Thế giới giảm sinh đẻ, tương lai thật đáng lo! 

Tiếng khóc của trẻ sơ sinh ít hơn. Nhà bỏ hoang nhiều hơn. Tới giữa thế kỷ này, số người chết sẽ nhiều hơn số trẻ sinh ra, sẽ có những sự thay đổi khó hình dung được. Báo The New York Times phân tích một hiện tượng đáng lo ngại đang diễn ra chung quanh chúng ta.

Trên khắp thế giới, các quốc gia đang đối mặt với chuyện dân số chững lại, tỷ lệ sinh giảm – một sự đảo ngược chưa từng thấy trong lịch sử. Mặc dù dân số của một số quốc gia tiếp tăng lên, đặc biệt là ở châu Phi, nhưng tỷ lệ sinh đang giảm gần như ở mọi nơi khác. Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng vào nửa sau thế kỷ hoặc có thể sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy giảm liên tục.

Tại Ý, nhiều khu phụ sản ở các bệnh viện đã ngừng hoạt động. Những thành phố ma đang xuất hiện ở vùng đông bắc Trung Quốc. Các trường đại học Hàn Quốc không tìm đủ số sinh viên và ở Đức hàng trăm nghìn ngôi nhà ở đã bị san bằng, biến thành công viên…

Xu hướng suy giảm dân số hiện nay ngược hẳn với tình hình của thế kỷ 20 là thời kỳ dân số thế giới tăng trưởng nhanh nhất: từ 1,6 tỷ người vào năm 1900 tăng đến 6 tỷ người vào năm 2000; tuổi thọ cũng tăng lên và tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm mạnh. Ở một số quốc gia – chiếm khoảng một phần ba dân số thế giới, các động lực gia tăng dân số vẫn còn mạnh. Nigeria ở châu Phi chẳng hạn, có thể vượt qua Trung Quốc về dân số vào cuối thế kỷ này. Khắp châu Phi vùng hạ Sahara, các gia đình vẫn thường có từ bốn đến năm đứa con.

Khi phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và các biện pháp tránh thai, và khi sự lo lắng liên quan đến việc sinh con và nuôi con tiếp tục gia tăng thì ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc mang thai và ngày càng ít trẻ được sinh ra.

Nhưng gần như ở mọi nơi khác, kỷ nguyên của mức sinh cao đang kết thúc. Khi phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và các biện pháp tránh thai, và khi sự lo lắng liên quan đến việc sinh con tiếp tục gia tăng thì ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc mang thai và ngày càng ít trẻ được sinh ra. Ngay cả ở những quốc gia từ lâu có tốc độ tăng dân số nhanh như Ấn Độ và Mexico, tỷ lệ sinh đang giảm xuống hoặc đã thấp hơn tỷ lệ thay thế 2,1 trẻ em mỗi gia đình.

Sự thay đổi dân số từ tăng sang giảm có thể nhiều thập niên sau mới gây tác động mạnh, nhưng một khi đã bắt đầu, nó (sự suy giảm) sẽ diễn ra theo đường xoắn ốc theo cấp số nhân. Với tỷ lệ sinh ít hơn, số trẻ em gái lớn đến tuổi sinh con cũng sẽ ít hơn và nếu họ có gia đình nhỏ hơn cha mẹ của họ – điều đang xảy ra ở hàng chục quốc gia – thì sự sụt giảm bắt đầu giống như một tảng đá ném ra khỏi vách đá.

Stuart Gietel Basten, chuyên gia về nhân khẩu học châu Á và là giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông gọi đó là “động lực nhân khẩu học.

Một hành tinh có ít người hơn có thể giảm bớt áp lực về tài nguyên, làm chậm tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và giảm gánh nặng gia đình cho phụ nữ. Nhưng các cuộc điều tra dân số Trung Quốc và Hoa Kỳ công bố trong tháng này cho thấy tốc độ tăng dân số chậm nhất trong nhiều thập niên ở cả hai quốc gia, cũng cho thấy những sự điều chỉnh khó lường.

Cuộc sống kéo dài lâu hơn và mức sinh thấp làm cho xã hội có ít công nhân hơn, nhiều người hưu trí hơn, đe dọa sẽ chi phối cách tổ chức xã hội vốn đi theo quan điểm rằng sự dư thừa người trẻ sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế và giúp trả tiền cho người già. Bây giờ, xu hướng giảm dân số đòi hỏi một sự nhận thức lại về gia đình và quốc gia. Hãy tưởng tượng nhiều khu vực rộng lớn chỉ có người từ 70 tuổi trở lên. Hãy tưởng tượng các chính phủ đặt ra những khoản tiền thưởng khổng lồ cho người nhập cư và những bà mẹ có nhiều con. Và hãy tưởng tượng một nền kinh tế đầy ắp những ông nội bà ngoại…

Frank Swiaczny, một nhà nhân khẩu học người Đức từng là trưởng ban phân tích xu hướng dân số của Liên Hợp Quốc cho biết: “Cần phải thay đổi mô hình. Các quốc gia cần học cách chung sống và thích ứng với sự suy giảm dân số.”

***

Các phản ứng đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là ở Đông Á và Châu Âu. Từ Hungary đến Trung Quốc, từ Thụy Điển đến Nhật Bản, các chính phủ đang vật lộn để cân bằng giữa nhu cầu của nhóm dân số lớn tuổi với nhu cầu của những người trẻ, những người có quyết định quan trọng nhất về chuyện sinh đẻ.

Một số quốc gia, như Hoa Kỳ, Úc và Canada, nơi tỷ lệ sinh chỉ dao động trong mức từ 1,5 đến 2 – tức là thấp hơn tỷ lệ 2,1 cần thiết để duy trì sự ổn định về dân số – tình trạng suy giảm dân số được bù đắp bởi làn sóng người nhập cư. Nhưng ở Đông Âu, làn sóng di cư ra khỏi khu vực đã khiến dân số giảm mạnh, và ở phần lớn châu Á, “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học” lần đầu tiên trở thành chủ đề tranh luận cách đây vài thập kỷ cuối cùng đã bùng nổ.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,92 vào năm 2019 – tức là mỗi phụ nữ sinh chưa tới một đứa con, tỷ lệ thấp nhất trong các nước phát triển. Mỗi tháng trong 59 tháng qua, tổng số trẻ sơ sinh được sinh ra trên cả nước đều đã giảm xuống mức kỷ lục.

Tỷ lệ sinh giảm, cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã đẩy người dân từ các thị trấn nông thôn đến các thành phố lớn, tạo ra cảm giác giống như một xã hội có hai tầng. Trong khi các đô thị lớn như Seoul tiếp tục phát triển, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng và nhà ở thì tại các thị trấn thôn quê rất dễ tìm thấy các trường học đóng cửa và bỏ hoang, sân chơi cỏ dại mọc um tùm vì không có đủ trẻ em.

Ở nhiều khu vực tại Hàn Quốc, các bà mẹ tương lai không còn tìm được bác sĩ sản khoa hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em sau sinh. Các trường đại học không thuộc nhóm tinh hoa, đặc biệt là bên ngoài Seoul, ngày càng khó có thể tuyển đủ sinh viên – số thanh niên tuổi 18 ở Hàn Quốc đã giảm từ khoảng 900.000 người năm 1992 xuống 500.000 người ngày nay. Để thu hút sinh viên, một số trường đã cung cấp học bổng và thậm chí tặng cả điện thoại iPhone.

Để nâng cao tỷ lệ sinh, chính phủ Hàn Quốc đã phát tiền thưởng cho trẻ sơ sinh, tăng tiền trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp y tế cho các phương pháp điều trị sinh sản và mang thai. Các quan chức y tế đã thực hiện tặng quà cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh gồm: thịt bò, quần áo trẻ em và đồ chơi. Chính phủ cũng đang xây dựng hàng trăm nhà trẻ và trung tâm chăm sóc trẻ em vào ban ngày. Tại Seoul, tất cả các toa xe buýt và tàu điện ngầm đều có những chiếc ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ mang thai.

Nhưng Phó Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki mới vừa thừa nhận, chính phủ – đã chi hơn 178 tỷ USD trong 15 năm qua để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con – vẫn không đạt được đủ sự tiến bộ. 

Trong nhiều gia đình, sự thay đổi có tính chất văn hóa và vĩnh viễn. Kim Mi-kyung, 38 tuổi nói: “Ông bà tôi có sáu người con, cha mẹ tôi có năm người, bởi vì thế hệ của họ tin vào việc sinh nhiều con. Tôi chỉ có một đứa con. Với thế hệ tôi và những người trẻ hơn, tất cả những điều đó đều được cân nhắc, sinh nhiều con không phải là điều đáng mừng.”

Cách Hàn Quốc hàng ngàn dặm, ở nước Ý, người dân cũng có những suy nghĩ tương tự. Ở Capracotta, một thị trấn nhỏ ở miền nam nước Ý, một tấm biển bằng chữ màu đỏ trên một tòa nhà bằng đá từ thế kỷ 18 nhìn ra dãy núi Apennine ghi tên “Nhà trẻ của trường học” – nhưng ngày nay, tòa nhà đó đã trở thành một viện dưỡng lão. Concetta D’Andrea, 93 tuổi, từng là học sinh và giáo viên của trường và hiện là cư dân của viện dưỡng lão cho biết: “Đã từng có rất nhiều gia đình, rất nhiều trẻ em ở đây. Bây giờ thì không có ai cả.”

Đức Giáo Hoàng Francis nói “mùa đông nhân khẩu học” vẫn “rất lạnh lẽo và tối tăm”!

Dân số của thị trấn Capracotta đã già đi nhanh chóng và giảm đi cũng nhanh chóng, từ 5.000 dân nay chỉ còn 800 người. Các tiệm đồ gỗ của thị trấn đã đóng cửa và ông bầu của đội bóng đá không thể tìm đủ số cầu thủ để lập một đội đá banh.

Cách đó khoảng nửa giờ chạy xe, thị trấn Agnone đã đóng cửa khu khám bệnh phụ sản cách đây mười năm vì mỗi năm có chưa tới 500 trẻ em được sinh ra – con số tối thiểu để được mở một khu phụ sản. Năm nay, thị trấn Agnone chỉ mới có thêm sáu đứa trẻ sơ sinh. “Mỗi khi có tiếng trẻ em khóc trong nhà hộ sinh, tôi đều vui như được nghe nhạc”, bà Enrica Sciullo, người y tá từng làm bà mụ đỡ đẻ nhưng bây giờ lại làm công việc chăm sóc người cao tuổi cho biết. “Giờ đây nơi này chỉ có sự yên lặng và cảm giác trống vắng”.

Thứ Sáu tuần trước, tại một hội nghị về cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh của Ý, Đức Giáo Hoàng Francis nói “mùa đông nhân khẩu học” vẫn “rất lạnh lẽo và tối tăm”!

Dự báo về tỷ lệ sinh thường thay đổi tùy theo cách chính phủ và gia đình ứng phó như thế nào, nhưng theo  dự báo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế viết bài trên tạp chí y khoa The Lancet năm ngoái, có 183 quốc gia và vùng lãnh thổ – trong tổng số 195 quốc gia của thế giới – tới năm 2100 sẽ có tỷ lệ sinh đẻ dưới “mức thay thế” – là dưới mức 2,1 đứa con cho mỗi gia đình.  

Mô hình nghiên cứu của họ cho thấy sự sụt giảm đặc biệt nhanh ở Trung Quốc, dân số nước này dự kiến ​​sẽ giảm từ 1,41 tỷ người hiện nay xuống còn khoảng 730 triệu người vào năm 2100. Nếu điều đó xảy ra, tháp dân số sẽ bị lật ngược. Đáy tháp thay vì là số đông người lao động trẻ hỗ trợ nhóm người nghỉ hưu ít ỏi ở đỉnh tháp, Trung Quốc sẽ có nhiều người 85 tuổi hơn người 18 tuổi.

Khu vực công nghiệp phía đông bắc Trung Quốc đã chứng kiến ​​dân số giảm 1,2% trong thập niên qua, theo số liệu điều tra dân số được công bố hôm thứ Ba 18-05. Năm 2016, tỉnh Hắc Long Giang trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn tiền trả lương hưu. Ở Hà Cương tỉnh Hắc Long Giang – một “thành phố ma” đã mất gần 10% dân số kể từ năm 2010 – những ngôi nhà không có người ở được bán rẻ đến mức người ta ví chúng với bắp cải.

***

Nhiều quốc gia đang bắt đầu chấp nhận thích ứng chứ không chống lại đà suy giảm dân số. Hàn Quốc đang thúc đẩy các trường đại học sáp nhập vào nhau. Tại Nhật Bản, nơi tã dành cho người lớn bán chạy hơn tã dành cho trẻ sơ sinh, các thành phố đã được củng cố lại khi các thị trấn già đi và thu hẹp. Tại Thụy Điển, một số thành phố đã chuyển nguồn lực cung cấp cho trường học sang dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Và hầu như ở mọi nơi, những người lớn tuổi được yêu cầu tiếp tục làm việc. Đức, quốc gia trước đây đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 67, hiện đang cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu lên 69.

Đi xa hơn nhiều quốc gia khác, Đức cũng đã thông qua một chương trình thu hẹp đô thị, đã phá dỡ khoảng 330.000 căn nhà khỏi nguồn cung nhà ở kể từ năm 2002. Và nếu mục tiêu là duy trì sự ổn định dân số, một niềm hy vọng đã le lói. Sau khi mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em với chi phí hợp lý và chế độ nghỉ phép có lương của cha mẹ, tỷ lệ sinh của Đức gần đây đã tăng lên 1,54 từ mức 1,3 vào năm 2006. Thành phố Leipzig, vốn từng bị thu hẹp, hiện đang mở rộng trở lại sau khi giảm nguồn cung nhà ở và trở nên hấp dẫn hơn. 

“Không có cái gọi là định mệnh. Chính chúng ta định hình cuộc sống của mình ”.

Ông Swiaczny, người hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dân số Liên bang ở Đức, cho biết: “Tăng trưởng là một thách thức, cũng như suy giảm vậy”.

Các nhà nhân khẩu học cảnh báo không nên coi sự suy giảm dân số chỉ là một nguyên nhân đáng báo động. Nhiều phụ nữ sinh ít con hơn vì đó là điều họ muốn. Dân số nhỏ hơn có thể dẫn đến mức lương cao hơn, xã hội bình đẳng hơn, lượng khí thải carbon thấp hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn cho số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn.

Tuy nhiên, Giáo sư Gietel Basten đã nhận định: “Không có cái gọi là định mệnh. Chính chúng ta định hình cuộc sống của mình ”.

***

Những thách thức phía trước vẫn còn là một ngõ cụt – không quốc gia nào có đà tăng dân số bị chậm lại trầm trọng có thể tăng tỷ lệ sinh của mình nhiều hơn mức tăng khiêm tốn mà nước Đức đạt được. Có rất ít dấu hiệu về tăng lương ở các nước mà dân số đang giảm và không có gì đảm bảo rằng dân số ít hơn đồng nghĩa với việc môi trường sinh thái ít căng thẳng hơn.

Nhiều nhà nhân khẩu học cho rằng thời điểm hiện tại có thể được các nhà sử học tương lai ví như thời kỳ chuyển giao, khi con người chưa tìm ra cách làm thế giới trở nên dễ sống hơn – đủ để mọi người xây dựng mô hình gia đình mà họ muốn.

Các cuộc khảo sát ở nhiều quốc gia cho thấy những người trẻ tuổi rất muốn có thêm con, nhưng lại gặp quá nhiều trở ngại.

Cô Anna Parolini kể một câu chuyện có tính chất tiêu biểu cho lớp trẻ ngày nay. Cô rời quê hương nhỏ bé của mình ở miền bắc nước Ý để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Năm nay 37 tuổi, cô sống cùng bạn trai ở Milan và gác lại mong muốn có con. Cô sợ mức lương dưới 2.000 euro một tháng của mình sẽ không đủ chi tiêu cho một gia đình và bố mẹ cô vẫn sống ở nơi cô lớn lên. “Tôi không có ai ở đây có thể giúp tôi,” cô nói. “Nghĩ đến việc có một đứa con bây giờ khiến tôi lo sợ,” cô nói.

Tin mới:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: