“Made in Vietnam” thay “Made in China”, được không?

HIẾU CHÂN

Vào lúc Hoa Kỳ và nhiều nước tìm cách “giải kết” (decouple) với Trung Quốc, nhiều người nghĩ Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành công xưởng của thế giới thay cho nước láng giềng phương Bắc. Chính phủ Việt Nam thậm chí còn huênh hoang “lót ổ đón đại bàng” vì cho rằng cơ hội đã tới.

Trong bài phân tích đăng trên Asia Times hôm 21-05, nhà báo nước ngoài khá am hiểu tình hình Việt Nam, ông David Hutt ghi nhận, sau khi có vẻ như chiến thắng cuộc chiến tranh y tế chống đại dịch Covid-19, không ghi nhận trường hợp tử vong nào, và dành được lời ca ngợi của thế giới về quản trị khủng hoảng, Việt Nam đang hy vọng có thể tiếp tục chiến thắng kinh tế của thời đại dịch.

Theo các nguồn tin Việt Nam, có một kỳ vọng trong tầng lớp quan chức và doanh nhân rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ động thái của Mỹ thôi thúc di chuyển các dây chuyền cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đến các nước khác trong khu vực, kể cả Việt Nam.

Ông David Hutt ghi nhận hồi đầu tháng Năm, truyền thông khu vực loan tin tập đoàn Apple của Mỹ đã bắt đầu sản xuất khoảng 3-4 triệu bộ tai nghe AirPod ở Việt Nam trong tháng Tư – khoảng 30% sản lượng AirPod trong một quý – một dấu hiệu tập đoàn Mỹ đang tái định vị dây chuyền cung ứng khỏi Trung Quốc.

Báo chí cũng lưu ý nhiều nhà cung ứng cho Apple, bao gồm Foxconn và Pegatron (chuyên lắp ráp iPhone), Compal Electronics (lắp ráp iPad) cũng đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Inventec (lắp ráp AirPod) được biết đã xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Nhiều người vội vã suy đoán hành động của Apple là dấu hiệu cho thấy Việt Nam sắp đón được một làn sóng đầu tư của các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Thực tế có như vậy không?

**

Yếu tố quốc tế tác động đến sự dịch chuyển dây chuyền cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam là xung đột ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và sự gián đoạn dây chuyền cung ứng trong đại dịch Covid-19 làm cho nhiều quốc gia nhận ra sự nguy hiểm của việc lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng xu thế này có mang lại cơ hội cho Việt Nam hay không là chuyện khác. “Made in Vietnam sẽ không sớm thay thế Made in China – hoặc không bao giờ có thể thay thế,” ông David Hutt nhận định.

Xung đột Mỹ – Trung đã bắt đầu từ cuộc thương chiến năm 2018 và càng lúc càng quyết liệt cho đến đầu tháng Năm này, Tổng thống Trump nói trên đài Fox News “chúng ta có thể cắt toàn bộ quan hệ” với Trung Quốc, và ngay sau đó Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể buộc các công ty Trung Quốc từ bỏ việc giao dịch cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Mỹ. Vào ngày 18-05 có tin chính phủ Mỹ đang thảo kế hoạch tài trợ lớn cho các công ty Mỹ chuyển hoạt động từ nước ngoài về nước, bao gồm cả một ngân quỹ 25 tỷ USD để làm việc này, tương tự động thái của chính phủ Nhật tháng trước. Đi xa hơn, ông Trump gần đây dọa tăng thuế thêm nữa lên trên mức thuế hiện hành 25% lên 370 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Mỹ cũng dự tính lập một liên minh mới với “các đối tác tin cậy”, trong đó có Việt Nam, gọi là “Mạng Thịnh Vượng Kinh Tế” để thu hút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung: khi hàng hóa Made in China bị đánh thuế cao khi nhập cảng vào Mỹ, nhiều công ty đã chuyển sang sản xuất ở Việt Nam. Đáng chú ý là trong số hàng hóa Made in Việt Nam nhập cảng vào Hoa Kỳ trong thời gian này có rất nhiều sản phẩm thực chất của Trung Quốc, chỉ núp bóng xuất xứ Việt Nam để tránh thuế. Nhiều trường hợp núp bóng như vậy đã không qua mặt được hải quan Mỹ.

Thực ra, từ nhiều năm trước, để phòng rủi ro trong việc làm ăn ở Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia đã áp dụng chiến thuật “Trung Quốc + 1”: vừa duy trì cơ sở ở Trung Quốc để lợi dụng thị trường tiêu thụ rộng lớn, vừa xây dựng cơ sở hoạt động ở một vài nước khác ngoài Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nơi được chọn lựa nhờ giá nhân công rẻ và chính sách ưu đãi về tài chánh, môi trường của chính quyền Hà Nội. Phần lớn các nhà đầu tư loại này là các công ty Nam Hàn, Singapore, Đài Loan và Nhật Bản, hiếm có công ty Mỹ hoặc phương Tây. Năm 2019, Việt Nam báo cáo nhận được 38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó Nam Hàn chiếm 20%, còn lại là Hong Kong, Nhật Bản và Trung Quốc. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư này chứ không phải cho kinh tế Việt Nam nói chung.

Bây giờ, làn sóng công ty chuyển ra khỏi Trung Quốc, và có thể cả Hong Kong nữa, sau đại dịch Covid-19 làm dấy lên hy vọng “Sắp có làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam” (VNExpress, 09-05), và “Thủ tướng: Thành lập tổ công tác đặc biệt đón ‘đại bàng’ đến Việt Nam” (Dân Trí, 22-05)… “Chúng ta có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Chúng ta cần lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch…” – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay (Dân Trí, 22-05)

 *

Nhưng như chúng tôi đã nhận định trên Sai Gon Nhỏ mới đây, niềm hy vọng sẽ là ảo vọng khi Việt Nam chưa thay đổi thể chế chính trị mà vẫn duy trì hình ảnh một bản sao thu nhỏ của Trung Quốc, với đầy đủ những trở ngại mà nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt như họ đã từng gặp ở Trung Quốc.

So với Trung Quốc, Việt Nam có gì khác, hấp dẫn để nhà đầu tư chuyển đến?

Việt Nam có giá nhân công rẻ, chỉ từ 132 đến 190 USD/người/tháng tùy khu vực, thậm chí còn rẻ hơn nhân công Cambodia láng giềng dù Cambodia nhìn chung nghèo hơn Việt Nam. Nhưng trong nền sản xuất công nghiệp hóa, tự động hóa hiện nay, giá nhân công không còn là yếu tố then chốt trong quyết định đầu tư.

Ngoài lợi thế giá nhân công thì Việt Nam không có gì hấp dẫn hơn Trung Quốc. Ông David Dodwell, giám đốc điều hành của Hong Kong-APEC Trade Policy Study Group, chuyên nghiên cứu chính sách thương mại vùng châu Á-Thái Bình Dương trong một bài viết mới đăng trên South China Morning Post, đã lưu ý doanh nghiệp về những chỗ khác nhau giữa hai nền kinh tế.

Thứ nhất, Việt Nam rất nhỏ so với Trung Quốc. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) năm 2018 của Trung Quốc lớn gấp 55 lần Việt Nam, có 15 tỉnh của Trung Quốc có GDP lớn hơn cả nước Việt Nam.

Trung Quốc có 800 triệu lao động công nghiệp, Việt Nam chỉ có 55 triệu; sản lượng hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc chiếm 28% tổng sản lượng toàn cầu, Việt Nam chỉ chiếm 0,27%.

Một ví dụ về hạ tầng giao thông: cảng container Thượng Hải tiếp nhận, xử lý hơn 40 triệu tấn hàng mỗi năm; cảng Sài Gòn lớn nhất Việt Nam chỉ xử lý được 6,15 triệu tấn.

Điện năng ở Việt Nam thiếu tới mức chính phủ phải yêu cầu người dân tiết kiệm, tắt bớt đèn quảng cáo vào ban đêm.

Một yếu tố quan trọng là Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ khổng lồ và tăng trưởng nhanh; nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần sản xuất để cung ứng cho thị trường đó là đã có lời, chưa cần phải tính chuyện xuất cảng hàng hóa đó ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, thấp hơn cả các nước nghèo như Libya, Guatemala và Belize.

Một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc là Mỹ luôn bị thâm hụt, còn Trung Quốc luôn thặng dư, nghĩa là tiền bạc của Mỹ cứ chảy sang Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump coi việc làm giảm thâm hụt thương mại là một chính sách ưu tiên của ông, do đó ông Trump phát động thương chiến với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tăng mua hàng Mỹ. Đáng chú ý là trong số các nước thặng dư thương mại với Mỹ có Việt Nam.

Khi thương chiến Mỹ-Trung lên cao trào vào năm ngoái, ông Trump thậm chí còn chỉ đích danh Việt Nam là “kẻ lợi dụng tệ hại nhất” do Việt Nam luôn duy trì thặng dư trong buôn bán với Mỹ. Năm 2019, thặng dư của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ tăng lên 47 tỷ USD từ mức 34,9 tỷ USD năm 2018. Sự mất cân đối trong cán cân thương mại cũng là một yếu tố quan trọng làm cho quan hệ Việt-Mỹ cứ chập chờn mà chưa thể tiến xa, lên mức “đối tác chiến lược” như mong đợi.

Tuy Mỹ chưa phát động thương chiến với Việt Nam như đã làm với Trung Quốc nhưng Hà Nội đã phải nhận ra sự khó chịu của Mỹ và đã có những động thái xoa dịu như tăng nhập cảng hàng hóa của Mỹ, đặt mua nhiều phi cơ Boeing trị giá nhiều tỷ USD. Tuy vậy, tình hình chưa được cải thiện bao nhiêu, thậm chí thặng dư của Việt Nam ngày càng tăng do nhiều công ty của Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nam Hàn “núp bóng” Made in Vietnam để xuất cảng hàng hóa vào Mỹ.

“Lót ổ đón đại bàng” chỉ là một ảo tưởng viển vông, một kiểu tự sướng không dựa trên thực tiễn và không biết mình là ai trong thế giới này. Nếu Hà Nội vẫn cứ “lót ổ” kiểu khu kinh tế Vân Đồn mới được công bố vài ngày trước đây thì e chẳng đón được đại bàng mà chỉ có bầy kền kền đang chực chờ bên kia biên giới, sẽ nhanh chóng kéo tới chia phần trên xác thân đã kiệt quệ của đất nước.

Nếu trong thời gian tới, các công ty nước ngoài rời Trung Quốc, chuyển tới Việt Nam để sản xuất hàng hóa bán vào thị trường Mỹ, và ngay cả các công ty Trung Quốc cũng làm như vậy, thì chắc chắn lượng hàng hóa Made in Vietnam trên các kệ hàng ở Mỹ sẽ tăng lên rất nhiều, càng làm cho cán cân thương mại Việt-Mỹ thêm mất cân đối mà phần thâm hụt thuộc về phía Mỹ.

Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới, nếu ông vẫn đặt ưu tiên cho việc làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thì chắc chắn Hà Nội sẽ khó mà tránh khỏi những đòn trừng phạt kinh tế của Washington, hàng hóa Made in Vietnam sẽ có rủi ro bị áp thuế cùng kiểu với hàng hóa Made in China. Viễn cảnh đó làm cho các nhà đầu tư phải nghĩ lại, liệu có nên tránh vỏ dưa để gặp vỏ dừa hay không. Chẳng lẽ bây giờ chuyển nhà máy sang Việt Nam để tránh bị thuế cao, rồi sau đó vài năm lại phải tiếp tục chuyển đi nước khác nữa khi Mỹ ra tay ngăn chặn hàng hóa Made in Vietnam?

Tất cả những yếu tố trên cho thấy Việt Nam sẽ không thể thay vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không thể trở thành một công xưởng mới của thế giới.

“Lót ổ đón đại bàng” chỉ là một ảo tưởng viển vông, một kiểu tự sướng không dựa trên thực tiễn và không biết mình là ai trong thế giới này. Nếu Hà Nội vẫn cứ “lót ổ” kiểu khu kinh tế Vân Đồn mới được công bố vài ngày trước đây thì e chẳng đón được đại bàng mà chỉ có bầy kền kền đang chực chờ bên kia biên giới, sẽ nhanh chóng kéo tới chia phần trên xác thân đã kiệt quệ của đất nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: