.000 người, và 1.380 người đã chết.
Và vì thế, các nhân viên y tế, phần lớn trong độ tuổi rất trẻ, 20 và 30 tuổi, phải lo sắp xếp công việc cá nhân để giảm bớt gánh nặng lên những người thân yêu còn sống sót. Mỗi ngày, các bác sĩ đều chấp nhận rủi ro khi đứng ra điều trị bệnh nhân nhưng chưa bao giờ toàn bộ ngành y bị ném vào một cuộc khủng hoảng rộng lớn, không chừa ai, như thế này.
Với bà Austin, đây không phải là một nỗi sợ hãi trừu tượng. Nhiều tuần trước, bà đã xem những tấm ảnh các nhân viên y tế Trung Quốc bịt kín từ đầu đến chân khi đối phó với đại dịch. Bà đã biết về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán đã cố gắng gióng lên tiếng chuông báo động về coronavirus, và bác sĩ Bành Ngân Hoa (Peng Yinhua) 28 tuổi, người đã hoãn lễ cưới để chăm sóc người bệnh. “Chính độ tuổi trẻ của những người ấy làm tôi lo lắng. Coronavirus mang tới nhiều nguy hiểm cho những người đã chịu rủi ro. Nếu tôi mắc phải con này, chắc chắn nó sẽ giết tôi,” bà Austin nói.
*
Ở Ý Đại Lợi, bây giờ đã là ổ dịch lớn thứ hai thế giới, có 39 bác sĩ và y tá đã chết, theo hãng tin Ý ANSA. Marcello Natali, bác sĩ đa khoa ở Codogno, người đã phê phán cách chính phủ ứng phó với đại dịch và tình trạng thiếu thốn thiết bị bảo vệ, đã chết hồi đầu tháng sau khi cứu chữa bệnh nhân mà không có găng tay để mang. Một nữ y tá 34 tuổi làm việc ở khoa hồi sức tích cực đã tự tử sau khi biết mình nhiễm coronavirus. “Cô ấy đã bị stress rất nặng vì sợ mình đã lây virus cho người khác,” hãng tin ANSA tường thuật.
Ở Mỹ, trong lúc các bệnh viện và các tiểu bang tìm cách gom góp những trang bị ít ỏi thì nhiều công ty – kể cả Ford, GM, 3M và General Electric – hợp tác với nhau để sản xuất khẩu trang và máy trợ thở. Nhưng họ cần vài tháng. Cho đến nay những nỗ lực của doanh nghiệp tư nhân mà không có sự điều phối của chính phủ liên bang chỉ có vậy.
Bác sĩ Andrea Austin: “Tôi không ngây thơ với những rủi ro của nghề bác sĩ. Tôi đã dành nhiều thời gian suy ngẫm về sự sẵn sàng của chính mình, nhưng ước muốn dâng hiến cho nghề nghiệp, cho bệnh nhân của tôi thì không thể bị tác động,”
Tình hình đó buộc các bác sĩ phải tính tới những khả năng xấu nhất, phải đưa ra những quyết định khó khăn và cấp bách nhất, đặc biệt là các bác sĩ đang đối phó với một đại dịch mà số ca bệnh tăng nhanh khủng khiếp trong vài ngày tới.
“Các nhân viên y tế cảm thấy mình như đứng trên đỉnh đồi, nhìn cơn sóng thần đang ập tới,” bác sĩ Michelle Au, bác sĩ gây mê tại bệnh viện Emory Saint Joseph ở Atlanta, tâm sự. Do các ca giải phẫu không khẩn cấp đều đã bị hoãn, đội của bác sĩ Au được điều động sang khu vực cấp cứu, điều trị các bệnh nhân Covid-19, chủ yếu là những người được trợ thở. Rủi ro là ở chỗ khi bệnh nhân ho, virus trong các hạt dịch li ti sẽ bắn vào các bác sĩ đang chăm sóc họ.
Chồng của bác sĩ Au, bác sĩ Joseph Walrath, cũng là một nhà giải phẫu, vì thế trong gia đình họ rủi ro bị nhân đôi. Để phòng vệ, bác sĩ Au đã dọn xuống ở dưới tầng hầm; bà tắm rửa thay trang phục trước khi rời bệnh viện và lại tắm rửa thay trang phục khi về tới nhà. Nhưng hai vợ chồng vẫn cứ băn khoăn với câu hỏi “nếu… thì sẽ…”: Ai sẽ chăm sóc ba đưa con nhỏ, 14, 11 và 7 tuổi của họ? Ai sẽ thực hiện chúc thư của họ? Ai sẽ được ủy quyền?
Nhiều năm qua, Au và Walrath đã chuẩn bị danh sách ba người có thể đảm nhiệm các công việc đó, nhưng những người thân yêu này đều đã qua tuổi bảy mươi và thuộc nhóm nguy cơ cao với coronavirus. Vì thế, tuần trước Au phải gọi điện cho một người bạn học thời trung học – giờ là một giáo sư luật – để nhờ ông ấy gánh vác. “Thật là một cuộc trò chuyện khó khăn. Nhưng chúng tôi cần một người nào đó, một người không đứng trên tuyến lửa để thay thế chúng tôi khi tình huống xấu xảy ra,” bà Au nói.
Hai vợ chồng bà quyết không nói chuyện này với con cái, nhưng rồi họ phải ngồi xuống với đứa con lớn nhất, trò chuyện và trao cho con quyền truy cập và mật khẩu một số tài khoản của họ. “Cháu 14 tuổi, hãy còn là một đứa trẻ. Chúng tôi thật tình không muốn đặt cháu vào tình cảnh này. Nhưng cháu đủ khôn lớn để có thể hoàn thành một số công việc,” bà Au nói.
***
Bác sĩ Jane van Dis, 51 tuổi, bác sĩ sản khoa làm việc ở phòng khám Maven ở Los Angeles. Người mẹ đơn thân nuôi hai đứa con sinh đôi 12 tuổi này nói bà đã lập di chúc ngay sau khi ly hôn sáu năm về trước. Nhưng đại dịch Covid-19 buộc bà phải nghĩ tới chuyện các nhân viên y tế nhanh chóng bị nhiễm bệnh, có thể bị hôn mê và mất khả năng đưa ra những quyết định căn bản. Vì thế tuần trước bà đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với em gái mình, rồi quyết định chuyển các tài khoản ngân hàng, mật khẩu, hóa đơn tự động, bảo hiểm thương tật và bảo hiểm nhân thọ sang cho người em gái. “Tôi nhận ra, em gái tôi sẽ hết sức khó khăn sau này. Tôi nghĩ mình ngay bây giờ phải có biện pháp dự phòng, nhỡ như tình huống bi đát xảy ra cho tôi thì em tôi sẽ không phải chật vật tìm hiểu về cuộc sống của chị gái,” bà van Dis nói.
***
Bác sĩ Christine Sigal, 49 tuổi, là bác sĩ chuyên phụ khoa; còn chồng bà là bác sĩ cấp cứu ở một trung tâm y tế lớn tại Reading, Pennsylvania. Hằng ngày họ đọc tin tức về các nhân viên y tế bị lây nhiễm coronavirus, có người lâm bệnh, có người đã chết.
Hai vợ chồng đã bắt đầu lập chúc thư, hồ sơ ủy quyền và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ khi họ sinh con, nhưng bây giờ họ phải cập nhật. Khi đại dịch tràn tới, hai vợ chồng phải soát xét lại tài khoản ngân hàng, tài khoản hưu trí, các mật khẩu và quỹ tiết kiệm đại học mà họ đã lập cho hai đứa con, con gái 20 tuổi và con trai 17 tuổi. Họ cũng phải bàn bạc với thân nhân ở New Jersey và Chicago để cáng đáng con cái nhỡ không may họ bị nhiễm virus. “Đây là lần đầu tiên rủi ro nghề nghiệp hiện ra thật nhất. Không phải là chuyện ‘nếu hai vợ chồng tử vong trong tai nạn xe cộ’ mà là lần đầu tiên khi đi làm việc bạn lại nghĩ, biết đâu hôm nay mình sẽ bị nhiễm bệnh”, bà Sigal nói.
Austin, người bác sĩ phòng cấp cứu, đã lên kế hoạch đi nghỉ cuối tuần, nhưng thay vì vậy, bà ở nhà chuẩn bị cho những ngày làm việc sắp tới, sẽ tăng ca liên tục, những đêm không ngủ và những đợt bệnh nhân coronavirus tràn tới. “Tôi không ngây thơ với những rủi ro của nghề bác sĩ. Tôi đã dành nhiều thời gian suy ngẫm về sự sẵn sàng của chính mình, nhưng ước muốn dâng hiến cho nghề nghiệp, cho bệnh nhân của tôi thì không thể bị tác động,” bà nói.
Và thế là bà lập kế hoạch cho tang lễ của chính mình, một tang lễ sẽ kết thúc bằng bản nhạc “Ave Maria” lừng danh của Stevie Wonder. Và bà bình tĩnh đón nhận điều đó.