Chúc mừng năm mới và đừng quên ngày tháng cũ

Ảnh minh họa: Artem-kniaz/Unsplash

Mọi người vẫn thường nghe bài hát “Happy New Year” mỗi độ Tết về, dù là Tết tây hay Tết ta. Song thật ra nội dung bản nhạc này chất chứa nội dung ảm đạm, không gợi mở hy vọng vào tương lai, chỉ “ăn tiền” bằng câu “Happy New Year” lặp đi lặp lại nhiều lần trong bản nhạc.

“Happy New Year” theo xu hướng trở thành nhạc phẩm chào đón năm mới

Ra đời vào năm 1980, “Happy New Year” là nhạc phẩm do hai thành viên Benny Andersson và Björn Ulvaeus của nhóm Abba sáng tác và trình bày. Bài hát này hiện vẫn vang rền khắp mọi nhà, quán cà phê, quán ăn, nhà hàng, siêu thị, nhà sách… mỗi khi Tết đến Xuân về.

Chắc là vì câu “Happy New Year” trong lời bài hát tiếng Anh này mà người ta lầm tưởng đây là bài hát dành để chào đón năm mới.

Hồi năm 2022, “Happy New Year” đã lọt vào thứ hạng #29 trong danh sách 100 bản nhạc thịnh hành nhất ở Việt Nam do Billboard Vietnam bình chọn. Trên bình diện thế giới, “Happy New Year” đã đạt được danh hiệu đĩa vàng tại Đan Mạch với số bản đĩa được bán ra hơn 45 ngàn bản.

Song nếu để con tim lắng đọng và khép hờ hai hàng mi lại khi cảm thụ lời bài ca thì chúng ta sẽ nhận ra ngay nhạc phẩm này chất chứa nỗi niềm của một thanh niên về một tương lai không mấy xán lạn.

Minh họa: myriam-zilles-unsplash

Rượu sâm banh đã cạn,

Và pháo hoa trên bầu trời cũng đã tắt,

Chỉ còn lại nơi đây mỗi em và anh,

Cảm thấy mất mát và cảm thấy buồn.

Buổi tiệc tàn rồi,

Và ngày mai thì bầu trời chắc sẽ xám nghét,

Chẳng còn trong xanh như ngày hôm qua.

Đây là lúc chúng ta cần ngồi lại để chúc nhau câu chúc

 

Chúc mừng năm mới,

Chúc mừng năm mới,

Chúc cho tất cả chúng ta từ nay về sau,

Được sống trong một thế giới mà tất cả là bạn của nhau.

Chúc mừng năm mới,

Chúc mừng năm mới,

Chúc cho tất cả chúng ta có niềm hy vọng, ý chí vững chắc,

Nếu chúng ta sống mà không hy vọng, không có chí thì chẳng khác nào đã chết,

Anh và em cũng vậy.

 

Em chờ xem,

Thế giới mới này sẽ kiên cường đến độ nào,

Và em chờ xem thế giới sẽ phát triển ra sao.

Trong đống tro tàn của nhân loại,

Con người chẳng khác gì những chú hề,

Vì họ nghĩ rằng họ sẽ ổn,

Nhưng họ đang lê từng bước chân nặng nề,

Mà không hề biết rằng họ chỉ là đống tro tàn,

Và vẫn cố bước đi.

 

Đối với em bây giờ,

Những gì em hằng mơ ước,

Tất cả đã chết trong lòng, chẳng khác gì so với những xác pháo tơi tả trên nền,

Một thập niên đến hồi kết thúc,

Một thập niên mới mở ra,

Ai mà biết được chúng ta sẽ tìm thấy gì trong tương lai?

Những gì đang chờ phía trước?

Cho đến khi hết năm tám mươi chín.

Hồi còn nhỏ xíu, mỗi lần nghe bài hát này tôi cảm thấy buồn nhưng tôi không hiểu vì sao. Lớn lên, tôi mới ngộ ra rằng đó là vì lời bài hát mang tâm sự của một kẻ chán chường.

Thử hỏi, khi hát một bản nhạc có nội dung như vậy thì cho dù ca sĩ có hát theo phong cách “giựt bứt gân” cũng không toát lên nổi tinh thần sung sức, tràn đầy niềm vui một cách thật sự để có thể lan truyền sức sống cho thính giả. Toàn bài chỉ “vớt vát” được mấy chữ “Happy New Year”.

Minh họa: PIRO4D/Pixabay

“Auld Lang Syne” nhắc nhở chúng ta chào đón năm mới nhưng đừng quên ngày tháng cũ

Nhiều năm nay, người Việt trong nước đã dùng nhạc phẩm “Happy New Year” như là một “nhạc hiệu” để đón chào năm mới, mà quên đi bài ca “Auld Lang Syne” từng để lại trong tim những con người thời Việt Nam Cộng Hòa biết bao cảm xúc đẹp. Cho đến ngày nay các nước nói tiếng Anh vẫn hát vang bản “Auld Lang Syne” vào đêm Giao thừa Tết tây.

Chính bài hát này cũng đưa tôi về dòng ký ức tuổi thơ. Ngày ấy, đám trẻ con miền Nam hay chế lời bài hát thành khúc hát vui: “Ò e cây me đánh đu, trực thăng nhảy dù…”.

Và cứ mỗi lần trăng sáng, lấp ló trong tán lá cây xoài trong sân nhà tôi, tôi lấy một cây sào dài vừa cố dựng lên bằng sức của trẻ con để “hái trăng” giữa tán cây, vừa hát: “Ò e cây me đánh đu, trực thăng nhảy dù…”. Tôi hát như thể muốn nói rằng cái sào nặng quá cứ đánh đu qua lại làm tôi phải cố ghì chặt để dựng nó lên. Năm tháng đi qua, tuổi thơ tôi đã trở thành ngày tháng cũ như những ngày tháng cũ trong bài “Auld Lang Syne” mà tôi không bao giờ quên.

Cho dù ngày tháng cũ có đẹp hay không thì tôi vẫn cứ nhớ. Người ta thường khuyên tôi “Hãy quên đi những tháng ngày mông muội ấy”. Song tôi nghĩ rằng chính quá khứ làm nên nền tảng con người, vì vậy cho dù đấy không phải là một quá khứ đẹp thì vẫn cứ phải nhớ để suy ngẫm, để coi như là trải nghiệm.

Trở lại bài ca “Auld Lang Syne”, đây là một bản nhạc dân gian truyền thống ra đời hồi năm 1799 – dựa trên ý của một bài thơ bằng tiếng Scotland của nhà thơ Robert Burns sáng tác năm 1788. Kể từ đó, bài hát được trình bày trong đêm Giao thừa, tiễn đưa năm cũ, đón năm mới về. Lần lần, bài ca này còn được hát trong những dịp khác như lễ tốt nghiệp, hay dịp kết thúc một sự kiện.

“Auld Lang Syne” được đưa vào danh sách 13,892 bài hát dân gian bằng tiếng Anh từ các nước trên khắp thế giới. “Auld Lang Syne” là cụm từ cổ của nghĩa “Old Long Since”, và chúng ta có thể hiểu rằng “Những Ngày Tháng Cũ”.

Có rất nhiều phiên bản “Auld Lang Syne” được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc trình bày. Trong bài này, chúng ta cùng lắng nghe phiên bản của nhóm nhạc The Tenors.

Có nên quên đi người quen ngày trước,

Để không còn mang hình ảnh trong tim?

Có nên quên đi người quen ngày trước,

Và những ngày tháng cũ đã qua?

 

Ôi! Những ngày tháng cũ,

Những ngày tháng cũ,

Ta nâng ly chúc mừng nhau nhé,

Vì những ngày tháng cũ đã qua.

 

Hai ta chung một con thuyền năm cũ,

Vượt suối về nguồn trong ánh ban mai,

Biển cả giữa chúng ta và vũ trụ bao la,

Từ những ngày tháng cũ đã qua.

 

Em sẽ mời anh một ly rượu nhé,

Và chắc rằng ta sẽ nâng ly!

Ta nâng ly chúc nhau lời tốt đẹp,

Vì những ngày tháng cũ đã qua.

Những giọng hát mạnh mẽ dạt dào tình cảm của bốn thành viên nam thuộc nhóm The Tenors trình bày “Auld Lang Syne” như nhắc chúng ta vào giờ phút liêng thiêng tiễn đưa năm cũ, cũng đừng quên ôn lại những kỷ niệm, những người dù không thân nhưng đã đồng hành cùng ta trong cuộc sống.

Quan niệm của người Việt là “tống cựu nghênh tân” nên nhiều người muốn quên đi những ngày tháng cũ và chỉ sống cho hiện tại. Ngay cả các thầy tu cũng thường khuyên chúng ta “hãy chánh niệm”, tức là sống cho hiện tại.

Tuy nhiên, thiển nghĩ chánh niệm ở bậc cao hơn là chúng ta có thể sống dung hòa giữa việc ghi nhận quá khứ đã qua, nhưng vẫn sống hết mình ở phút giây hiện tại. Mỗi khi chúng ta đón chào năm mới thì đừng quên ngày tháng cũ – đã từng chứa đựng sự nỗ lực, sự dũng cảm vượt qua thử thách của mỗi cá nhân, hình thành nên những trải nghiệm khó quên của đời người, giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và có niềm hy vọng vào tương lai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: