HIẾU CHÂN
Trong nỗ lực chiến đấu nhằm đảo ngược tình thế, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Donald Trump và các đồng minh đang vận dụng tối đa những “công cụ” pháp lý và hành chính, tiến hành nhiều vụ kiện ở nhiều tiểu bang và thúc đẩy Bộ Tư pháp vào cuộc.
Bộ Tư pháp điều tra gian lận bầu cử?
Thông tin mới nhất là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ William Barr vừa phê chuẩn cho các công tố viên liên bang được điều tra những lời tố cáo về “những sự bất thường trong việc kiểm phiếu” trong một số trường hợp trước khi kết quả kiểm phiếu được chứng thực. Trong thông báo nội bộ dài hai trang phát ra hôm nay thứ Hai 09-11, ông Barr viết: “Tôi cho phép các bạn theo đuổi những lời tố cáo có cơ sở về những điều bất thường trong bầu cử và kiểm phiếu trước khi việc chứng thực kết quả bầu cử ở khu vực phụ trách của các bạn và trong một số vụ việc như tôi đã từng làm trong các trường đặc biệt”.
Thông báo của ông Barr trái với chính sách từ lâu của Bộ Tư pháp và bị các giới chức trong và ngoài bộ này phê phán là tiếp tay với những yêu sách không có căn cứ về gian lận bầu cử trên quy mô lớn mà Tổng thống Trump và một số chính khách Cộng Hòa đưa ra. Ông Richard Pilger, trưởng Bộ phận Tội phạm Bầu cử của Bộ Tư pháp đã lập tức từ chức để phản đối.
Bộ phận Tội phạm Bầu cử của ông Pilger đã có bản hướng dẫn các công tố viên trong nhiều trường hợp không nên điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử một cách công khai như thẩm vấn cử tri chẳng hạn, nhằm bảo đảm với cử tri rằng, tiểu bang và quan chức bầu cử địa phương chứ không phải chính quyền liên bang quyết định kết quả. Trong trường hợp cần phải điều tra, công tố viên trước tiên phải tham vấn với các luật sư Bộ phận Liêm Chính và Bộ phận Tội phạm Bầu cử của Bộ Tư pháp. Ông Barr cho rằng, hướng dẫn này không phải là một quy định “cứng nhắc” và vì cử tri đã bỏ phiếu xong nên không phải lo ngại về ảnh hưởng của Bộ Tư pháp vào cuộc bầu cử.
Thông báo của ông Barr đưa ra vào lúc ban tranh cử của Tổng thống Trump và các đồng minh thường xuyên thúc giục Bộ Tư pháp điều tra những lời tố cáo của họ dù có rất ít chứng cớ cho thấy đã xảy ra việc gian dối. Trước đây, quan chức Bộ Tư pháp xác nhận họ đang điều tra các lời tố cáo ở Nevada và đã chuyển một số lời cáo buộc ở Michigan cho Cục Điều tra Liên bang FBI. Mới hôm qua, TNS Lindsey Graham (Cộng Hòa, North Carolina), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã gửi thư cho Bộ trưởng William Barr và Tổng giám đốc FBI Christopher Wray yêu cầu họ điều tra lời tố cáo của một nhân viên bưu điện ở Pennsylvania rằng các giám sát viên bưu điện ở đó đã xử trí không đúng phiếu bầu được gửi qua thư bưu điện.
Một quan chức Bộ Tư pháp nói bộ này đang xem xét thư của TNS Graham. Nhưng thông báo của ông Barr được soạn thảo cẩn thận và không phải là một bằng chứng rằng có sự gian lận đáng kể trong cuộc bầu cử. “Ở đây không có điều nào được coi là dấu hiệu cho thấy Bộ Tư pháp xác nhận có những việc bất thường ảnh hưởng tới kết quả bầu cử,” thông báo nói.
Để phòng trường hợp những người ủng hộ ông Trump nhân cơ hội này đưa ra nhiều lời tố cáo thiếu ca7n cứ, ông Barr nhấn mạnh rằng, theo hướng dẫn mới của ông, các công tố viên chỉ có thể mở cuộc điều ytra những trường hợp bất bình thường nào “nếu đúng sự thật thì có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử liên bang ở một tiểu bang nào đó mà thôi,”, còn “những cuộc điều tra lời tố cáo, cho dù đúng sự thật cũng không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử thì phải được hoãn lại đến sau khi tiến trình chứng thực kết quả bầu cử hoàn tất,” ông Barr viết.
Những vụ kiện bầu cử của ông Trump
Tuần trước, các luật sư của ông Trump đã gửi thư cho ông Barr tố cáo gian lận bầu cử ở Nevada; yêu cầu dừng kiểm phiếu vì cho rằng họ phát hiện hơn 3,000 cử tri bỏ phiếu có dấu hiệu gian lận khi một cử tri tên là Jill Stokey đến phòng phiếu ở hạt Clark và phát hiện có người đã bỏ phiếu dưới tên của bà ta; từ đó họ cho rằng hệ thống nhận dạng chữ ký cử tri của quận hạt có vấn đề, giúp cho khoảng 3,000 người ở ngoài tiểu bang vẫn có thể bỏ phiếu được. Tuy nhiên, quan chức bầu cử Nevada xác định những người bỏ phiếu vắng mặt đang phục vụ trong quân đội. Ông Aaron Ford, Tổng chưởng lý (Attorney General) bang Nevada cho rằng cáo buộc của bà Stokey là phi lý,” là “tin giả được phát tán để gây xói mòn lòng tin của công chúng vào cuộc bầu cử”. Một thẩm phán liên bang hôm 6-11 đã bác bỏ yêu cầu dừng kiểm phiếu của các luật sư này.
Một quan chức Bộ Tư pháp nói bộ đang xem xét vụ việc ở Nevada và chưa có bình luận gì. Đến tối nay thứ Hai 09-11, Nevada đã kiểm được 94.43% tổng số phiếu; ông Joe Biden được 670,344 phiếu (50.2%) và ông Trump được 634.158 phiếu (47.5%), chênh lệch giữa hai ứng cử viên là 36,186 phiếu.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel đã gửi đơn tố cáo tới Bộ Tư pháp cáo buộc các nhân viên bầu cử ở Michigan bị cấp trên yêu cầu ghi lùi ngày nhận một số phiếu bầu; tuy bà này thừa nhận lời tố cáo đó chưa được chứng thực. Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết thông tin này đã được chuyển cho FBI điều tra và FBI từ chối cung cấp chi tiết.
Tại Michigan, ban vận động tranh cử của ông Trump đã nộp thêm hai đơn kiện yêu cầu ngừng kiểm phiếu các phiếu bầu khiếm diện gửi tới qua đường bưu điện và ngừng công bố kết quả bầu cử ở thành phố Detroit với lý do các quan sát viên Cộng Hòa không được tiếp cận đầy đủ quá trình kiểm phiếu. Cả hai đơn kiện này đều bị các quan tòa bác bỏ. Tại Michigan 100% phiếu đã được kiểm, ông Biden được 2,790,648 phiếu (50.6%) còn ông Trump được 2,644,525 phiếu (47.9%), chênh lệch 146,123 phiếu.
Tại Georgia, ban vận động tranh cử của ông Trump nộp một đơn kiện, yêu cầu hủy bỏ 53 lá phiếu vì một người quan sát bầu cử ở hạt Chatham nói ông ta nhìn thấy số phiếu này đến sau hạn chót là 7 giờ tối ngày bầu cử nhưng đã được trộn lẫn vào số phiếu đến đúng giờ. Ngày 5-11 thẩm phán Tòa án Tối cao hạt Chatham bác bỏ yêu cầu đó sau khi nghe các quan chức ủy ban bầu cử quận hạt điều trần và xác định không có chứng cứ cho lời cáo buộc.
Georgia là cuộc đua diễn ra cân tài cân sức nhất. Với 100% số phiếu đã được kiểm, ông Biden được 2,468,003 phiếu (49.5%) còn ông Trump được 2,456,590 phiếu (49.3%), chênh lệch 11,413 phiếu. Do tỷ lệ chênh lệch dưới 0.5% nên Georgia sẽ phải đếm phiếu lại.
Tại Arizona hôm 7-11, ban vận động tranh cử của ông Trump và Ủy ban đảng Cộng Hòa đã nộp đơn kiện lên tòa án tiểu bang cáo buộc một số phiếu bầu của cử tri bị cho là bất hợp lệ vì cử tri dùng bút lông Sharpie để đánh dấu thay vì dùng bút mực. Các quan chức bầu cử nói rằng lời tố cáo này không có căn cứ.
Arizona đã đếm được 98.86% tổng số phiếu bầu, ông Biden được 1,648,642 phiếu (49.5%) còn ông Trump được 1,633,896 phiếu, chênh lệch 14,746 phiếu. Do chênh lệch đang ở mức 0.5% nên có khả năng Arizona cũng sẽ đếm phiếu lại.
Kiện tụng om sòm nhất có lẽ là ở tiểu bang Pennsylvania. Hôm thứ Bảy, chỉ nửa tiếng đồng hồ sau khi hãng tin AP công bố ông Joe Biden giành thắng lợi ở tiểu bang này và vượt quá túc số 270 phiếu cử tri đoàn, luật sư riêng của ông Trump là cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani đã lên tiếng tố cáo mà không đưa ra chứng cớ rằng hệ thống bầu cử ở Philadelphia đầy sự gian dối có lợi cho ông Joe Biden. Rồi trong tuần qua chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nộp hàng chục đơn kiện lên các tòa án liên bang và tiểu bang yêu cầu ngừng kiểm phiếu các lô phiếu bầu mà họ cho là không hợp lệ. Tổng thống Trump, trong các bình luận từ Tòa Bạch ốc, cũng thề sẽ theo đuổi vụ kiện ở Pennsylvania dù các chuyên gia pháp lý nói với ông rằng cơ hội thay đổi kết quả bầu cử đang thu hẹp dần. Nhiều đơn kiện của ban vận động tranh cử của ông Trump đã bị các tòa án bác bỏ, còn những đơn đang được xem xét cũng không có khả năng làm đảo ngược kết quả bầu cử.
Đơn kiện đòi ngừng kiểm phiếu ở Philadelphia đã bị thẩm phán liên bang bác bỏ.
Đơn kiện đòi cơ quan kiểm phiếu cho phép các quan chức của ông Trump quan sát gần hơn tiến trình kiểm phiếu đã được một thẩm phán tiểu bang chấp nhận, cho phép tiếp cận trong phạm vi 6 feet. Nhưng quan chức bầu cử phản đối quyết định này lên Tòa án Tối cao tiểu bang và hôm nay 9-11, tòa án tối cao tiểu bang đồng ý xem xét vụ này.
Đơn kiện đòi Bộ trưởng Nội vụ Pennsylvania Kathy Boockvar và quan chức bầu cử tất cả 67 quận hạt của tiểu bang áp dụng chặt chẽ việc xác định nhân thân cử tri đối với những phiếu bầu đến sau ngày bầu cử. Đơn kiện này đang được xem xét. Thẩm phán ra lệnh tất cả các quận hạt phải tách riêng phiếu bầu của những cử tri không cung cấp nhận dạng bổ sung trước tối ngày hôm nay 09-11, những cử tri bổ sung nhận dạng sau ngày 9-11 sẽ không được tính cho đến khi được tòa án chấp nhận.
Đơn kiện Bộ trưởng Boockvar vượt quá luật tiểu bang khi cho phép cử tri có sai sót khi bỏ phiếu qua thư được có phiếu tạm thời (provisional ballot), yêu cầu không đếm số phiếu này. Một thẩm phán tiểu bang đồng ý ra lệnh các quan chức bầu cử tách riêng các phiếu tạm thời của các cử tri bỏ phiếu không đầy đủ chi tiết nhân thân trước ngày bầu cử.
Đơn kiện buộc ủy ban bầu cử quận hạt Montgomery ngừng đếm số phiếu gửi tới qua đường bưu điện, cho rằng đếm 600 lá phiếu không được đựng trong phong bì bí mật là sai quy định. Đơn kiện này đang được xem xét.
Đơn kiện liên quan tới vụ tranh cãi trước Tối cao Pháp viện liên bang về việc có nên đếm số phiếu gửi tới ủy ban bầu cử sau 8 giờ tối Ngày Bầu cử 03-11 hay không. Đơn kiện đang được xem xét nhưng một số chuyên gia pháp lý cho rằng, Tối cao Pháp viện chưa chắc đã tham gia và nếu có tham gia thì phán quyết của họ cũng không làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Tổng chưởng lý tiểu bang Pennsylvania Josh Shapiro nói rằng “Có rất nhiều tiếng ồn về kiện tụng” nhưng chỉ có “tác động bằng zero” đối với tiến trình bầu cử”. “Việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục. Những lá phiếu hợp lệ đang được đếm; tiểu bang tôn trọng ý chí của người dân và sẽ sớm chứng thực kết quả”, Shapiro nói.
Pennsylvania đã đếm được 98.45% tổng số phiếu; trong đó ông Biden được 3,365,846 phiếu (49.8%), ông Trump được 3,320,510 phiếu (49.1%), chênh lệch 45,336 phiếu, tương đương 0.7%, cao hơn mức phải đếm phiếu lại.
Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết họ cũng sẽ yêu cầu đếm phiếu lại ở bang Wisconsin nhưng các quan chức tiểu bang, kể cả ông Scott Walker, cựu Thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa đều cho rằng việc kiểm phiếu lại sẽ không thể làm thay đổi kết quả. Wisconsin đã đếm xong 100% số phiếu, trong đó ông Biden được 1,630,570 phiếu (49.6%), ông Trump được 1,610,030 phiếu (48.9%) chênh lệch 20,540 phiếu.
Ông Justin Levitt, cựu quan chức Bộ Tư pháp bà hiện là giáo sư trường luật Loyola Law School ở Los Angeles nhắn nhủ, “Các bạn nên trông chờ một hoặc hai cuộc điều tra sẽ được công bố, có lẽ ở Pennsylvania, và các bạn nên coi đó là những việc nghiêm trọng,” như ông Giulinani nói hôm thứ Bảy tại hãng làm vườn Four Seasons ở Philadelphia, nhưng “Gần như tôi không thấy điều gì có ý nghĩa, có tiềm năng làm thay đổi kết quả cuối cùng”.