Những ai trưởng thành trong thập niên từ 60 đến 80 đều không thể nào quên ca khúc “Bambino” với giai điệu Mambo nhộn nhịp, hòa vào nếp sống vui tươi của Sài Gòn thời ấy.
“Bambino” được danh ca Dalida, quốc tịch Pháp gốc Ý, sinh ra và lớn lên ở Cairo (Ai Cập), viết lời Pháp dựa theo nguyên bản “Guaglione” (tạm dịch là “Cậu bé”). Cả nguyên bản “Guaglione” và phiên bản “Bambino” cùng ra đời hồi năm 1956. Cũng trong năm này, Dalida thu âm và phát hành đĩa CD “Bambino”.
Ca khúc này đã làm nên tên tuổi của Dalida vì ngay sau đó “Bambino” chiếm vị trí hàng đầu trong 45 tuần liền, trong bảng xếp hạng “French song”, trở thành bài hát giữ vị trí thứ #1 lâu nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Từ năm 1957 đến năm 1958, “Bambino” cũng chiếm các vị trí hàng đầu tại Quebec (Canada), Wallonia (Bỉ), và vị trí #5 tại Flanders (Bỉ).
Nguyên bản “Guaglione” được viết bằng tiếng Neapolitan do Giuseppe Fanciulli sáng tác phần nhạc và Nicola “Nisa” Salerno sáng tác phần lời. “Guaglione” giành chiến thắng tại Liên hoan bài hát Neapolitan lần thứ IV hồi năm 1956, và sau đó được phát sóng trên radio cùng năm. Xin nói thêm rằng, tại mỗi đợt Liên hoan bài hát Neapolitan thì người ta chỉ chọn ra một bài hát hay nhất.
“Bambino” thừa hưởng phần nhạc từ “Guaglione” nên mang giai điệu sôi nổi, lôi cuốn của điệu Mambo. Mambo là một trong những điệu nhảy khiêu vũ Latin, có nguồn gốc từ Cuba.
Mặc dù là nữ, nhưng Dalida trình bày thành công khúc hát mang tâm sự của cậu thiếu niên mới lớn, lần đầu biết yêu và thất vọng vì tình yêu. Nhưng rồi cậu bé chợt nhận ra bản chất trẻ con trong cậu ta vẫn còn, chưa thật sự trưởng thành để yêu, để chiều chuộng một người con gái. Nhận ra được điều đó, cậu bé lại vui tươi hồn nhiên chơi đàn, cất tiếng hát. Trong sự hụt hẫng đầu đời thì hình ảnh người mẹ xuất hiện, để tiếp tục làm vai trò động viên, nâng đỡ cậu bé.
Dalida trình bày “Bambino” với nụ cười thật tươi từ vẻ đẹp của người từng giành giải á hậu trong cuộc thi hoa hậu Miss Ondine (tại Cairo, Ai Cập). “Bambino” có bốn tiết tấu khác nhau chuyển tiếp xuyên suốt bản nhạc. Ở đoạn dạo đầu, Dalida hát chay (không nhạc đệm), chủ yếu là trình diễn chất giọng với âm sắc sâu lắng đầy nội lực:
Bambino
Bambino
Ne pleure pas, Bambino
Đồ trẻ con!
Đồ trẻ con!
Đừng khóc! Đồ trẻ con!
Ở khúc cuối, cô lại hát với tiếng đệm của đàn piano như thể cậu bé trong bài ca đã lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống:
Et là, blotti dans l’ombre douce de ses bras
Pleure un bon coup, et ton chagrin s’envolera
Nép mình trong vòng tay mềm mại của mẹ
Và rồi để nước mắt tuôn rơi, nỗi buồn sẽ tan biến
Còn những đoạn có tiết tấu sôi động, Dalida dường như muốn thể hiện tâm trạng xáo động của một cậu bé mới lớn:
Đau khổ đã khiến đôi mắt sưng húp, thần sắc buồn rười rượi, sắc mặt tái nhợt
Qua bao ngày mất ngủ, ngươi vật vờ như một bóng ma
Hằng đêm ngươi thất thần cô độc lang thang trên phố dài
Dừng chân bên vỉa hè để ngước nhìn người yêu bên khung cửa sổ
Ngươi yêu nàng (đúng là trẻ con)
Chỉ vì nàng có đôi mắt đẹp (đúng là trẻ con)
Vì quá trẻ con nên ngươi chưa biết cách nuôi dưỡng tình yêu (đúng là trẻ con)
Dạo khúc nhạc trên cung đàn mandoline
Ngươi nhận thấy âm nhạc đẹp hơn tình yêu
Đẹp hơn cả bầu trời nước Ý
Và ngươi cất lên tiếng hát bằng chất giọng trẻ thơ
Hát không ngừng nghỉ, hát thỏa ước mong
Nàng chẳng hề quan tâm đến câu ca tiếng đàn
Với mái tóc vàng óng, ngươi chẳng khác gì một thiên thần bé bỏng (đúng là trẻ con)
Thôi thì hãy đi chơi bóng
Giống như bao đứa trẻ trai khác (đúng là trẻ con)
Ngươi bày đặt hút thuốc cho ra vẻ đàn ông
lắc hông trên vỉa hè
Trong khi ngước nhìn nàng
Rồi ngả nón nghiêng nghiêng bên vành tai để chào nàng
Nhưng những cử chỉ đó không làm ngươi trưởng thành trong mắt nàng
Trẻ con không chịu đựng được ghen tuông trong tình yêu (đúng là trẻ con)
Rồi ngươi sẽ đau khổ cả đời như người lớn (đúng là trẻ con)
Nếu ngươi dằn dặt hoài (đúng là trẻ con)
Thì đừng giữ trong lòng (đúng là trẻ con)
Hãy tâm sự với mẹ (đúng là trẻ con)
Mẹ chính là người lắng nghe ngươi
“Bambino” mang lại bầu không khí khuấy động nên bài hát này dễ dàng hòa vào nếp sống của người Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa, từ những năm đầu tiên khi nhạc ngoại quốc du nhập vào Sài Gòn. Điển hình là hồi năm 1959, nhà sách Minh Phát nằm tại góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực (Sài Gòn) bán tờ nhạc của Thời Đại 20 Xuất Bản có quảng cáo ở mặt sau là “ĐÃ IN” tờ nhạc Bambino với lời Việt của thi bá Vũ Hoàng Chương, mang tựa “Chiều Năm Xưa”.
Cùng năm 1959, nhà xuất bản Hoa Thủy Tiên ở Sài Gòn phát hành tờ nhạc “Bambino” với lời Việt của nhạc sĩ Tô Huyền Vân mang tựa đề “Mối Tình Đầu”, có ảnh bìa là cô Kim Vui, nữ tài tử nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ sau khi cô vào vai nữ chính trong phim “Chân trời tím”.
Khi biết được sự yêu mến của người Sài Gòn, Dalida đã đến Sài Gòn biểu diễn tại khách sạn Caravelle. Trang báo mạng saigon-vietnam.fr cho biết, vào Tháng Bảy 1962 ca sĩ Dalida đã tổ chức một số buổi diễn lớn tại rạp hát Rex và khách sạn Caravelle tại Sài Gòn, Việt Nam.
Dalida có vẻ đẹp rạng ngời đầy sức sống, nụ cười rạng rỡ trong ca khúc “Bambino” vẫn nằm trong ký ức và trái tim của những người Việt năm xưa.
Thế nhưng, người đàn bà xinh đẹp mang lời ca tiếng hát để làm vui lòng mọi người – Dalida – đã giấu đi nỗi buồn chất chứa trong lòng vì cuộc đời cô đầy bi kịch. Phải chăng khi Dalida hát và thành danh với “Bambino” thì đó cũng là định mệnh đời cô? Những người đàn ông từng si mê cô luôn chuốc lấy sự thất vọng, vì tình yêu của họ đối với Dalida cũng giống như “cậu bé” trong bản nhạc ấy?
Ở đỉnh điểm của thành công và vinh quang, với hàng loạt danh hiệu liên tiếp trong sự nghiệp của Dalida từ năm 1954 đến 1987, điều không ai có thể ngờ là Dalida đã tự kết liễu đời mình vào tuổi 54, sau lần lượt ba cái chết (cũng đều là tự vẫn) của ba người đàn ông từng yêu, sống chung, và thương nhớ cô trong đời. Cho dù Dalida xinh đẹp không còn nữa, nữ ca sĩ tài hoa đã để lại khoảng 500 ca khúc được cô thu âm ghi hình, trong đó có 200 ca khúc bằng tiếng Ý và 300 bài bằng các ngôn ngữ khác.
Cho đến nay, “Bambino” thỉnh thoảng vẫn còn vang lên tại các phòng trà ở Sài Gòn, qua những ca sĩ chuyên hát nhạc tiếng Pháp. Nơi Dalida từng đến biểu diễn là khách sạn Caravelle vẫn còn đó, còn trong những tiệm bán sách cũ, vẫn còn lưu truyền những tờ nhạc ghi tên bài hát “Bambino” của Dalida từng được phát hành ở Sài Gòn.