Bầu cử: Tại sao ông Trump tiếp tục kiện tụng?

HIẾU CHÂN

Đã 16 ngày trôi qua sau cuộc bầu cử, một số tiểu bang vẫn chưa thể xác nhận (certify) kết quả bỏ phiếu của cử tri vì liên danh Trump-Pence đương quyền chưa chấp nhận thua cuộc mà vẫn liên tục đưa ra các đơn kiện và cáo buộc vô căn cứ về bầu cử gian lận, những mong đảo ngược tình thế. Tại sao lại như vậy?

Với một người có đầu óc tỉnh táo, chuyện ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày Ba tháng Mười Một đã rõ như ban ngày. Với hơn 80 triệu phiếu phổ thông – số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên tổng thống giành được trong lịch sử nước Mỹ – liên danh Biden/Harris đã giành chiến thắng áp đảo, vượt qua đối thủ Trump-Pence hơn 6 triệu phiếu, vượt quá con số 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để đắc cử. Tính toán của các cơ quan theo dõi bầu cử độc lập như Edison Research cho thấy chung cuộc, liên danh Biden/Harris có thể giành được tới 306 phiếu cử tri đoàn, bằng số phiếu mà liên danh Trump/Pence đạt được để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bốn năm trước.

Đáp lại những lời tố cáo vô căn cứ của ông Trump về bầu cử gian lận, các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử đã ra tuyên bố chung, khẳng định: “Cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 diễn ra an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Các viên chức phụ trách bầu cử ở tiểu bang và hạt (county), trong đó có nhiều người thuộc đảng Cộng Hòa – cũng cho biết họ không phát hiện được hiện tượng gian lận hoặc bất thường trầm trọng nào trong cuộc bầu cử ở địa bàn của họ.

Trong nhánh tư pháp, các tòa án liên tục bác bỏ đơn kiện mà các luật sư của ông Trump đưa ra vì “không có bằng chứng”. Tính ra trong 29 vụ kiện mà ông Trump đã nộp lên tòa trong vòng hai tuần qua đã có 20 vụ bị thất bại, bỏ cuộc hoặc bị tòa bác bỏ, chỉ duy nhất một vụ được chấp nhận nhưng chỉ là vụ nhỏ, không có mấy tác dụng. Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, dù các vụ kiện có kết quả có lợi cho bên nguyên đơn thì khả năng đảo ngược kết quả kiểm phiếu vẫn không thể xảy ra vì chênh lệch số phiếu quá lớn giữa liên danh Biden/Harris và Trump/Pence.

Chiến lược gây hỗn loạn và lẫn lộn

Trong một thái độ ngoan cố chưa từng thấy, ông Trump và bộ sậu của ông vẫn tiếp tục kiện tụng khắp các tiểu bang có kết quả sát nút, thậm chí đòi tối cao pháp viện tiểu bang Pennsylvania hủy bỏ kết quả bầu cử để cho lập pháp tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát được quyền “chỉ định” hai mươi đại cử tri của tiểu bang – một chuyện chưa từng có trong chế độ bầu cử tự do. Cũng chưa có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào chứng kiến sự hỗn loạn và rối ren trong những ngày kiểm phiếu và thống kê kết quả như vậy. Nên để ý rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền dân chủ Mỹ có một tổng thống đương nhiệm, lãnh đạo một đảng có đa số ghế trong Thượng viện và đa số thống đốc tiểu bang, lại tố cáo một cuộc tổng tuyển cử do chính quyền của ông ta tổ chức là “gian lận”. 

Lần đầu tiên trong lịch sử nền dân chủ Mỹ có một tổng thống đương nhiệm, lãnh đạo một đảng có đa số ghế trong Thượng viện và đa số thống đốc tiểu bang, lại tố cáo một cuộc tổng tuyển cử do chính quyền của ông ta tổ chức là “gian lận” và liên tục đi kiện để đòi được thắng cử. 

Tất nhiên ông Trump có quyền kiện tụng theo luật để đòi sự công bằng nếu quả thực ông bị thua oan và các cộng sự của ông thu thập được những bằng chứng vững chắc chứng minh cuộc bầu cử – ở một số tiểu bang nào đó – đã không diễn ra tự do và công bằng, hoặc có dấu hiệu gian dối. Nhưng quyền đi kiện không có nghĩa là được tung ra những lời tố cáo vô căn cứ, không có bằng chứng nhằm phỉ báng cuộc bầu cử, các cơ quan tổ chức tuyển cử và làm nhiễu loạn thông tin. Đến nay, đã hơn hai tuần lễ và hơn hai chục vụ kiện, phía ông Trump vẫn chưa trình bày trước tòa được một bằng chứng khả tín nào.

Theo nhiều người trong cuộc, đến hôm nay ông Trump và các cố vấn của ông không còn nhiều hy vọng đảo ngược tình thế, biến thua thành thắng, nhưng vẫn cố đấm ăn xôi và đang trù tính nhiều đòn phép khác. 

“Tổng thống Donald Trump đang cố biến cuộc bầu cử tự do và công bằng thành một mớ hổ lốn những thông tin sai lệch, những yêu cầu pháp lý không thực chất và những cuộc tấn công vô căn cứ vào nền tảng chế độ dân chủ của quốc gia,” nhà báo Julie Pace, trưởng văn phòng hãng tin Associated Press (AP) tại thủ đô Washington, nhận định trong bài phân tích đăng sáng nay thứ Năm 19-11 dưới tiêu đề: “Với ông Trump, gieo rắc hỗn loạn sau bầu cử là mục đích” (For Trump, sowing post-election chaos is the goal).

Theo bà Pace, “sự hỗn loạn và lẫn lộn được tạo ra, không phải là phụ phẩm của chiến lược của ông Trump sau thất bại trước ông Joe Biden của đảng Dân Chủ. Hỗn loạn và lẫn lộn chính là chiến lược

Chiến lược đó có thể tóm tắt là, bằng việc tấn công vào tính chính trực của cuộc bầu cử ngày 3-11, ông Trump đang gieo rắc sự bất mãn và hoài nghi vào đầu óc những người ủng hộ trung thành của ông; làm cho những cử tri bỏ phiếu cho ông tin rằng Donald Trump là nạn nhân của một vụ lừa đảo chính trị lớn nhất lịch sử, rằng thắng lợi chính đáng của ông Trump đã bị “ăn cắp”. Những người này, dù con số có thể lên tới 72 triệu cử tri – cũng không thể giúp ông trụ lại Tòa Bạch ốc thêm bốn năm nữa, nhưng sẽ mang lại lợi thế cho những kế hoạch tương lai của ông dù đó là kế hoạch ra ứng cử tổng thống năm 2024, lập một công ty truyền thông hay chỉ đơn giản là phát triển ngành kinh doanh bất động sản, sân golf và sòng bài mà ông đã và đang làm. Đáng sợ hơn nữa, chiến lược này thủ tiêu tính chính đáng của chính quyền Joe Biden, xói mòn mọi nỗ lực hàn gắn đất nước, đoàn kết dân tộc của chính phủ mới. Để thỏa mãn tham vọng và tự ái cá nhân của một kẻ thua cuộc, ông Trump đang sẵn sàng đạp đổ ý nguyện của đa số người Mỹ muốn có một tương lai ổn định, dân chủ và thịnh vượng thay cho bốn năm hỗn loạn, chết chóc và chia rẽ dưới quyền ông. 

“Sự hỗn loạn và lẫn lộn được tạo ra, không phải là phụ phẩm của chiến lược của ông Trump sau thất bại trước ông Joe Biden của đảng Dân Chủ. Hỗn loạn và lẫn lộn chính là chiến lược.

Julie Pace, trưởng văn phòng hãng tin AP tại Washington D.C.

Không chỉ cuộc bầu cử mà nền tảng của dân chủ

Tấn công vào tính chính trực của cuộc bầu cử ngày 3-11 không phải là ý muốn bất chợt mà là mưu đồ nằm trong kế hoạch sâu xa của ông Trump nhằm phá hoại nền dân chủ Mỹ từ bên trong, mở đường tiến tới chế độ chuyên chế gia đình trị giống như nước Nga của ông Vladimir Putin, Trung Cộng dưới quyền Tập Cận Bình hoặc ít ra cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan hiện nay.

Nhiều tháng trước ngày cử tri Mỹ bỏ phiếu, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố, nếu ông không thắng cử là do cuộc bầu cử bị gian lận! Những người thành đạt nhờ gian lận luôn suy bụng ta ra bụng người, rằng sở dĩ người khác thành công cũng là do họ gian lận. Ông Trump thậm chí không cam kết, nếu thất cử ông sẽ chuyển giao quyền lực một cách êm thấm như truyền thống từ xưa đến nay ở Tòa Bạch ốc. Ông cho rằng, quy định một người chỉ được làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ là “quá ít”, ông muốn ngồi ghế lãnh đạo tối cao nước Mỹ nhiều nhiệm kỳ nữa, giống như ông Putin và ông Tập Cận Bình. Máu “ái ngã” (narcissism) và tham quyền cố vị đã ăn rất sâu và điều khiển mọi chiến lược, hành động của ông.  

Nền tảng đầu tiên của chế độ dân chủ là trao cho người dân quyền tự do lựa chọn người đại diện cho mình trong guồng máy nhà nước, và dùng lá phiếu để thay đổi sự lựa chọn đó trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Phỉ báng cuộc bầu cử bằng những lời vu cáo không có căn cứ, không đúng sự thật là tấn công trực diện vào nền tảng của chế độ dân chủ.

Chế độ dân chủ còn dựa trên những trụ cột là các định chế (institution) kiểm soát quyền lực, không để cho các cá nhân độc tài được tự tung tự tác đặt quyền lợi cá nhân, gia đình và đảng phái lên trên lợi ích của quốc gia. Hai định chế quan trọng nhất có lẽ là nền tư pháp độc lập, thượng tôn pháp luật (rule of law) và truyền thông báo chí tự do. Trong bốn năm cầm quyền, ông Trump đã tấn công không ngừng nghỉ vào hai định chế này. Ông gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân” – sử dụng lại một nhận định của Joseph Stalin; ông thay thế các thẩm phán, công tố viên, thanh tra nội bộ các bộ ngành, cả thẩm phán tối cao pháp viện và bộ trưởng tư pháp bằng những người trung thành với ông, những mong khi hữu sự những người này sẽ về phe với ông, giúp ông thắng lợi trong những vụ kiện không có bằng chứng hoặc bằng chứng không thuyết phục. Những ai không làm theo ý của ông ta, hoặc không tỏ ra trung thành đầy đủ, sẽ sớm bị sa thải chỉ bằng một dòng tin trên Twitter, mới đây nhất là trường hợp của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và giám đốc an ninh mạng của Bộ Nội an Chris Krebs.

Tất cả những kế hoạch kể trên chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là củng cố quyền cai trị của ông Trump, để ông “muôn năm trường trị nhất thống giang hồ” như ngôn ngữ đầy hình tượng của văn hào Kim Dung.

Thành công của ông Trump ở đâu?

Phải thừa nhận rằng, chiến lược đánh phá cuộc bầu cử bằng tin giả và các vụ kiện cáo vô bổ của ông Trump đã rất thành công. Một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Monmouth ở New Jersey công bố hôm qua thứ Tư 18-11 cho thấy 77% những ủng hộ viên của ông Trump nói rằng chiến thắng của liên danh Biden/Harris là do lừa đảo, bất chấp mọi dữ kiện thực tế và có thể kiểm chứng đều chứng minh ngược lại.

Một hiện tượng truyền thông đáng chú ý cho thấy hiệu quả bất ngờ của chiến lược đánh phá bầu cử của ông Trump: một số mạng tin tức nhỏ thiên về các tin tức giật gân, lan truyền các thuyết âm mưu không có căn cứ như mạng OANN (One America News Network), NewsMax bỗng có số người theo dõi tăng vọt trong hai tuần sau ngày bầu cử, trong khi mạng FoxNews – lá cờ đầu của truyền thông bảo thủ và từng là nguồn thông tin tin cậy nhất của ông Trump – bị giảm trầm trọng số khán giả xem đài. Lý do chỉ vì FoxNews đã nhanh nhẩu loan tin ông Biden thắng cử trong khi các mạng NewsMax và OANN không thừa nhận kết quả kiểm phiếu mà cứ lặp đi lặp lại những lời tố cáo bầu cử gian lận do ông Trump và bộ sậu đưa ra.

Có tới 77% những ủng hộ viên của ông Trump nói rằng chiến thắng của liên danh Biden/Harris là do lừa đảo, bất chấp mọi dữ kiện thực tế và có thể kiểm chứng đều chứng minh ngược lại.

Đại học Monmouth, New Jersey

Với những kẻ thù bên ngoài nước Mỹ, chiến lược tấn công vào tính chính trực của cuộc bầu cử, gây hỗn loạn sau bầu cử đã đem lại cho Nga và Trung Quốc một cơ hội không thể tốt hơn. Từ lâu, các chế độ độc tài toàn trị này vẫn tuyên truyền cho người dân của họ rằng, chế độ dân chủ là hỗn loạn, đa nguyên đa đảng sinh ra bất ổn, chỉ có sự lãnh đạo của một chính trị gia kiệt xuất như Putin, một chính đảng vững mạnh như đảng Cộng sản Trung Quốc thì xã hội mới ổn định, kinh tế mới phát triển chứ không suy thoái và lụi tàn như Mỹ, siêu cường của một thời đã qua. Và các chính phủ chuyên chế càng có cơ sở để biện hộ cho hành vi đàn áp những tiếng nói đối lập, đòi tự do dân chủ ở xứ họ.

Tại sao đảng Cộng Hòa vẫn ủng hộ ông Trump?

Thành công của chiến lược đánh phá bầu cử của ông Trump một phần nhờ vào sự đồng lõa của các chính trị gia Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện. Ông McConnell tán thành và cổ xúy cho việc kiện tụng và tố cáo “bầu cử gian lận” dù chính ông ta là người tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3-11 và đảng Cộng Hòa giành thêm được năm ghế Dân biểu Liên bang. Cùng một lá phiếu, một cuộc bầu cử nhưng nếu các ứng viên đảng Cộng Hòa thắng thì đó là phiếu hợp lệ, còn ngược lại là gian lận! Phát biểu với báo chí từ đại sảnh của Quốc hội, ông McConnell nói: “Tổng thống Trump có 100% quyền hạn để xem xét những lời tố cáo về những điều bất bình thường (irregularities) và cân nhắc những lựa chọn pháp lý của mình…” 

Đa số nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa tới nay vẫn chưa công khai thừa nhận thắng lợi của liên danh Biden/Harris một phần vì sợ ông Trump và đám đông cử tri ủng hộ ông ta. Bài báo của Julie Pace cho biết: “Trong chốn riêng tư một số đồng minh của ông Trump thừa nhận sử dụng tòa án để đảo ngược thắng lợi của ông Biden không phải là mục đích của họ”. Họ cũng không thấy con đường khả dĩ nào có thể thuyết phục các quốc hội tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát hủy bỏ ý chí của đa số cử tri trong tiểu bang để bổ nhiệm các đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông Trump như đề nghị mới đây của đảng Cộng Hòa tại Pennsylvania.

Vấn đề của đảng Cộng Hòa là họ đang có một vị thế đa số rất mong manh 50/48 tại Thượng viện và kết quả cuối cùng phụ thuộc vào cuộc bầu cử run-off, bầu hai thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Georgia vào đầu tháng 1-2021. Nếu hai ứng cử viên của Cộng Hòa thua cuộc thì tỷ lệ trong Thượng viện sẽ là 50/50, khi đó lá phiếu của bà Kamala Harris, Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện, sẽ mang lại đa số cho đảng Dân Chủ, giúp đảng Dân Chủ nắm cả hành pháp và lập pháp, cả Thượng và Hạ viện.

Nếu bây giờ đảng Cộng Hòa ra mặt công nhận thắng lợi của liên danh Biden/Harris bên đảng Dân Chủ thì ông Trump có thể phản đòn bằng cách huy động đội ngũ ủng hộ viên đông đảo của ông ta không bỏ phiếu cho hai ứng cử viên Cộng Hòa ở Georgia và nỗi lo sợ mất vị thế đa số của đảng Cộng Hòa trở thành hiện thực. Và khi ấy ông McConnell đương nhiên từ sẽ lãnh đạo khối đa số bỗng trở thành… thiểu số tại Thượng viện.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Trump liên tục tung ra những thông tin sai sự thật về cuộc bầu cử thì đại đa số các nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa đều thủ khẩu như bình, không công khai tán thành hay phản bác. Mike Murphy, chiến lược gia lão thành của đảng Cộng Hòa chuyển sang ủng hộ ông Joe Biden, chua chát nhận xét: “Hình ảnh con voi như là biểu tượng của đảng GOP [Cộng Hòa] đã ra đi, và con gà đã thay vào”

Tình huống chính trị như vậy rõ ràng hết sức bất lợi cho bộ đôi Biden/Harris và chính sách hàn gắn đất nước của họ. Và đó cũng là chướng ngại mà nền dân chủ Mỹ phải vượt qua trong bốn năm sắp tới.  

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: