100 năm Phạm Duy

Để tưởng nhớ về một người tôi yêu quý và kính trọng…  

Nhạc sĩ Phạm Duy có một bức ảnh đẹp nhất mà tôi nhớ mãi khi nhắc đến ông. Đó là bức ảnh ông chụp chung với nhà thơ Hữu Loan. Thật may mắn trong đời sống nhỏ hẹp của tôi hơn bốn mươi năm qua, tôi đã được gặp cả hai nhân vật trong bức ảnh này.

Phạm Duy vốn là tượng đài âm nhạc của cha tôi, dù cha tôi chỉ sinh sau ông hơn một thập niên, nhưng xuất thân từ thầy giáo dạy nhạc của những năm thập niên 50 và 60 ở trường học sinh miền Nam, nên cha tôi có vốn âm nhạc Việt kha khá, trong đó, phải kể đến những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Chính cha tôi đã truyền cho tôi tình yêu âm nhạc từ thuở bé, qua những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, những bài hát đó vào thập niên 80 ở miền Nam vẫn còn nằm trong ca khúc cấm vì nhạc sĩ Phạm Duy bị “chịu tội” hai lần với cộng sản: Dinh tê (thập niên 50) và vượt biên sau 1975.

Trong con người tôi có một loại “kháng thể” rất lạ, đó là dù bị tẩy não từ bé về chủ nghĩa anh hùng, chiến tranh, bạo lực, nhưng tôi vẫn không thể ngừng được nước mắt trên thân phận người, và hát cho những tâm hồn yêu thương nước Việt này bằng cả sự thơ ngây, trong sáng. Nhạc Phạm Duy đã đi vào tâm thức của tôi như vậy.

Năm 2001, lần thứ hai, nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam. Nhờ lời “rủ rê” của nhạc sĩ Bảo Chấn, tôi đã được diện kiến ông ở nhà hàng trên đường Trương Định. Đó cũng từng là chốn các nghệ sĩ miền Nam lưu vong trở về quê nhà đến đây, chủ quán ngày trước cũng trong một ban nhạc miền Nam trước 1975. Tôi ẩn mình sau anh Bảo Chấn để được quan sát và ngắm nhìn “tượng đài” nhạc Việt trong tôi lúc bấy giờ. Ai ngờ không hiểu vì sao ông phát hiện ra tôi, hỏi ngay: “Em là ai?”. Anh Bảo Chấn giới thiệu: “Đây là Ngân Hà, phóng viên báo Tiền Phong, cô ấy muốn phỏng vấn bố nên đi theo”. Ông liền gọi tôi lên ngồi gần ông và nói, giờ em muốn hỏi gì thì hỏi đi.

Thật ra tôi đâu có ý định phỏng vấn nên không chuẩn bị máy móc ghi âm hay thậm chí là cả sổ sách gì cả, vì lúc đó trong tôi ông “quá lớn” còn tôi mới chỉ là một phóng viên mới vào nghề được vài năm, lại viết đủ thứ lĩnh vực, không chuyên sâu về âm nhạc nên đâu đủ tự tin mà phỏng vấn một tượng đài âm nhạc. Nhưng tôi cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này nên quyết định vẫn đặt câu hỏi để nghe ông trả lời.

Thật kỳ diệu, toàn bộ cuộc trao đổi trong suốt một tiếng đó, tôi về nhà ghi lại từ trí óc mình, không sót một lời nào. Cẩn thận hơn, tôi gởi cho ông đọc trước khi gởi tòa soạn. Ông đọc xong gởi email nói rằng rất hài lòng bài phỏng vấn này, chỉ là không biết nó có được đăng ở báo chí cách mạng hay không thôi.

Báo Tiền Phong lúc đó vẫn có truyền thống là tờ báo tiên phong, miễn là có giá trị nhân văn, nghệ thuật, dù tên tuổi có bị vào “danh sách đen” gì đó. Tổng biên tập Dương Xuân Nam đã chấp thuận đăng bài. Tất nhiên cũng có edit vài đoạn. Sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã đăng trên web của mình toàn văn bài của tôi và đưa đăng một vài báo ở hải ngoại. Ngay lập tức một làn sóng các email tới tấp gởi về, trong đó có rất nhiều quý bà phàn nàn về sự “hỗn xược” của tôi khi để nguyên câu trả lời của ông, nguyên văn là thế này:

“Văn Cao, Trịnh Công Sơn uống rượu, còn tôi thì không biết uống rượu, nhưng tôi uống đàn bà”.

Câu trả lời thật nhất của người đàn ông bảy mươi tràn đầy sinh lực với những sáng tác vượt thời gian và không gian, với những tháng ngày làm việc không ngưng nghỉ đã định hình phong cách viết của tôi sau này: Phải giữ lời chân thật của con người, dù đó là lời có thể làm phật ý nhiều người, nhưng con người ta chỉ có một điều để dám sống với chính mình, đó là sự chân thật, thì cớ gì phải che dấu hoặc khoác lên những mỹ từ sáo rỗng và giả dối.

Ảnh: Bộ sưu tập của HuyVespa

Năm 2005, Phạm Duy nhắn tôi ra hãng đĩa Thanh Sơn ở Quận 1 lấy đĩa Hương Ca ông phát hành để tặng cho tôi, trong đó có một bài ông viết ở Sài Gòn và gọi tôi đến nghe ngay ông tự đàn và hát cho tôi nghe, bài có tên là Tắm truồng sông trăng. Bản này do ca sĩ Duy Quang hát, tôi mê chết đi được, bởi vì đó là bài hát ông nói ông tặng tôi và được hát bởi giọng ca mà tôi vô cùng yêu thích từ khi biết nghe tân nhạc Việt Nam năm 13 tuổi. Hồi đó tôi hay nói ca sĩ Duy Quang “hát bằng bụng”, vì sự thanh thoát và trong trẻo của anh, kể cả bài hát thê thiết nhất anh cũng biến nó thành một “purity of soul”, tôi mê giọng hát Duy Quang hơn bất kỳ ca sĩ nào cùng thời. Đến nay vẫn vậy. Và với nhạc sĩ Phạm Duy, ở ông cũng toát lên sự thuần khiết của một tâm hồn không tự bôi trét lên mình những mỹ từ hay cố tạo ra những sự giàu có trống rỗng.

Ảnh: Bộ sưu tập của HuyVespa

Tất cả những ca từ của Phạm Duy, kể cả những bài hát phổ thơ của ông, đều mang tinh thần của con người yêu cái đẹp và dù có tồi tệ mấy cũng là để đẫm mình trong bùn mà vươn lên nhận thức ra và hướng thượng, đó là những kẻ sinh ra vác thập tự giá để được đóng đinh và tìm thấy hạnh phúc trong sự hồi sinh.

Về sau này, tôi còn được vinh dự đến thăm ông và giúp ông một số việc về vấn đề soạn tư liệu nhạc cho hồi ký của ông tại tư gia khi ông về Việt Nam ở hẳn. Chúng tôi coi nhau là cha con, anh em, bạn bè tâm giao nhưng vô cùng tôn trọng sự riêng tư của mỗi người. Và cũng như mọi người thân mà tôi quý trọng và yêu thương, bất kỳ lúc nào ông cần, đều có tôi bên cạnh. Còn bình thường tôi cũng không đến nhà ông nữa, thậm chí những chương trình âm nhạc trong nước vinh danh ông sau này, tôi cũng không dự, vì thật ra cuối đời, tâm nguyện của ông ở cùng con cái đã được hoàn tất (đó là điều duy nhất ông muốn làm khi trở về Việt Nam, cũng vì lời hứa với vợ hiền- cô Thái Hằng). Chỉ có một điều mà tôi biết (vì ông luôn tâm sự với tôi) rằng ông thương con cái của ông hơn bất kỳ điều gì trên đời, sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho con được có cuộc sống bình an. Ngày ông mất chỉ sau anh Duy Quang vài tháng, cũng vì quá suy sụp vì nhớ con.

Có người hỏi tôi, sao Phạm Duy lại so sánh với Hữu Loan, đó là hai con người với hai thái cực khác nhau?

Với tôi, về tính cách nhà thơ Hữu Loan quả là có sự quyết liệt và thẳng thắn, cương trực như đá, khác hẳn với nhạc sĩ Phạm Duy mềm dẻo, uyển chuyển như nước. Nhưng họ là những con người có chung một thái độ: SỐNG MÀ KHÔNG BAO GIỜ TỰ DỐI MÌNH, lại là những tâm hồn tri kỷ, đồng điệu trong nghệ thuật. Họ còn là những thiên tài, thông minh, lỗi lạc, thế nên họ hiểu rõ bản chất của chính trị và những kẻ phi nhân khi lợi dụng nghệ thuật để lòe bịp và lừa dối dân lành, “nghệ thuật đích thực không phải là ánh trăng lừa dối”, chỉ có kẻ dùng ánh trăng để soi cho kẻ mù lòa bằng những lời bịp bợm, sáo ngữ, mới thật sự đáng khinh bỉ biết chừng nào. Tất nhiên, cũng chẳng cần soi lại quá khứ, vì chưa bao giờ luật nhân quả lại ứng nghiệm như thời đại này. Vì vậy, ngọc sáng thì không có gì che đậy được, còn bóng tối mới cần khoác áo các vì sao.

Viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy (5 Tháng Mười 1921 – 5 Tháng Mười 2021)

ĐỌC THÊM:

Trò chuyện với Phạm Duy

Bà mẹ Việt Nam trong âm nhạc Phạm Duy

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: