Kinh tế thời đại dịch: Những dự báo u ám

Tổng thống Trump họp với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bàn việc khôi phục hoạt động kinh tế.

H.C.

Ngoài số người nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên, đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã giáng một đòn chí tử vào kinh tế toàn cầu, và tình hình được dự báo ngày càng u ám.

Số liệu công bố hôm nay thứ Tư 29-04 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ – tức sản lượng hàng hóa và dịch vụ – đã bị giảm 4,8%/năm trong ba tháng đầu năm nay. Đại dịch coronavirus đã làm đình trệ phần lớn các hoạt động kinh tế và kích hoạt một cuộc suy thoái đánh dấu điểm kết thúc của một thời kỳ tăng trưởng dài nhất. Đây là mức suy giảm hàng quý nặng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập niên về trước.

Trên thế giới, số người nhiễm coronavirus tính tới hôm nay 29-04 đã gần vượt mức 3,2 triệu người, trong đó có 1 triệu người ở Mỹ, hơn 227.000 người tử vong, trong đó có hơn 60.000 người Mỹ theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Con số người bệnh và tử vong vì dịch trong thực tế có thể còn cao hơn do thiếu thốn dụng cụ xét nghiệm, các nước có cách tính khác nhau và một số chính phủ che giấu thiệt hại thực sự. Về kinh tế xã hội, dịch Covid-19 đã dẫn tới các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khiến các nhà máy và doanh nghiệp trên toàn cầu phải đóng cửa, ngừng hoạt động.

Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước: Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự tính GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm khoảng 40%/năm trong quý 2, từ tháng 04 đến tháng 06 năm nay.

Số liệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua sẽ được công bố trong ngày mai thứ Năm nhưng các nhà kinh tế dự tính sẽ có khoảng 1/6 tổng số người lao động của Mỹ, tương đương 30 triệu người, đã bị mất việc làm trong sáu tuần qua. Số liệu lao động tháng Tư sẽ có vào tuần tới nhưng các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 20% – mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Do thiệt hại kinh tế quá nặng nề, Tổng thống Donald Trump đã cố thúc đẩy mở cửa lại đất nước, để cho các hướng dẫn về giãn cách xã hội hết hạn vào ngày mau mà không kéo dài, thậm chí ông nói ông dự định đi Arizona trong tuần tới. Ông đã vạch ra những kế hoạch quay trở lại cuộc sống bình thường như thời trước đại dịch bất chấp lời khuyên của các bác sĩ rằng cả nước vẫn cần thực hiện giãn cách xã hội và mang khẩu trang ở nơi công cộng.

Bên ngoài nước Mỹ, tình hình lại càng u ám hơn.

Một khu chợ vắng vẻ ở Tây Ban Nha. AP

Cơ quan lao động của Liên hiệp quốc dự báo trong quý 02, thế giới sẽ mất đi khoảng 305 triệu công việc làm toàn thời gian, và 1,6 tỷ người kiếm sống trong khu vực kinh tế không chính thức mà các chính phủ không theo dõi được, “sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm vì sinh kế bị hủy hoại”. Con số này tương đương với một nửa tổng lực lượng lao động toàn cầu, khoảng 3,3 tỷ người.

Ở châu Âu, hầu như mọi thước đo kinh tế đều đang rơi tự do. Các số liệu chính thức sẽ được công bố vào ngày mai thứ Năm, song các nhà kinh tế đều dự báo tổng sản lượng quý 01 năm nay của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) bị giảm ít nhất 4%/năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm khoảng 8%. Tình trạng thất nghiệp sẽ tệ hại hơn nữa nếu các chính phủ không tung ra các biện pháp hỗ trợ tiền lương, giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên thay vì sa thải họ.

Ở Paris, hãng sản xuất máy bay Airbus báo cáo lỗ 481 triệu euro (515 triệu USD) trong quý 01, sa thải hàng ngàn công nhân và vay thêm hàng tỷ đồng để cầm cự trong cơn khủng hoảng. Nhà chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cũng lâm vào cảnh tương tự, đang cắt giảm 10% lực lượng lao động và giảm tốc độ sản xuất máy bay thương mại.

Ý Đại Lợi có lẽ là nền kinh tế bị thiệt hại nặng nhất, dự báo GDP năm nay sẽ giảm khoảng 8%, rơi vào khu vực tăng trưởng âm. Trái phiếu chính phủ (government bond) của Ý bị các thị trường tài chính xếp vào trạng thái gần thành “rác” (junk bond status) khiến cho Rome khó mà vay được tiền để kích thích kinh tế và duy trì công ăn việc làm.

Bộ trưởng kinh tế Đức – nền kinh tế mạnh nhất châu Âu – nói chính phủ Berlin dự báo GDP sẽ giảm khoảng 11%/năm trong quý 01 năm nay nhưng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Ở châu Âu, Đức là nước có cán cân ngân sách lành mạnh nhất, do đó có điều kiện đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ.

Các nhà kinh tế cũng hoài nghi khả năng bật dậy vào cuối năm nay, đầu năm 2021 của các nền kinh tế mạnh như Đức và Mỹ vì lo ngại coronavirus có thể phát tác trở lại vào mùa thu, người tiêu dùng và người lao động vẫn chưa yên tâm quay trở lại nơi làm việc như thời trước đại dịch.

(AP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Ngừng trì hoãn
Có một vấn đề trong thế giới kỹ thuật số ngày nay: Quá tải thông tin. Từ âm nhạc, trò chơi đến mạng xã hội và những giờ giải trí…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: