Trung Quốc: Ông Trump thắng là vận may cho Bắc Kinh

H.C.

Tổng thống Donald Trump được rất đông người Việt Nam, ở cả trong nước và các nước Mỹ, Úc, Canada, ủng hộ vì cho rằng ông là nhà lãnh đạo “chống Trung Quốc”. Trong khi đó, theo báo Asia Nikkei, “nhiều người dân thường Trung Quốc coi chiến thắng của ông Trump là một điều may mắn của Trung Quốc”. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy?

“Trump Kiến Quốc”

Người dân thường Trung Quốc đang bàn luận sôi nổi chưa từng thấy về tình hình chính trị Mỹ, nhất là cuộc bầu cử ngày 03-11, chủ yếu vì quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang là chủ đề nóng trên truyền thông toàn cầu. 

Trong khi nhiều người Trung Quốc ghét những vụ tấn công của ông Trump vào đất nước họ, họ cũng tin rằng, ông Trump tái đắc cử sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn là ông Biden, ứng cử viên đảng Dân Chủ. Một số dân mạng Trung Quốc đặt hỗn danh cho ông Trump là 建国传, tức “Trump Kiến Quốc” – với niềm tin rằng ông đang đóng góp vào sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách làm tăng tốc đà tuột dốc của Mỹ. 

Một nhân viên ngành công nghệ ở Thẩm Quyến nói: “Tôi nghĩ vài người Trung Quốc muốn ông Trump tái đắc cử bởi vì ông ta đã làm tan nát hình ảnh của nước Mỹ như là miền đất hứa của nhiều người”. Nếu ông Trump tại vị lâu hơn, ông ta sẽ phơi bày nhiều hơn nữa mặt xấu xí của nước Mỹ, nhân viên có tên “Thomas” này nói với Nikkei.

Ông Trump và chính sách nhập cư khắc nghiệt của ông là một lý do mà những người Trung Quốc học hành ở Mỹ sẽ quay về nước dù nhiều người vẫn thích văn hóa làm việc của người Mỹ hơn Trung Quốc. Trong hơn một năm qua, ông Trump đã siết chặt đáng kể thủ tục cấp chiếu khán (visa) cho công dân Trung Quốc, và từ tháng Sáu đã hủy bỏ visa của hơn một ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc vì cho rằng họ có liên hệ với quân đội nước này. Chính sách đó đã làm cho nhiều gia đình Trung Quốc suy nghĩ lại việc cho con cái sang Mỹ du học.

Jack Cai – một sinh viên tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở Mỹ – cho rằng, nếu ông Trump tái đắc cử, sẽ có thêm nhiều sinh viên Trung Quốc các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) như anh sẽ quay về, thúc đẩy sự phát triển công nghệ và cải tiến việc giảng dạy đại học ở Trung Quốc.

Còn theo ông Trương Gia Đống (Zhang Jiadong), nhà nghiên cứu tại đại học Phúc Đán, Thượng Hải, chiến thắng của ông Trump sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc cải thiện quan hệ với một số đồng minh truyền thống của Mỹ. “Với lợi ích lâu dài của Trung Quốc, tôi nghĩ ông Trump thì tốt hơn ông Biden. Ông Biden đề cao liên minh quốc tế khi hoạch định chính sách Trung Quốc trong khi ông Trump không tìm kiếm sự đồng thuận như vậy”. Ông Trương cho rằng, ông Trump sử dụng chiêu bài “chống Trung Quốc như một phần của sô diễn nhằm vận động cử tri”, sau khi tái đắc cử ông sẽ chuyển trọng tâm vào các chính sách đối nội hơn là leo thang xung đột với Bắc Kinh.

Ông Trump trong vài năm qua đã đe dọa các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản về thương mại, đòi rút quân Mỹ về nước nếu hai nước này không tăng phần đóng góp chi phí duy trì các căn cứ quân sự này. Ông cũng khinh thường các thành viên trong Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những động tác này của ông Trump làm cho Nga và Trung Quốc mở cờ trong bụng.

Tuy vậy nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể chưa nhận ra rằng, dưới thời ông Trump, chính quyền Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, hình thành một trận tuyến mới bao vây Trung Quốc và ngăn cản tham vọng bành trướng lãnh thổ của nước này.

Ông Biden sẽ lập lại trật tự quen thuộc?

Khác với dân thường và một số học giả, giới doanh thương Trung Quốc lại mong muốn đối thủ đảng Dân Chủ của ông Trump, cựu Phó tổng thống Joe Biden, đắc cử thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Họ tin ông Biden có thể lập lại cái trật tự mà họ đã quen thuộc.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì giới doanh thương Trung Quốc bị thiệt hại đáng kể trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung mà ông Trump phát động giữa năm 2018.

Ông Ye Zhenqing (Diệp Chấn Thanh) chủ một công ty sản xuất mắt kiếng ở Ôn Châu miền đông Trung Quốc nói: “Với dân kinh doanh như chúng tôi, chúng tôi tin hài hòa mang lại giàu có. Tôi không thích cách ông Trump đối đãi với Trung Quốc.” Việc xuất cảng mắt kiến của công ty ông Diệp sang Mỹ và châu Âu đã bị tổn hại nặng vì thương chiến, và ông ta tin ông Biden sẽ ít đối đầu hơn, sẽ đưa quan hệ thương mại Mỹ-Trung trở lại như trước.

Ở thành phần trung dung, nhiều người tin một tổng thống Mỹ khác ông Trump cũng chỉ mang lại rất ít sự khác biệt cho quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. “Ai thắng không quan trọng. Mỹ vẫn sẽ cố gắng thống trị trật tự thế giới,” ông Wu Hairong (Ngô Hải Vinh), một người về hưu 87 tuổi ở Thượng Hải nhận xét và cho rằng Mỹ nên từ bỏ tham vọng bá quyền mà hợp tác với Trung Quốc.

Đáng chú ý là trong khi dân chúng Trung Quốc bàn tán sôi nổi về cuộc bầu cử bên Mỹ thì giới lãnh đạo chóp bu ở Bắc Kinh bộc lộ rất ít quan điểm của họ. Báo chí Trung Quốc kiềm chế bình luận về các ứng cử viên. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nhắc lại rằng nước này không liên can tới bầu cử ở Mỹ. 

Mười ngày trước, hôm 23-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi không quan tâm tới bầu cử tổng thống Mỹ và hy vọng họ sẽ dừng việc biến Trung Quốc thành một đề tài tranh cử”. Trong một cuộc hội thảo tại Viện Brookings ở Washington hồi tháng Tám, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Cui Tiankai (Thôi Thiên Khải) nói: “Chúng tôi không có ý định hoặc hứng thú tham gia [vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ]”, ông Thôi nói và khẳng định Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính phủ hiện hành của Mỹ để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước mà không chờ tới khi có kết quả bầu cử.

Lãnh đạo Bắc Kinh không tỏ ý thích ứng cử viên này hơn ứng cử viên kia vì “cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài cho dù ai chiến thắng cuộc bầu cử tháng Mười Một,” theo nhận định của Chu Fengcheng (Sở Phụng Thành) thuộc công ty tư vấn chính trị Plenum China ở Hong Kong. Có hay không có ông Trump thì quan hệ Trung- Mỹ vẫn đi trên con đường gồ ghề trong các lĩnh vực lãnh đạo công nghệ, địa chính trị và tham vọng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, ông Sở nói thêm.

Dù vậy, theo ông Willy Lam, phó giáo sư đại học Trung Hoa tại Hong Kong, lãnh đạo Trung Quốc vẫn thích giao dịch với ông Biden hơn. “Bắc Kinh thích một đối thủ ổn định hơn ông Trump – người bị coi là rất thất thường, khó tiên liệu và sử dụng những phương cách bất bình thường đối với Trung Quốc,” ông Lam nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: