Bà Marie Tô: “Tôi vẫn hy vọng vào tương lai”

Thúy Nga Paris luôn đầu tư dàn dựng các chương trình với sự công phu và tốn kém (ảnh do bà Marie Tô cung cấp)
Share:

Trong một giai đoạn phát triển âm nhạc rực rỡ của người Việt hải ngoại, Trung tâm Thúy Nga Paris đã góp phần rất lớn trong việc canh tân cũng như mở rộng văn hóa âm nhạc của miền Nam tự do, biến hoạt động này thành niềm tự hào của mọi người Việt Nam trên toàn cầu. Và hôm nay, khi nói về những chuyển động của thời cuộc, những khó khăn đang diễn ra với một tương lai ít lạc quan, người đứng đầu của Trung tâm Thúy Nga – bà Marie Tô – đã không ngại tâm tình với Saigon Nhỏ.

Thúy Nga Paris – Glamour tại Singapore, Tháng Mười Một 2019 (ảnh do bà Marie Tô cung cấp)

Một năm nữa đi qua, chị và Trung Tâm Thúy Nga Paris đã trải qua những vui buồn gì có thể chia sẻ cùng khán giả?

Về mọi thứ, tôi có thể tóm gọn trong hai chữ “khó khăn”, nhưng không phải chỉ trong đại dịch đâu mà từ trước đó nữa. Các chương trình kỹ thuật số như Facebook hay YouTube đã bắt đầu bóp chết lối sản xuất chương trình truyền thống của các trung tâm. Từ năm 2015, khán giả bắt đầu được thưởng thức free, bao gồm các chương trình từ Việt Nam. Lại có những chương trình cũng không khác biệt gì mấy khi những nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam làm giám khảo hay trình diễn.

Số lượng khách mua DVD không còn nhiều nên Thúy Nga phải kết hợp nhận thêm các nguồn sponsor và quảng cáo chương trình. Đó cũng là giai đoạn Thúy Nga phải chạy theo thời thế là ra mắt kênh YouTube. Thời huy hoàng đã qua (cười). Còn nhớ năm 2006, cuốn Paris by Night số 76 – Xuân Tha Hương bán được gần 100,000 bản, khiến mọi người ai nấy đều bất ngờ. Nhưng rồi từ đỉnh cao đó, mọi thứ tuột dần. Thậm chí có chương trình chỉ bán được 10,000 bản.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, cùng với những khó khăn đó thì qua việc kiểm soát mọi thứ trên kênh kỹ thuật số riêng, Thúy Nga đã trở thành nơi lưu trữ tất cả chương trình âm nhạc từ đó đến giờ của mình, đồng thời kiểm soát luôn cả chuyện bản quyền lâu nay vẫn bị chép hay lưu hành lậu. Những năm gần đây, Thúy Nga tìm được một số nguồn quảng cáo trong chương trình, tạm bù đắp phần nào việc dàn dựng rất tốn kém.

Khi đại dịch xảy ra, Thúy Nga cũng may mắn được chính phủ Mỹ giúp cho khoản vay không cần chứng minh, lên đến $150,000 một cách rất dễ dàng, rồi còn yểm trợ tiền để cầm cự. Họ rất quan tâm chuyện mình phải gắng giữ được công việc và không bỏ cuộc. Nhờ trợ giúp đó mà Thúy Nga đã dựng nên chương trình Music Box với việc quay hình live trong studio. Đến nay chương trình này được 50 số trên YouTube, và cũng được khán giả rất thích và theo dõi với lượng view rất khích lệ.

Ông Ngọc Ngạn và bà Kỳ Duyên – hai MC quen thuộc của Thúy Nga Paris (ảnh do bà Marie Tô cung cấp)

Tức là trong khó khăn, Thúy Nga đã tìm ra con đường đi mới?

Con đường đi mới, nhưng so với mức đầu tư lúc trước thì không bằng nổi đâu. Thúy Nga tồn tại nhờ cố gắng phối hợp với hệ thống quay hình và ánh sáng tiêu chuẩn Hollywood, nhờ vậy mới tạo được những chương trình trình diễn đặc biệt. Chi phí cho chương trình quay hình Thúy Nga trước đây lúc nào cũng xấp xỉ $1 triệu, nên giờ phải ép xuống thì tự mình biết cũng không thể sánh bằng.

Mới đây khi thực hiện Paris By Night 130 quay ở Singapore, chúng tôi cố gắng dè sẻn lắm mà cũng tốn gần $1.2 triệu, vì đủ thứ chi phí hết. Tôi cũng đau đầu nghĩ đến chuyện tìm một con đường mới cho Thúy Nga Paris qua chuyện làm sao tính toán chi phí hợp lý, với cách thử nghiệm cùng một nhóm hỗn hợp chuyên viên Mỹ-Việt. Nhưng để giữ lại thứ đẹp nhất, chẳng hạn ánh sáng sân khấu, chắc chắn tôi vẫn phải chọn làm việc với các chuyên viên ở Hollywood.

Thúy Nga Paris – Glamour tại Singapore, Tháng Mười Một 2019 (ảnh do bà Marie Tô cung cấp)

Nói về chuyện thu hình, làm chương trình sân khấu trong studio…, có vẻ như trong Việt Nam đang phát triển mạnh. Đó là một áp lực lớn với chị?

Dĩ nhiên, áp lực lắm chứ. Chẳng hạn như năm 2020, thời điểm nước Mỹ đang chịu dịch và mọi người như chết đứng khi mọi thứ khựng lại và bế tắc, Việt Nam lại không bị ảnh hưởng nặng của COVID-19 nên trong nước vẫn nở rộ các chương trình âm nhạc trên truyền hình. Trước kia còn nghèo nàn, nhưng bây giờ, nhờ có những nguồn tài trợ lớn và tiếp cận kỹ thuật thế giới nên họ làm rất hay. Với chúng tôi, điều quan trọng là Thúy Nga Paris cần giữ vững sao cho những gì chúng tôi đã làm phải được xem là phong cách riêng, vốn trở thành thân quen với khán giả, qua nhiều thế hệ nghệ sĩ tham gia cùng chúng tôi.

Bên cạnh việc làm chương trình tốt, cần phải có nhân tài và sáng kiến mới cho phần dàn dựng. Thúy Nga cố gắng gìn giữ những nghệ sĩ cộng tác lâu năm và các tiết mục của mình. Chẳng hạn, nói đến Thúy Nga Paris thì không thể không nhắc đến chú Ngạn (nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn), Kỳ Duyên… hay những phần kịch nói đi kèm chương trình. Bên cạnh đó, cần nói là dòng nhạc vàng của miền Nam Việt Nam vẫn luôn là một kho tàng quý giá cần gìn giữ. Các tác giả lừng danh của dòng nhạc này vẫn tin cậy và giao phó tác phẩm của họ cho Thúy Nga Paris.

Bà Marie Tô và chồng, ông Paul Huỳnh (ảnh do bà Marie Tô cung cấp)

Đã bao giờ chị nghĩ đến chuyện mở rộng hoạt động Trung tâm Thúy Nga tại Việt Nam chưa? Đã có lúc có những tin đồn rằng nhiều công ty trong nước đã chào mời…

Ồ, việc đó thì nhiều lắm. Phải nói thật rằng chồng tôi, anh Thi còn mẹ ở Việt Nam nên tôi vẫn phải về Việt Nam nhiều lần cùng với anh ấy. Mỗi lần như vậy, tôi luôn được các công ty chào mời việc hợp tác phát hành và làm việc ở Việt Nam. Những lời mời như vậy có từ đầu những năm 2000. Khung cảnh làm việc ở Việt Nam là điều rất hấp dẫn, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải cân nhắc nhiều.

Vì sao chị phải cân nhắc? Chị có thể nói thêm cho mọi người được biết?

Thật tế nhị. Là một công ty làm việc với Mỹ, với phong cách tự do lâu nay, nếu về Việt Nam, chúng tôi phải chấp nhận những ràng buộc nhất định. Điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Kiểm duyệt là một trong những nguyên tắc khi làm việc trong Việt Nam. Nhưng riêng tôi thì thấy vẫn chưa thể làm quen được.

Nói rõ hơn một chút, có nghĩa chị còn lưỡng lự chuyện về Việt Nam?

(Bật cười) Phải nói luôn là không, với tôi. Phải nói rõ rằng tôi thừa hưởng được công ty này từ ba mẹ mình, vốn là những người yêu âm nhạc Việt Nam. Ngày hôm nay tôi có bốn đứa con cùng phụ tham gia xây dựng những chương trình cho Thúy Nga Paris. Bản thân chúng là những người có tư tưởng độc lập và phóng khoáng. Chúng lớn lên và trưởng thành trong môi trường tự do sáng tạo, nhất là trong lãnh vực nghệ thuật. Cho nên, việc phải thay đổi và chấp nhận kiểm duyệt thì thật sự không thể phù hợp đối với chúng tôi nói chung. Sự tự do sáng tạo là điều cốt yếu để làm nên những chương trình văn nghệ hấp dẫn. Nếu bị ràng buộc thì mình khó thực hiện được tầm nhìn của mình để cống hiến cho khán giả.

Còn một điều nữa tự trong sâu thẳm bản thân là tôi không chỉ bảo vệ những chương trình Thúy Nga như là một người làm kinh doanh mà còn muốn giữ chúng như một người bảo vệ di sản văn hóa. Từ một lúc nào đó – chắc là khi thấy mình đã lớn tuổi – tôi chợt nghe những bài hát Việt Nam giống như tiếng lòng mình. Tôi tha thiết yêu từng lời hát như yêu đất nước mình khi nghĩ đến. Tôi muốn giữ trọn vẹn tất cả mọi thứ như một người gìn vàng giữ ngọc.

Ca sĩ Hoàng Mỹ An trong chương trình “Xuân Hy Vọng”, Thúy Nga Paris By Night 131, show cuối cùng quay vào Tháng Một 2021 tại Orange County-California trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát

Thưa, chị đang nói đến tình yêu với công việc, nhưng trong bối cảnh mọi thứ ngày càng khó khăn, chị hy vọng gì và có những dự liệu gì cho tương lai?

Tôi thấy giới trẻ bây giờ cả trong và ngoài nước phần đông đều thích những dòng nhạc thịnh hành theo các thể loại mới. Riêng tôi vẫn muốn gìn giữ những dòng nhạc cũ đang dần bị mai một, bởi kho tàng nhạc vàng của miền Nam Việt Nam còn nhiều và đang chờ được khai thác một cách đầy đủ và trân trọng.

Tôi có một khát vọng lớn hơn nữa lúc này. Tôi muốn biến Thúy Nga Paris trở thành một trung tâm dữ liệu mãi mãi về âm nhạc lẫn con người của nghệ thuật Việt Nam, để mọi thế hệ sau có thể tìm đến và nhìn thấy một nền văn hóa đẹp đẽ mà người đi trước tạo dựng được. Tôi tin rằng mình sẽ tìm thấy một con đường để có thể tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển âm nhạc tự do miền Nam Việt Nam. Tất cả không phải là chuyện kinh doanh mà là trách nhiệm của mình đối với nền văn hóa Việt, hôm nay và ngày sau.

Tuấn Khanh thực hiện

_________

ĐỌC THÊM:

Trúc Hồ: “Nếu đến lúc phải dừng lại, tôi cũng đành…”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: