Châu Âu đối mặt đợt bùng phát dịch thứ hai

H.C.

Sự lây lan của coronavirus lại gia tăng mạnh ở châu Âu buộc các chính phủ phải tìm cách ngăn chặn đợt truyền nhiễm thứ hai của đại dịch mà không dùng đến biện pháp phong tỏa rộng rãi đã từng hủy hoại nền kinh tế hồi mùa xuân.

Số trường hợp nhiễm virus bình quân hằng ngày trong bảy ngày qua đã cao hơn gấp đôi so với tuần cuối tháng Bảy và trong năm nước lớn nhất châu Âu (Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý) hiện mỗi ngày có thêm 11.000 ca nhiễm mới. Đây là mức nhiễm bệnh cao nhất kể từ khi châu lục này kiểm soát căn bản được đại dịch từng hoành hành vào tháng Ba và tháng Tư năm nay.

Tình trạng đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Ban Nha, trung bình mỗi ngày trong tuần qua Tây Ban Nha ghi nhận thêm 4.800 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ cuối tháng Tư.

Tại Pháp, mức nhiễm bệnh bình quân hàng ngày trong tuần qua là 2.400 trường hợp, cao gấp rưỡi so với mức trung bình tuần trước và cao nhất kể từ khi nước này nới lỏng những biện pháp hạn chế hồi cuối tháng Năm.

Tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) cố vấn cho chính phủ về dịch tễ học hôm nay báo cáo cả nước có 1.510 trường hợp nhiễm bệnh mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng Năm và cao gấp nhiều lần so với mức bình quân 300 trường hợp/ngày hồi tháng Sáu. RKI cũng cho biết sự gia tăng số người nhiễm bệnh xảy ra trong cả nước chứ không tập trung vào những ổ dịch riêng lẻ.

So với Mỹ, số người mới nhiễm virus ở châu Âu vẫn còn rất thấp. Số người mới nhiễm virus bình quân mỗi ngày ở Mỹ hiện là 150 người trong mỗi một triệu dân, tức khoảng 48.000 người trên cả nước Mỹ, cao gấp nhiều lần so với cả năm nước châu Âu cộng lại.

Tuy nhiên, sự gia tăng số người nhiễm bệnh ở châu Âu không làm tăng đáng kể số người phải vào bệnh viện điều trị bởi vì phần lớn những người mới mắc bệnh là người trẻ tuổi, có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Các bệnh viện Tây Ban Nha đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng số bệnh nhân tăng nhanh.

**

Các chuyên gia y tế nhận định, đợt truyền nhiễm mới của virus tập trung ở những điểm nóng về du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, các buổi tiệc tùng và ở nơi làm việc. Đáng chú ý là nhiều trường hợp chính quyền không tìm ra được nguồn gây bệnh, làm cho công việc theo dõi các mối tiếp xúc để cách ly phòng dịch trở nên rất khó khăn, đồng thời cho thấy tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng đã rất rộng rãi.

Để ứng phó, chính quyền nhiều nước đã mở rộng yêu cầu người dân mang khẩu trang, đóng cửa một lần nữa các quán rượu và hộp đêm, hạn chế tụ tập đông người và buộc du khách từ nước khác đến phải cách ly.

Chính quyền các nước châu Âu hy vọng những biện pháp này sẽ đủ tác dụng mà không cần phải đóng cửa các trường học và cơ sở thương mại mới vừa được mở cửa trở lại gần đây.

“Chúng ta đang ở trong thời điểm khởi đầu đợt truyền nhiễm thứ hai và chúng ta phải chống lại ngay bây giờ. Nếu không chúng ta sẽ gặp vấn đề trong mùa thu tới, khi mọi người phải ở trong nhà”, ông Karl Lauterbach, nhà dịch tễ học đồng thời là nghị sĩ Quốc hội Đức, yêu cầu.

Tại Pháp, nơi làm việc nổi lên thành khu vực dễ lây nhiễm nhất, có tới hơn một phần tư số ca nhiễm mới là người đi làm. Vì thế chính quyền yêu cầu các chủ công ty cho nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể để làm giảm việc tụ tập đông người trong các văn phòng và trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus và tàu điện. “Các đoàn viên của chúng tôi sợ bị lây bệnh khi đi xe bus xe điện hơn là tại văn phòng,” Gerard Mardiné, tổng thư ký nghiệp đoàn nhân viên văn phòng CFE-CGC nói.

Dựa vào nghiên cứu sự lây lan của virus trong không khí trong các không gian kín, chính phủ các nước châu Âu quy định từ ngày 01-09 tới, mọi người đều phải mang khẩu trang ở những không gian công cộng như văn phòng làm việc chung cho nhiều người, hội nghị hội thảo, nhà xưởng…

Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi ngăn chặn ngay đà lây lan của dịch bệnh, nhưng cũng như Mỹ, việc ban hành và thực thi các biện pháp chống dịch là trách nhiệm và quyền của các tiểu bang. Bà Merkel đề nghị các tiểu bang nên tập trung thực thi các biện pháp hạn chế hiện hành thay vì ban hành các quy định mới, đồng thời kêu gọi dân chúng tuân thủ quy định về mang khẩu trang và xét nghiệm virus. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Đức là duy trì công ăn việc làm, mở cửa các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em.

(WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: