Liên Âu trước thử thách sinh tử của đại dịch coronavirus

Quốc kỳ Ý và EU được hạ xuống giữa cột cờ để tưởng nhớ những nạn nhân của đại dịch cúm Vũ Hán. Reuters

HIẾU CHÂN

Đại dịch coronavirus Vũ Hán – một cuộc khủng hoảng trầm trọng cả về y tế lẫn về kinh tế – đang làm lộ ra những đường đứt gãy tiềm ẩn từ lâu trong khối Liên minh Âu châu, làm dấy lên nỗi lo ngại khối đoàn kết tầm châu lục này có nguy cơ tan rã.

Trước khi dịch coronavirus bùng phát, Liên Âu (European Union, EU) đã phải đối mặt với nhiều thách thức trầm trọng: cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ công những năm đầu thập niên 2010 đẩy một số quốc gia Nam Âu tới bờ vực phá sản, cuộc khủng hoảng người di dân từ Trung Đông và Bắc Phi gây chia rẽ giữa các nước “cựu” thành viên như Đức, Pháp với các nước “tân” thành viên EU là các quốc gia cộng sản Đông Âu cũ. Rồi xảy ra sự kiện Brexit – nước Anh dứt áo ra đi, giáng một đòn mạnh vào tính thống nhất của EU.

Nhưng phải đến khi dịch Vũ Hán coronavirus tràn tới thì EU mới thật sự bị cú đo ván: những mâu thuẫn nội tại của khu vực được dịp bùng phát cùng với nỗi lo chống dịch căng thẳng như chữa cháy, những thủ đoạn thọc ngoáy phá hoại của Trung Quốc và Nga khiến những người lạc quan nhất cũng lo ngại, không ai biết rồi đây EU có còn là một khối kinh tế, chính trị và xã hội hay sẽ tan đàn sẻ nghé, ai về nhà nấy, thành quả mấy chục năm xây dựng bị trôi sông trôi biển chỉ sau hai tháng đối phó với dịch.

*

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel chủ trì một hội nghị trực tuyến của các nước EU bàn việc chống dịch. AP

Trong những ngày đầu bùng phát dịch Vũ Hán, phản ứng của các quốc gia EU cho thấy lợi ích quốc gia đã được đặt lên đầu, lên trên những lý tưởng vị tha mà châu Âu theo đuổi. Là khu vực đầu tiên đạt tới cảnh giới “thế giới đại đồng” khi cho ra đời hiệp ước Schengen, dẹp bỏ hàng rào biên giới cho hàng hóa và con người được di chuyển tự do qua 26 nước, nhưng khi coronavirus Vũ Hán xuất hiện, nhiều nước vội vã dựng hàng rào trở lại, biện minh là để ngăn chặn con virus quái ác này tung hoành khắp châu Âu.

Vào ngày 27-02, khi nước Ý bắt đầu trở thành “ổ dịch” của châu Âu với 650 trường hợp mắc bệnh và 17 người tử vong – thì Đức và Pháp ban bố lệnh cấm xuất khẩu trang bị y tế như khẩu trang, mặt nạ chống độc, máy trợ thở… bất chấp sự phản đối đầy phẫn nộ của Ý. Nên để ý rằng chỉ trước đó vài tuần lễ, trong tháng 01 và 02-2020, các nước EU như Pháp, Bỉ, Đức đã rất hào phóng viện trợ nhiều tấn trang bị y tế cho Trung Quốc chống dịch; những chuyến phi cơ tới Vũ Hán để hồi hương các công dân châu Âu luôn chở đầy những mặt hàng chống dịch mà lúc đó châu Âu không ngờ sẽ có ngày mình bị thiếu hụt trầm trọng.

Bà Nathalie Tocci, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế ở Ý nhận định: “[Đại dịch Covid-19] có thể là cọng rơm làm sụn lưng con lạc đà. Lý do mà coronavirus trở thành một thách thức sinh tử như thế này là bởi nó đụng chạm tới tất cả mọi lĩnh vực và làm bật lên những mạch ngầm đã tồn tại sẵn ở đây. Cứ như là nó đẩy mọi chuyện tới cực điểm vậy.”, theo trích dẫn trên The Washington Post.

*

“Đây là khoảnh khắc khó khăn nhất của EU kể từ ngày thành lập, và EU phải sẵn sàng đứng lên đương đầu với thách thức,” Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez

Các nhà lãnh đạo EU trong một cuộc hội nghị trực tuyến. AP

“Đây là khoảnh khắc khó khăn nhất của EU kể từ ngày thành lập, và EU phải sẵn sàng đứng lên đương đầu với thách thức,” Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói trong bài diễn văn truyền hình hôm tối thứ Bảy. Ông cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu khác rằng nếu không đoàn kết để chia sẻ gánh nặng tài chính khổng lồ của cuộc khủng hoảng y tế và cuộc suy thoái kinh tế đang lừng lững đi tới thì tương lai của EU sẽ bị nguy khốn.

Rạn nứt trong nội bộ EU bộc lộ rõ nhất khi chín nước thành viên, trong đó có Pháp, Ý và Tây Ban Nha cùng đưa ra đề nghị EU phát hành một loại trái phiếu đặc biệt, tạm gọi là “coronabonds”, lấy tiền hỗ trợ các nước thành viên bị coronavirus tàn phá nặng nề nhất, nhưng đề nghị này bị các nước khác, chủ yếu là Đức, Hòa Lan và các nước Bắc Âu không tán thành.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz khuyến nghị các nước nên bàn bạc việc huy động tiền bạc từ quỹ cứu trợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu (European Stability Mechanism, ESM) được lập ra giữa cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu một thập niên về trước. Họ phản đối coronabonds một phần vì lo ngại tung ra một chương trình vay nợ mới sẽ có tác động lâu dài đến tình hình tài chính chung của EU, một phần vì muốn dành dụm tiền bạc đề phòng cuộc khủng hoảng có thể tồi tệ hơn nữa, nhưng một phần cũng do không muốn tái diễn việc các nước Bắc Âu tằn tiện và thận trọng phải đứng ra cáng đáng nợ nần cho các nước Nam Âu được cho là phóng túng và hoang phí.

Các nước nam Âu như Ý và Tây Ban Nha đã biết thế nào là đau khi cầu cứu quỹ ESM: được vay tiền để giải quyết khó khăn trước mắt nhưng đổi lại phải thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các khoản chi tiêu xã hội khiến một phần lớn dân chúng rơi vào tình cảnh khó khăn, dẫn tới bất ổn xã hội như đã từng xảy ra ở Hy Lạp và thời kỳ khủng hoảng nợ công. Chính những khó khăn đó đã tạo môi trường thuận lợi cho sự trỗi dậy của các thế lực chính trị cánh hữu quốc gia chủ nghĩa như Phong trào Năm Sao ở Ý, và kích hoạt tư tưởng “hoài nghi châu Âu” muốn quay trở lại với quốc gia độc lập và có chủ quyền như thời kỳ trước hiệp ước Maastricht năm 1992.

Đáp lại đề nghị phát hành coronabonds, Bộ trưởng Tài chính Hòa Lan Wopke Hoekstra thậm chí còn đề nghị Brussels nghiên cứu tại sao một số chính phủ lại không có đủ phương tiện tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng của chính họ. Đề nghị của ông Hoekstra đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến các bộ trưởng tài chính EU đã gây nên một trận bão ngôn từ dữ dội giữa các nhà lãnh đạo EU và càng làm cho hố ngăn cách giữa họ thêm rộng ra. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói rằng nhận định của ông Hoekstra là “ghê tởm”, và tuyên bố thẳng thừng: “Hoặc EU phải làm những gì cần phải làm, hoặc kết thúc,” theo trích dẫn của AP.

*

“Châu Âu phải chứng tỏ mình có khả năng đáp lại lời kêu gọi của lịch sử. Tôi sẽ chiến đấu tới giọt mồ hôi cuối cùng, đến gram năng lượng cuối cùng để có được một phản ứng chung bền chặt, mạnh mẽ và đầy sinh lực của châu Âu” – Thủ tướng Ý Giuseppe Conte

Trong vài tuần gần đây châu Âu đã thể hiện một số dấu hiệu đoàn kết: Đức và Thụy Sĩ đã nhận đưa các bệnh nhân virus Vũ Hán từ Ý và Pháp về nước mình điều trị; Đức và Pháp gửi hàng triệu khẩu trang và hàng tấn đồ bảo hộ sang Ý. EU đã cam kết tài trợ nhiều tỷ euro để giúp các nước thành viên vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh. Ủy ban châu Âu cũng đã thành lập một kho hàng chung các trang bị y tế, sẵn sàng cung ứng cho các nước thành viên. Nhưng do quy mô của thảm họa quá lớn, nhiều người cho rằng, làm như thế vẫn chưa đủ.

Hàng viện trợ chống dịch covid-19 của Nga tới phi trường Rome của Ý mang dòng chữ “Từ nước Nga, với tình yêu”. Reuters

Trong khi đó, Nga và đặc biệt là Trung Quốc, đã không bỏ lỡ cơ hội do đại dịch mang tới để “bày tỏ thiện chí”. Hình ảnh những chuyến phi cơ chở đầy khẩu trang, áo quần bảo hộ dán cờ Trung Quốc hoặc những đoàn xe vận tải quân sự Nga chở trang bị y tế tới thành phố Bergamo, “ổ dịch” ở miền bắc Ý đăng đầy trên các trang báo, trên các mạng xã hội, tạo ra cảm giác rằng trong lúc Ý và Tây Ban Nha đang oằn lưng chống dịch thì chỉ có các chính phủ vẫn bị cho là độc tài chuyên chế mới ra tay giúp đỡ! Thực tế sự hỗ trợ chống dịch của EU cho các nước thành viên bị nạn to lớn và hiệu quả hơn rất nhiều so với thủ đoạn “ngoại giao khẩu trang” của Nga và Trung Quốc nhưng về mặt tuyên truyền, có vẻ như EU đã thất bại trong việc củng cố tình cảm và lòng tin của người dân vào sự đoàn kết thống nhất của châu Âu.

*

“Châu Âu thực sự cần phải chung lưng đấu cật vượt qua những vấp váp ban đầu nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến tuyên truyền này. Thật không thể chấp nhận chuyện các nhà lãnh đạo cãi nhau trong lúc này,” ông Noah Barkin, chuyên gia của German Marshall Fund nhận xét và thêm rằng những gì đã áp dụng trong cuộc khủng hoảng nợ công một thập niên về trước ngày nay lại càng cấp thiết hơn, “trong lúc Hoa Kỳ không thân thiện còn Trung Quốc thì đã tỏ ý đồ lợi dụng tối đa cuộc khủng hoảng để đẩy mạnh lợi ích riêng của họ”.

Tuy không hài lòng với sự thiếu thiện chí của một số nhà lãnh đạo châu Âu khác nhưng Thủ tướng Ý Giuseppe Conte vẫn tin các thành viên EU sẽ đoàn kết vượt qua thách thức thay vì rơi trở lại chủ nghĩa quốc gia, đèn nhà ai nhà nấy rạng; vì như vậy toàn bộ những giá trị và lý tưởng mà châu Âu dày công gây dựng mấy chục năm nay để mang lại hòa bình và thịnh vượng cho toàn châu lục sẽ sụp đổ. “Châu Âu phải chứng tỏ mình có khả năng đáp lại lời kêu gọi của lịch sử. Tôi sẽ chiến đấu tới giọt mồ hôi cuối cùng, đến gram năng lượng cuối cùng để có được một phản ứng chung bền chặt, mạnh mẽ và đầy sinh lực của châu Âu,” ông Conte nói.

Còn theo bà Tocci, đại dịch coronavirus có thể làm tan rã EU nhưng cũng có thể làm cho nó nổi lên mạnh mẽ hơn nếu các nhà lãnh đạo châu lục này thật sự đoàn kết và tỉnh táo để chèo lái con thuyền chung qua cơn bão dữ.

Bài liên quan: Châu Âu: Virus thách thức Schengen

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: