Google và Apple hợp tác làm ứng dụng theo dõi coronavirus

Sơ đồ mô tả cách hoạt động của công nghệ “contact-tracing” trên điện thoại. Apple/Google.

HIẾU CHÂN

Apple và Google sáng nay thứ Sáu 10-4 giới thiệu các công cụ mới sắp ra mắt cho phép người sử dụng điện thoại biết mình có ở gần một người bị nhiễm virus hay không.

Công cụ mới, chạy trên hệ điều hành iOS 13 của điện thoại iPhone và Marshmallow (2015) của điện thoại Android, sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (LEB) – hiện đang được dùng để kết nối điện thoại với tai nghe hoặc loa không dây – để tương tác với điện thoại của những người lân cận và phát hiện xem có người nào bị nhiễm coronavirus hay không.

Những người bị xét nghiệm dương tính với coronavirus sẽ kê khai (tự nguyện) thông tin đó vào một ứng dụng (app) quản lý sức khỏe trong máy điện thoại của họ. Thông tin này sẽ được đưa lên (upload) và lưu trữ trong một hệ thống máy chủ của cơ quan y tế trong 14 ngày. Máy điện thoại của tất cả mọi người sẽ thường xuyên kết nối với máy chủ y tế và khi đến gần máy điện thoại của người bị nhiễm virus thì sẽ nhận được thông báo cảnh báo từ máy chủ cho dù sử dụng điện thoại iPhone hay Android.

Máy điện thoại của người bị nhiễm virus cũng ghi nhận các số máy điện thoại đã đến gần mình và upload dữ liệu lên máy chủ; cơ quan y tế từ đó có thể biết được trong vòng 14 ngày kể từ ngày khai báo nhiễm virus, người đó đã tiếp cận với những số máy điện thoại nào.

Các chương trình theo dõi này được gọi chung là “contact-tracing” (theo dấu tiếp xúc). Các cơ quan y tế công cộng cho rằng thực hiện theo dấu tiếp xúc của người bị nhiễm virus và những người tiếp xúc với họ có thể làm chậm sự phát tán của đại dịch, và các biện pháp theo dấu như vậy đã chứng tỏ có hiệu quả ở một số nơi như Nam Hàn, Singapore, Israel. 

Hiện cả xã hội bị giãn cách là để tránh dịch bệnh lây lan qua tiếp xúc giữa người và người, đặc biệt là vì nhiều người mang coronavirus mà không có triệu chứng bên ngoài nên người chung quanh không nhận biết được. Theo dõi để biết mình có đứng gần người nhiễm bệnh không vì vậy là yếu tố chủ yếu cho phép dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, mở cửa lại các trường học, công sở, tiệm xưởng. Bằng ứng dụng contact-tracing trong điện thoại, cơ quan y tế cũng dễ dàng xác định được những người bị nghi nhiễm virus trong một tập thể người, khoanh vùng những khu vực có nhiều người bệnh, thay vì dùng phương pháp thủ công là hỏi ý kiến, ghi lại rồi lập sơ đồ tiếp xúc như hiện nay.

Google và Apple là hai “ông lớn” công nghệ của Silicon Valley, nhưng là hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt, hiếm khi hợp tác với nhau. Nhưng trước thảm họa đại dịch, cả hai đều tạm gác cạnh tranh để cùng tìm giải pháp công nghệ hỗ trợ việc chống dịch. Hai hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google hiện là nền tảng cho khoảng 99% số máy điện thoại di động trên thế giới, cho nên người ta hy vọng cuộc bắt tay giữa hai ông lớn này sẽ mang lại một công cụ hiệu quả cho việc ngăn chặn đại dịch.

Nhưng theo các chuyên gia, có hai trở ngại phải vượt qua để ứng dụng công nghệ này đem lại lợi ích trong thực tế. Một là bảo vệ tính riêng tư và thông tin cá nhân của người sử dụng và hai là việc mở rộng xét nghiệm coronavirus. Tổng thống Donald Trump, trong buổi họp báo hôm nay thứ Sáu, nói: “Đây là một công nghệ mới, rất mới. Rất thú vị. Nhưng nhiều người lo ngại về quyền tự do cá nhân”.

Về vấn đề quyền riêng tư, cả hai ông Timothy Cook – Chủ tịch Apple, và ông Sundar Pichai, sếp của Google đều viết tweet cam kết rằng ứng dụng của họ bảo đảm tuyệt đối tính riêng tư, không tích hợp công nghệ định vị GPS nên không xác định vị trí của người sử dụng và cũng không thu thập thông tin cá nhân. Ngoài ra, ứng dụng chỉ có tác dụng khi có hàng triệu người tham gia trên cơ sở tự nguyện cài đặt và khai báo kết quả xét nghiệm của mình.

Ứng dụng chỉ ghi nhận kết quả của những người đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus chứ không thể làm thay công việc xét nghiệm, cho nên yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để biết được ai nhiễm bệnh, ai không là phải mở rộng hoạt động xét nghiệm ra toàn xã hội. Nhưng đó là việc của ngành y tế, không phải là của công nghệ.

Dự kiến ứng dụng mới của Apple và Google sẽ bắt đầu được phát hành vào giữa tháng 05-2020.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: