Dịch viêm phổi Vũ Hán: Trung Quốc bị cô lập

Cập nhật tình hình dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, ngày 01-02-2020

HIẾU CHÂN

Do lo sợ sự lây lan của dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, nhiều nước đã quyết định đóng cửa biên giới, dừng tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc, di tản công dân còn kẹt lại ở Trung Quôc hoặc khuyến cáo công dân không đi đến Trung Quốc. Các nhà đầu tư đóng cửa cơ sở kinh doanh và rút nhân viên về nước. Trung Quốc đang bắt đầu bị cô lập với thế giới và sự cô lập đó sẽ có tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu.

Về diễn biến của dịch, số liệu của chính phủ Trung Quốc đưa ra lúc 8:00 sáng ngày 2-2, giờ Bắc Kinh, cho biết trong ngày 01-02 toàn Trung Quốc đã có thêm 2.590 người mắc bệnh, 45 người tử vong; đưa số ca bệnh lên 14.380 người, trong đó 304 người đã chết.

Riêng tỉnh Hồ Bắc, nơi phát xuất của dịch, đã có thêm 1.921 ca bệnh và 45 người tử vong, đưa số ca bệnh của tỉnh này lên 9.074 người, 294 người chết và 215 người được chữa khỏi.

Trên toàn cầu, ghi nhận có 14.551 trường hợp nhiễm bệnh, 305 người chết. Philippines là nước có ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc, nạn nhân là một người Trung Quốc 44 tuổi.

Hong Kong: bãi công đòi đóng cửa biên giới với Hoa Lục

Hàng ngàn bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện ở Hong Kong hôm thứ Bảy 01-02-2020 đã bỏ phiếu chấp thuận một cuộc bãi công, có thể bắt đầu từ thứ Hai tuần tới, để gây áp lực buộc chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong phải đóng cửa biên giới với Trung quốc lục địa giữa lúc đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona gây ra càng lúc càng trầm trọng.

Hong Kong đã ghi nhận 14 người bị nhiễm bệnh, và nhiều tổ chức của nhân viên y tế đã yêu cầu chính quyền phải ứng phó tích cực với sự lây lan của dịch, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán ở Hoa Lục. Nhưng vào ngày 31-01, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam, tuyên bố rằng, chính quyền sẽ không nhượng bộ yêu cầu đóng cửa tất cả các điểm kiểm soát biên giới giữa Hong Kong và Hoa Lục. Bà Lam trích dẫn thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị không áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử.

Liên minh Nhân viên Bệnh viện (Hospital Authority Employees Alliance) – tổ chức đại diện cho quyền lợi của các nhân viên y tế tại vùng lãnh thổ này, hôm thứ Bảy 01-02 nói rằng có 3.156 thành viên đã tham gia bỏ phiếu, trong đó 3.123 người đồng ý tiến hành cuộc bãi công, chỉ có 10 thành viên chống lại và 23 người vắng mặt. Đến tối thứ Bảy, có thêm 9.000 nhân viên y tế, trong đó có 700 bác sĩ và hơn 6.000 y tá – thành viên của Liên minh – ký một bản kiến nghị cam kết tham gia cuộc bãi công. Tổ chức Liên minh có khoảng 77.000 thành viên làm việc ở các bệnh viện công lập và các cơ sở y tế khác, trong đó có khoảng 6.500 bác sĩ và 27.000 y tá.

Ngoài quyết định tổ chức bãi công, các yêu cầu khác của Liên minh là chính quyền phải có chính sách rõ ràng bảo đảm nguồn cung cấp khẩu trang và trang phục bảo hộ, ngừng các dịch vụ không khẩn cấp, gia tăng số phòng cách ly ở các bệnh viện, hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên y tế và cam kết không trừng phạt những người tham gia bãi công.

Liên minh cảnh báo sẽ có thêm hành động nếu các quan chức chính quyền không đáp ứng yêu cầu của họ. Tuy nhiên Liên minh cho biết sẽ giám sát chặt tình hình liên quan tới cuộc bãi công bởi vì bệnh viện phải cố gắng duy trì hoạt động và giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc bãi công với bệnh nhân.

Trung Quốc bị cô lập

Đến hôm nay 01-02 thì Trung Quốc đang bắt đầu bị thế giới cô lập khi có nhiều nước, hoặc đóng cửa biên giới, hoặc hạn chế nhập cảnh hoặc dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước này để ngăn chặn sự phát tán của virus nCoV.

Hoa Kỳ đã công bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng và ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh thứ tám là một sinh viên trường Đại học Boston. Hôm qua, chính quyền Mỹ cũng ban hành biện pháp hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng hai tuần qua, và cách ly theo dõi sức khỏe của công dân hoặc thường trú nhân của Mỹ trở về từ các vùng dịch ở Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm nay 01-02 thông báo sẽ dành một số cơ sở quân sự có khả năng cung cấp chỗ ở cách ly cho khoảng 1.000 người bị nghi nhiễm bệnh; hiện 195 người Mỹ trở về từ Vũ Hán đã được cách ly tại một căn cứ quân sự ở bang California.

Úc và Nhật Bản hôm nay đã ban hành biện pháp cấm nhập cảnh đối với những người đến từ vùng dịch ở Trung Quốc, hoặc mang hộ chiếu Trung Quốc, tương tự như biện pháp của Hoa Kỳ.

Việt Nam là nước mới nhất hạn chế giao thương với Trung Quốc khi ban hành hôm nay lệnh cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Singapore và Mông Cổ đã đóng biên giới với Trung Quốc, cấm mọi chuyến bay đi và đến Trung Quốc; lệnh đóng cửa của Singapore áp dụng với cả Hong Kong và Macau và kéo dài tới ngày 01-05; trong khi lệnh của Mông Cổ kéo dài đến ngày 02-03 và sẽ xem xét gia hạn. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) thừa nhận: “Trung Quốc là nguồn cung cấp khách du lịch rất lớn cho Singapore. Nhà hàng, công ty lữ hành và khách sạn chắn chắn bị ảnh hưởng nặng” nhưng ông vẫn quyết cấm mọi chuyến bay đi và đến từ Trung Quốc.

Đài Loan cấm công dân Trung Quốc từ các tỉnh duyên hải phía Nam gần Đài Loan như Quảng Đông, Phúc Kiến nhập cảnh bắt đầu từ Chủ nhật 02-02; những người đã viếng thăm Trung Quốc gần đây khi trở về Đài Loan đều phải bị cách ly theo dõi trong 14 ngày.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un đã gửi thư tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chia buồn và đề nghị giúp Bắc Kinh chống dịch. Nhưng Bắc Hàn là một trong vài quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn virus nCoV.

Chỉ có Thủ tướng Hun Sen của Cambodia là có thái độ khác khi ông quyết định không hạn chế đi lại và không cấm du khách Trung Quốc đến Cambodia. Ông Hun Sen cho rằng làm như vậy là “đánh vào kinh tế Cambodia” và “gây căng thẳng trong quan hệ” với Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: